Ý Đảng - lòng Dân nơi phên dậu Tổ quốc
Cán bộ Lâm trường 155 trao vịt giống cho gia đình anh Chíu Vằn Phúc, ở bản Khu chợ (xã Đồng Văn).

Bài 1:  Ấm tình quân - dân trên khắp bản làng


“Dãy núi Cao Ba Lanh hùng vĩ quanh năm mây mù bao phủ, những tưởng chỉ có cây rừng mới nảy lộc, đâm chồi gieo sự sống, nhưng bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đã nghe theo tiếng gọi của Đảng di dãn ra mảnh đất giáp biên, bám đất, dựng bản Phạt Chỉ  xây phên dậu Tổ quốc”.


Bí thư chi bộ bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) Tằng Vằn Lầu (A Lầu) rút ruột chia sẻ như vậy khi chúng tôi ghé thăm gia đình anh trong chuyến “phượt” biên cương. Có lẽ sự ấm áp của tình quân dân mà cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 155 (Đoàn KT-QP 327) dày công vun đắp đã cho chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự chân thành qua lời mời cơm thân mật của vợ chồng A Lầu. Lẽ dĩ nhiên cuộc hạnh ngộ sau nhiều năm mới gặp không cho phép chúng tôi từ chối. Bữa cơm không còn giản dị bởi rau rừng, cá suối như cách nay vài năm nữa, thay vào đó là một mâm cơm khá tươm tất. Nhấp chén rượu ngô, A Lầu khề khà: “Đây là thịt ngan Pháp ngọt thịt lắm vì cho ăn theo chế độ tự nhiên không hề nuôi cám cò. Còn món này là gà bản “xịn”. Măng bát độ xào lòng và cả giống ngan Pháp là của Lâm trường hỗ trợ đấy... Chỉ có mấy năm trời mà cảm thấy như hàng chục năm vậy! Tất cả là nhờ có Đảng chỉ lối, soi đường, đưa bộ đội đến giúp đỡ mà gia đình tôi cũng như bà con bản Phạt Chỉ có đời sống khấm khá như ngày nay đó”...

Bên mâm cơm đoàn viên còn có mấy cháu nhỏ con A Lầu, thấy chúng khá hiếu động, hoạt bát nên tôi hỏi: Bọn nhỏ nhà anh học ở đâu? Vợ A Lầu nhanh miệng: “Ồ! Mấy đứa nhỏ nhà mình học ở bản này cả. Nhà trẻ chỉ cách đây có mấy con dao quăng. Trẻ con bản này đều học ở đó. So với ngày mới chuyển ra đây trường lớp giờ đã đẹp hơn nhiều. Cả bản mình ai cũng vui cái bụng vì có bộ đội của A Long (Thượng tá Đỗ Văn Long, Giám đốc Lâm trường 155 được bà con gọi bằng cái tên thân mật -PV) xây trường giúp, lại còn cho bọ trẻ uống sữa nữa đấy... Mình bảo với A Lầu là: Đảng nó dạy cấy, dạy cày, giúp cho con ngan, con vịt, dạy cả cách trồng rau, nấu ăn như người xuôi, mày phải làm tốt cái đảng (vai trò của đảng viên - PV) vào để trả ơn cho nó”. Câu chuyện bên mâm cơm như đậm đà hơn bởi những tiếng cười do tôi nghe không hiểu vì vốn tiếng Việt lơ lớ của vợ A Lầu. Trung tá Phạm Văn Diện, Trưởng ban Tham mưu kế hoạch Lâm trường 155 người đi cùng chúng tôi trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ.

Câu chuyện đang tới hồi hòa nhập bỗng bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của một vị khách có cái tên là Dường A Tài. Sau chén rượu chào mâm, chúng tôi mới vỡ lẽ A Tài là Trưởng bản Phạt Chỉ. A Tài, giải thích: “Tôi nhận lời mời từ A Lầu đến tiếp các anh, nhưng gia đình có việc đột xuất nên tới muộn, mong các anh thông cảm!”. Võ đoán A Tài là Phó Bí thư chi bộ, tôi “bồi” luôn: “A Tài à! Vợ A Lầu vừa khen cái Đảng, vậy chi bộ ở đây làm thế nào mà giỏi vậy”? Không ngần ngại A Tài đáp: “Ồ! tôi đã vào Đảng đâu mà nói, cứ hỏi Bí thư Lầu là rõ hết”. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên: Tại sao lại chưa vào Đảng mà đã làm Trưởng bản là sao? Tôi nhập ngũ từ 1998, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, sau khi lấy vợ rồi nghe theo Đảng ra đây lập bản mới. Vào Đảng ai chẳng muốn, vì vào Đảng mới tiếp nhận được những chủ trương, đường lối giúp bà con thoát nghèo. Nhưng vào Đảng có dễ đâu, phải phấn đấu, gương mẫu đi đầu trong nhiều lĩnh vực mới được. Hiện chi bộ đang hoàn thiện thủ tục để kết nạp tôi vào dịp tới. A Tài nói trong con mắt ánh lên niềm vui chộn rộn.

Đến lúc này vợ A Lầu mới đưa lên món lòng trâu xáo khế bốc khói, thơm phức. Trung tá Diện, chợt nhớ: “Những ngày đầu lên đây bà con không biết chế biến món này nên cứ bỏ hết cả bộ lòng và đầu đi. Thấy vậy, bộ đội xin về chế biến thành các món ăn rồi mời bà con nếm thử, ai cũng khen bộ đội khéo tay. Thế là vài lần sau, bà con không cho nữa mà bán lấy tiền và nhiều người đã học được cách chế biến của bộ đội không còn bỏ đi như trước nữa”... Câu chuyện mà anh Diện kể làm tôi nhớ đến việc đội Phạt Chỉ của Lâm trường những ngày đầu đứng chân đã mang theo cây rau đay lên trồng để nấu canh. Bà con thấy cây lạ nên không trồng, chỉ khi bộ đội nấu canh mời họ ăn thử họ mới chịu đưa cây đay vào danh sách rau xanh vườn nhà.

Những câu chuyện cái đầu bò, bộ lòng trâu, hay cây rau đay... tưởng đâu chỉ là chuyện phiếm cho vui, nhưng ngẫm lâu mới nghiệm ra rằng những người lính Lâm trường ra đây mang theo nét văn hóa ẩm thực quen thuộc để rồi lan tỏa, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho những bữa cơm của đồng bào thêm ngon hơn. Không chỉ là ẩm thực mà tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều được chuyển tải tới bà con như vậy ngay từ những ngày đầu khai cuốc.


Bài 2: Thức dậy tiềm năng miền biên viễn


Từ năm 1999, Sư đoàn 327 được chuyển thành Đoàn KT-QP 327 làm nhiệm vụ KT-QP trên tuyến biên giới Quảng Ninh. Thực hiện nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327 đã biết phát huy nội lực, làm tốt công tác dân vận, phối kết hợp chặt chẽ với các địa phương đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, gắn với củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh biên giới.

 
 Cán bộ Lâm trường 103 giúp dân bản Tân Đức thu hoạch chè.

            Nhát cuốc vỡ đất


Trung tá Khúc Thừa Xuyên, Trưởng ban Chính trị Lâm trường 27 (Đoàn KT-QP327), là một trong những người tham gia đặt nhát cuốc đầu tiên khai mở mảnh đất phong hóa bên kia ngầm Lục Lầm (nay là Tiểu khu 9, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái) để xây dựng nên khu nuôi trồng thủy sản trù phú như bây giờ. Theo Trung tá Xuyên thì dẫu đã 15 năm trôi qua, nhưng những tháng ngày vượt khó đó vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ: “Mình cũng không hiểu tại sao lúc bấy giờ lại mạnh mẽ đến thế, cả vùng đất hoang hóa khô cằn chỉ có những loài cây bám biển mới có thể sống được. Rồi muỗi, dĩn còn hơn ta rắc trấu, dù có nai nịt kỹ đi chăng nữa nhưng cứ hở chỗ nào là bị đốt tịt người chỗ ấy. Chú không tưởng tượng nổi đâu! Tất cả chỉ có đôi bàn tay trắng, không nhà cửa, không điện đóm, không nước sạch, không đường đi lối lại... tóm lại là nhiều “không” trên mảnh đất này. Vậy mà chúng tôi cứ cần mẫn, ngày qua ngày, hôm nay phát quang, mai dựng lán... cứ như vậy, đến nỗi đôi bàn tay trai sạn lại như những bác thợ quai búa, rồi cũng tạo dựng, khai hoang, phục hóa, vận động nhân dân di dãn dân ra vùng dự án ... được như bây giờ. Có thể nói, mồ hôi của bộ đội thấm xuống mảnh đất này có khi nồng độ còn mặn hơn cả nước biển”.



Những chia sẻ của Trung tá Khúc Thừa Xuyên như “ươm mầm” vào lòng chúng tôi tính hiếu kỳ. Với tâm thế tìm về nguồn cội, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình “đuổi hình, bắt chữ” quá khứ. Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Lâm trường 156, vui vẻ: “Ồ! tưởng gì, những chuyện xưa cũ ấy có cả một kho đầy ắp. Khi chúng tôi đến rẻo biên cương heo hút này như lạc vào một thế giới khác, chỉ có rừng và rừng. Các anh cứ thử hình dung từ đồng bằng, thành phố ra đây lần đầu sẽ thế nào? Đấy là chưa nói cách nay mười mấy năm trời...? Dựng lán trại để ở đã gặp bao khó khăn rồi, nhưng dựng chuồng bò còn vô vàn khó khăn hơn. Hàng chục km đường rừng, chúng tôi cho cát, xi măng vào ba lô rồi “tăng bo” từ khu trung tâm Hoành Mô lên. Đường tự phát lấy mà đi, đã vậy mây mù quanh năm suốt tháng, chúng tôi phải lấy cây rừng, phát nhọn đầu làm gậy chống để gùi vật liệu. Chuyển xi, cát, gạch còn đỡ; vận chuyển tấm bờ-rô-xi-măng nó mới vất làm sao. Đưa tấm bờ-rô-xi-măng lên non như cáng thương binh thời chiến tranh. Hai người một cáng, cứ một người xuểnh chân thì cả hai cùng ngã. Như những con ong tha lâu ngày cũng đầy tổ, chúng tôi cứ lầm lũi làm việc quên cả ngày tháng, đến lúc cái chuồng bò được định hình thì tất cả vỡ òa trong hạnh phúc. Thành công đó đã củng cố trong chúng tôi niềm tin trụ vững trên dải biên cương này”...



Theo Đại tá Lê Công Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327, thì việc chuyển đổi nhiệm vụ từ chiến đấu, SSCĐ sang làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng là cả một cuộc cách mạng thực sự, một thử thách không phải dễ dàng. Những ngày đầu khi thành lập Đoàn KT- QP 327, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đứng trước hàng loạt câu hỏi cần giải đáp, ví như mô hình kinh tế quốc phòng là gì? triển khai nó như thế nào? Bắt đầu từ đâu?... Cả đơn vị đồng lòng với tinh thần “Cứ đi rồi sẽ đến” và từng nút thắt được mở ra. Tự mày mò, dò dẫm, ngày hôm nay trở thành kinh nghiệm của ngày mai và đất đã không phụ công người để cả vùng biên cương này bừng sáng triển vọng phát triển kinh tế, xã hội.



Điểm tựa niềm tin


Trên đường vào bản Nà Sa, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hoàng Thiêm Hưởng - người biết áp dụng thành công nhất những tiến bộ khoa học kỹ thuật theo các mô hình kinh tế VAC do bộ đội Lâm trường 156 chuyển giao. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam đường sai trĩu quả, chị Hoàng Thị So (vợ anh Hưởng), cho biết: “Cây giống do Lâm trường cấp, được tham gia tập huấn kỹ thuật, các anh ở Lâm trường trực tiếp ra hướng dẫn, giúp đào hố trồng cam nên vườn cam của gia đình tôi phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Hơn 200 cây mỗi năm cho thu trên dưới 4 tấn quả đem lại khoản thu 20 triệu đồng. Còn cái ao này “tác giả” cũng chính là bộ đội Lâm trường đấy. Khu đất này ngày trước chỉ là cái họng nước nhỏ không trồng trọt gì được, các anh ấy thấy vậy khuyên gia đình tôi đào ao thả cá và lời khuyên đó đã cho gia đình thu hoạch được gần 1 tấn cá mỗi năm. Cứ cái nọ làm tiền đề cho cái kia, giờ gia đình tôi đã phát triển được 5 con trâu, 1 con bò, đàn lợn rừng hơn hai chục con... Căn nhà hai tầng này từ đấy mà ra cả đấy”.

Chúc mừng thành quả lao động của gia đình anh Hưởng, trước lúc chia tay chị So còn dúi vào tay chúng tôi túi mận cơm: “Cây vườn nhà cả, cầm chút cho em vui cái bụng và nhớ nói hộ lời cảm ơn bộ đội đã giúp đuổi bớt cái đói nghèo ra khỏi bản nhé”. Lời nhắn gửi của gia đình người dân tộc Tày này như nâng bước chúng tôi tìm tới những bản làng xa hơn.

Như đã hẹn với Trung tá Phạm Văn Diện, Trưởng ban Tham mưu kế hoạch Lâm trường 155 để tham dự buổi trao tặng 20 con vịt giống siêu trứng cho gia đình anh Chíu Vằn Phúc, ở bản Khu chợ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu). Anh Diện bảo: “Cách đây hơn 1 tháng, Lâm trường đã trao tặng hơn chục hộ, mỗi hộ 20 con giống ngan Pháp, trong đó có gia đình chú Phúc. Còn chỗ vịt này, ban Tham mưu kế hoạch đã gột được nửa tháng nay cho nó cứng cáp rồi mới trao cho gia đình chú ấy. Đây là hộ nghèo nên chúng tôi nhận giúp đỡ xóa nghèo bền vững, nhưng muốn họ làm theo tư vấn của mình thì phải làm cái gì đó trước thấy rõ hiệu quả, đi lại gây dựng tình cảm và sự tin tưởng thì họ mới làm theo. Mục tiêu là hướng cho gia đình chú Phúc quy hoạch lại vườn tạp để trồng cây dược liệu. Chúng tôi đã liên hệ được cả giống vốn, đầu ra và có bước khảo sát diện tích, thổ nhưỡng của gia đình. Để “tiểu dự án” này thành công thì phải có bước như hôm nay chờ khi đàn vịt này cho trứng trước, rồi mới xúc tiến việc trồng cây giảo cổ lam”.

Những chuyện giúp dân như thế này có viết cả đời cũng không hết, nhưng điều tôi tâm đắc nhất là khi các đơn vị của Đoàn KT-QP 327 tập trung cho công tác huấn luyện, tập huấn và tham gia các hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Đoàn. Trung tá Cường kể: “Trên đường cơ động về Tiên Yên (nơi Đoàn bộ đóng quân-PV) xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng một đoạn thì bất ngờ bị bà con chặn lại: Các bộ đội Lâm trường bỏ bà con chúng tao đấy à? Tôi xuống xe hỏi họ: tại sao lại hỏi vậy? Có người nói: tưởng sắp có chiến sự xảy ra... thế là lại phải giải thích để bà con yên tâm”. Thế mới biết người ta gọi cán bộ, chiến sĩ các lâm trường là “cột mốc sống” quả là không ngoa bởi các anh là điểm tựa niềm tin để bà con các dân tộc yên tâm định canh, định cư trên vành đai biên giới. Và điều đó cũng có nghĩa là cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327 không bao giờ hết nhiệm vụ, vừa cắm mốc giữ đất làm điểm tựa, vừa giúp dân phát triển kinh tế xã hội và muốn làm được điều đó thì phải cùng đảng bộ, chính quyền địa phương chăm lo tới công tác phát triển đảng, củng cố tổ chức đảng, các tổ chức chính trị xã hội của các địa phương.

                    Bài 3:  Bản làng không còn trắng đảng viên

Từ chỗ đất không có người ở, biết bao mồ hôi công sức vận động bà con di dãn ra định canh, định cư trên vành đai biên giới, thành công đó được đảng bộ, chính quyền các địa phương ghi nhận. Với phương châm “3 bám, 4 cùng” cán bộ, chiến sĩ các lâm trường luôn sát cánh cùng bà con từ gây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Đến nay trên dọc dải biên cương này đã không còn bản nào trắng đảng viên.

 
                    Lâm trường 42 giúp dân xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi.

Trung tá, Đỗ Mạnh Cường, phụ trách Đội sản xuất số 3, Lâm trường 103, vẫn còn nhớ như in những tháng ngày xuôi ngược để định hình bản mới Tân Đức (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà): “Bản được thành lập mới hoàn toàn do bà con các vùng ven sông bị sạt lở ở Ba Vì, Phú Thọ... di dời ra đây năm 2005. Tất cả còn như tờ giấy trắng, chúng tôi vừa giúp họ ổn định nơi ăn, chốn ở, vừa trồng chè cao sản giao cho bà con kế sinh nhai lâu dài, hệ thống đường, trường, trạm dần hình thành theo năm tháng. Giúp dân xây nhà, dựng bếp không ngại, nhưng được giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ lâm thời quả là một trở ngại không nhỏ. Bà con ở đây toàn người Kinh, có trình độ hiểu biết khá, có mối quan hệ thân thiết họ tộc, chòm xóm khác quê nhau... làm thế nào để cố kết tình đoàn kết gắn bó, không phân biệt “anh - tôi” để tập trung xây dựng hệ thống tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể. Câu hỏi đó cứ bám riết lấy tôi những ngày đầu nắm giữ chức tân bí thư lâm thời. Bao đêm không ngủ, nhưng cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, đành tặc lưỡi “cứ đi rồi sẽ đến”, thế là ban ngày đi làm, tối đến lại lân la đến từng nhà hỏi thăm, động viên, tìm hiểu. Sau khi nắm chắc lai lịch từng nhà, tính từng người mới làm công tác vận động tuyên truyền, phân tích lẽ thiệt hơn, bao lần thỏa hiệp mới bầu được Trưởng bản. Có lẽ bản Tân Đức được như bây giờ phải nói đến việc chọn, đặt những viên gạch móng đầu tiên như vậy. Khi đã có được chính quyền bản rồi thì lại tham mưu, giúp việc để định hình lên chi bộ bản. Lúc đầu chỉ có 2 đảng viên, mình ghép vào sinh hoạt tạm, đề nghị Đảng ủy xã cử đảng ủy viên xuống trực tiếp tham dự thế là đủ điều kiện thành lập chi bộ. Muốn chuyển giao chức bí thư chi bộ cho họ thì lại vận động, tìm nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng, đến nay chi bộ Tân Đức đã có 5 đảng viên, đủ sức lãnh đạo bản phát triển kinh tế xã hội”...

Khác với Tân Đức, bản Nà Sa (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là bản có 100% đồng bào dân tộc thiểu số và cũng là nơi đóng quân của Lâm trường 156. Đồng chí Hà Liệp Dường, Bí thư chi bộ Nà Sa, là đảng viên đầu tiên của bản nhớ lại: “Những năm 2008 trở về trước, cơ bản khu vực Tây Bình Liêu là trắng chi bộ, tôi phải về sinh hoạt đảng ở chi bộ Nà Luông (Đảng bộ xã Lục Hồn) cách đây gần 10 km. Từ năm 2009 đến nay, với sự trợ giúp đắc lực của Lâm trường 156, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ xã Hoành Mô, chúng tôi đã thành lập được chi bộ với 4 đảng viên. Từ ngày có chi bộ, đảng viên sinh hoạt đều đặn hơn, mọi nghị quyết lãnh đạo sát với người dân hơn và quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền thông bản với các đội của Lâm trường sâu sát hơn. Ngoài các hoạt động triển khai dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế gia đình ra bộ đội Lâm trường còn đảm đương vai trò làm “bệnh viện” của bản, cùng nhiều hoạt động khác nữa. Gần đây nhất là Đại hội đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa rồi, các anh ở Lâm trường giúp địa phương trang trí khánh tiết, phối hợp bảo vệ an ninh trật tự”.

Đánh giá về công tác xây dựng đảng ở Tiểu khu 9 (phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái), đồng chí Trần Toàn Thắng, Bí thư Đảng ủy phường, bộc bạch: “Từ chỗ đất hoang hóa không có người ở, nay đã phát triển thành Tiểu khu phố thuộc phường chúng tôi đã cho thấy bao công lao tâm, khổ tứ của cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 27 (Đoàn KT-QP 327). Việc gây dựng thành lập được chi bộ phần lớn do sự tuyên truyền vận động của Lâm trường mà thành. Những ngày mới hình thành chi bộ, chính quyền, đoàn thể Tiểu khu cái gì mà chẳng phải nhờ Lâm trường 27. Các anh ấy là chỗ dựa cho bà con, là điểm tựa niềm tin cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Hải Hòa chúng tôi”.

Đại tá Lê Công Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327 vui mừng thông tin: Thành công nhất của Đoàn là đã tham gia có hiệu quả vào việc di dãn dân ra bám biên, không những họ bám trụ được mà còn phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, cải thiện đời sống ngày một khấm khá. Đến nay đã di, dãn dân được 1.279 hộ/ 4.836 khẩu trong đó (Khu KTQP Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái là 888 hộ/ 3.261 khẩu; Khu KTQP Bắc Hải Sơn là 391 hộ/1.575 khẩu), tách hộ tại chỗ và ổn định dân cư cho 593hộ/2.276 khẩu. Khôi phục được 15 thôn, thành lập mới được 2 thôn, bản và tách xã Hải Sơn thành 2 xã Bắc Sơn và Hải Sơn. Tham mưu giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị tại các địa bàn trọng yếu: Đã tiến hành mở 15 lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng cho 165 lượt bí thư, phó bí thư và cấp ủy viên các cấp. Cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm tham mưu giúp địa phương tổ chức lựa chọn bầu 339 trưởng thôn (bản) có uy tín, xây dựng 76 cảm tình viên, kiện toàn 14 tổ chức đảng, 14 đoàn thể ở các bản giáp biên. Củng cố các hoạt động của các tổ chức quần chúng, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên đi vào hoạt động ngày một tốt hơn. Thông qua các hoạt động tạo sự chuyển biến tích cực của cả hệ thống chính trị các xã, phường biên giới, tạo nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày một vững chắc.

                                   

                                   Bài 4: Ngời sáng niềm tin


Dọc đường tuần tra biên giới tỉnh Quảng Ninh, nơi đâu cũng cho ta cảm nhận về sự đổi thay. Núi rừng khoác lên mình tấm áo xanh của những cánh rừng đặc dụng, xen lẫn những bản làng lô nhô mái ngói, nhà tầng, bừng lên trong ánh điện sáng đêm đêm... Những dự án xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở hai khu KT-QP Bình Liêu – Quảng Hà – Móng Cái và Bắc Hải Sơn đã trở thành điểm sáng trên vùng Đông Bắc của Tổ quốc, hứa hẹn một vùng biên cương phát triển bền vững, giàu về kinh tế, ổn định về xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh.


Vươn mình phát triển


“Cách đây hơn chục năm tôi đã từng tưởng tượng về hình hài của mảnh đất này nhưng cũng không thể hình dung nổi quê hương mình có một diện mạo mới như ngày hôm nay. Một sự bứt phá ngoạn mục: đường nhựa, bê tông vào đến tận bản; nhà nào cũng có xe máy, ti vi, có nhà mua được cả ô tô; trẻ con đều được đến trường... Có được như vậy phải nói đến những viên gạch móng của bộ đội Lâm trường 42 sát cánh cùng bà con xây dựng. Còn nhớ những mô hình nuôi lợn rừng, dê, trồng khoai tây giống mới, trồng thanh long ruột đỏ, măng bát độ, các dự án trồng rừng ... những công trình như điện lưới, đường giao thông, trường học, nhà văn hoá các thôn khe bản và trạm y tế đều có sự chung tay, giúp đỡ của Lâm trường 42”. Bác Trần Dùng, người dân tộc Sán Chỉ, bản Thán Phún (nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn) chia sẻ.


Đại tá Trần Lực, nguyên Giám đốc Lâm trường 42, giờ đã trở thành “lão nông tri điền” thực sự với trên 4,6 ha đầm nuôi tôm ở khu nuôi trồng thủy sản thuộc “địa hạt” của Lâm trường 27 phấn khởi khoe: “Về với đời thường anh khỏe re chú ạ! ngày đêm “điền viên” với đầm hồ, cùng con tôm, con cua, con cá. Ngoài lương hưu ra thu nhập từ đầm tôm cũng được vài trăm triệu/năm, anh sẽ gắn bó với mảnh đất này vì nó mà bao năm quân ngũ gắn bó và giờ đây là điểm dừng chân để xây dựng quê hương mới. Âu cũng là cái duyên với rẻo biên cương này nên từ tin, yêu, rồi dựng xây”. Theo Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lâm trường 27 thì cả vùng dự án đang chuyển mình bởi đất đã quyện hơi người mà cho con tôm, con cá. Nếu như trước đây phải vận động mãi người dân mới ra tham gia dự án thì ngày nay từng mét vuông đầm đã đem lại giá trị kinh tế cao đẩy giá trị từng tấc đất sánh cùng đất đô thị của thành phố Móng Cái và thực sự Tiểu khu 9 của phường Hải Hòa giờ đang từng ngày thay da đổi thịt.


             Vững niềm tin theo Đảng


Theo lời kể của Thượng tá Trần Mạnh Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lâm trường 155, chúng tôi tìm về bản Phai Lầu để tìm gặp Trưởng bản Chìu Văn Phúc - người từng được đơn vị giúp đỡ mỗi tháng 15 kg gạo khi đang theo học lâm nghiệp tại đại học Tây Bắc. Chìu Văn Phúc bồi hồi: “Tôi là người con đầu tiên của bản tốt nghiệp đại học, những ngày tháng gian khó ấy được các anh ở Lâm trường trợ giúp tôi vượt qua để cầm được tấm bằng đại học trở về xây dựng quê hương. Giờ đây với vai trò là Trưởng bản tôi vừa mang kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, vừa vận động, dìu dắt bà con dân bản phát triển kinh tế, xã hội xây dựng bản “đánh lui” đói nghèo lạc hậu. Và tôi đã trở thành tấm gương vượt khó của con em trong bản trong việc học hành cầu tiến bộ. Tôi tin tưởng rằng bản tôi sẽ còn phát triển vươn lên làm chủ đồi rừng, biên giới”.


Voòng A Cường ở bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2015, tâm sự: Rời quân ngũ trở về địa phương tôi ý thức sâu sắc về trách nhiệm với quê hương. Thời gian trong quân ngũ đã cho tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và chắc chắn tôi sẽ phấn đấu vào đảng để góp sức mình cho quê hương.


Khác với A Cường, Chìu Giảo Vằn là đảng viên trẻ, Phó Trưởng bản Bắc Cương phụ trách khu dân cư Trình Tường, xã Hoành Mô lại tâm đắc với sự lựa chọn của mình cùng gia đình khi tham gia xây dựng cụm dân cư mới nơi chân dốc Cổng Trời: “Hơn mười năm xây bản mới Trình Tường (cách bà con hay gọi cụm dân cư Trình Tường), nhà thì Lâm trường 156 xây cho để ở, có cả điểm trường để trẻ con đi học và thầy giáo cũng lại là trí thức trẻ tình nguyện của Lâm trường đứng lớp ... từ tay trắng mà giờ đây cả bản nhà nào cũng có bát ăn, bát để. Nhà nhiều thì có chục con trâu bò, nhà ít cũng dăm ba con; ti vi, xe máy, điện thoại di động phủ sóng cả bản; lúa nước cấy hai vụ đủ ăn; rừng hồi, rừng quế, rừng thông đã đem lại nguồn thu ổn định hằng năm cho bà con dân bản “no cái bụng, ấm cái nhà”. Không còn hộ gia đình nào muốn rời bản nữa vì nhà nào cũng có đồi, có rừng có ruộng phải ở lại mà giữ đất làm ăn chứ. Đường tuần tra biên giới Nhà nước đổ bê tông phẳng lỳ đến tận bản muốn mua bán cái gì cũng thuận tiện và người ở xuôi đi du lịch hay ghé thăm bản, vui lắm bộ đội à”.


Thầy giáo Phạm Văn Huần nguyên là trí thức trẻ tình nguyện lớp đầu tiên, hiện là giáo viên dạy tại điểm trường tiểu học Trình Tường, không giấu nổi niềm vui: “Mới ngày nào theo dự án 1136 làm trí thức trẻ tình nguyện ở Lâm trường 156 vậy mà đã chục năm rồi. Năm 2008 mình kết thúc nhiệm vụ của trí thức trẻ tình nguyện nhưng vẫn xin ở lại tiếp tục đứng lớp ở đây. Có lẽ thời gian công tác tại Lâm trường được tham gia xây dựng, dạy học ở Trình Tường đã cho tôi bén duyên tình yêu mảnh đất này. Là người Ninh Bình, được tận mắt chứng kiến những việc làm của bộ đội Lâm trường giúp đỡ bà con dân bản xây dựng quê hương đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, sẵn lòng ở lại gắn bó với công việc gieo chữ cho thế hệ trẻ, ước mong các cháu sẽ trở thành chủ nhân tương lai xây dựng vùng biên cương Tổ quốc ngày càng giàu mạnh”.

                               

Đàm Tuấn Đạt


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất