Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị, áp bức hơn 80 năm của thực dân Pháp và hàng trăm năm của chế độ phong kiến. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam.


82 năm qua, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền, lập nhà nước dân chủ nhân dân, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta từng bước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời xác định một cách đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Sau hơn 25 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết toàn dân, đất nước ta đã vươn lên giành nhiều thắng lợi mới. Cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trong thế và vận hội mới Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng ta cũng đã và đang từng bước trưởng thành và lớn mạnh hơn về mọi mặt. Những thành tựu đã đạt được là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng thì hiện nay trong Đảng đang xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí... Vì ham danh lợi mà để đồng tiền chi phối lập trường, ý chí; vì tham quyền chức mà đánh mất đạo đức, lương tâm và điều đáng lo ngại là thực trạng đó đang diễn ra với mức độ và phạm vi ngày càng tăng ngay ở một số cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao. Đó là những vấn đề nổi cộm về công tác xây dựng đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Đó là những“con sâu bỏ rầu nồi canh”, một căn bệnh đang có dấu hiệu lây lan, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, nếu chậm khắc phục sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.


Thực trạng đó đang diễn ra trong Đảng. Đảng đã nhìn thấy và chọn một phương thuốc thiết thực và hữu hiệu để chữa trị tận gốc bằng Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là một nghị quyết rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu của tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết này: “Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân”.


Thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân dẫn tới những khuyết điểm, yếu kém kể trên phải kể đến cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, vì sa vào chủ nghĩa cá nhân mà quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ những vấn đề cấp bách cần phải triển khai ngay từ bây giờ. Đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng... Những vấn đề này có liên hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi chúng ta phải triển khai đồng bộ, triệt để và nhất quán, trong đó xác định việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Vậy vấn đề đặt ra là, từ trước đến nay Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, đã chỉ đạo nhiều cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng trong Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Chúng ta đã nhiều lần đặt câu hỏi lỗi đó là do đâu?

Đó chẳng phải là do lỗi của chính chúng ta? Do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này”. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác cũng chỉ rõ “chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ…

Chính vì vậy, Đảng cần định hướng, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng cho đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên “phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.” (Trích tác phẩm Sửa đổi lối làm việc). Phê bình và tự phê bình để làm gì? Để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng mới làm cho Đảng vững mạnh, là đạo đức là văn minh, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng tiến lên. Phê bình và tự phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực chất của phê bình và tự phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem những gì làm được và chưa làm được hoặc còn thiếu sót, sai lầm để từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa. Phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ, vững vàng hơn và là sự thể hiện tình cảm đồng chí chân thành chứ không phải lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau làm ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, như người ta rửa mặt hàng ngày… phải kiên quyết, ráo riết, không nể nang… tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Song trên thực tế để phê bình và tự phê bình đạt được kết quả không phải là điều dễ dàng, một khi chủ nghĩa cá nhân, bệnh tham lam, óc hẹp hòi, cái lợi ích riêng đang còn “ẩn náu” trong mỗi con người.

Để Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thực sự trở thành phương thuốc hữu hiệu, thực sự có hiệu quả và đi vào đời sống đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên mà trước hết là những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, dũng cảm, nói đi đôi với làm, phải đề cao lòng tự trọng trong mỗi cá nhân đồng thời phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xem đây là một hành động cách mạng của Người Cộng sản vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, với quyết tâm “dù có khó mấy cũng phải làm” như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Phản hồi (1)

duong thi hao 19/09/2012

Đề nghị Ủy ban Ngân sách Quốc hội, yêu cầu Chính phủ phải công bố minh bạch ngân sách chi cho ngành giáo dục cùng với nhà nước tiết kiệm chi tiêu công dành nguồn vốn trả nợ, tránh xảy ra tinh trạng đổ vỡ vì các khoản nợ.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất