Một đột phá đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) vào cuộc sống

Những năm gần đây, Đảng ta đã 2 lần ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Lần trước là NQTW 6(2) khóa VIII, tháng 2-1999. Nay BCHTW (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 4 tiếp tục ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết được toàn dân quan tâm và hoan nghênh, nhất là cán bộ, đảng viên. Cuộc chỉnh đốn Đảng lần này có vị trí rất quan trọng, tiến hành ở thời điểm cần làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng (nhất là vai trò lãnh đạo của các đồng chí chủ chốt của Đảng, Nhà nước). Trong sự nghiệp cách mạng lớn lao hiện nay, tình hình trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, niềm tin vào Đảng, vào chế độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng đó có nguyên nhân đã được Nghị quyết chỉ rõ: “… có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, do những người cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa làm tròn vai trò công bộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Những vấn đề Nghị quyết đặt ra rất cấp thiết. Sau khi có nghị quyết đúng, việc tổ chức thực hiện là điều quyết định. Bác Hồ đã dạy: “Nói cái gì phải cho tín - nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin...”(*). Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, có hiệu lực, hiệu quả, theo ý kiến của tôi, có 2 việc trước mắt:

1. Tìm khâu đột phá mở đầu, làm mẫu cho cả quá trình chỉnh đốn Đảng.

2. Chuẩn bị chu đáo làm tốt khâu đột phá này.

Rút kinh nghiệm từ cuộc chỉnh đốn Đảng theo NQTW 6 (2), lần này Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp dưới noi theo.” Do đó, tôi đề xuất khâu đột phá phải làm từ trên xuống, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc này đúng theo chỉ dẫn của Bác: “Việc phê bình phải từ trên xuống…”(**) và “cấp trên không tự phê bình một cách thật thà thì cấp dưới cũng không tự phê bình tốt”.(***)

Do đó, bước 1 là tự phê bình, phê bình, chỉnh đốn trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Phải dựa chắc vào tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, vào Di chúc của Người, phải thể hiện rõ tinh thần tự chỉ trích như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu, phải quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân như đồng chí Nguyễn Chí Thanh từng nhấn mạnh.

Để thực hiện bước 1 có kết quả, phải chuẩn bị kỹ. Nghị quyết chỉ rõ: “Trước khi kiểm điểm, cần có hình thức phù hợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm” và “Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng xây dựng kế hoạch, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nội dung gợi ý”. Tôi đề xuất: lấy ý kiến tốt nhất bằng điều tra xã hội học; nội dung gợi ý cần nêu rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, tiêu cực trong lĩnh vực được phân công phụ trách, ưu, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ của từng đồng chí thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bản gợi ý cho từng đồng chí nhất thiết cần có ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư.


Sau khi có bản gợi ý, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư viết bản tự phê bình và phê bình đồng thời viết bản kê khai tài sản gửi Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư trao đổi với từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham khảo thêm ý kiến một số lão thành cách mạng (không nên ấn định thời gian quá hẹp). Sau khi chuẩn bị chu đáo mới tổ chức tự phê bình và phê bình. Người lãnh đạo, điều hành trực tiếp là Tổng Bí thư. Để việc tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tốt, ngoài việc chuẩn bị chu đáo cần mời một số đồng chí lão thành cách mạng còn minh mẫn, còn sức khỏe và một số cán bộ tin cẩn, có uy tín,  kinh nghiệm tham gia.

Sau tự phê bình và phê bình mỗi đồng chí thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư viết bản kế hoạch hành động sửa chữa khuyết điểm, hạn chế.

Tổng Bí thư tổng kết và có bản chương trình hành động, sửa đổi, chỉnh đốn của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và công khai (trừ những vấn đề cần giữ bí mật theo quy định)  cho đảng viên và nhân dân được biết .

Tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên kết thúc chậm nhất vào cuối năm 2012, từ đó lấy kinh nghiệm để chuyển sang bước 2.

Tôi tin rằng nếu làm đúng tinh thần Mác-xít, làm đúng tinh thần và tư tưởng Hồ Chí Minh, mở đầu thành công cuộc chỉnh đốn Đảng sẽ rút được nhiều kinh nghiệm, nêu gương, tạo đà làm tốt các bước sau trong toàn Đảng. Đảng ta sẽ tỏa sáng, lấy lại niềm tin trọn vẹn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc anh hùng…

Ngô Minh Giang

--------

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG-ST, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.223-224.
(**) Sđd, tập 5, tr.584-585
(***) Biên niên tiểu sử, H.1995, tập 7, tr.465

Phản hồi (10)

Trịnh Xuân Quảng 12/03/2012

Kính gửi đ/c Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng! Chắc đồng chí cũng thấy tình trạng suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống của không ít cán bộ đảng viên mà suốt bao nhiêu năm nay (ít ra là từ Đại hội VIII với Cuộc vận động Chỉnh đốn Đảng do TBT Lê Khả Phiêu phát động) chúng ta không trừ bỏ được là do "môi trường làm cán bộ sinh ra (xưa gọi là môi trường làm quan hay chốn quan trường). Môi trường này được tạo nên bởi những cơ chế, chính sách về quản lý con người, quản lý kinh tế có rất nhiều khe hở, trao quyền lực quá nhiều cho một vài người lãnh đạo chủ chốt, trong khi đó không có cơ chế kiểm tra giám sát có hiệu quả vì vậy mới tạo nên tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy dự án... Vì vậy Nghị quyết 4 lần này muốn thành công thì cái gốc là phải thay đổi được cái môi trường làm quan này. Nếu không thay đổi được thì có kiểm điểm đến đâu, có thay cả cán bộ lãnh đạo thì tình trạng suy thoái vẫn tiếp diễn.

Dương Huy 05/03/2012

Tôi hoàn toàn nhất trí với đồng chí Trịnh Xuân Quảng. Hãy nhìn lãnh đạo Hải Phòng mà xem. Làm sao những cán bộ ấy tự phê bình rằng việc tôi làm là sai?

Trịnh Xuân Quảng 01/03/2012

Phê bình, tự phê bình là cần nhưng chưa đủ. Hơn nữa theo quan điểm của tôi, phê và tự phê vẫn chỉ là liều thuốc chữa "phần ngọn" của bệnh. Cái gốc khiến bệnh phát sinh là ở đâu ? Chính là cơ sở kinh tế xã hội. Tôi nhớ đ/c Nguyễn Minh Triết đã có lần nói: Cái cơ chế quản lý, lãnh đạo của mình khiến người không muốn tham ô, hối lộ cũng dễ trở thành người tham ô, hối lộ. Đúng vậy, không làm cán bộ chủ chốt thì không sao, hễ ngồi vào ghế chủ chốt thì bắt đầu ở vào môi trường dễ bị tham ô hối lộ. Vì sao vậy, vì cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế sử dụng cán bộ của ta chưa minh bạch, tạo cho ngưới lãnh đạo chủ chốt có quá nhiều quyền hành. Do đó đã ngồi vào chiếc ghế ấy khó giữ được trong sáng lắm: Hoặc phải "nhúng chàm", hoặc bị gạt ra khỏi ghế. Ghế càng cao càng khó. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo Đảng phải thay đổi cơ chế quản lý, lãnh đạo sao cho minh bạch, tức là tạo nên môi trường làm việc trong sáng, giúp cho mọi đảng viên ở mọi cương vị quản lý, lãnh đạo luôn khoẻ mạnh không bị "nhiễm bệnh" mới là trị bệnh từ gốc. Nghe nói ở Singapo người ta đã làm được điều này. Chính sách của họ khiến cho những người làm bộ máy công quyền không cần tham ô và không dám thám ô; ta nên học tập họ.

1 2 3 4

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất