ĐẦU XUÔI… ĐUÔI CÓ LỌT?


Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, sai phạm khi tuyển dụng cán bộ chiếm phần lớn sai phạm trong công tác cán bộ. Gốc của vấn đề là khâu tuyển dụng, không giải quyết được cái gốc này thì các bước tiếp theo trong công tác cán bộ đều vướng. Khi các cơ quan liên quan phát hiện ra sai phạm đã xử lý ra sao? Thực tế cho thấy liệu đầu xuôi thì... đuôi có lọt?



Chuyện thật như đùa! Cuối tháng 9-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch tuyển dụng lại công chức 17 cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đa số những người này hiện đều là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình như Sở Tư pháp, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh… Nếu thi không đỗ công chức, họ sẽ bị thu hồi chức vụ và các quyết định bổ nhiệm. Thật lạ, là cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chưa phải công chức! Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tuyển dụng, quản lý công chức tại Ninh Bình. Cụ thể, có 12 cơ quan, tổ chức ở Ninh Bình sử dụng 39 viên chức để làm công việc của công chức; 4 cơ quan, tổ chức sử dụng 18 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước. Có 2 công chức được bổ nhiệm chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định pháp luật hoặc quy định của UBND tỉnh và 20 trường hợp được bổ nhiệm nhưng trước đó được tuyển dụng theo chính sách thu hút của UBND tỉnh hoặc được tiếp nhận từ doanh nghiệp, điều động từ đơn vị sự nghiệp… không bảo đảm trình tự, thủ tục tuyển dụng.

Năm 2019, khi UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên – Môi trường cấp huyện trên địa bàn tỉnh thì số viên chức cần tuyển dụng theo đề án vị trí việc làm là 341 người nhưng chỉ tuyển dụng 288 chỉ tiêu. Thông tin tuyển dụng được đăng công khai, có 286 hồ sơ đạt yêu cầu trong tổng số hơn 480 hồ sơ đăng ký tham gia xét tuyển. Trong quá trình xét tuyển có nhiều sai sót, không đúng quy định. 35/286 hồ sơ được đề nghị công nhận trúng tuyển đã không đủ điều kiện (không có bằng đại học, chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm). Đặc biệt, Hội đồng tuyển dụng đã không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ưu tiên tuyển dụng đối với người lao động đang làm việc theo dạng hợp đồng lao động ở các văn phòng cũ. 71 người có hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, là những người có kinh nghiệm lâu năm nhưng không trúng tuyển. Đây là một kỳ thi tuyển viên chức gây nhiều bức xúc trong dư luận ở Thanh Hóa, có hàng trăm lượt đơn tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi tới các cơ quan chức năng.

Trong hai năm 2016-2017, tỉnh Bắc Ninh đã tuyển dụng 52 công chức theo chính sách thu hút của tỉnh; 3 tháng đầu năm 2018 tỉnh tuyển dụng 8 công chức. Việc tuyển dụng đặc biệt đối với những trường hợp theo chính sách thu hút của tỉnh Bắc Ninh không đúng quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) và Thông tư số 13/2010/TT-BNV (về tuyển dụng và nâng ngạch công chức). Đến nay, một trường hợp đã thôi việc, 59 trường hợp còn lại được tỉnh tuyển dụng đặc cách vào viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.   

Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tuyển dụng 91 công chức ngạch chuyên viên và tương đương, 11 công chức ngạch cán sự bằng hình thức thi tuyển. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng thi tuyển công chức áp dụng quy chế chấm thi công chức năm 2017 ban hành kèm theo quyết định số 14/QĐ-HĐTT của Chủ tịch hội đồng thi tuyển công chức có một số nội dung không đúng quy định; điểm ghi trong một số bài thi, phiếu điểm có sửa chữa nhưng không có chữ ký của 2 giám khảo; việc chấm điểm, cộng điểm, vào điểm một số bài thi môn kiến thức chung và môn viết chuyên ngành còn sai sót; thông báo kết quả thi tuyển không dự kiến người trúng tuyển theo quy định tại điều 17 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP. Đến thời điểm Bộ Nội vụ thanh tra, vẫn còn 17 trường hợp được bổ nhiệm ngạch công chức chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước tương ứng với ngạch công chức; 7 công chức tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. 

Gần đây, kỳ thi tuyển dụng công chức ở Bộ Khoa học và Công nghệ cũng gây xôn xao dư luận khi một thí sinh làm bài thi trắc nghiệm vòng 1 chỉ đạt 35/100 điểm, sau khi phúc khảo, điểm bài thi được nâng lên 63/100 điểm. Thí sinh này nghiễm nhiên từ trượt thành đỗ. Vòng 1 thí sinh làm bài thi trắc nghiệm và việc chấm bài thi (không sử dụng máy quét) được thực hiện bởi 2 cặp cán bộ chấm thi. Theo quy định, thí sinh đạt kết quả các môn thi trắc nghiệm vòng 1 từ 50 điểm trở lên mới được dự thi vòng 2. Điều đáng nói ở đây là tại sao thí sinh không đạt 50 điểm vòng 1 lại được thi tiếp vòng 2? Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm vòng 1 sao có thể xảy ra sai sót với một kỳ thi được thực hiện nghiêm ngặt bởi Hội đồng tuyển dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ? Điều này khiến nhiều thí sinh nghi ngờ tính nghiêm minh của kỳ thi. 

Qua tổng thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng cán bộ trong cả nước các cơ quan chức năng phát hiện có nhiều sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cả nước có 428 trường hợp sai phạm trong khâu tuyển dụng công chức ở 26 cơ quan, đơn vị. Cụ thể: Khối bộ, ngành có 38 trường hợp tại 6 cơ quan là: Bộ Y tế (7), Bộ khoa học và Công nghệ (4), Bộ Giao thông vận tải (10), Bộ Giáo dục và Đào tạo (7), Bộ Xây dựng (7), Thanh tra Chính phủ (1) và Ủy ban Dân tộc (2). Khối địa phương có 290 trường hợp sai phạm tại 20 đơn vị là: Hà Nội (1), Hải Phòng (2), Hòa Bình (8), Khánh Hòa (9), Bắc Ninh (41), Thái Bình (2), Ninh Bình (6); Hà Giang (12), Cao Bằng (10), Bắc Kạn (10), Nghệ An (1), Quảng Bình (3), Đà Nẵng (16); Kon Tum (15); Lâm Đồng (2), Tây Ninh (8), An Giang (4), Cà Mau (1), Hậu Giang (21), Đồng Tháp (118). Ngoài ra, tại một số địa phương, do UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách thu hút người có trình độ đại học trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc các UBND quận, huyện quyết định tuyển dụng đối tượng thu hút vào công chức cấp xã, phường, thị trấn sai quy định với số lượng rất lớn như Thanh Hóa (1.700 trường hợp), TP. Hồ Chí Minh (856 trường hợp)…

Những con số này chưa phải là cuối cùng nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy được khâu tuyển dụng công chức, viên chức ở nhiều địa phương trong cả nước có vấn đề, gây bức xúc, tâm tư cho người dân. Điều đáng bàn ở đây là đã có nhiều quy chế, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị trong kỳ thi tuyển này, sao vẫn có nhiều sai phạm đến vậy?

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 25-11-2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó tập trung vào một số vấn đề liên quan đến nội dung quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Đồng thời, đã có sửa đổi, bổ sung và thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP; những nội dung liên quan đến tuyển dụng công chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Nghị định này về tuyển dụng công chức; hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 39 Luật số 52/2019/QH14 với những quy định về: căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng công chức; thi tuyển công chức; xét tuyển công chức; trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức; tập sự; tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển hoặc xét tuyển; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã từ cấp huyện trở lên. Trước đó, nhiều quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức đã được ban hành như: Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung; Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Khoản 3, Điều 1 quy định nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số); Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP…. Các văn bản quy phạm pháp luật ràng buộc, yêu cầu cán bộ làm công tác tuyển dụng làm đúng, làm đủ quy trình. Vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức?

Không thể nói cán bộ làm công tác tuyển dụng không nắm chắc những văn bản này. Chỉ cần người làm công tác tuyển dụng làm đúng, làm đủ, công tâm, khách quan, minh bạch, rõ ràng thì không thể có sai sót trong quá trình tuyển dụng và cũng sẽ không gây bức xúc, tâm tư cho người dân ở nhiều địa phương trong cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định không để công tác cán bộ bị chi phối bởi bất cứ lý do gì, không để tình trạng bố trí người thân, người nhà, “cánh hẩu” vào những vị trí mong muốn. Trong Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ, ngày 23-4-2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề này: Đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, nay hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc mới là đảng viên”. 

Việc hàng loạt lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình phải thi lại công chức đang gây xôn xao dư luận. Đến thời điểm hiện tại họ chưa phải là công chức chính thức nhưng không hiểu sao vẫn được ngồi ghế lãnh đạo các sở, ngành, nghiễm nhiên lãnh đạo, chỉ đạo những công chức chính thức. Những vụ việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam hay ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đều bắt nguồn từ những sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ… Có gì khuất tất ở đây không? Có! Như vậy nghĩa là công tác cán bộ đang bị chi phối, bị con người cố ý làm sai lệch. Chế tài xử lý sai phạm trong công tác cán bộ thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước ban hành khá đầy đủ, chặt chẽ, bao quát. Quyền lực trong công tác cán bộ đã bị “chiếc lồng” cơ chế nhốt chặt nhưng cán bộ làm công tác tuyển dụng vẫn cố tình vi phạm. Biết sai vẫn cố ý làm sai, làm theo ý chủ quan của cá nhân. Điều này có thể khẳng định chế tài xử phạt của chúng ta có nhưng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Chế tài là điều kiện cần nhưng chưa đủ bởi tu thân, cảnh tỉnh, giác ngộ con người mới quan trọng. Nếu trong mỗi cán bộ, đảng viên, vẫn nặng lòng tham, phần con nhiều hơn phần người, thì không thể cống hiến, toàn tâm, toàn ý cho công việc, cho Đảng, cho dân. Vì lòng tham, vì tiền, vì danh lợi, vì ham muốn mà họ mờ mắt, tìm mọi cách để “lách” chiếc lồng cơ chế mà thời gian qua Đảng và Nhà nước ta tốn nhiều tâm sức xây dựng. Họ sẵn sàng phạm lỗi dù biết hành động, việc làm của họ là sai, trái với pháp luật, đạo đức…  

Những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ phần lớn đều bắt nguồn từ tuyển dụng sai nguyên tắc, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước. Nếu đầu vào của công tác cán bộ làm chặt, liệu các cán bộ được tuyển dụng sai nguyên tắc này có thể chui sâu, leo cao vào những vị trí mà họ cần phải có đủ tâm, tầm để làm việc, cống hiến? Câu hỏi này không khó để trả lời.
                                                                                                                            (Còn nữa)  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất