Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về chuyển sinh hoạt đảng nêu rõ: Khi đảng viên chuyển đơn vị, nghỉ hưu…, trong vòng 60 ngày phải chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về nơi công tác hoặc nơi cư trú. Điều 8, Điều lệ Đảng cũng đã nêu rõ: Đảng viên không tham gia sinh hoạt hoặc đóng đảng phí 3 tháng trong 1 năm thì bị xóa tên trong danh sách đảng viên... Những quy định nêu trên nếu như áp dụng vào diện đảng viên nghỉ hưu trong thời điểm hiện nay, theo tôi, đã và đang bộc lộ nhưng bất cập nên xem xét để sửa đổi, bổ sung sao cho hợp lý hơn.
Tôi được biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành quyết định thành lập Tiểu ban xây dựng Điều lệ Đảng nhằm phục vụ cho nhiệm kỳ Đại hội khoá sau. Căn cứ vào những thực tế của việc sinh hoạt đảng đối với người đã nghỉ hưu mà tôi thấy, xin được góp ý như sau:
1. Về chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về địa phương
Trong thực tế có nhiều đảng viên khi nghỉ hưu không chuyển hồ sơ đảng về sinh hoạt ở địa phương, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định. Có những người mà tôi biết, tuy sống ở thành phố nhưng lại chuyển hồ sơ về quê xa lắc. Một năm họ về quê kết hợp chuyện gia đình họp một lần cho phải phép rồi bỏ ra vài trăm ngàn cho đến 1-2 triệu góp vui với chi bộ quê mình mà thực chất cũng là anh em, họ hàng của mình. Vậy là vui vẻ cả mà không phải nơm nớp tháng nào cũng đi sinh hoạt ở nơi mình cư trú.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng họ phải toan tính nói trên. Có trường hợp thì do không nắm rõ thủ tục chuyển hồ sơ về nộp như thế nào nên lấy cớ bỏ luôn sinh hoạt; cũng có thể có lý do về sức khỏe; do đi nước ngoài lâu ngày; lo việc gia đình, ở với con cháu nơi xa; lo làm thêm, mưu sinh vất vả nên không thiết tha nhưng vẫn yêu Đảng, không nỡ bỏ Đảng…
Nhưng có lý do khó thuyết phục khi ai đó lại bao biện rằng mình nay đã nghỉ hưu rồi, đâu còn liên quan gì đến công tác nữa mà cứ phải tham gia sinh hoạt hằng tháng.
Việc nảy sinh tư tưởng không muốn ràng buộc tổ chức, không muốn tham gia các đoàn thể địa phương là khá nhiều. Vô tình, từ những biểu hiện đó đã làm giảm sút niềm tin của quần chúng đối với đảng viên và nó sẽ trở nên hình thức trong sinh hoạt. Nó còn gián tiếp khiến lớp trẻ nhìn vào không hay lắm về tổ chức đảng, tưởng chặt lại hoá lỏng với đảng viên hưu trí...
Chưa nói đến chuyện sâu xa hơn, ngay trong công tác tổ chức cũng còn nhiều bất cập trong việc theo dõi, quản lý đảng viên khi nghỉ hưu. Cơ quan đương sự từng công tác, khi làm thủ tục chuyển đảng lại không có hướng dẫn cụ thể theo đúng nguyên tắc đảng mà cách làm đủ thủ tục cắt chuyển chỉ như hình thức cho xong việc, không hướng dẫn kỹ nên đảng viên dễ viện lý do bị "trục trặc" rồi bỏ, không muốn nộp hồ sơ cho cấp ủy nơi cư trú... Có những đảng viên là cán bộ cao cấp, quan hệ rộng, họ thường xin về sinh hoạt hờ với các đơn vị là doanh nghiệp, hiệp hội để "coi như có" nhưng do biết nơi đó cũng không sinh hoạt đều nên không bị "soi" như chuyển sinh hoạt về địa phương .
Trong quy định hiện nay, theo tôi biết, chúng ta không nêu rõ việc chuyển hồ sơ đảng viên sau khi nghỉ hưu về nơi có hộ khẩu thường trú, quê quán hay nơi cư trú thường xuyên… Phải chăng đây chính là sơ hở trong thủ tục?
Thực ra, nếu đảng viên có công việc, xin phép vắng mặt thì cũng không ai vặn vẹo phải có lý do chính đáng hay không. Song, nếu liên tục xin phép vắng thì cũng khó chấp nhận.
Nên chăng, để cho nghiêm túc trong sinh hoạt chi bộ của người nghỉ hưu, Tiểu ban Điều lệ Đảng nên nghiên cứu cho đối tượng hưu trí sinh hoạt 3 tháng 1 lần (thậm chí có nhiều đồng chí hưu trí còn nêu rằng, có thể 6 tháng/lần), trừ có công việc đột xuất cần phổ biến gấp thì ta vẫn họp. Riêng các đồng chí trong cấp uỷ, các tổ trưởng tổ đảng và các đoàn thể thì vẫn cần sinh hoạt bình thường để nắm bắt tình hình .
Nên chăng cho phép họp trực tuyến với những đảng viên vì bận thật sự mà không thể đến dự. Tôi rất đồng tình việc Ban Tổ chức Trung ương cho thực hiện thí điểm phương thức sinh hoạt này. Hy vọng sẽ kết luận để nhân rộng ra...
Nếu làm như vậy, tôi nghĩ sẽ tránh được hình thức và người còn tha thiết sinh hoạt đảng cũng bớt áy náy khi nói dối. Vậy thì sẽ tốt cho công tác sinh hoạt đảng, nó thực chất hơn, tránh hình thức hơn. Qua đó, những người còn thật sự tha thiết với Đảng sẽ càng thêm tin yêu Đảng.
Kiểu sinh hoạt mà còn diễn ra hình thức là không nên. Nó vô tình không thể hiện được vai trò, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tác động tiêu cực đến tính tích cực của đảng viên.
2. Hằng năm, việc kiểm điểm đảng viên là đúng và cần thiết dù là đã nghỉ hưu.
Song nếu dập khuôn một mẫu giấy kiểm điểm giữa người đương chức vói người nghỉ hưu thì cần nghiên cứu cải tiến lại. Phải tính sao cho gọn gàng, thực chất hơn, tránh bệnh hình thức. Không khai thì áy náy mà khai thì không biết mình viết cái gì trong đó.
3. Các cấp ủy đảng cần xác định vai trò trách nhiệm trong giáo dục, động viên, hướng dẫn đối với đảng viên khi chuẩn bị nghỉ công tác về địa phương sinh hoạt, tránh chuyện hoặc bỏ sinh hoạt hoặc có sinh hoạt nhưng thực chất là hình thức. Cần khảo sát, đánh giá cho đúng thực trạng hiện nay và xây dựng quy định thủ tục chặt chẽ, kỷ luật nghiêm túc nhằm chấn chỉnh, củng cố sức chiến đấu của Đảng và của mỗi đảng viên.
Ngày xưa, Đảng ta chỉ với 5 ngàn đảng viên, nhưng 5 ngàn đồng chí đó cũng là 5 ngàn bó đuốc soi đường cho toàn dân đứng lên giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hôm nay, Đảng có đến gần 5 triệu đảng viên, thử hỏi rằng đó có thật sự là gần 5 triệu bó đuốc hay không?
Điều này rất đáng suy nghĩ để tìm giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên.
Trường hợp được miễn sinh hoạt đảng?
Căn cứ theo quy định thì hoạt động sinh hoạt đảng là một trong những nghiệm vụ của mỗi đảng viên phải chấp hành.
Điều 7 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định:
Đảng viên tuổi cao, sức yếu, tự nguyện xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng do chi bộ xem xét, quyết định.
Ngoài ra tại Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với đảng viên quy định các trường hợp được miễn sinh hoạt đảng như sau:
- Những đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu và tự nguyện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng;
- Đảng viên đi thăm người thân ở trong nước, ngoài nước từ ba tháng trở lên;
- Đảng viên làm việc lưu động hoặc việc làm không ổn định, xa nơi đang sinh hoạt chi bộ, không có điều kiện tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định;
- Đảng viên là cán bộ, công chức nghỉ trước tuổi chờ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ quy định của Nhà nước có nguyện vọng được miễn công tác và sinh hoạt đảng. |
Quốc Phong