Cờ Đảng soi sáng biên cương

LTS: 91 năm qua kể từ khi ra đời, ánh sáng của Đảng đã chiếu sáng muôn nơi trên dải đất hình chữ S, trong đó có biên giới, hải đảo – địa bàn vốn nhiều khó khăn, phức tạp. Ở đó hằng ngày, hằng giờ đang có những già làng, trưởng bản, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng cùng bà con các dân tộc nguyện đem hết sức lực và tâm huyết của mình cống hiến cho hòa bình, sự ổn định và phát triển vùng biên. Để phác thảo chân dung những con người âm thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh ấy, Tạp chí Xây dựng Đảng xin gửi tới bạn đọc loạt bài “Cờ Đảng soi sáng biên cương” dài 4 kỳ của nhóm tác giả Vân Anh - Ngô Khiêm.


Đại diện nhóm tác giả nhận giải từ Ban tổ chức.

Kỳ 1: ĐIỂM TỰA CỦA BẢN LÀNG


Là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hơn nữa lại am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của đồng bào, những già làng, trưởng bản, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng mỗi thôn bản, buôn, làng, phum, sóc thực sự là sợi dây kết nối quan trọng giữa ý Đảng với lòng Dân. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ cùng đồng bào xây dựng đời sống mới, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác của bản làng”.

Những “cột mốc sống” nơi biên ải

Sau 10 năm trở lại xã Sín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bản nhỏ nơi “ngã ba biên giới” - bản A Pa Chải. Đón chúng tôi bên vạt cúc quỳ đầu bản là người đàn ông trung niên giản dị trong chiếc áo chàm xanh, gương mặt đôn hậu và cương nghị. Đó là đồng chí Lỳ Xuyến Phù, Bí thư Chi bộ bản A Pa Chải, người dân tộc Hà Nhì. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, đồng chí Phù từng làm Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, khi nghỉ hưu được dân bản tin yêu và được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản. Đồng chí đã cùng các chi ủy viên duy trì nền nếp, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của chi bộ, quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho bà con về Đảng, Nhà nước và những vấn đề xã hội khác. Đồng chí cũng đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng các hiệp định, hiệp nghị, quy chế quản lý biên giới cho gần 5.000 lượt người dân.

Sín Thầu là xã có 100% bà con dân tộc Hà Nhì sinh sống. Sinh ra và lớn lên tại đây, đồng chí Phù thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, phối hợp với Đồn Biên phòng A Pa Chải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia ký cam kết thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Khi Đồn Biên phòng A Pa Chải phối hợp cùng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương xây dựng các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản an ninh trật tự thôn, bản, đồng chí là người đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các tổ tự quản. Đến nay, 7/7 bản của xã đã thành lập tổ. Đồng chí cũng đã trực tiếp vận động 7 hộ (43 người) đăng ký tự quản 19,5 km đường biên với 8 mốc quốc giới. Mỗi năm, các lực lượng thanh niên, phụ nữ, dân quân của bản đều cử hàng trăm lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc và phát quang tầm nhìn biên giới.

Là người có tri thức, có uy tín với nhân dân, có mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn xã Sín Thầu, đồng chí Lỳ Xuyến Phù thường xuyên được bà con tìm đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng để giúp họ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Những kinh nghiệm trong công tác quản lý ở xã trước đây được đồng chí khéo léo vận dụng để vận động bà con tích cực sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cũng như hòa giải mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Từ cực Tây Tổ quốc, chúng tôi vượt gần 1.000 km về xứ Thanh gặp đảng viên Vi Văn Hợi (dân tộc Thái), Bí thư Chi bộ bản Cha Khót (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), người có gần 40 năm được Đảng, Nhà nước, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tin tưởng giao trọng trách trông coi mốc giới H3 (nay là cột mốc 331). Phía bên kia cột mốc là bản Lán-thoong, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Từ bản Cha Khót đến được cột mốc 331 phải đi hết nửa ngày. Nhưng dù suối Cha Khót có chảy xiết, tràn cả lên đường thì đồng chí vẫn đều đặn với hành trang là con dao rừng, chiếc khăn và chổi quét để đi kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh cột mốc. Giờ đồng chí mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng giọng nói vẫn sang sảng, vang vang. Khi kể cho chúng tôi nghe về quá trình từ khi hình thành, phát triển đến hoàn thiện cột mốc 331, niềm tự hào cứ ánh lên trong đôi mắt và gương mặt của đồng chí.

Nhờ được BĐBP cho biết về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo vệ cột mốc, trong mỗi buổi họp dân, đồng chí Hợi đã khéo léo lồng ghép, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời chia sẻ những kiến thức mà bộ đội cung cấp cho bà con nghe, vận động mọi người cùng bảo vệ cột mốc. Phía bên kia cột mốc là nước bạn Lào vẫn luôn bình yên. Phía bên này, con đường vành đai biên giới sắp hiện hữu, cuộc sống của bà con vùng biên hy vọng cũng sẽ đổi thay. Cột mốc bao năm đã trở thành người bạn thân thiết của đồng chí. Mỗi lần được nhìn thấy cột mốc, được chạm tay vào khối đá mát lạnh thiêng liêng ấy, Vi Văn Hợi lại trào dâng niềm tự hào, tin rằng việc làm nhỏ bé của mình đã góp phần giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

 Về với cực Nam Tổ quốc, chúng tôi được lực lượng BĐBP và nhân dân kể nhiều về tấm gương của cựu chiến binh Lý Hoàng Chia (dân tộc Khmer), người đảng viên có gần 50 năm tuổi đảng ngụ ở ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn này, gia đình đảng viên Lý Hoàng Chia đã trở thành tấm gương sáng đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư về tinh thần đoàn kết, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Năm nay tuy đã ngoài 70 nhưng đồng chí Lý Hoàng Chia còn tráng kiện, hằng ngày vẫn miệt mài lao động. Ngoài làm ruộng, gia đình đồng chí còn nuôi heo, gà, vịt và trồng cây ăn trái mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm liền đồng chí được công nhận là nông dân sản xuất giỏi.

Không những vậy, khi trong xóm, ấp, hộ gia đình nào có xích mích, va chạm, nhất là những hộ đồng bào Khmer, đồng chí Chia lại đến tận nơi hoà giải. Việc gì khó hoặc có dấu hiệu “lạ” thì điện báo cho cán bộ ở Đồn Biên phòng và UBND xã biết để các cấp uỷ, chính quyền và lực lượng biên phòng phối hợp, xử lý kịp thời. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào bảo vệ biên giới, hăng say lao động sản xuất, đồng chí còn nhận đỡ đầu những gia đình người dân tộc Khmer khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Lý Hoàng Chia thực sự là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng người Khmer ở xã Khánh Bình Tây, được các cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao.

Những “rường cột” của biên cương

Tại Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020, các đại biểu đã rất ấn tượng với bài phát biểu tâm huyết của đảng viên trẻ Vàng A Tùng (sinh năm 1992, dân tộc Mông), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cách đây vài năm, Ngải Thầu Thượng là một làng quê nghèo, điện, nước sinh hoạt còn chưa đến mọi nhà, gia đình Vàng A Tùng là một trong 38 hộ nghèo trong bản. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng Vàng A Tùng xác định phải đi kiếm “con chữ”, trước là giúp gia đình, sau giúp bà con thôn, bản thoát nghèo.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên của Đại học Lâm nghiệp, Vàng A Tùng trở về quê hương. Nhận thấy củ hoàng sin cô (khoai sâm đất) rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên đỉnh Ma Cha Va, Vàng A Tùng đã quyết định trồng thử trong vườn. Bước đầu khởi nghiệp trong điều kiện khó khăn, gia đình đồng chí chỉ trồng được 30 kg giống, cho thu nhập 5 triệu đồng/vụ. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế của củ này nên gia đình đã nhân giống và mở rộng diện tích trồng lên 200 kg giống, thu nhập tăng lên gấp 10 lần. Không giữ bí quyết cho riêng mình, đồng chí Tùng vận động bà con dân tộc thiểu số trong bản cùng làm theo. Năm 2020, bà con đã trồng được gần 20 ha, cho thu nhập cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của thôn xuống còn 2,38%. Đồng chí Tùng cũng đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, vận động hơn 40 hộ trong bản hiến đất làm hơn 5,8 km đường nông thôn mới, riêng gia đình đồng chí đã hiến 220m2 đất làm đường.

Cũng giống như Vàng A Tùng, đồng chí Chìu Văn Phúc (sinh năm 1990, dân tộc Dao), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phai Làu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một đảng viên trẻ nhiệt huyết, năng động, có tri thức và khát khao cháy bỏng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng chí Phúc là một trong những người có uy tín tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Tạp chí Cộng sản và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức năm 2018. Với phương châm “đảng viên đi trước”, trong bất kỳ công việc nào đồng chí Phúc luôn tâm niệm phải nghĩ trước, làm trước, khi mình thành công, bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Nhận thấy địa phương có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại nông sản như củ cải, rau cải, cây thuốc cổ truyền… đồng chí đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã trồng rau sạch cũng như chủ động xây dựng mô hình nuôi lợn, dê. Để hướng đến việc nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng chí đã tận dụng mạng in-tơ-nét, sách, báo, tìm hiểu kiến thức canh tác, học hỏi cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật rồi vận dụng kiến thức có được hướng dẫn bà con xây dựng mô hình chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác áp dụng khoa học - kỹ thuật.

Đồng chí Chìu Văn Phúc luôn chủ động liên hệ với các cấp uỷ, chính quyền, BĐBP để nắm thông tin xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và công tác quốc phòng, an ninh biên giới; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, Chi bộ thôn Phai Làu đều ban hành nghị quyết về thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Chi bộ luôn gắn nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng chí Chìu Văn Phúc cùng Chi bộ thôn Phai Làu không chỉ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quan tâm đến việc giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến đời sống của nhân dân trong bản mà còn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền về những cách làm phù hợp với văn hóa, phong tục địa phương (kết nghĩa giữa các thôn, bản lân cận...), đem lại kết quả nhiều mặt.

KỲ 2: NHỮNG NGƯỜI THẮP LỬA VÙNG BIÊN

Biên giới - hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc ta đã trải qua nhiều biến động. Để biên giới không còn là những hình ảnh lạc hậu mà là những đô thị mới sầm uất - những điểm sáng hội nhập, là những miền quê trù phú với những mặt hàng nông, lâm sản có giá trị cao… có sự đóng góp công sức, trí tuệ của biết bao con người…

Hướng về biên cương bằng tấm lòng nhân hậu

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, khi nắng hè oi nồng đường phố, tiếng ve báo hiệu năm học kết thúc cũng là thời điểm các chiến sĩ “quân hàm xanh” trên mọi miền biên giới lại “căng mình” thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhưng cũng thật ấm lòng khi nhiều học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại biên giới, biển đảo đã được trao học bổng Vừ A Dính và học bổng Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”. Càng xúc động hơn, người lặng thầm đứng sau những học bổng ý nghĩa đó là đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước. Hiện nay, đồng chí là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”…

Có thể nói, cuộc đời hoạt động của đồng chí Trương Mỹ Hoa là nguồn cảm hứng cho nhiều lứa thanh niên. Khi mới 15 tuổi, cô bé nhỏ xíu người Tiền Giang ấy đã tham gia cách mạng, bị địch bắt, tù đày suốt 11 năm tại các nhà lao khét tiếng nhất, chịu không biết bao lần tra tấn dã man. Trung trinh và kiên tâm, bản lĩnh và nhân hậu, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng dù ở cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất của người cộng sản mẫu mực, kiên trung với Đảng, hết lòng phụng sự Đất nước và Nhân dân; được đồng chí, đồng đội, đồng bào kính phục, tin quý.

Đặc biệt, đồng chí Trương Mỹ Hoa gắn bó và luôn hướng về biên giới bằng những việc làm cụ thể, đầy tình yêu thương của một trái tim nhân hậu, một trí tuệ sắc sảo, luôn đặt nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng cảm với những khó khăn của quân dân biên giới, ngay từ năm 1991, khi vừa trở thành Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí đã quyết định chọn Bộ Tư lệnh BĐBP là lực lượng vũ trang đầu tiên để ký kết Nghị quyết liên tịch về “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo”. Từ đó đến nay, chương trình đã có nhiều bước phát triển mới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, trình độ nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số, tạo nên một phong trào sôi nổi, rộng khắp của phụ nữ hậu phương hướng về biên giới nhằm động viên, chia sẻ với người chiến sỹ Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. “Bà con ở những vùng biên giới phên giậu của Tổ quốc đã giúp đỡ cách mạng, cưu mang cán bộ trong kháng chiến, giờ lại ở nơi địa đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tôi mong có sự chung tay góp sức của cộng đồng, cùng khơi lên ngọn lửa truyền thống nhân ái của dân tộc để góp phần xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh”, đồng chí Trương Mỹ Hoa chia sẻ.

Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, đồng chí đã tích cực tham gia công tác xã hội, chính thức khởi đầu hành trình đặc biệt “22 năm lên rừng, 7 năm xuống biển” để đoàn kết các dân tộc, chung tay, góp sức để miền núi tiến kịp miền xuôi. Năm 2021, Quỹ học bổng Vừ A Dính tròn 22 tuổi và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” bước sang tuổi thứ 7. Đồng chí Trương Mỹ Hoa cùng những cộng sự đã vận động được hơn 5.000 lượt tài trợ với hơn 352 tỷ đồng, trao gần 85.000 suất học bổng thường xuyên và đầu tư các dự án nguồn nhân lực có chiều sâu như: “Ươm mầm tương lai”, “Mở đường đến tương lai”, “Thắp sáng tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”…; đào tạo nguồn nhân lực trẻ với hơn 1.000 học sinh, sinh viên thuộc 36 dân tộc của 45 tỉnh, thành phố; xây 166 căn nhà tình thương, 39 cây cầu, 4 con đường và hàng chục nghìn phần quà cho bà con vùng sâu, vùng xa… Cùng với đó, Quỹ đã xây dựng 17 trường, điểm trường, trong đó có hai ngôi trường ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn trị giá trên 100 tỷ đồng.

Chúng tôi vô cùng ấn tượng với lời phát biểu mộc mạc, thấm đẫm nhân cách người cộng sản chân chính của đồng chí Trương Mỹ Hoa khi nhận Huy hiệu 60 năm tuổi đảng cao quý: “Đảng lúc nào cũng ở trong tôi và luôn dìu dắt cho chúng tôi đi trong những giờ phút khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu cũng như để hoàn thành tốt những công việc do Đảng và Nhân dân giao phó sau ngày hòa bình”. Vâng, trọn vẹn cuộc đời mình, nữ chiến sỹ quả cảm của “đội quân tóc dài” miền Tây năm ấy đã sống và cống hiến theo lý tưởng cao cả như thế đó.

Xây dựng biên giới theo hướng liên kết, kết nối

Trong kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giai đoạn 2016-2020 do Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký ban hành, có đoạn: “Xây dựng khu vực biên giới theo hướng kết nối, liên kết, phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng nguồn lực thực hiện, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng lân cận để tạo động lực cho cả khu vực biên giới... Khai thác hiệu quả tiềm năng của hệ thống cửa khẩu biên giới”. Đến nay, những mục tiêu trong định hướng lớn đó của Đồng Tháp cơ bản đã trở thành hiện thực, biên giới nơi đây trở thành một điểm sáng phát triển của đất Sen Hồng. Đó là tâm huyết, công sức của đảng ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và  hàng vạn người dân biên giới các huyện, xã giáp biên.

Nao lòng khi đọc những dòng chữ đồng chí Lê Minh Hoan gửi người dân mà nếu không yêu, không hiểu và không đắm mình cùng người dân biên giới sẽ khó lòng viết được: “Hò Đồng Tháp quê mình mình nghe nhiều, nhưng nghe trong một không gian đầy hương đồng gió nội ở miền biên giới một ngày cuối tuần thì cảm xúc thật dâng trào... Trở lại không khí hôm ra mắt “Hội quán nuôi lươn” của bà con Thường Phước quê mình, mới thấy ấm cúng làm sao, tình nghĩa làm sao! Bảy mươi chín nông dân nuôi lươn “xúm xa xúm xít” bên nhau, mắt cùng hướng về một ngày mai sẽ có nhiều đổi thay trên miền biên giới này”...

Người dân dành cho đồng chí Lê Minh Hoan nhiều biệt danh thân thương đến lạ: “Bí thư khởi nghiệp”, “Bí thư đất Sen Hồng”, “Quán chủ của Đồng Tháp”, “Bí thư của nông dân”, “Nhà báo Xích Lô (six lotus)”, “Anh Sáu Sen” hay “Bí thư xe đạp”... Mỗi cái tên đều gắn với một câu chuyện đời của đồng chí, với những điều đồng chí tâm đắc, hay những thành tựu trong công tác và cả phong cách giản dị, gần gũi của người cộng sản. Đồng chí Lê Minh Hoan luôn tâm niệm: “Đảng lãnh đạo Nhân dân, muốn lãnh đạo phải có sự thấu hiểu, lắng nghe, tương tác chứ không phải mệnh lệnh một chiều, huấn thị một chiều. Bác Hồ đã từng nói Đảng của dân, do dân, vì dân, từ Nhân dân mà ra. Hòa mình vào Nhân dân, cùng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, thấu hiểu thì chúng ta mới thuyết phục được người dân”.

Từ quan niệm ấy, người dân Đồng Tháp quý mến đồng chí bởi luôn có sự sâu sát, gần dân và hết mình vì dân. Nông dân Đồng Tháp nói chung và các huyện biên giới nói riêng không ít lần cùng vị “quan đầu tỉnh” này ngồi ăn cơm bên bờ ruộng để nói chuyện con giống, cây trồng và cách thức hợp tác làm ăn. Đồng chí gặp gỡ doanh nghiệp từ trong hội nghị ra tới quán cà phê cuối tuần để cùng tháo gỡ khó khăn. Đồng chí viết báo, phát biểu luôn tinh tế, sâu sắc để mỗi cán bộ, công chức lắng nghe, đọc, tự ngẫm về vai trò, trách nhiệm của bản thân... Một cách giản dị như thế, đồng chí đã cùng với những cán bộ lãnh đạo của tỉnh góp phần đưa Đồng Tháp từ một tỉnh thuần nông, nghèo tài nguyên, khoáng sản trở thành địa phương luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và cải cách hành chính.

Với lĩnh vực du lịch, “anh Sáu Sen” định hướng làm từng phần bền vững, phù hợp với điều kiện địa phương. Du lịch Đồng Tháp không cần quá hoành tráng, phô trương mà cần dựa vào thiên nhiên và chăm chút vào đó với tất cả tấm chân tình của mình, mang phong vị và tâm hồn người Đồng Tháp. Tuổi trẻ Đồng Tháp nhờ sự động viên chí tình, sự quan tâm thực tế của vị “Bí thư khởi nghiệp” đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương và bản lĩnh kinh doanh, lập nghiệp của mình đã tạo nên nhiều sản phẩm hàng hóa đặc sắc, nhiều thương hiệu uy tín, giá trị kinh tế. Nông dân Đồng Tháp tự hào về vị “Quán chủ” đã có sáng kiến tập hợp nhân dân có cùng một hoạt động sản xuất, một ý chí muốn vươn lên, một khát vọng muốn làm giàu về sinh hoạt chung một nơi với tên gọi là Hội quán.

Trong bộn bề công việc, đồng chí Lê Minh Hoan không quên quan tâm đến việc “trù phương lược” cho biên giới. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chăm lo. Trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều với những tấm gương thầy, cô giáo tận tụy vì học sinh thân yêu. Cơ sở vật chất Ngành Y tế được quan tâm đầu tư, cùng với đó chất lượng phục vụ của đội ngũ thầy thuốc ngày càng được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Những mô hình tự quản trong cộng đồng ngày càng lan toả. Đường biên, cột mốc được giữ vững đã thể hiện rõ trách nhiệm của người dân Đồng Tháp với cương vực ngàn đời của ông cha.

“Chinh phục thiên nhiên đã khó, chinh phục “lòng người” càng khó hơn nhiều” - Lời tâm tình của “Nhà báo Xích Lô” từ vùng biên Đồng Tháp năm nào giờ đây đã bắt đầu một hành trình chinh phục mới: Hành trình kiến tạo những giá trị bền vững cho nông sản Việt, kiến tạo vị thế, tâm thế mới cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam!

Đảm lược phía biên cương

Cuối năm 2019, chúng tôi được tháp tùng Trung tướng, PGS, TS. Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) sang thăm và tặng quà Tết cho người dân bản Ka Lô, huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, giáp với huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bản nghèo phiêu dạt năm xưa giờ đây đã trở nên khang trang, trù phú nhờ có sự quan tâm của những chiến sĩ Biên phòng Việt Nam. Trưởng bản Kê Oi rơi nước mắt khi nói lời cảm ơn vị tướng năm xưa đã đến tận bản, ở lại nhiều ngày để chỉ đạo lập bản, dựng nhà. Bao năm qua, không chỉ lập bản, dựng nhà ở Ka Lô, tướng Hoàng Xuân Chiến đã luôn gắn mình trong gian khó biên cương cùng đồng đội và đồng bào trên dọc dài Tổ quốc, góp phần cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chung tay xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Quay trở lại với câu chuyện của vùng biên Thừa Thiên Huế, năm 2009 đồng chí Hoàng Xuân Chiến được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế. 5 năm gắn bó với vùng đất này, đồng chí đã triển khai nhiều hoạt động mang tính đột phá như: Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vượt thời gian quy định 2 năm; tăng cường 15 cán bộ Biên phòng về giữ chức phó bí thư đảng ủy xã biên giới và 47 đảng viên Biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản; trao tặng hàng trăm “Mái ấm biên cương” cho đồng bào nghèo... Những hành động, việc làm tốt đẹp ấy khởi nguồn từ trái tim người lính đã tạo nên sức mạnh, củng cố thêm niềm tin trong hành trình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống của người dân biên giới.

Năm 2012, người chiến sĩ Biên phòng đảm lược ấy đã được đặt lên vai một trọng trách mới là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP. Phương pháp làm việc khoa học, chính xác cùng sự tận tụy đã giúp đồng chí cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiều đề án, công trình nghiên cứu trọng điểm liên quan đến biên giới, biển đảo và BĐBP. Thời điểm này, vấn đề đồng bào Mông ở Mường Nhé (Điện Biên) nổi lên phức tạp. Phó Tư lệnh Hoàng Xuân Chiến lập tức tham mưu với Thường vụ Đảng ủy cho tăng cường cán bộ Biên phòng là người Mông tại các tỉnh phía Bắc về Mường Nhé, đồng thời lập Sở chỉ huy cơ động và trực tiếp có mặt tại địa bàn. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào biên giới luôn theo chân người lính Biên phòng đến từng bản làng, dần dần thay đổi nhận thức của bà con và “làm nguội” những “điểm nóng”. Mường Nhé dần trở lại bình yên, màu vàng rực của cúc quỳ lại theo váy áo phụ nữ Mông lên rẫy, xuống chợ.

Cuối năm 2015, đồng chí Hoàng Xuân Chiến - người con của vùng đất khoa bảng Hưng Yên có thêm nhiệm vụ mới, trở thành người chỉ huy cao nhất của những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Vị Tư lệnh này luôn trăn trở làm sao phát huy được phẩm chất của người lính “quân hàm xanh” nơi biên cương, khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, ý thức trách nhiệm, chia sẻ gian khó với nhau… Những thiếu thốn của bà con được đồng chí đặc biệt lưu tâm tìm mọi cách hỗ trợ nhân dân thoát đói, giảm nghèo.

Đồng chí cũng hết sức coi trọng công tác đối ngoại biên phòng giữa nhân dân hai nước để bảo vệ biên giới, cùng xây dựng, chung tay vun đắp một dải biên cương hữu nghị, hòa bình. Nhiều dấu ấn quan trọng của lực lượng BĐBP thời gian gần đây đều có sự đóng góp tích cực của vị tướng này. Nhiều chủ trương, văn bản pháp luật quan trọng như: Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam... là tâm huyết, trí tuệ của đồng chí cùng biết bao nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách.

Một cách giản dị, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến đã để lại trong lòng đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế hình ảnh một vị tướng thẳng thắn, trung thực và giàu lòng vị tha.

Kỳ 3: Những người nối ý Đảng với lòng Dân     

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ở những nơi đồng bào thiểu số, phải luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu cán bộ thì đồng bào sẽ luôn hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cho ta”. Lời dặn của Người vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố biên giới ghi nhớ và vận dụng sáng tạo để làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong thành công ấy, có nỗ lực không nhỏ của hàng vạn cán bộ cơ sở, họ phát huy phẩm chất của người cộng sản, bám trụ ở những nơi gian khó, thắp sáng niềm tin theo Đảng trong cộng đồng bà con các dân tộc nơi miền biên viễn.

Đi học để... giúp đồng bào mình

Nếu có dịp lên với vùng đất di sản Hoàng Su Phì trong những phiên chợ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hoạt động của Ðội Thông tin tuyên truyền (thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện). Giữa khung cảnh rộn ràng sắc màu thổ cẩm ấy là một bóng áo xanh đằm thắm đang tuyên truyền, phổ biến pháp luật với bà con các dân tộc bằng nhiều thứ tiếng Mông, Dao, Nùng, Thái... Ở vùng đất của ruộng bậc thang quanh năm mây trắng, người dân thường nhắc đến Vương Thị Thảo (dân tộc Cờ Lao, cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Su Phì, đại biểu Quốc hội khóa XI) như một tấm gương đáng quý về nỗ lực học tập và khát vọng vươn lên, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, yên bình cho phụ nữ các dân tộc nơi đây. 20 tuổi, Thảo mới bắt đầu đi học lớp 1 và lần lượt hoàn thành chương trình THPT rồi Đại học Văn hóa Hà Nội, trở thành người phụ nữ dân tộc Cờ Lao đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Đi tìm nguyên nhân của nghị lực “vượt vũ môn” ấy, chúng tôi nhận được câu trả lời thẳng thắn, dứt khoát của Thảo: Học để đưa quê hương vùng biên thoát nghèo, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia… Quả thật, sau nhiều năm nỗ lực trau dồi kiến thức, bám địa bàn, Thảo đã thực sự là một nữ cán bộ có uy tín đối với nhân dân các dân tộc nơi đây. Hơn nữa, thông thạo tiếng nói của nhiều dân tộc nên Thảo dễ dàng gần gũi, gắn bó với bà con và trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Để những bài tuyên truyền của mình có sức thuyết phục, cập nhật cả thông tin của cơ sở, Thảo thường xuyên bám, nắm thôn bản, gặp gỡ các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn để tìm hiểu tình hình an ninh trật tự, chủ động đề xuất những biện pháp nhằm giúp cho phụ nữ các dân tộc thiểu số không vì thiếu hiểu biết mà trở thành nạn nhân của bọn buôn người hoặc bị lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật.

Khi tuyến biên giới nơi đây được phân giới cắm mốc, đồng chí Thảo đã theo chân những người lính Biên phòng đến từng cột mốc, nắm rõ vệt đường biên, vùng đất quy thuộc của mỗi nước, sau đó tuyên truyền, giải thích rõ để bà con không vi phạm các quy chế, hiệp nghị biên giới. Thời còn công tác ở Hội Phụ nữ xã Túng Sán quê nhà, đồng chí là một trong những điển hình tích cực vận động chị em trong xã đi học và vận động các gia đình đưa trẻ đến trường. Phụ nữ Cờ Lao ở Túng Sán bấy lâu nay chỉ quen cúi mặt sau lưng trâu, lặng lẽ nơi góc bếp, giờ đây đã có niềm tự hào khi có gần 30 chị em vốn mù chữ tốt nghiệp THPT. Nhiều chị em còn phấn đấu học cao hơn tại các trường sư phạm của tỉnh, tạo nên thế hệ phụ nữ mới với nhiều khát vọng về cuộc sống no ấm, về quyền bình đẳng và tự chủ. Sự thay đổi, trưởng thành của người phụ nữ đang dần khiến cho miền rừng Túng Sán ngày càng “gần” hơn với miền xuôi, giúp cho dân tộc Cờ Lao bé nhỏ nơi thâm sơn cùng cốc ngày càng hòa nhập hơn với cộng đồng, với đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Cũng là một “hiện tượng” của bản, Thẩm phán Hồ Văn Nhàn (Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) được biết đến là người đàn ông dân tộc Tà Ôi dũng cảm vượt qua lời nguyền, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để “hạ sơn” theo học cái chữ, từ đó góp phần thay đổi cuộc sống của dân tộc mình. Có sống ở nơi thậm hoang vu này, “nằm nghiêng thấy suối, nằm ngửa thấy rừng” mới thấy hết được cái chuyện Hồ Văn Nhàn kiên trì leo đèo, lội suối đằng đẵng suốt nhiều năm trời để học chữ, rồi trở về làm cán bộ Tòa án, chả khác gì chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hơn 20 năm trước khi về công tác tại Tòa án huyện nhà, Hồ Văn Nhàn nhiều lần phải chứng kiến những đồng bào dân tộc mình sa vào vòng lao lý chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Những câu hỏi như “Làm sao để “xóa mù pháp luật”, nâng cao nhận thức cho đồng bào, để bớt đi những sai lầm không đáng có?” cứ day dứt trong tâm trí đồng chí mãi. Với tâm nguyện luôn muốn “làm một điều gì đó cho quê hương”, nhiều năm qua, bất cứ cơ quan, đoàn thể nào trên địa bàn tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào, đồng chí đều cố gắng tham gia. Bởi đồng chí quan niệm, mình đã có may mắn được ăn học đàng hoàng thì việc đem vốn kiến thức đã được học đó chia sẻ, góp phần cho sự phát triển chung của cộng đồng là điều nên làm.

Theo Thẩm phán Nhàn, cái khó nhất của người cán bộ tòa án vùng cao là phải cố gắng vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của đồng bào. Muốn làm được như thế thì những người cán bộ như đồng chí phải thường xuyên lăn lộn với địa bàn, biết lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cũng vì phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” ấy, anh em trong cơ quan cùng gia đình đã quá quen với việc thẩm phán người Tà Ôi “cơm đùm, cơm nắm”, băng rừng lội suối xuống địa bàn giúp dân.

Đồng chí Nhàn tâm sự: “Các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình thường phức tạp, đòi hỏi tòa án không chỉ giải quyết công bằng mà còn phải thấu đáo, hợp lý, hợp tình. Nhất là vùng cao, do ảnh hưởng sâu bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên bà con rất trọng chữ “tình”. Trong các vụ án này, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết ổn thỏa, nếu không ảnh hưởng về sau sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”. Tận tụy với nghề, gần gũi với đồng bào như thế nên đồng chí luôn nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp. Đối với cộng đồng người Tà Ôi ở vùng biên viễn này thì Hồ Văn Nhàn là một “người con ưu tú của núi rừng”.

Một lòng vì Đảng, vì Dân

Ngày 19-3-2021, Chi bộ thôn 5, xã biên giới Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có một sự kiện đặc biệt: Kết nạp một quần chúng ưu tú cao tuổi nhất của Hà Tĩnh trong hơn 20 năm qua vào Đảng. Đứng trước cờ Đảng thiêng liêng, người cựu chiến binh 62 tuổi, từng “vào sinh ra tử” trên chiến trường Căm-pu-chia trong những năm tháng ác liệt nhất, vẫn không khỏi xúc động, bồi hồi. “Tôi quan niệm, mỗi một ngày đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự lớn lao! Đó không chỉ là vinh dự cho bản thân mà còn cho gia đình. Với tôi, không quan trọng mình vào Đảng ở độ tuổi nào mà quan trọng là mình làm được gì cho Đảng, cho Nhân dân”, cựu chiến binh Lê Đình Phiên bộc bạch như vậy trong buổi lễ kết nạp.

Gần 40 năm trước khi phục viên trở về quê hương, cựu chiến binh Lê Đình Phiên được tín nhiệm cử giữ chức Trung đội trưởng dân quân tự vệ của xã trong nhiều năm, sau đó chuyển sang làm Chi hội trưởng Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh... Một đôi vai gánh mấy trọng trách, dẫu chức vụ không đòi hỏi nhiều về học vấn hay chuyên môn nhưng ở vùng biên giới khó khăn này, để có thể bền bỉ mấy chục năm “vác tù và hàng tổng”, vừa tận tụy bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vừa bươn chải xóm trên đồng dưới tìm cách thoát nghèo, đưa xóm thôn phát triển như hôm nay là điều không đơn giản, chỉ có ý chí, nghị lực của người lính từng băng qua lửa đạn mới có thể làm được.

20 năm trước, Hương Liên vẫn là xã miền núi nghèo xơ xác, giao thông đi lại khó khăn, lương thực tự cung tự cấp là chính. Bà con người Kinh, người Lào sống quần tụ bên những con suối đổ về Ngàn Sâu, còn bà con người Chứt thì lang thang trong rừng. Vừa lo việc công, cựu chiến binh Phiên vừa theo nghề mộc, nghề xây rồi chuyển sang làm nông, lâm nghiệp để thoát nghèo. Học được gì hay, đồng chí áp dụng trước rồi bày cho bà con cùng làm. Khi bà con người Chứt ở Rào Tre đói rách, dù chẳng mấy dư dả, đồng chí bàn với vợ mang gạo vào giúp đỡ. Tận tụy việc công, tần tảo việc riêng như thế, hai vợ chồng đã nuôi 6 người con ăn học thành người, giờ có tuổi thì vui với vườn cây đặc sản cam, bưởi, chăm sóc đàn trâu và không quên giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Cách sống, cách cống hiến của đồng chí trong sáng, vô tư như suy nghĩ của đồng chí vậy: “Khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đối mặt với kẻ thù, tôi luôn tâm niệm sẽ không chùn bước. Về với quê hương, đối mặt với đói nghèo, tôi cũng không sờn lòng. Tôi nghĩ mình tuổi đã cao, làm quần chúng tốt là đủ rồi. Nhưng tôi cũng nhớ lời Bác Hồ dạy: “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng, hay là để nói chính trị suông. Tất cả đảng viên và đoàn viên phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành các chính sách của Đảng và Chính phủ”. Vậy là lòng tôi thôi thúc. Tôi thấy mình cần trở thành đảng viên để thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Bác để phát huy hơn nữa tính tiền phong, gương mẫu và góp sức xây dựng tổ chức đảng ở xã vùng biên xa xôi này”. Lại nhớ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các tổ chức đảng phải đặc biệt quan tâm đến sự giác ngộ, lòng trung thành, thái độ, trách nhiệm của quần chúng với Đảng, với Nhân dân, nhất là những người ưu tú, mẫu mực, chúng tôi nghĩ những tiêu chí đó thực sự sát đúng đối với trường hợp của cựu chiến binh Lê Đình Phiên.

Mãi một niềm tin son sắt với Đảng mà hơn 20 năm trước bác sĩ Luân Thanh Trường (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) đã tình nguyện ra với xã đảo thân thương này, dù có nhiều cơ hội xin về nơi có điều kiện tốt hơn. Ở nơi mênh mông biển trời, làm nhiệm vụ trong điều kiện tối thiểu, nếu quy chiếu theo những thang bậc thi đua, bác sĩ Trường không hẳn đã là “điển hình tiên tiến” của Ngành Y tế. Song, những trải nghiệm với đời, với nghề của đồng chí đã đọng lại trong mỗi người một chữ tâm giản dị và trong sáng… Khoảng hơn 5.000 người từ trẻ nhỏ đến người già của ba ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng thuộc xã Thạnh An đều biết tiếng bác sĩ Trường. Nhà nào trong xã cũng lưu số điện thoại, coi đồng chí như bác sĩ riêng của gia đình mình, có thể gọi bất cứ khi nào… Bác sĩ cũng luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” với bệnh tật.

Không chỉ được biết đến là người có tay nghề giỏi mà bác sĩ Trường còn là người giàu lòng nhân ái, chữa bệnh với tâm thế “ai không có tiền bác sĩ cho thiếu, ai có tiền thì trả, ai không trả thì thôi, tuyệt đối không đòi”. Hỏi bác sĩ Trường về điều đó, chúng tôi nhận lại nụ cười theo kiểu “chuyện nhỏ xíu à” bởi lý do: “Tui ở đây khám chữa bệnh cho bà con đã gần 20 năm. Mà lại khám chữa bệnh theo kiểu “cơ động, dã chiến” nên tui và bà con biết nhau nhiều. Với lại tui cũng cần nắm rõ hoàn cảnh, tâm lý của từng người bệnh, từ đó có phương pháp điều trị sao cho hiệu quả. Tuy vất vả nhưng đó cũng là niềm tự hào của những người làm công tác y tế ở cơ sở”.

Giờ thì bác sĩ Trường đã “bén duyên” với đảo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một thiếu nữ xứ đảo đã làm chủ trái tim của vị bác sĩ đáng kính này. Có bạn học trên thành phố hỏi: “Bộ đất lành chim đậu hay sao không chịu về?”. Người Trạm trưởng của đảo cười hiền hậu đáp: “Chim đậu đất lành, chim “lún” làm sao nỡ bay?!”. Bác sĩ Trường bảo, “lún” trong tình thương yêu của một cộng đồng biết sẻ chia, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Khi chúng tôi đang vui chuyện thì điện thoại reo, một ca cấp cứu cần đến bác sĩ Trường. Chiếc xe Wave có hai túi cứu thương cột sẵn dựng ở sân Trạm Y tế xã bỗng thêm một bịch tôm khô. “Quà của bà con lén cho đó!” - Bác sĩ Trường cười giải thích rồi tất tả lên xe chạy vội, chở theo tấm lòng thương mến của người dân Thạnh An cùng 2 túi đồ nghề đã sờn mép vải nhưng vẫn sạch trắng, nổi bật hình chữ thập đỏ tươi. Thu vào tầm mắt chúng tôi là cái dáng đi tất bật và gương mặt hồn hậu, tiếng nói trầm ấm của bác sĩ Trường giữa nắng gió biển khơi: “Người dân ở đây bày tỏ lòng biết ơn tui vì tui chữa bệnh cho họ. Còn tui thì biết ơn họ vì tình nghĩa họ dành cho tui. Nhờ có bà con nơi đây, tui mới có cơ hội trở thành một bác sĩ tốt!”.

Có thể thấy mỗi tấm gương, mỗi cán bộ, đảng viên kể trên tuy ở vào mỗi vị trí, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều đã và đang nỗ lực để có được chỗ đứng không chỉ trong bộ máy công quyền, mà quan trọng nhất là trong lòng dân. Nhiều người trong số họ có cơ hội được đến những nơi thuận lợi hơn, chế độ ưu đãi tốt hơn nhưng vẫn lựa chọn ở lại, với tâm thế của người xung phong nhận khó, nhận khổ về mình để bà con có được cuộc sống ấm êm, đủ đầy hơn.

Kỳ 4 Đảng viên mặc áo lính – Sứ giả hữu nghị

Với vị trí chiến lược, mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, công tác đối ngoại biên giới được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. Nhiều đảng viên đã phát huy vai trò của mình, thực sự gương mẫu đi đầu trong việc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai tuyến biên giới, xứng đáng với tên gọi “sứ giả hữu nghị” mà nhân dân đã đặt cho.

Đảng viên áo lính với “nhiệm vụ kép”

Đã thành lệ, mỗi năm hai lần, hơn 80 cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn và Đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc Trạm kiểm soát biên phòng Hữu Nghị Quan (Tổng đội Công an biên phòng Quảng Tây, Trung Quốc) lại gặp gỡ nhau trong dịp sinh hoạt đảng đặc biệt với chủ đề “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương” và “Trung - Việt hữu nghị tâm liền tâm”. Tin cậy, phấn chấn và đầy hy vọng là những gì chúng tôi cảm nhận được khi chứng kiến những đảng viên mặc áo lính của hai đất nước, hai lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh biên giới cửa khẩu cùng nhau hát vang bài “Quốc tế ca” hùng tráng.

Người góp phần tạo nên mô hình đối ngoại nhiều ý nghĩa này là Thượng tá Bùi Xuân Tài, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Lạng Sơn, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Là một sĩ quan biên phòng bản lĩnh, hiểu biết, không ngừng tư duy sáng tạo, Thượng tá Bùi Xuân Tài đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ biên giới của BĐBP tỉnh Lạng Sơn, như đấu tranh phòng chống tội phạm, vận động quần chúng và đặc biệt là quản lý cửa khẩu. Song, dấu ấn của người chiến sĩ mang quân hàm xanh này trong hoạt động đối ngoại hết sức đáng trân trọng.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Trạm kiểm soát Biên phòng Hữu Nghị Quan là một trong những cặp đơn vị đầu tiên tổ chức ký kết giao lưu kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” và cũng là đơn vị thí điểm tổ chức mô hình “Giao lưu chính trị” giữa lực lượng quản lý, bảo vệ cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Căn cứ thực tế, Đồn trưởng Bùi Xuân Tài đã chỉ đạo đơn vị triển khai các hoạt động đối ngoại với phía bạn bằng nhiều hình thức sinh động, biểu hiện cho tình đoàn kết, hữu nghị, chia sẻ chân thành, như mở các lớp học “Cùng nói tiếng láng giềng, cùng hát bài ca hữu nghị”, tọa đàm song phương “Đọc và bình luận các trước tác cách mạng”, “Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng tổ chức đảng vững mạnh” và ký Biên bản ghi nhớ cùng nhau xây dựng “Cửa khẩu kiểu mẫu”…

Có tận mắt chứng kiến tình cảm nồng ấm giữa những người đảng viên mặc áo lính của hai nước bên nhau thực hiện nhiệm vụ chung, tích cực cùng nhau học tập Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nghiên cứu “Phương pháp công tác đảng ủy” của Chủ tịch Mao Trạch Đông và văn kiện “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thấy hết được giá trị tư tưởng và tinh thần to lớn mà các hoạt động đối ngoại đem lại. Thượng tá Thạch Tương Quốc, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hữu Nghị Quan rất tâm đắc khi nhắc đến người đồng chí bên kia biên giới: “Đồng chí Tài đối với chúng tôi hết sức gắn bó, chúng tôi đã cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng nhau làm tốt công tác đối ngoại chính trị để làm tăng thêm ý nguyện và nhận thức chung của hợp tác hữu nghị, giúp thúc đẩy thực thi pháp luật nhanh chóng và hiệu quả”.

Năm 2019, Đồn trưởng Bùi Xuân Tài được bổ nhiệm cương vị mới, song đồng chí vẫn nỗ lực tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn những biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới và đối ngoại hiệu quả. Nhờ vậy những năm gần đây, hàng trăm chuyên án buôn bán ma túy, buôn bán người và gian lận thương mại được hai đơn vị phối hợp triệt phá thành công. Đường biên, mốc giới được bảo vệ toàn vẹn, nhân dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất trên lãnh thổ của đất nước mình; việc giao thương, trao đổi nông sản, hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Hoạt động cửa khẩu ngày một thông thoáng, hiện đại, văn minh, chính sách biên mậu chung khá linh hoạt và phù hợp với từng địa phương đã thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ.

Giống như Thượng tá Bùi Xuân Tài, Thượng tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum cũng là một “cây cầu hữu nghị” tại ngã ba biên giới Bờ Y, giữa ba nước Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia. Đã 15 năm qua, mỗi khi mùa khô đến, đồng chí lại cùng đồng đội chia các hướng để tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Lào và Căm-pu-chia trong những năm chiến tranh ác liệt. Chờ đón các đồng chí bên kia biên giới cùng bước vào hành trình khi mùa khô đến chính là những cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội công tác đặc biệt của ba tỉnh A-tô-pư, Chăm-pa-sắc, Sê Kông (Lào) và tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Căm-pu-chia).

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười ấm tình đồng chí khiến không gian giữa mùa khô như tươi mát hơn. Dù điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri còn nghèo song không vì thế mà Đội K53 nhận được ít sự quan tâm, hỗ trợ. Thượng tá Khoa kể rằng, khi sang đất bạn, mọi đội viên đều xác định rõ vừa tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, vừa góp phần vun đắp thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc nên đều rất nỗ lực. Bản thân anh là đội viên Đội K53 từ khi còn rất trẻ, nay giữ vai trò Đội trưởng, song chưa lúc nào quên “nhiệm vụ kép” của mình.

Những lần hành quân tìm kiếm tại những khu vực hiểm trở, mỗi khi thời tiết không thuận lợi, Thượng tá Khoa lại chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của bạn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu chính sách của hai Đảng, hai Chính phủ về công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam. Đồng thời, đồng chí và đồng đội luôn sẵn sàng “ba cùng” giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh… Còn bạn tranh thủ giúp cán bộ ta học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc để dễ dàng hòa nhập, làm tốt nhiệm vụ được giao.

15 năm với hàng nghìn lần luồn rừng giữa nắng đốt chang chang, dìu nhau vượt dốc, qua đèo, ca nước nhường nhau, miếng lương khô chia nửa đã làm nên nghĩa tình giữa Đội K53 và những người đồng chí nước bạn. Do công việc nặng nhọc, lại sống hàng nửa năm trong rừng nên sốt rét, ghẻ lở trở thành bệnh thường mắc với hầu hết các thành viên trong Đội. Những xóm, bản có thông tin về nơi an nghỉ của bộ đội Việt Nam bao năm qua đã quá quen với sự xuất hiện của những cán bộ làm công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ của hai tỉnh.

Mùa khô là mùa mai rừng khoe sắc và hoa rumdul (tiếng Việt Nam gọi là chùm đuông) nở rộ trên đất bạn Căm-pu-chia. Với nhiệm vụ đặc thù, đã nhiều năm các cán bộ Đội K53 ăn Tết trên đất bạn cùng đồng đội, đồng chí. Năm 2019 đặc biệt hơn, bởi có đoàn công tác của chúng tôi tham gia. Không khí rộn ràng, phấn khởi lan tỏa tới các cán bộ, chiến sĩ bảo vệ của nước bạn. Họ cùng nhau trang trí phòng họp, cắt, dán hoa, tập văn nghệ, chơi trò chơi dân gian, các đồng đội nước bạn đã cảm nhận được cái Tết Việt Nam đầy ắp tình cảm, ấm áp tình đồng đội, hữu nghị giữa 2 nước.

Sáng sớm mùng 1 Tết, đồng chí Khoa và một số anh em vào bản để mừng tuổi các cháu nhỏ Căm-pu-chia, quà là những bộ quần áo mới. Từ ngày các anh ở đây, bà con biết thêm nhiều phong tục Tết Việt nên rất hồ hởi tham gia. Các anh được người dân Căm-pu-chia yêu quý tặng những vòng hoa nhài thơm nức và dùng son môi vẽ lên mặt những lời cầu chúc bình an, may mắn… Không còn khoảng cách, rào cản ngôn ngữ bị xóa bỏ, họ cùng nhau say sưa múa hát, trao cho nhau nụ cười và niềm tin yêu…

Suốt nghìn ngày đêm đã qua, nghị lực, ý chí, sự kiên tâm của Thượng tá Lê Công Khoa và Đội K53 khiến chính quyền và nhân dân nước bạn nể phục. Mỗi hành trình đã qua và những ngày đang tới của các anh không chỉ đơn thuần là tìm kiếm hài cốt đồng đội đã ngã xuống mà còn khơi gợi tình đoàn kết chiến đấu giữa quân - dân ba nước, nhân lên tinh thần đoàn kết giữa ba lãnh thổ, ba dân tộc.

Vì no ấm, bình yên nơi biên cương

Chúng tôi đến huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng giữa lúc Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng đang bắt đầu đi vào hoạt động ổn định với gần 40 dự án trị giá trên 10.000 tỷ đồng. Một trung tâm xuất nhập khẩu quốc tế, một đô thị vùng biên giàu bản sắc, điểm đến của du lịch quốc gia và quốc tế, trung tâm giao thông, hậu cần, vận tải vùng đã hiện lên khiến ít ai ngờ rằng, cách đây chưa lâu đây là vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nông Thị Hà vui vẻ giới thiệu với chúng tôi người đồng nhiệm đắc lực của mình - đồng chí Lương Đức Tố, Phó Chủ tịch UBND huyện giữa lúc anh vừa trở về sau cuộc hội đàm với chính quyền huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Khác với vẻ bề ngoài mộc mạc, chân chất, người “kiến trúc sư trưởng” của các hoạt động hợp tác kinh tế như Hội chợ Triển lãm thương mại quốc tế Việt - Trung với chủ đề “Hợp tác - Hữu nghị cùng phát triển”, hay Hội đàm “Hợp tác phát triển thương mại biên giới”… nói chuyện đầy lịch lãm với sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế biên mậu. Đồng chí mong muốn khai mở thêm nhiều cơ hội mới để các doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, xúc tiến thương mại, quảng bá tiềm năng phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của huyện Quảng Hòa và huyện Long Châu, góp phần thúc đẩy thêm mối quan hệ thân tình giữa nhân dân hai nước từng có thời gian xa cách bởi chiến tranh.

Đồng chí Lương Đức Tố cho biết, để đẩy mạnh các hoạt động biên mậu, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo huyện chủ động gặp gỡ với một số doanh nghiệp Trung Quốc, giới thiệu các quy hoạch du lịch, vùng trồng các cây thế mạnh của địa phương và làm trung gian kết nối các doanh nghiệp hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác, tập trung vào xuất khẩu nông sản, thủy sản đông lạnh qua cửa khẩu Tà Lùng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hai bên hợp tác thí điểm triển khai dự án trồng chuối, mía xuất khẩu, tạo sinh kế ổn định, giá trị kinh tế cao cho nhân dân trong huyện. Đây cũng là địa phương cấp huyện duy nhất trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam tổ chức kết nghĩa với đơn vị hành chính tương đương của nước bạn.

Việc thiết lập quan hệ hữu nghị này hết sức hiệu quả trong công tác đối ngoại chính quyền và ngoại giao nhân dân giữa hai huyện, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên phát triển trên nhiều phương diện, xây dựng Quảng Hòa trở thành một trong những cửa ngõ giao lưu kinh tế - đối ngoại giữa hai nước. Bên cạnh giao lưu kinh tế đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đồng chí Lương Đức Tố lại tiếp tục trao đổi với chính quyền phía bạn để đồng thuận tổ chức thêm các hoạt động giao lưu văn hóa - xã hội định kỳ khác như “Hội thi hát dân ca biên giới”, tổ chức cho thanh niên hai huyện tham quan “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại huyện Long Châu, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Trung tại trấn Thủy Khẩu...

Quảng Hòa đang khởi sắc từng ngày với những thành tựu mới nhờ những đảng viên tâm huyết như đồng chí Lương Đức Tố. Hình ảnh khắc sâu, ghi dấu trong chúng tôi là những gương mặt thanh xuân, tươi vui của gần 200 đoàn viên, thanh niên hai huyện Quảng Hòa - Long Châu cùng tiến hành thả cá trên sông Bắc Vọng, dưới chân cột mốc 943 nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ hai huyện tích cực bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, cùng vun đắp, tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống. Dòng sông phân chia biên giới giữa hai quốc gia, hai dân tộc, nhưng tình nghĩa giữa con người thì mãi không biên giới.

Nếu biên giới Việt - Trung đã thắm tình đoàn kết thì nơi biên thùy điệp trùng rừng núi của huyện Căm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay (nước CHDCND Lào), tình nghĩa Lào - Việt dường như sâu nặng hơn, ấm nồng hơn khi có dấu chân của người lính biên phòng Việt Nam mang thuốc đến chữa bệnh cho dân, mang cây lúa, cây gừng thay thế cây anh túc… Suốt 13 năm nay, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế quân - dân y kết hợp Thoọng Pẹ đã trở thành điểm tựa của nhân dân các dân tộc Lào thuộc 13 bản nơi đây.

Là bác sĩ quân y giàu kinh nghiệm nên ngay sau khi Trạm Y tế quân - dân y kết hợp Thoọng Pẹ được xây dựng chưa lâu, bác sĩ Đức được giao nhiệm vụ sang phụ trách trạm và triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới nước bạn. Bước chân bác sĩ đã in dấu ở rất nhiều căn nhà để khám, chữa bệnh và vận động nhân dân thay đổi hủ tục, áp dụng cách làm ăn mới. Nhân dân 9 bản biên giới thuộc huyện Căm Cớt đã tin tưởng tìm đến người thầy thuốc Việt Nam mỗi khi đau ốm. Bác sĩ Đức cho biết, các loại bệnh thường gặp ở đây chủ yếu là bệnh đường ruột, sốt rét và bệnh phụ khoa do bà con sinh hoạt còn tùy tiện, ăn uống chưa vệ sinh… Hơn 10 năm bám dân, chăm lo cho dân từng viên thuốc khi mắc những bệnh thông thường cho đến những bệnh nặng hơn như sốt rét, đau dạ dày, gãy tay, chấn thương..., lưng vốn tiếng Lào, tiếng Mông, tiếng Chứt, tiếng Thái đen, Thái đỏ… của đồng chí cũng ngày một giàu lên, đủ để trò chuyện và khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.

Điều thú vị là ở Trạm quân - dân y đặc biệt này, bệnh nhân không cần quan tâm đến giới hạn địa chính, không lo bị phân tuyến, có thể đến trạm xá bất cứ lúc nào mà không cần có bảo hiểm y tế hay giấy giới thiệu, nhất là khi khám bệnh lại càng không phải lo đến chuyện tiền nong. Người bệnh sau khi khám không dùng đơn thuốc hướng dẫn như thông thường mà bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp cẩn thận chia các loại thuốc ra từng liều theo ngày rồi cho vào từng túi nilon nhỏ. Đến hẹn, nếu không thấy bệnh nhân đến tái khám, các anh thay nhau tìm đến tận nhà bệnh nhân để nhắc lịch, kiểm tra. Ở nơi khác, người bệnh phải tìm đến bác sĩ thì ở đây bà con chỉ quen nói: “Con tao nó ốm thì không cúng ma nữa, tao đem đến cho “thàn mỏ Việt Nam” (bác sĩ) chữa thôi”.

Quãng thời gian sống trong tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào anh em, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nước bạn đủ để chúng ta thấy người thầy thuốc này đã đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm nghề nghiệp của mình ở đây. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân trong bản, trong vùng đã làm lòng người thêm ấm áp, yêu thương, gắn bó. Các anh được bà con nơi đây coi như “người con của bản” - một danh dự mà người Mông thường không bao giờ dành cho người ngoại tộc, trừ những người có công với dân tộc mình.

Ai nấy đều bảo: “Những cái gì bản ta làm được thì mang biếu cho “thàn mỏ Việt Nam” ăn. Bản ta có thể đói nhưng không thể để “thàn mỏ Việt Nam” đói. “Thàn mỏ Việt Nam” đừng bỏ dân ta mà về, tội nghiệp!”. Thế mới biết, khi tâm tình được trao gửi chân thành, khi sự vất vả, tận tụy đầy trách nhiệm của bác sĩ đã làm thay đổi cuộc sống của biết bao bản làng biên giới thì cũng là lúc các anh đã thắp sáng lên y đức và tấm lòng nhân ái của người Việt Nam nơi biên cương xa xôi.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất