Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bỏ trốn và những vấn đề đặt ra trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực


Vụ việc Phạm Văn Sáng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN) tỉnh Đồng Nai vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật khi đương chức, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng đến khi nghỉ hưu mới bị xử lý và đang bỏ trốn, gây bức xúc dư luận xã hội. Trường hợp trên không phải là ít, nhiều vụ việc đã bị “chìm xuồng”. Đây là một trong những vấn đề nóng được đặt ra trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt hiện nay.


Vi phạm pháp luật khi đương chức, nghỉ hưu đi “du ngoạn” trốn tránh trách nhiệm

Cuối năm 2019, Tỉnh ủy Đồng Nai có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật Phạm Văn Sáng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBKT Trung ương và trách nhiệm, khẩn trương, quyết tâm khắc phục các khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, Đoàn kiểm tra đã hoàn thành nhiệm vụ thẩm tra, xác minh rõ các vi phạm của Phạm Văn Sáng: Đó là những vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại ngân sách nhà nước số tiền hơn 28 tỷ đồng; kéo theo nhiều cán bộ, đảng viên dưới quyền rơi vào vòng lao lý. Đầu năm 2020, UBKT Trung ương đã ra quyết định khai trừ Phạm Văn Sáng ra khỏi Đảng.

Phạm Văn Sáng vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể: Từ trước năm 2015, Sở KH-CN Đồng Nai được tỉnh giao chủ trương triển khai 2 dự án liên quan đến mô hình nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ nông dân. Cả hai dự án này đều do Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) Đồng Nai thuộc Sở KH-CN Đồng Nai ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Trí Nguyễn (Công ty Trí Nguyễn) phối hợp thực hiện. Trong đó, có "Dự án nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng (nhà kính) theo tiêu chuẩn VietGAP" với tổng kinh phí gần 87 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hơn 16 tỷ đồng, Công ty Trí Nguyễn góp hơn 70,7 tỷ đồng); thực tế dự án chỉ sử dụng 14,16 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, thực hiện qua các năm 2015-2017 để xây dựng 3 khối nhà màng, các nội dung khác của hợp đồng đều không thực hiện. Còn "Dự án nhà màng nông nghiệp", với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, triển khai trên diện tích hơn 18.000 m2, tại Vườn thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng CNSH; thực tế dự án đã sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp hơn 13,86 tỷ đồng, thực hiện qua các năm 2015-2016, để xây dựng 2 khối nhà màng.  

Là người quản lý, chỉ đạo trực tiếp Trung tâm Ứng dụng CNSH, nhưng Phạm Văn Sáng đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong triển khai hai dự án trên, đó là: Thứ nhất, thay đổi vị trí xây dựng 5 nhà màng của 2 dự án trên, không xây trên khu đất công theo chủ trương được duyệt, mà xây trên phần đất của Công ty Trí Nguyễn; đã tạo điều kiện để Công ty Trí Nguyễn chiếm dụng cả 5 khối nhà màng này phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu lợi cho Công ty (trong đó có bà X vợ của ông Sáng); trong khi Trung tâm Ứng dụng CNSH và người dân tỉnh Đồng Nai không được hưởng lợi ích gì từ việc đầu tư hơn 28 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho 2 dự án này. Thứ hai, vi phạm nghiêm trọng Luật Đầu tư công năm 2014 tại các khâu thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu, xây dựng bản vẽ thiết kế tổng thể, bản vẽ hoàn công... Thứ ba, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, để vợ là bà X góp vốn vào Công ty Trí Nguyễn tham gia dự án (Công ty Trí Nguyễn đăng ký vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó bà X. góp 12,5 tỷ đồng, chiếm 41,67%, thời hạn góp vốn là tháng 3-2015; tuy nhiên, đến năm 2018, bà X góp 400 triệu đồng, thành viên còn lại góp 4 tỷ đồng, nhưng không có thủ tục xin điều chỉnh vốn) đã chiếm dụng 28 tỷ đồng ngân sách. Các vi phạm này được Thanh tra tỉnh kết luận vào tháng 12 năm 2018, sau khi Phạm Văn Sáng đã nghỉ hưu theo chế độ (tháng 5/2018).   

Cùng với đó, Phạm Văn Sáng, còn mắc nhiều vi phạm trên đường quan lộ của mình: Trong giai đoạn 1996-2003, trên cương vị Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), đã vi phạm trong chỉ đạo triển khai dự án Khu nhà ở tập thể cho cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Dệt Thống Nhất thuộc Sở Công nghiệp: Không xác định tiêu chuẩn, đối tượng xét duyệt giao nhà, giao đất trong dự án; Ban hành quyết định cấp nhà, cấp đất trước khi UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án là không đúng thẩm quyền (thẩm quyền của UBND tỉnh); không chỉ đạo triển khai thực hiện dự án các bước tiếp theo từ khi có quyết định của UBND tỉnh (giai đoạn từ năm 1998 - 2003); không có biên bản bàn giao hồ sơ dự án với người kế nhiệm; chỉ đạo quản lý thu, chi tiền dự án không đầy đủ hồ sơ, chứng từ; không mở đầy đủ sổ sách, báo cáo kế toán; không công khai tài chính dự án theo quy định... Các vi phạm này được Thanh tra tỉnh kết luận tháng 5/2017.  

Giai đoạn 2007-2018, trên cương vị là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Phạm Văn Sáng còn mắc các vi phạm: (1) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, nâng đỡ không trong sáng đối với 1 cán bộ khi cử đi học và bổ nhiệm chức vụ không đúng quy định, không họp bàn thống nhất trong Đảng ủy và Ban lãnh đạo Sở (năm 2014, đã ký quyết định bổ nhiệm cán bộ P giữ chức phó trưởng phòng vào tháng 1, rồi trưởng phòng vào tháng 8 khi chưa có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước theo quy định; đến tháng 9 lại ký văn bản cử P đi học lớp cao cấp lý luận chính trị); (2) Cố ý làm trái quy định nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, quản lý, sử dụng thiết bị máy thử nghiệm vàng, tráo đổi nhãn mác đối phó với Đoàn thanh tra, gây thất thoát ngân sách nhà nước; (3) Cố ý làm trái quy định về quản lý tài sản nhà nước, không báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tự ý cho thuê trụ sở làm việc (tại Thành phố Hồ Chí Minh) không đúng thẩm quyền, không đúng quy định về giá cho thuê, để đơn vị thuê nợ tiền thuê, chậm thu hồi công nợ; (4) Trong năm 2016 - 2017, tùy tiện ký một số quyết định thành lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp vàng, xăng dầu không đúng quy định, không ghi đối tượng kiểm tra, thời gian kiểm tra, địa bàn kiểm tra,.. dẫn đến cán bộ tùy tiện, nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ, gây khó khăn cho doanh nghiệp;...

Sau khi nghỉ hưu, vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt chi bộ 5 tháng (từ tháng 12/2019) đến khi bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Đến tháng 2/2019, hồ sơ vụ việc 2 dự án“Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap” và “Nhà màng nông nghiệp”có dấu hiệu tội phạm được UBND tỉnh Đồng Nai chuyển sang cơ quan điều tra công an tỉnh. Từ kết quả điều ra ban đầu, tháng 2 năm 2021, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Sáng, nhưng Sáng đã cao chạy, xa bay. 

Những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Như vậy, qua vụ việc Phạm Văn Sáng cho thấy, việc thanh tra không kịp thời (sai phạm trong giai đoạn 1996-2003, đến tháng 5/2017 mới có kết luận thanh tra; vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng trong thời gian 2015-2017, đến tháng 12/2018 mới có kết luận thanh tra), không thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra; không phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra (đến tháng 2/2019, hồ sơ vụ việc mới được chuyển sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh xử lý). Việc buông lỏng lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ đã để Phạm Văn Sáng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật kéo dài, diễn biến phức tạp. Việc Phạm Văn Sáng bỏ trốn đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc, cũng như phát sinh thêm không ít phức tạp trong việc khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của Sáng gây ra. Nhưng với tinh thần chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh kỷ luật từ trên xuống dưới, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”, nên dù Phạm Văn Sáng trước sau rồi cũng sẽ bị bắt về chịu tội theo đúng quy định của pháp luật. 

Qua vụ việc Phạm Văn Sáng cho thấy để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý cán bộ, xử lý kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì công tác phối hợp trong kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng, cũng như việc huy động sức mạnh của hệ thống chính trị kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải tiếp tục được đổi mới, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Chủ động ngăn ngừa vụ việc diễn biến phức tạp; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng; ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật bỏ trốn; nhanh chóng chỉ đạo việc khắc phục các hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; góp phần hạn chế thiệt hại về tài sản và mất mát cán bộ; giảm tình trạng đơn, thư khiếu kiện, tố cáo, hạn chế phát sinh các điểm nóng, dư luận bức xúc xã hội,... Đồng thời, chủ động loại bỏ sớm các phần tử thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, tham nhũng, tiêu cực ra khỏi hàng ngũ của Đảng; từng bước hạn chế, tiến tới không thấy có đảng viên bị truy tố, đứng trước vành móng ngựa. Những vụ việc, hình ảnh rất phản cảm xã hội liên quan đến đảng viên vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước đã lâu nhưng khi bị giam giữ hoặc đứng trước vành móng ngựa vẫn còn mang danh đảng viên đã và đang diễn ra cần sớm được chấm dứt. Đó cũng chính là yêu cầu cấp thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo kiên quyết và kiên trì chỉ đạo thực hiện; vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định 22), thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đây cũng là nhu cầu cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay. 

Với nhiều điểm mới so với Quy định số 30, Quy định 22 thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ nghiêm kỷ cương của Đảng và pháp luật Nhà nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, giữ vững niềm tin của nhân nhân với Đảng. Cụ thể, Quy định 22 đã cho phép sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động thẩm tra, xác minh, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên:  “...Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiếm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán;...” (Điều 17, Quy định 22). Với quy định này, công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bước sang giai đoạn mới, kiên quyết tấn công, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.  

Để phát huy hiệu quả Quy định 22 trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhanh chóng loại các cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực ra khỏi hàng ngũ của Đảng và bộ máy của Nhà nước, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần quan tâm tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định 22 đến tất cả đảng viên, nhất là cán bộ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng, chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan có liên quan đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Khi phát hiện vụ việc thì các cơ quan có liên quan (thanh tra, kiểm toán, điều tra,...) phải chủ động cung cấp thông tin cho cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra có thẩm quyền, phối hợp thẩm tra, xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó.  

Thứ hai, nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra; là lực lượng xung kích, tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cán bộ kiểm tra phải nắm chắc tình hình địa bàn, sàng lọc thông qua nhiều kênh khác nhau (dự họp cấp ủy, thông tin phản ánh, giám sát từ các tổ chức chính trị - xã hội; dư luận xã hội, thông tin báo chí truyền thông; đơn thư khiếu kiện, tố cáo; kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra,...), nhanh chóng nhận diện các hành vi có dấu hiệu vi phạm, tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý phù hợp.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xóa bỏ tình trạng “nâng đỡ không trong sáng” trong công tác cán bộ, “lợi ích nhóm”, “công ty sân sau” trong quản lý, sử dụng tài sản, đất đai,... vốn ngân sách nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất