Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số: Tháo “nút thắt” ở vùng nông thôn
Bí thư Đảng ủy ủy xã Y Tý (Bát Xát) Ly Giờ Có (thứ nhất bên trái ảnh), triển khai công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn.

Bài 1: Những “điểm sáng” hiếm hoi

Trong công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng các cấp và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.

Thực tế công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai ra sao, còn có những “nút thắt” nào cần tháo gỡ, loạt bài viết sẽ đề cập phần nào vấn đề này.

Cuối năm 2004, việc Lý Thị Sai (sinh năm 1978), người dân tộc Mông Xanh, ở thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé, được kết nạp Đảng trở thành sự kiện được quan tâm ở xã đặc biệt khó khăn, xa xôi nhất huyện Văn Bàn, bởi không chỉ là một nông dân “chính hiệu”, Sai còn là một phụ nữ. Trước đó, xã cũng có đảng viên nữ dân tộc thiểu số, nhưng đều là những cán bộ ở địa phương.

Ngoài việc chăm chỉ ruộng, nương, trồng rừng, Sai rất tích cực tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên, nhất là tham gia đội văn nghệ của thôn, của xã. Thấy chị năng động, sống gần gũi và có uy tín trong nhân dân, Chi bộ đã “để mắt”, định hướng phấn đấu và sau một thời gian, chị được giới thiệu xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đảng. Từ khi vào Đảng, chị càng gương mẫu, hăng hái vận động bà con đưa các giống lúa, ngô mới vào sản xuất; xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ, tết, đặc biệt là vận động các ông chồng giảm bớt uống rượu và không đánh vợ, đánh con nữa… Đến nay, Lý Thị Sai đã giới thiệu và giúp đỡ được 9 nữ quần chúng (đều là người dân tộc Mông Xanh) vào Đảng và những đảng viên này đều thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong cộng đồng, như đảng viên Lý Thị Sái (sinh năm 1983), đảng viên Lý Thị Nam (sinh năm 1987)… Lý Thị Sai bảo: Lúc đầu khó lắm, vì gia đình, có khi cả chồng đối tượng không ủng hộ. Lấy dẫn chứng từ bản thân, mình trò chuyện với từng người, “mưa dầm thấm lâu”, rồi họ cũng hiểu. Đến đối tượng thứ ba, thứ tư thì việc vận động dễ hơn, vì đã có người thật, việc thật.

Nay đã “có tuổi”, tuy không còn tham gia đội văn nghệ của thôn, của xã, nhưng với trách nhiệm của người đảng viên và niềm đam mê, chị vẫn truyền đạt, hướng dẫn chị em trong đội văn nghệ những điệu múa, bài ca độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Mông Xanh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Nậm Xé phát triển ngày càng mạnh, nhiều tiết mục đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Lào Cai… Đồng chí Vàng A Tớ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Xé cho rằng: Những đảng viên nữ như đồng chí Lý Thị Sai đã và đang góp phần quan trọng giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, là tấm gương cho bà con dân bản, nhất là chị em phụ nữ học tập.

Để tìm hiểu thêm kết quả cũng như những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, chúng tôi đến Y Tý, xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Bát Xát, với đại đa số đồng bào dân tộc Hà Nhì. Trong các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, thì Chi bộ thôn Chỏn Thèn được đánh giá có nhiều sáng tạo trong công tác phát triển đảng viên nữ. Chi bộ hiện có 6 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên nữ (người Hà Nhì) là Sò Có Sớ (sinh năm 1989) và chuẩn bị kết nạp thêm 2 quần chúng nữ, là Sần Thó Mơ (sinh năm 1993, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) và Lý Giá Sơ (sinh năm 1985, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã).

Trò chuyện với chúng tôi, Lý Giá Sơ chia sẻ: “Năm 2013 tốt nghiệp lớp Trung cấp Pháp lý tại Trường Cao đẳng cộng đồng Lào Cai, em trở về Y Tý công tác. Mơ ước của em là được đứng trong hàng ngũ của Đảng để được cống hiến nhiều hơn, giúp bà con Y Tý có cuộc sống ngày càng ấm no”. Với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Lý Giá Sơ luôn tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào, vận động bà con đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Còn Sần Thó Mơ, cô gái Hà Nhì (sinh năm 1993) khiến chúng tôi bất ngờ vì tuy còn trẻ và chưa lập gia đình, nhưng tỏ ra khá chín chắn trong vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Mơ tâm sự: Với phụ nữ dân tộc Hà Nhì, rất ít người được học hết THPT và học tiếp các trường chuyên nghiệp, tham gia công tác xã hội, chứ chưa nói đến được trở thành đảng viên. Em may mắn sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Lào Cai, về quê hương Y Tý, được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ. Đó là cơ hội để em rèn luyện, trưởng thành hơn…

Ở Đảng bộ xã Y Tý còn có Chi bộ thôn Mò Phú Chải cũng thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Chi bộ hiện có 3 đảng viên nữ là Phu Xuy De (sinh năm 1985), Ly Thó Sớ (sinh năm 1986) và Ly Phà Mế (sinh năm 1994). Cả 3 đảng viên nữ này đều mới tốt nghiệp THCS, trước khi được kết nạp Đảng, tuy không tham gia công tác xã hội, nhưng rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động ở thôn. Sau khi được kết nạp Đảng, Phu Xuy De và Ly Thó Sớ phụ trách Chi hội Phụ nữ thôn, đã phát huy tốt năng lực, có nhiều đóng góp cho địa phương. Còn đảng viên trẻ Ly Phà Mế được Chi bộ giao phụ trách khu dân cư, luôn tích cực tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, vệ sinh môi trường; phòng, chống mua bán người và bạo lực gia đình; vận động phụ nữ không đi khỏi địa phương…

Mặc dù đã xuất hiện một số “điểm sáng” như nêu ở trên, nhưng thực tế những chi bộ như vậy không nhiều. Tính đến ngày 20/6/2016, toàn tỉnh có 40.974 đảng viên, trong đó chỉ có 1.531 đảng viên nữ dân tộc thiểu số được kết nạp tại thôn, bản. Vậy đâu là nguyên nhân khiến công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số khu vực nông thôn Lào Cai gặp khó khăn? Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở kỳ sau.

Bài 2: Còn đó khó khăn, vướng mắc
Tuy đã xác định vai trò quan trọng của đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức cơ sở đảng lúng túng khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc.

 

Bí thư Đảng ủy xã Võ Lao (Văn Bàn) Hà Văn Thảo trao đổi công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số.

Công tác phát triển đảng của các tổ chức cơ sở đảng khu vực nông thôn của tỉnh thường đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, số lượng phụ nữ người dân tộc thiểu số được kết nạp lại rất thấp, thậm chí là con số “0”. Chi bộ thôn Má Tra, xã Sa Pả (Sa Pa); Chi bộ thôn Tam Đỉnh, xã Sơn Thủy; Chi bộ thôn Hát Tình, xã Chiềng Ken (Văn Bàn)… nhiều năm không kết nạp được đảng viên nữ dân tộc thiểu số.

Thậm chí, Chi bộ thôn Sín Chải thuộc Đảng bộ thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) từ trước đến nay chưa kết nạp được đảng viên nào là nữ người dân tộc thiểu số. Đảng bộ thị trấn hiện có 251 đảng viên thì chỉ có 9 đảng viên nữ dân tộc thiểu số. Theo đồng chí Trần Diệp Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Nông trường Phong Hải, tuy “mang tiếng” là thị trấn, nhưng tất cả 14 thôn của thị trấn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó thôn Sín Chải có 90 hộ (100% là đồng bào Mông), thì 88 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Kinh tế khó khăn kéo theo nhiều hệ lụy, khiến không tạo được “nguồn” tại những nơi này.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều tổ chức đảng ở Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên… Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi thấy khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn là do đại đa số nữ dân tộc thiểu số trình độ văn hóa thấp, mang nặng tâm lý mặc cảm, tự ti, trong khi một số tập tục lạc hậu tồn tại, như bỏ học sớm, tảo hôn, sinh nhiều con... Nhiều phụ nữ khi đã lấy chồng bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”. Một số chị em có biểu hiện tính toán: Nếu vào Đảng, được làm cán bộ ở địa phương, được Nhà nước chi trả lương hằng tháng và có cơ hội thăng tiến nên họ có động lực; ngược lại, nếu là đảng viên thường, phải mất thời gian sinh hoạt Đảng ít nhất mỗi tháng 1 lần, hằng tháng phải đóng Đảng phí… nên họ không quan tâm nhiều đến việc phấn đấu vào Đảng. Nguồn quần chúng ưu tú là nữ người dân tộc thiểu số không nhiều, trong khi yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn phải là chất lượng, đã đặt các chi bộ vào tình thế “bó tay”.

Như huyện Bát Xát, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện kết nạp được 954 đảng viên, vượt 90% mục tiêu, tuy nhiên, số lượng đảng viên nữ dân tộc thiểu số được kết nạp thấp. Thống kê cho thấy, năm 2013, Đảng bộ kết nạp được 226 đảng viên, trong đó có 27 đảng viên nữ dân tộc thiểu số; năm 2014, kết nạp được 241 đảng viên, trong đó có 33 nữ đảng viên dân tộc thiểu số; năm 2015, kết nạp 217 đảng viên, trong đó có 36 nữ đảng viên dân tộc thiểu số; 6 tháng đầu năm 2016, kết nạp được 97 đảng viên, trong đó chỉ có 8 nữ đảng viên dân tộc thiểu số. “Yêu cầu để kết nạp Đảng là đối tượng có đủ điều kiện về trình độ, năng lực, phẩm chất…, nhưng trên thực tế, rất ít phụ nữ có đủ tiêu chuẩn để vào nguồn phát triển đảng”, đồng chí Bùi Quỳnh Liên, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bát Xát thừa nhận.

Tâm lý “trọng nam, khinh nữ”; “vợ không thể tiến bộ hơn chồng” tồn tại ở nhiều địa bàn, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là rào cản lớn. Đồng chí Giàng A Chu, Bí thư Đảng ủy xã Sa Pả (Sa Pa) chia sẻ: “Phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, ít tham gia công tác xã hội, thiếu uy tín trong cộng đồng dân cư. Rồi gia đình không muốn cho vào Đảng và nhận thức của bản thân đối tượng về Đảng còn hạn chế, nên không đưa vào nguồn kết nạp được”. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sa Pa, đồng chí Phạm Tiến Dũng bảo: Còn do đời sống kinh tế khó khăn, đa số chị em mải làm kinh tế, chưa có điều kiện tham gia công tác xã hội. Thêm vào đó, tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa bàn không rõ nguyên nhân vẫn còn xảy ra. Mặt khác, không ít bí thư chi bộ thôn nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết của việc kết nạp đảng viên nữ nên chưa chủ động, chưa tích cực tạo nguồn. Chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở hạn chế. Mặc dù huyện có nhiều cố gắng, nhưng công tác phát triển đảng viên là nữ người dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn vẫn còn những bất cập. “Điều này được chứng minh qua việc kết nạp đảng viên năm 2015, Đảng bộ huyện kết nạp được 154 đảng viên, trong đó chỉ có 14 đảng viên nữ dân tộc thiểu số. 6 tháng đầu năm 2016 kết nạp được 78 đảng viên thì chỉ có 12 đảng viên nữ dân tộc thiểu số”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi nhận thấy, mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm và đã đạt những kết quả phấn khởi, nhưng không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn khá xa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ dân tộc thiểu số thường bị hạn chế về học tập, nhiều nơi phụ nữ kết hôn sớm, rồi sinh con, dẫn đến quá trình rèn luyện, phấn đấu bị ngắt quãng, không thường xuyên. Đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên là nữ dân tộc thiểu số ở nông thôn Lào Cai chưa cao.

Điều đáng nói là không chỉ ở những xã vùng cao, mà đối với những xã vùng thấp, công tác này cũng gặp khó khăn. Tại Võ Lao (Văn Bàn), một xã có đại đa số đồng bào Tày sinh sống, Đảng bộ xã hiện có 145 đảng viên, thì chỉ có 35 đảng viên nữ. Theo đồng chí Hà Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy xã, khó khăn chính là đa số phụ nữ có đủ điều kiện về trình độ văn hóa thường đi học tập tại các trường chuyên nghiệp; ra trường tìm việc làm ở thành phố hoặc thị trấn. Mặt khác, một số chị em không vượt qua được “rào cản” quan niệm lạc hậu để tiếp cận vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại, nên “an phận thủ thường”.

Đồng chí Phạm Toàn Thắng, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn cho biết: Một số cấp ủy đảng chưa thấy hết tầm quan trọng của đảng viên nữ. Thêm vào đó, một số cấp ủy viên, đảng viên còn tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, chưa quan tâm, chú ý đến những quần chúng tích cực để bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng. Nhiều đảng bộ xã mới chú ý đến phát triển đảng viên là giáo viên, cán bộ, công chức xã, mà ít quan tâm đến việc phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn...

Nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được chỉ ra, vậy cần có những giải pháp gì để tháo “nút thắt” trong công tác phát triển Đảng đối với phụ nữ dân tộc thiểu số? Bài viết sau chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này.

Bài cuối: Giải pháp tháo “nút thắt”

Như đã phản ánh trong bài viết trước, công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan, rất cần những giải pháp đồng bộ. Thực tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, giải pháp hữu hiệu là thông qua chính những đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động.

Các tổ chức đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số.


 

Muốn vậy, trước hết phải có những đảng viên nữ làm “hạt nhân”, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng cao. Trong bài viết đầu, chúng tôi đã nhắc đến câu chuyện của đảng viên Lý Thị Sai, dân tộc Mông Xanh ở Nậm Xé (Văn Bàn). Việc chị Sai vừa nỗ lực phấn đấu vào Đảng, rồi lại giới thiệu thêm 9 nữ quần chúng ưu tú là người Mông Xanh để Chi bộ xem xét cử đi học tập, bồi dưỡng, kết nạp Đảng khiến chúng tôi không thể nào quên. Còn đối với Chi bộ thôn Chỏn Thèn, xã Y Tý (Bát Xát), thuận lợi là có “nguồn” khá phong phú: Đảng viên Sò Có Sớ trước đây học Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, sau đó đã có thời gian làm giáo viên hợp đồng ở thôn Hồng Ngài (cùng xã), vinh dự là một trong nữ đảng viên người Hà Nhì đầu tiên ở Y Tý. Bản thân các quần chúng Lý Giá Sơ, Sần Thó Mơ cũng đều tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, sau đó trở về quê hương, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, được bà con tin tưởng, yêu mến...

Nhưng không phải chi bộ nào cũng có thuận lợi như vậy. Để tạo nguồn kết nạp, giải pháp chính là phải tạo được môi trường thuận lợi cho quần chúng nữ phấn đấu, thể hiện mình, đồng thời định hướng, giúp đỡ để họ vượt qua tâm lý tự ti. Hơn ai hết, vai trò của tổ chức đảng, đặc biệt là của bí thư chi bộ thôn, bản phải được phát huy và có cách làm phù hợp. Như đồng chí Lý Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm (Bảo Thắng) tiết lộ “bí quyết”: Vừa phải vận động đối tượng, vừa phải vận động gia đình đối tượng, rằng trong gia đình có người là đảng viên sẽ làm “sáng sủa” hồ sơ, lý lịch của con cái nên chúng thuận lợi hơn khi đi học hành và công tác xã hội! Chính vì vậy mà đến nay, Chi bộ thôn Bản Lọt đã có 19 đảng viên, trong đó 5 đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Cũng cần phải nói thêm, Bản Lọt với đại đa số cư dân là đồng bào Dao, luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương và là một trong số rất ít thôn của tỉnh có đội bóng chuyền nữ, mà nòng cốt gây dựng, hưởng ứng phong trào chính là những đảng viên nữ trong thôn.

Việc định hướng phát triển chính trị “cho con cháu” như Chi bộ Bản Lọt thực hiện xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy xã mà chúng tôi cho rằng có nhiều thú vị, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Bản Cầm, để ngày càng có thêm nhiều người phấn đấu vào Đảng. Đến nay, tuy mới có 15 đảng viên nữ dân tộc thiểu số, nhưng trong số 140 đảng viên của Đảng bộ, có tới 74 đảng viên là nữ. Với tỷ lệ “quá bán” này, nếu tới đây Bản Cầm có thêm nhiều đảng viên nữ và đảng viên nữ người dân tộc thiểu số sẽ là điều không làm ai ngạc nhiên.

Trong công tác tạo nguồn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các đoàn thể ở địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên là nữ tham gia. Đặc thù miền núi, vùng cao, nhiều thành phần dân tộc sinh sống và cơ bản là sống bằng nghề nông, nếu cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể không chú ý đến họ thì ban ngày họ đi làm nương, tối về luẩn quẩn việc nhà mà không tham gia các hoạt động trong thôn, bản. Một số chi bộ chưa làm hết vai trò trách nhiệm trong công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số và nếu bị cấp ủy đảng cấp trên nhắc nhở thì cấp ủy đảng cấp dưới sẽ viện đủ lý do, nguyên nhân, như đối tượng không tích cực phấn đấu… “Có giao việc, có định hướng cho người ta đâu mà bảo người ta không phấn đấu tốt”, đồng chí Lưu Đức Trưởng, nguyên Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai nêu.

Ngoài những giải pháp trên, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các chi bộ thôn, bản vận động học sinh nữ người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT và đi học chuyên nghiệp, học nghề. Chỉ khi trình độ dân trí được nâng cao, có kiến thức và tầm hiểu biết xã hội, họ mới có thể xác định đúng động cơ phấn đấu vào Đảng, hiểu rõ hơn vai trò của Đảng, quyền và nghĩa vụ của người đảng viên.

Một vấn đề khác mà các tổ chức cơ sở đảng dường như ít quan tâm, nhưng đã xảy ra ở nhiều nơi, đó là cấp ủy còn lúng túng trong việc hướng dẫn quần chúng viết lý lịch xin vào Đảng; công tác thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng kéo dài; việc hoàn thiện hồ sơ kết nạp Đảng chậm… làm ảnh hưởng đến công tác phát triển nữ đảng viên dân tộc thiểu số. Rồi tư tưởng cục bộ dòng họ ở thôn, bản vẫn tồn tại… là những vấn đề cần tháo gỡ. Vẫn còn tình trạng cấp ủy cấp trên “chỉ tay năm ngón”; “đổ lỗi” hoàn toàn cho chi bộ, bí thư chi bộ thôn trong việc không tạo nguồn; ban hành văn bản, kế hoạch nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, trong khi nghiệp vụ công tác Đảng của bí thư chi bộ, chi ủy viên, đảng viên chi bộ thôn, bản còn hạn chế, bất cập, họ rất cần “cầm tay chỉ việc” chứ không phải chỉ đạo chung chung.

Bên cạnh đó, các tổ chức đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số, tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng. Đề cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư chi bộ thôn, bản; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng.

Các tổ chức đảng cần không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, làm tốt công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nữ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Đặt mục tiêu cụ thể cho các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển Đảng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 17/8/2012 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2012 - 2015”, toàn tỉnh kết nạp được 3.405 đảng viên (trong đó 1.057 đảng viên nữ); đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm 75%. Tổng số đảng viên được kết nạp trong thời gian thực hiện Nghị quyết tăng gấp 1,5 lần so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đây là tiền đề quan trọng, thêm lời giải cho công tác phát triển đảng viên nữ ở chi bộ nông thôn trong tỉnh thời gian tới. Với những kết quả đạt được và những định hướng lớn trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, chắc chắn công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai sẽ gặt hái thêm những thành công, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

LA TUẤT - PHẠM ÐỨC - TUẤN NGỌC

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất