Đại dịch COVID-19 và những cảnh báo về công tác cán bộ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII (Ảnh: Phạm Cường/ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Kỳ 1: Mầm bệnh phát tác trong mùa dịch

Mầm bệnh (chủ quan, duy ý chí, vô cảm, thiếu dân chủ, mất đoàn kết, vô trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền, “trên nóng, dưới lạnh”, suy thoái đạo đức, lối sống, tranh công, đổ lỗi, đùn đẩy…) đã ủ từ lâu trong cán bộ và công tác cán bộ, bởi thế Đảng mới có các nghị quyết về trách nhiệm nêu gương, sàng lọc đảng viên, cấm chạy chức, chạy quyền, quy định “Những điều đảng viên không được làm”… Trong trạng thái bình thường, mầm bệnh đã gây tổn hại đến bộ máy, nhưng chưa ở mức đe dọa nghiêm trọng sự tồn vong của hệ thống của dân, do dân và vì dân. Sức mạnh của hệ thống ấy dưới sự lãnh đạo của Đảng đủ sức để kiềm chế và thanh lọc nó. Tuy nhiên, trong trạng thái không bình thường, trạng thái dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 thì mầm bệnh phát tác mạnh có nguy cơ “tạo dịch trong dịch” hết sức nguy hiểm. Trong nguy nan ấy chúng ta đã và cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi chỉ ra những mầm bệnh yếu kém đã đề nghị Trung ương “đề ra những biện pháp chữa trị hữu hiệu”!         

Dịch bệnh đương nhiên phải có mầm bệnh, đại dịch COVID-19 không nằm ngoài lẽ đương nhiên đó. Nhưng điều khủng khiếp là khi y học thế giới còn chưa xác định được chính xác gốc gác vi-rút Corona ở đâu thì nó đã gây ra thảm họa toàn cầu và còn sinh ra nhiều biến chủng hết sức nguy hiểm, đặc biệt là biến chủng Delta! Biến chủng này đã làm cho Việt Nam, một nước có kinh nghiệm chiến thắng dịch bệnh hết sức ngoạn mục 3 lần kể từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2021, phải gánh chịu tổn thất khá nặng nề về người và của! Đến bây giờ dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại rất cao! Để ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát trở lại của dịch bệnh việc cần thiết là phải rà soát những việc đã làm được và những hạn chế, yếu kém cần khắc phục của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Để khống chế được dịch bệnh khi nó đã bùng phát nguy hiểm như vừa qua là sự gồng mình hết sức của toàn dân và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Công lao đáng ghi nhận hàng đầu là sự quên mình, không ngại gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ và người dân trên tuyến đầu chống dịch. Chắc chắn những tấm gương cao cả đó sẽ được nhân dân và lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, hiện giờ điều quan trọng trước hết, trên hết là phải tìm ra mầm bệnh và cách thức lây lan của nó như thế nào để ngăn chặn dịch không bùng phát. Mầm bệnh của đại dịch COVID-19 là vi-rút Corona và những biến chủng của nó đã được y học thế giới xác định.

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã tìm ra thủ phạm là biến chủng Delta. Cách thức, tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của nó về cơ bản cũng đã rõ! Như vậy mầm bệnh của dịch bệnh và cách thức lây lan của nó đã được xác định. Cách thức đã làm để phòng, chống nó có hiệu quả là thực hiện nghiêm 5K + vắc-xin đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 thì một loại mầm bệnh khác cũng cần được khống chế và xử lý kịp thời. Đó là mầm bệnh đã ủ lâu ngày trong “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên luôn rình rập, phát tác hết sức nguy hiểm. Thực ra nó đã phát tác dưới nhiều dạng như cán bộ vô cảm đi chơi golf trong khi cả hệ thống đang “chống dịch như chống giặc”! Rồi nâng giá thiết bị y tế! Rồi quát mắng cấp dưới khi họ đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh! Rồi ăn chặn tiền hỗ trợ! Rồi bán giấy đi đường! Rồi… nhiều thứ lùm xùm không đáng có trong khi chống dịch. Phát bệnh kiểu ấy không phải bây giờ mới có, nhưng trong mùa dịch, giữa trắng và đen, xấu và tốt mọi thứ đều được soi tỏ hơn.

Mầm bệnh ủ trong “bộ phận không nhỏ” Đảng đã biết, nhân dân cũng biết và cũng đang tiễu trừ nó một cách quyết liệt. Tuy nhiên, nó là mầm bệnh lâu ngày đã “thành tinh” hết sức nguy hiểm. Nó biết ẩn dấu vào những cơ thế tưởng rất khỏe mạnh, loại “thấy đỏ tưởng chín” với sự lây lan âm thầm, tinh vi, khó nhận biết. Mầm bệnh này cũng sinh ra rất nhiều biến chủng, đa dạng đến khó liệt kê cho hết. Nào là biến chủng “cá cậy vây, cua cậy càng”, nào là “con cháu các cụ cả”, nào là “4 ệ”, rồi thì vô cảm, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, tranh công, đổ lỗi, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, mất dân chủ, “lợi ích nhóm”, suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến… Có nghĩa là nhiều, nhiều lắm, đa dạng lắm! Ban đầu chỉ là thói tham, sân, si của người đời nhưng đối với người có quyền lực (dù tí chút hoặc rất nhiều) thì biến chủng đầu tiên là “cửa quyền” để rồi biến tiếp thành hàng loạt biến chủng mới nguy hiểm.

Biến chủng “cửa quyền” nguy hiểm ở chỗ nó có khả năng biến hóa khôn lường. Quyền nhỏ thì “cửa quyền nhỏ”, quyền to thì “cửa quyền to”. “Cửa” nào thì cũng ăn được và “cái gì cũng ăn được”! Bởi thế “cửa quyền” nào thì cũng hại dân, hại nước. Cửa quyền nhỏ thì như “ngứa ghẻ” bào mòn sức lực và niềm vui cuộc sống của người ta. Cửa quyền to thì gây tổn hại tới quốc gia, dân tộc hoặc chí ít cũng góp phần kéo đất nước tụt hậu xa hơn! Bởi thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải kêu gọi “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” để cán bộ không thể lạm quyền, không thể tác oai, tác quái, “hành dân” trái với bản chất của chế độ của dân, do dân và vì dân. Từ cửa quyền, lạm quyền dẫn đến mất dân chủ biến cán bộ thành “quan cách mạng”, không coi điều lệ, luật pháp là gì, tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm! Muốn biến của công thành của tư, muốn cất nhắc con em mình, người thân của mình, phe nhóm mình, phải trù dập người không hợp cạ với mình… rồi tìm mọi cách làm sai trái cho kỳ được bất chấp đạo lý, luật pháp.

Đã kéo bè, kéo cánh, “lợi ích nhóm” thì tất yếu mất đoàn kết. Mà đã mất đoàn kết thì trăm thứ rối rắm, không ai và không việc gì có thể làm tốt được. Và lời dạy của Bác trước lúc ra đi “giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” không thể thực hiện! Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khi ấy chỉ là hình thức. Việc lớn như vậy mà cũng hình thức, giả dối cho được thì bằng rởm, bằng giả, “bằng thật học giả”, “làm láo, báo cáo hay” chỉ là chuyện nhỏ! Vậy là bệnh phô trương thành tích, hình thức, “nói nhiều làm ít” “nói không đi đôi với làm”, lãng phí, tham ô, hủ hóa… đến “đứt hết cả dây thần kinh xấu hổ” cứ thế mà lây lan khắp chốn cùng nơi, từ thấp đến cao, đến cả “đền đài cung cấm” nơi tưởng như không thể đến như các tướng tá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vừa qua.

Nói cho gọn thì mầm bệnh đã ủ lâu lắm rồi, biến chủng đã biến ra đủ thứ bệnh và tác hại vô cùng lớn, không thể liệt kê hết được. Gặp điều kiện “tốt” là dịch bệnh nó có thể phát tác mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Chuyện “bánh mì không phải là thiết yếu”, rồi bán giấy đi đường, rồi ăn chặn tiền hỗ trợ, rồi đi chơi golf giữa mùa dịch… đã làm cả xã hội bức xúc càng thêm bức xúc! Điều đáng mừng là mầm bệnh đã được Đảng “bắt mạch và kê đơn thuốc đầy đủ”, vấn đề là người bệnh có chịu uống thuốc hay không mà thôi! “Thuốc đắng dã tật” nhưng vẫn còn nhiều người “ốm mà sợ thuốc”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lời nhắn nhủ cho những ai “trót nhúng chàm thì tự gột rửa”. Và vì “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” nên chúng ta không được khoan nhượng, không có vùng cấm để răn đe, cảnh tỉnh những ai có ý đồ tham nhũng đừng vơ vét, nhũng nhiễu, hành dân nữa. Vậy mà việc phòng, chống tham nhũng vẫn còn hết sức cam go.

Mấy ngày gần đây, một loạt các tướng tá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bị xử lý kỷ luật lại gióng hồi chuông nhói lòng về chống tham nhũng không có vùng cấm. Bởi thế, tiếp nối các nghị quyết về trách nhiệm nêu gương, về sàng lọc đảng viên, về chống chạy chức, chạy quyền, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XIII thảo luận việc bổ sung, hoàn thiện quy định “Những điều đảng viên không được làm” thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cũng nằm trong chiến lược làm trong sạch Đảng, quyết tâm tiêu diệt tận gốc mầm bệnh làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XIII, không phải ngẫu nhiên sau khi chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi: “Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu”. (Chỉ khi có bệnh mới phải chữa trị! Tác giả nhấn mạnh). Nhìn thẳng sự thật, nói thẳng, nói thật và những việc cần làm ngay của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã góp phần quan trọng làm cho sự nghiệp đổi mới của chúng ta có những thành tựu thần kỳ. Yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chăng là sự tiếp nối mạch nguồn đổi mới đầy sức sống của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kỳ mới!

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, đảng viên nhất thiết phải làm gương, phải đi đầu để “làng nước đi theo”. Trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cơ sở không cần nêu gương! Dân gian có câu: “Cháy nhà ra mặt chuột”, nhưng cũng có câu “gian nan tỏ mặt anh hùng”. Hy vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, với bài học chống dịch COVID-19 thời gian qua, “mặt chuột” không còn và các gương mặt sáng danh người Việt xuất hiện càng nhiều để đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế mạnh mẽ, hiện thực hóa thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước thành nước đang phát triển có thu nhập cao vào năm 2030, kỷ niệm 100 Ngày thành lập Đảng và thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước.

(còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất