Kỳ 2: Cấp ủy, người đứng đầu ở đâu khi để xảy ra sai phạm?


Quy định của pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức đã có những hướng dẫn rất chi tiết, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tiễn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Luật Cán bộ, công chức, kể cả Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và gần đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 cũng đều quy định rất rõ đối tượng cũng như phương thức tuyển dụng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình ra sao. Vấn đề là các cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan quyết định tuyển dụng, đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thấm nhuần, hiểu rõ, phải nắm vững các quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm. 

Ở những đơn vị có sai phạm trong tuyển dụng công chức, cấp ủy cơ sở đều biểu hiện có vấn đề, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, không phát huy được vai trò gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên và người dân. Và, khi có sai phạm, bức xúc cũng không được cấp ủy cơ sở quan tâm giải quyết. Trong khi đó, cấp uỷ cấp trên thiếu sâu sát kiểm tra, giám sát nên dù trước đó có về tìm hiểu, giải quyết cũng không mang lại kết quả thỏa đáng. Cấp ủy cơ sở đã “bị vô hiệu hóa”, người đứng đầu chưa thật sự công tâm, khách quan trong giải quyết công việc nên mới xảy ra sai phạm. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” liệu có phải là khẩu hiệu suông ở những tập thể mắc sai phạm? Vì thế dân phải viết đơn thư khiếu kiện gửi lên các cơ quan cấp trên. Những vấn đề khiến cán bộ, người dân băn khoăn, bức xúc tồn đọng, kéo dài sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Bài học xảy ra những điểm nóng ở cơ sở chính là bắt nguồn từ những bức xúc như vậy nhưng không được giải quyết thấu tình, đạt lý, triệt để.

Để xảy ra sai phạm trong tuyển dụng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các đơn vị, cơ quan đó đã tổ chức đối thoại với người dân để tìm hiểu sai phạm do đâu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, bức xúc từ đâu mà ra chưa? Khi người đứng đầu có bản lĩnh, sẵn sàng đối thoại, tìm hiểu tình hình, mọi việc dù phức tạp đến mấy cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân. Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, thì đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân có hiệu quả nhất, đã xử lý được nhiều vụ việc phức tạp tại địa phương. Tuy nhiên, cách làm này chưa được người đứng đầu địa phương, đơn vị thực hiện như một giải pháp tích cực, vẫn ở tình trạng “cực chẳng đã” mới dùng, dùng cầm chừng, mỗi địa phương một khác, mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 của Ban Bí thư về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.


Trong Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách”. Chính vì vậy, đối thoại với nhân dân cần trở thành hoạt động thường xuyên để mọi khó khăn, bức xúc được giải quyết ngay từ cơ sở. Không thể để điểm nóng bùng phát, lây lan, dân mất niềm tin, hậu quả đem lại khó lường. 

Phải khẳng định, khi cơ quan, địa phương, đơn vị có sai phạm thì tổ chức đảng ở đó đã không làm tròn vai trò lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy không đảm đương tốt vai trò đầu tàu, không hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao và đương nhiên tổ chức đảng đó không thể vững mạnh được. Kinh nghiệm củng cố tổ chức đảng yếu kém là phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Có nơi chỉ cần thay đổi bí thư cấp ủy tình hình thay đổi nhưng có nơi cần giải pháp khác. Giải pháp toàn diện nhất là phải xây dựng hệ thống chính trị mạnh, trong đó tổ chức đảng, người đứng đầu giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo. Đồng thời, vai trò cấp trên rất quan trọng. Xã yếu, huyện phải chỉ đạo kịp thời, huyện yếu, tỉnh phải chỉ đạo kịp thời, tỉnh chưa nghiêm, Trung ương phải vào cuộc. 


Các trường hợp sai phạm trong tuyển dụng là do các địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định riêng của bộ, ngành, địa phương về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Sai phạm trong thi tuyển công chức như ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa hay Đắc Lắk.... đã xảy ra trong nhiều năm và ở nhiều nơi do cách hiểu còn khác nhau khi triển khai các quy định của pháp luật hoặc việc thực hiện các quy định chưa nghiêm túc.

Cụ thể, vụ việc ở Ninh Bình, địa phương này đã tổ chức tuyển dụng nhưng họ tuyển dụng bằng phương thức xét tuyển theo Nghị quyết của HĐND năm 2011, 2012, cùng với chính sách thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tuyển dụng theo quyết định, chính sách của HĐND tỉnh Ninh Bình là trái với pháp luật, cụ thể là Luật Cán bộ, công chức năm 2008, những đối tượng này không phải là đối tượng xét tuyển mà phải thi tuyển. Rà soát lại pháp luật cho thấy, họ sử dụng sai phương thức tuyển dụng, nên những người không phải công chức bắt buộc phải thi lại, nếu thi không đỗ sẽ thu hồi chức vụ và quyết định bổ nhiệm. Quan tâm của đông đảo nhân dân là những lãnh đạo có liên quan đến sai phạm có bị xem xét xử lý tùy theo mức độ sai phạm không?

Vụ việc ở Thanh Hóa nghiêm trọng hơn, Hội đồng thi tuyển viên chức đã vi phạm quy chế tuyển dụng, tính bảo mật khi thực hiện xây dựng đề, đáp án cũng như việc sắp xếp vai trò của thành viên Hội đồng thi tuyển. Điều lạ là đồng chí Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức đã giao cho đồng chí Chánh Văn phòng Sở vừa làm Trưởng ban Kiểm tra, sát hạch, vừa xây dựng đề, đáp án, vừa làm Thư ký hội đồng thi. Điều này cho thấy việc thực hiện quy trình tuyển dụng rất tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng quy trình bảo mật và không ai chắc chắn đề thi, đáp án có bị lộ trước khi tuyển dụng hay không. Người đứng đầu Sở không thể không nắm rõ tuyển dụng đúng quy trình là thế nào hơn ai hết, càng biết rõ những sai phạm trong quá trình tuyển dụng của kỳ thi tuyển này.


Gần 1 năm sau những người được thông báo trúng tuyển vẫn mòn mỏi đợi thông báo tuyển dụng thì ngày 12-7-2020, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh hủy kết quả kỳ thi và cho thực hiện lại bất chấp trước đó Tổ công tác của Bộ Nội vụ đã có kết luận rằng các trường hợp xét tuyển đúng quy định cần được công nhận, không thể vì một số trường hợp cá biệt không đúng quy định mà hủy bỏ cả kỳ xét tuyển, chỉ nên xử lý những trường hợp sai, không đủ điều kiện xét tuyển theo quy định. Ngay sau đó, ngày 14-9-2020, Bộ Nội vụ chính thức có Công văn hỏa tốc số 4778/BNV-CCVC gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Nhân dân đang chờ đợi và hy vọng vào sự công tâm, khách quan và thượng tôn pháp luật của những người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 24-3-2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 71-KL/TW về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị. Trước đó, Ban Bí thư đã có Kết luận số 48-KL/TW ngày 26-4-2019 về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ theo Thông báo Kết luận số 43-KL/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị, rà soát, xử lý các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục trong công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra, thanh tra cho thấy còn vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất trong việc xử lý những trường hợp sai phạm liên quan đến công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc là nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. 

Để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc xử lý các sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phải nhanh chóng, kịp thời, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm liên quan đến công tác tuyển dụng. Ngày 15-6-2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn số 2965-HD/BNV về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Trước những sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ thời gian qua, sự vào cuộc của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ minh chứng Trung ương chỉ đạo kịp thời, mạnh mẽ, dứt khoát, kịp thời ban hành những văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ - tình trạng đã diễn ra trong một thời gian dài do nhiều nguyên nhân, quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm trong công tác tuyển dụng, một khâu quan trọng trong công tác cán bộ.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất