Để chống tham nhũng có kết quả
Tham nhũng là căn bệnh cố hữu của cơ quan công quyền. Các quan chức càng có quyền lớn, chức càng cao thì tham nhũng càng lớn. Tham nhũng làm nhức nhối xã hội, bị lên án mạnh mẽ, là kẻ thù của phát triển. Ở nhiều nước trên thế giới, chế độ độc tài, tham nhũng là một nguyên nhân dẫn đến bất ổn chính trị, nội chiến gây nên cảnh “nồi da nấu thịt”. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền rất dễ sa vào nguy cơ thoái hoá do tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, vun vén cá nhân vì lòng tham không đáy vốn có trong mỗi con người.

Một đồng chí lão thành - nguyên uỷ viên Bộ Chính trị nói với tôi: Nếu Đảng ta trong cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 4 khoá XI mà không hạn chế, đẩy lùi nạn tham nhũng thì sẽ khó giải quyết những tệ nạn khác như mua quan, bán chức, đặc quyền đặc lợi, xa dân, mất dân chủ... Thực tế tham nhũng, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi hiện nay chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà những năm gần đây diễn biến ngày càng rộng, sâu, tinh vi, phức tạp và càng lớn, càng nghiêm trọng. Ví dụ gần đây nhất là vụ Vinashin và vụ cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật ở huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng). Ở hai vụ này, rõ ràng quyền hành đã đứng trên pháp luật làm thiệt hại lớn về kinh tế, chính trị, uy tín của Đảng, sự tốt đẹp của chế độ, nó chà đạp lên quyền sống của dân và mơ ước dân chủ XHCN. Thông tin quốc tế về tham nhũng ở Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, buổi thời sự ngày 8-4-2012 cho biết: Việt Nam đứng vào tốp những nước tham nhũng nhất thế giới. 70% các doanh nghiệp là nạn nhân của tệ hối lộ, tham nhũng, 60% người dân thờ ơ với chống tham nhũng.

Khi còn làm việc ở Ban Nội chính Trung ương và  bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo TƯ 6 (2), đi nghiên cứu chống tham nhũng ở Xin-ga-po, Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi thấy họ có nhiều kinh nghiệm tốt, đặc biệt là Xin-ga-po. Uỷ ban chống tham nhũng của Xin-ga-po cho biết: “Thủ tướng Lý Quang Diệu có người bạn thân từ thời còn là học sinh phổ thông. Khi ông Lý làm Thủ tướng, người bạn đó làm bộ trưởng. Một công ty của Mỹ đầu tư vào Xin-ga-po đã biếu ông ta 100.000 đôla. Uỷ ban chống tham nhũng phát hiện, yêu cầu ông ta giải trình. Ông ta đã viết thư cho Lý Quang Diệu: “Vì tình bạn, anh hãy cứu tôi”. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trả lời: “Anh sẽ chịu trách nhiệm trước Uỷ ban chống tham nhũng, tôi không thể giúp anh được”. Bộ trưởng đó đã tự kết liễu đời mình để không phải ra giải trình trước Uỷ ban chống tham nhũng. Thái độ rõ ràng, ứng xử công minh của người đứng đầu đất nước là tấm gương về ý chí ngăn chặn tham nhũng. Vì vậy Xin-ga-po có niềm tự hào là nhà nước sạch”. Ở nước ta, năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất mực yêu thương cán bộ nhưng cũng đã ký công điện bác đơn xin giảm tội tử hình của Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu vì mắc tội tham nhũng.

Từ thực tế giải quyết các vụ tham nhũng, từ kinh nghiệm đợt chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 6 (2), thực hiện Nghị quyết TƯ4 khoá XI cần có một bộ máy chuyên trách chống tham nhũng mạnh. Đây là một biện pháp cấp bách. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể. Quyết định này thể hiện quyết tâm mới của Đảng về phòng chống tham nhũng. Cán bộ trong Ban chỉ đạo và Ban Nội chính thường trực phải có đời sống liêm khiết, trong sạch, bản lĩnh, trí tuệ và có kinh nghiệm.

Ngoài bộ máy chống tham nhũng mạnh, cần củng cố và sử dụng các cơ quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Công an Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, phải làm cho bộ máy trong sạch, bản lĩnh, trí tuệ. Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức... Song song với việc lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mới, tôi mong củng cố, lựa chọn cán bộ tốt, thay những cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các ban:  Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương, đủ sức tham mưu cho Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp nhân dân giao phó ở thời điểm khó khăn này.

Chống tham nhũng hiện nay không nên làm tràn lan, cần chọn khâu đột phá, làm gương. Trước hết nên rà soát, làm nghiêm từ đội ngũ cán bộ cao cấp. Kê khai minh bạch tài sản. Kết luận rõ những vụ việc tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Có phương án sửa chữa, khắc phục kịp thời. Báo cáo công khai trong Ban Chấp hành Trung ương và rộng rãi để dân giám sát, dân tin. Từ đó rút ra kinh nghiệm để mở rộng ra các đối tượng khác.

Phản hồi (3)

Ngô Thế Tường 31/05/2012

Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cách đây 7-8 năm tôi đã có hiến kế được đăng trên Báo Lao-Động điện tử với bài " Bốn đề nghị nóng", nhưng ít được ai để ý.Giá như từ ngày ấy được Đảng và Nhà nước chấp nhận, tôi tin rằng tham nhũng đã được đẩy lùi, không nghiêm trọng như ngày nay. Bốn đề nghị nóng đó đến nay vẫn không lạc hậu. Vậy giới thiệu để Quý Tạp chí tham khảo, tùy ý sử dụng.

chinh kien tich cuc 21/05/2012

Với người con của dân tộc Việt Nam đứng trước vận mệnh của dân tộc, đất nước. theo tôi nghĩ cần làm nhanh và mạnh những phương pháp trên, sẽ có hiệu quả tích cực. Hai vụ được nêu ở trên có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nguyên Văn Hùng 21/05/2012

Bài viết có ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên, lâu nay ta nói quá nhiều rồi, nhưng không làm. Bây giờ , đừgn nói nữa mà phải vào cuộc như NQTW 4 đã chỉ rõ, nếu vậy mới lấy lại niềm tin của người dân!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất