Chống tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa từ tốt sang xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây chính là một  nguyên nhân cơ bản, chủ yếu nhất dẫn tới giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, dần mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa là biện pháp hữu hiệu giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bền vững của chế độ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” đó là những biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa. Để chống tự diễn biến, tự chuyển hóa cần phải nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thường xuyên tự phê bình và phê bình. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Thể hiện cụ thể ở một số nội dung sau đây:

1. Tăng cường hàm lượng trí tuệ trong bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Trí tuệ là nội hàm của nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định trên cơ sở những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy trở thành công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới. Có năng lực trí tuệ  mới có thể hình thành và phát triển tính nhạy bén để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề phức tạp. Do đó, hàm lượng trí tuệ được hiểu là lượng trí tuệ được tích luỹ, chuyển hoá, kết tinh bởi tổng hòa những tri thức về khoa học chính trị, khoa học nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên nhằm tạo nên phẩm chất, đức tính tự quyết định một cách độc lập về thái độ, lập trường và hoạt động của chủ thể.

Bản lĩnh chính trị có cấu trúc tổng hợp gồm: nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin và hành vi chính trị đã phát triển đạt tới trình độ tự giác, tạo nên năng lực làm chủ của cán bộ, đảng viên, thể hiện tập trung ở sự vững vàng kiên định, đồng thời nhạy cảm trước những biến động chính trị xã hội, tính tích cực trong tham gia vào các quá trình chính trị - xã hội đó, giải quyết chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị thực tiễn, đúng với quy luật khách quan và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Với ý nghĩa đó, sự hình thành, phát triển bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trước hết tỷ lệ thuận với việc tăng cường hàm lượng trí tuệ trong các yếu tố hợp thành bản lĩnh chính trị của họ.

Để tăng cường hàm lượng trí tuệ trong bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, học tập sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường học tập đường lối đổi mới của Đảng, hiểu biết xu hướng phát triển của thế giới, nắm vững quy luật khách quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Tích cực rèn luyện phong cách, tác phong công tác khoa học.

Đó là phong cách, tác phong làm việc có chương trình, kế hoạch, chính xác, tỷ mỷ, sâu sát, cụ thể, hiệu quả, không quan liêu, hình thức. Người cán bộ, đảng viên  phải phát huy dân chủ,  luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, vì lợi ích của tập thể, nhân dân, đất nước để có quyết định đúng đắn kịp thời, chính xác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ về phong cách lãnh đạo, đó là: “…trước hết chúng ta cần sửa chữa khuyết điểm trong tư tưởng và tác phong lãnh đạo. Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ,  khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”[1]. Thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình. Không định kiến, hẹp hòi mà phải khoan dung, đại lượng, biết xử sự có lý, có tình, giữ nguyên tắc mà không cứng nhắc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, phải có tinh thần tập thể, tinh thần “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ”; phải công bằng với mọi người, công tâm, chính tâm… thì dân sẽ tin, sẽ phục và làm theo.

3. Thường xuyên tự giáo dục, tự rèn luyên đạo đức cách mạng.

Đây là biện pháp quan trọng, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị phải được hình thành trên nền tảng đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[2]. Đạo đức cách mạng không phải “trên trời rơi xuống” mà phải người cán bộ, đảng viên tự vươn lên hoàn thiện, học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả, đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Bác dạy: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”[3]. Quá trình tự hoàn thiện, tự giáo dục, tự rèn luyện không phải là công việc tự giác nhất thời mà là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục, có mục đích, có kế hoạch, bám sát tình hình để điều chỉnh, thích nghi với công việc, với thời cuộc và hợp với lòng dân, ý Đảng.

4. Nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Thực tế cho thấy, ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng của mỗi cán bộ đảng viên thì cần phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực. Bởi bản lĩnh chính trị không chỉ là việc nắm vững mà còn phải biết tổ chức thực hiện có hiệu quả, phải gắn liền giữa lý luận và thực tiễn. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn đức, luyện tài cho mỗi cán bộ, đảng viên, Bác nói: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích được gì ai”[4]. Tình hình hiện nay, một số cán bộ, đảng viên trong đó có không ít cán bộ quản lý, lãnh đạo yếu về năng lực nhất là năng lực quản lý, điều hành, tổ chức, lãnh đạo. Thời đại luôn vận động và phát triển, cuộc sống luôn biến đổi, nhiệm vụ yêu cầu luôn mới đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, cán bộ, đảng viên mới được quần chúng tín nhiệm, tin yêu.

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần thực hiện các nhóm giải pháp cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đôi với việc tăng cường giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp phải đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những nội dung cụ thể sát hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác của mình.



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, T8, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 275. [2] Sđd, t.11, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 329. [3] Sđd, tr. 352. [4] Sđd, tr. 184.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất