Nhiều năm liền, 26 bản người Mông di cư tại huyện Mường Lát “trắng đảng viên” nên các chủ trương, Nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước... khó được bà con tiếp cận. Vì vậy, đói nghèo và những hủ tục lạc hậu luôn đeo bám những người Mông di cư tự do này. Giúp Mường Lát “xóa trắng đảng viên” cũng như làm đổi thay cuộc sống bà con, năm 2010, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận 50 và kèm theo đó là những cơ chế, chính sách. Đồng thời, tăng cường thêm bộ đội biên phòng về xã, về bản giúp chính quyền phát triển đảng viên.
Kỳ 1: Khi những bản làng nhiều năm trắng đảng viên
Do tập quán du canh, du cư và phương thức sản xuất lạc hậu, thêm vào đó, 26 bản Mông di cư tại huyện Mường Lát lại chưa có đảng viên và chi bộ Đảng nên việc tuyên truyền, triển khai các chủ trương, Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho bà con dân tộc Mông hiểu là rất khó khăn.
Triền miên trong đói nghèo
Từ những thập niên 90 của thế kỉ trước, làn sóng di cư tự do của đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái diễn ra rầm rộ. Chính làn sóng di cư này đã hình thành cho huyện Quan Hóa xưa, Mường Lát ngày nay thêm 26 bản người Mông tập trung ở các xã: Trung Lý, Mường Lý và Tam Chung. Việc người Mông di cư đến Mường Lát cũng đồng nghĩa với việc thêm nhiều cánh rừng nguyên sinh bị chặt phá để dựng nhà và làm đất sản xuất. Vì vậy, để ổn canh, ổn cư cho đồng bào, đồng thời ngăn tình trạng tái diễn chặt phá rừng bừa bãi, tỉnh, huyện không còn cách nào khác đành tiếp nhận, quy hoạch và cấp đất ở, đất sản xuất lâu dài cho bà con. Theo đó, trong số 26 bản Mông di cư tự do đến huyện Mường Lát, xã Trung Lý tiếp nhận 12 bản, Mường Lý có 10 bản và xã Tam Chung có 4 bản.
Bản Pa Búa là một trong 12 bản Mông di cư tự do đến xã Trung Lý. Bản cách xa trung tâm xã 19 km với 98 hộ dân sinh sống thì có đến 100% số hộ đều nằm trong diện đói nghèo quanh năm. Lý giải về tình trạng đói nghèo của người Mông di cư tự do, ông Phạm Văn Tôn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý cho rằng: Không riêng gì người dân ở bản Pa Búa có tỷ lệ hộ nghèo cao mà tất cả những bản Mông di cư tự do đến địa bàn xã Trung Lý đều có chung tỷ lệ hộ nghèo cao như vậy. Nguyên nhân của tình trạng nghèo, được ông Tôn đúc kết: Một phần bởi tập quán của người Mông thích ở và sản xuất trên những đồi cao, núi cao. Vì vậy, ngoài hứng chịu khí hậu khắc nghiệt quanh năm, điều kiện ăn ở, sản xuất và đi lại cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, do ở trên đồi cao, núi cao và mỗi hộ lại “chiếm lĩnh” một quả đồi nên dù có muốn xây dựng công trình thủy lợi, giúp bà con chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu là điều vô cùng khó đối với khả năng, điều kiện của địa phương. Chính vì ở những nơi có điều kiện canh tác khó khăn nên các loại cây trồng của người Mông đều sinh trưởng, phát triển “nhờ trời”. Vì vậy, các loại cây trồng truyền thống như cây ngô, lúa nương đều cho năng suất rất thấp, thậm chí có năm còn bị mất mùa vì không được bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, do ở những nơi địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên thông thương, trao đổi hàng hóa với bà con lân cận... là điều không dễ. Bởi vậy, mọi sản phẩm bà con làm ra đều phục vụ ngay tại gia đình, không có điều kiện trao đổi mua bán, nâng cao giá trị. Những lý do trên đủ để giải thích vì sao đời sống người Mông bản Pa Búa bao năm vẫn cứ “gắn chặt” với cái nghèo.
Không riêng gì bản Pa Búa mà 25 bản Mông còn lại, trong đó xã Mường Lý (10 bản), Tam Chung (4 bản) đều có hình mẫu như bản Pa Búa và đều có chung đáp số như vậy.
Gần 30 năm di cư đến vùng đất mới, người Mông vẫn cố giữ phong tục tập quán “ngàn đời” của dân tộc mình. Chính những phong tục “lỗi thời” đó là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống bà con người Mông càng khó khăn hơn với tỷ lệ hộ nghèo luôn đứng “đội sổ” của huyện.
Hủ tục và tệ nạn xã hội bủa vây
Đói nghèo không chỉ do điều kiện sản xuất, trình độ thâm canh mà đói nghèo còn bị ảnh hưởng bởi những hủ tục, luật tục lạc hậu đã “ăn sâu, bén rễ” trong từng nếp nghĩ, cách làm của người Mông. Và đám tang người Mông là một minh chứng điển hình cho những hủ tục, lạc hậu ấy.
Theo phong tục của người Mông, khi trong gia đình có người thân chết, gia đình tang chủ không bỏ người chết vào áo quan ngay mà đặt vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên vách giữa nhà từ 5-7 ngày. Bởi theo quan niệm của người Mông: Nếu bỏ người chết vào quan tài ngay là trái với tục lệ, linh hồn người chết không những không được “siêu thoát” mà còn gây phiền hà cho người đang sống.
Việc để xác chết lâu ngày trong nhà, dùng tay bón cơm vào miệng cho xác chết ăn vào mỗi bữa ăn... và cứ 1 ngày, lại giết mổ một con trâu, hoặc một con bò để thờ cúng và ăn uống linh đình ngay tại xác chết đã bốc mùi hôi thối, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa tốn kém và gây lãng phí. Ước tính, mỗi đám ma của người Mông, chi phí hàng chục, thậm chí có đám lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền này không hề nhỏ khi mà điều kiện kinh tế của họ còn rất khó khăn, họ phải đi vay và phải mất nhiều năm mới trả hết được nợ.
Ngoài những hủ tục trong đám tang khiến cho cuộc sống người Mông thêm khó khăn và nghèo hơn, tệ nạn ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV cũng bao trùm, đe dọa bình yên của nhiều bản làng. Những tên bản như Pa Búa, bản Khằm, Cò Cài, Tà Cóm... xã Trung Lý; Pù Ngùa, Kéo Té, Pá Hộc..., xã Phù Nhi; bản Lát, bản Poọng..., xã Tam Chung; Muống 1..., xã Mường Lý... là những điểm nóng về ma túy, với số người nghiện có bản lên đến hàng trăm người.
“Bão” ma túy tràn về khiến nhiều bản làng, hộ gia đình đìu hiu, xơ xác và kéo theo đó với bao hệ lụy. Nghèo đói cứ thế tăng lên đến chóng mặt. Có bản 99 hộ thì duy nhất 1 hộ cận nghèo, còn lại là hộ đói. Hộ đói tăng nhanh đưa tỷ lệ hộ nghèo của Mường Lát có thời điểm lên đến 80%. Ma túy còn để lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS với con số hàng ngàn người nhiễm trên địa bàn huyện. Nhiều bản làng có số người nhiễm và đã chết vì HIV/AIDS cao như Pa Búa, Tà Cóm (xã Trung Lý), bàn Poọng, bản Lách (xã Tam Chung), bản Muống 1 (xã Mường Lý)... Đại dịch ma túy, HIV/AIDS đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh khuynh gia, bại sản, gia đình ly tán bởi con mất cha, vợ mất chồng.
Không chỉ bão ma túy mà nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với việc trai gái lấy vợ, lấy chồng khi tuổi mới 15-16, thậm chí 13-14 tuổi. Vài năm sau những đứa trẻ nheo nhóc kéo nhau chào đời. Những đứa trẻ được sinh ra khi bố mẹ chưa đến tuổi trưởng thành, thiếu kinh nghiệm chăm sóc và đặc biệt lại có quan hệ cận huyết thống nên ốm đau, quặt quẹo không chỉ làm cho kinh tế gia đình đã khó càng thêm khó mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống.
Tạm biệt Mường lát để về xuôi, suốt hành trình từ thị trấn Mường Lát đến cổng trời Trung Lý, tôi bắt gặp những ánh mắt thất thần của cụ già ngồi nơi bậu cửa và cả những ánh mắt ngơ ngác của trẻ thơ đứng ngay trước ngôi nhà lụp xụp ven đường, bất giác tôi chợt nghĩ: Liệu những ánh mắt này có trông chờ và hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn?
Kỳ 2: Gian nan hành trình xóa bản trắng đảng viên
Từ không có đảng viên, đến nay hơn 6 năm kể từ khi thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Xóa bản trắng đảng viên”, 26 bản đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến huyện Mường Lát đã phát triển được 224 đảng viên, sinh hoạt ở 26 chi bộ. Đó là thành công trong nỗ lực thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tuy nhiên, để có được những con số này, hành trình đưa đảng về bản không mấy dễ dàng.
Tìm nhân tố bằng gây dựng phong trào
Trong câu chuyện về hành trình xóa bản trắng đảng viên và thành lập chi bộ Đảng ở những bản đồng bào Mông di cư tự do, ông Phạm Văn Tôn - cán bộ của Bộ đội Biên phòng, người được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý cho biết: Cái khó nhất để phát triển đảng viên và thành lập chi bộ Đảng ở 12 bản đồng bào dân tộc Mông di cư tự do…là không biết phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào? Bởi thực tế, tất cả những bản Mông này đều không có hệ thống chính trị ở thôn, bản nên các hoạt động phong trào không có. Vì vậy, lấy nhân tố ở đâu và ai là người phát hiện, giới thiệu, đó là cả vấn đề nan giải. Tuy nhiên, sau khi tìm được “nút thắt” , có nghĩa đã xác định được nhân tố không ở đâu khác mà ngay chính từ các hoạt động phong trào và nơi phát hiện, giới thiệu là hệ thống chính trị ở thôn, bản.
Với trách nhiệm được Đảng phân công tăng cường về giúp xã Trung Lý phát triển đảng viên, ông Phạm Văn Tôn đã tham mưu cho Đảng ủy xã đề xuất với Huyện ủy củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở các thôn, bản. Trên cơ sở đó, ngoài nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, các đoàn thể như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… được thành lập.
Khi đã có các đoàn thể ở 12 bản, cần phải chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể phát động các phong trào thu hút hội viên. Trên tinh thần đó, Đoàn Thanh niên có các phong trào: Văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội..; Hội Phụ nữ có phong trào: Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường… Hội Nông dân phát động bà con hăng say lao động sản xuất, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi…
Các phong trào do đoàn thể phát động được người già trong bản phấn khởi, lớp trẻ hào hứng tham gia. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu tham gia nhiệt tình các phong trào do tổ chức mình phát động. Và 27 con người ưu tú nhất được tìm thấy từ các hoạt động phong trào là những nhân tố điển hình được lựa chọn tham gia lớp bồi dưỡng đảng viên đầu tiên theo Kết luận 50 vào cuối năm 2010.
Thành công của Trung Lý trong việc xây dựng hệ thống chính trị thôn, bản cũng như phát động phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể để tìm nhân tố được Huyện ủy xem đó là cách làm sáng tạo. Cách làm này được Huyện ủy chấp thuận và cho triển khai, thực hiện ở 14 bản người Mông còn lại của 2 xã Mường Lý và Tam Chung. Thực hiện theo cách làm của Trung Lý, khoảng cuối năm 2011, các địa phương này đã phát hiện, giới thiệu được hàng chục người ưu tú đầu tiên cho đi học lớp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên do Huyện ủy tổ chức.
Xóa bản trắng đảng viên chuyện không dễ
Tìm được nhân tố là thành công trong việc phát hiện nguồn nhưng mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình xóa bản trắng đảng viên. Thực tế Mường Lát không chỉ có tỷ lệ đói nghèo cao nhất nước (có thời điểm lên đến 80%), mà địa phương này còn “nổi tiếng” bởi tỷ lệ người thất học, mù chữ và sinh nhiều con, đặc biệt là trong đồng bào Mông di cư tự do. Vì vậy, nếu theo tiêu chuẩn để kết nạp đảng viên như quy định chung của Điều lệ Đảng: Người được kết nạp phải có trình độ học vấn ở mức tối thiểu bậc học THCS và sinh từ 2 con trở xuống…, 26 bản Mông di cư, sẽ không có ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Từ thực tế trên, để tạo điều kiện cho Mường Lát xóa bản trắng đảng viên ở 26 bản Mông di cư tự do theo Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành riêng cho Mường Lát, như: Đảng viên được kết nạp chỉ cần biết đọc, biết viết; sinh từ 5 con trở xuống…Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác đi thẩm tra lý lịch.
Mặc dù, đã có nhiều cơ chế, gỡ nút thắt cho các bản Mông xóa trắng đảng viên, song đưa Đảng về bản… cũng không mấy dễ dàng. Đã có hàng trăm quần chúng ưu tú được phát hiện từ các phong trào có thể giới thiệu cho đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng không đảm bảo điều kiện vì họ không biết đọc, biết viết và sinh từ 5 con trở lên. Chưa hết, nhiều quần chúng ưu tú có trình độ học vấn từ lớp 5 trở lên và sinh 4 con trở xuống…đảm bảo được 2 tiêu chuẩn nhưng cũng đành bỏ lỡ cơ hội vào Đảng vì không thẩm tra được lý lịch. Chính vì những khó trên nên có xã, đến cuối năm 2015 mới xóa được bản trắng đảng viên như xã Mường Lý.
Nói về những khó khăn trong việc đưa Đảng về bản, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát - ông Lầu Minh Pó trần tình: Việc đưa Đảng về bản khó khăn không chỉ liên quan đến trình độ học vấn, hay vi phạm dân số kế hoạch hóa gia đình mà quá trình thẩm tra lý lịch, hoàn thiện hồ sơ để kết nạp cũng là vấn đề nan giải. Ngay như việc đi thẩm tra lý lịch, có quần chúng phải đi tới 2 lần và mỗi lần đi ít nhất từ 5 - 7 ngày thậm chí nữa tháng mới xong. Nhưng cũng có những trường hợp phải đi đến 2 - 3 lần và mất nhiều thời gian cũng không thẩm tra được. Bởi lẽ, lúc họ di cư, tuổi còn đang rất nhỏ, thậm chí có người không biết quê quán ở đâu, hỏi những người thân trong gia đình, họ cũng không nhớ vì trước khi đi từ các tỉnh phía Bắc di cư đến huyện Mường Lát, họ đã di cư và sống nhiều nơi nên không thể nhớ địa chỉ chính xác nơi mình đã từng sinh sống. Không chỉ sai địa chỉ, nhiều người còn không nhớ rõ họ, tên của mình khi đang sống nơi bản địa nên việc đi thẩm tra giống như đi “mò kim đáy biển”. Khó khăn là vậy, song nhờ được tỉnh quan tâm, chỉ đạo tạo nhiều cơ chế, trong đó có kinh phí hỗ trợ đi thẩm tra lý lịch và sự nỗ lực, kiên trì thực hiện Kết luận 50 của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đến nay Mường Lát không những hoàn thành mục tiêu xóa bản trắng đảng viên với đội ngũ đảng viên 224 người mà còn thành lập được chi bộ ở 26 bản Mông.
“Dù chất lượng đảng viên chỉ “biết đọc, biết viết”, song với nhiệt huyết và lòng tin theo Đảng, những đảng viên trưởng thành từ Kết luận 50 sẽ là những hạt nhân tiên phong xóa đói giảm nghèo và lạc hậu, góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương làm cho bản làng thay da, đổi thịt” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát Lầu Minh Pó khẳng định.
Kỳ cuối: Để Mường Lát không còn nỗi lo tái trắng đảng viên
Thành công trong phát triển Đảng ở 26 bản Mông di cư tự do, không chỉ đơn thuần là xóa được bản trắng đảng viên mà những đảng viên và chi bộ Đảng này còn góp sức cùng chính quyền địa phương làm đổi thay cuộc sống bản làng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên số lượng đảng viên đồng bào Mông đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, tư tưởng “vào Đảng phải được làm cán bộ” của một bộ phận quần chúng ưu tú đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu.
Hạt “giống đỏ” nảy mầm trên vùng đất khó
Khi nói tới Pa Búa, xã Trung Lý người ta nghĩ đến đây là bản làng có nhiều cái nhất. Ngoài khí hậu, điều kiện canh tác và giao thông vào diện khó khăn nhất của xã, Pá Búa còn nổi tiếng bởi những hủ tục lạc hậu trong đám ma và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, bản có đến hàng trăm đối tượng nghiện và trong số đó, gần 20 người bị nhiễm HIV/AIDS. Do được “sở hữu” nhiều cái nhất nên không ngạc nhiên khi trong bản có đến 100% hộ nghèo. Tuy nhiên, từ khi Pá Búa có Đảng, bản làng này như được hồi sinh và khoác trên mình một chiếc áo mới.
Mặc dù phải hứng chịu khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác lại có độ dộ dốc cao và bạc màu…không thuận lợi cho phát triển sản xuất. Song, nhờ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ các Chương trình 134, 135, 30a và được hướng dẫn đưa các tiến bộ khoa học- kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, người dân Pá Búa không chỉ biết đưa một phần cơ giới hóa vào khâu làm đất mà còn biết và áp dụng lịch gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, việc chuyển đổi 1 phần diện tích lúa nương sang trồng lúa nước và đưa nhiều giống lúa mới cũng như áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước nên năng suất đạt 48 tạ/ha, cao gấp 6 lần so với trồng lúa nương. Hiệu quả từ phát triển sản xuất đã giúp cuộc sống người dân Pá Búa được cải thiện, nâng cao với mức thu nhập 12,5 triệu đồng/người/năm.
Từ thực tế trong phát triển kinh tế, người dân Pá Búa đã tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, khi cán bộ, đảng viên đến tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong đám tang, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo bà con. Đến nay, ma túy không những được đẩy lùi mà nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, hủ tục lạc hậu trong đám tang tưởng như không thể nào xóa bỏ được, nay đang được người dân từng bước loại bỏ để thực hiện theo nếp sống mới. Đã có nhiều hộ gia đình tổ chức đám tang gói gọn trong 24h và không tổ chức ăn uống, cúng bái linh đình dài ngày gây tốn kém như trước đây.
Từ một Pá Búa nổi tiếng bởi nhiều “cái nhất”, nhưng khi có sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Bí thư Chi bộ Sùng Văn Dũng, Pá Búa đã vươn lên trở thành điểm sáng của 12 bản Mông di cư tự do của xã Trung Lý. Không những thế, chi bộ này luôn được xã, huyện công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh (TSVM) nhiều năm liền.
Bí thư Chi bộ bản Poom Khuông, xã Tam Chung - ông Sùng A Dúng lại được biết đến là người làm kinh tế giỏi. Nói như vậy, không có nghĩa công tác Đảng được người đứng đầu chi bộ này xem nhẹ mà ngược lại. Trong số 4 Chi bộ bản Mông di cư tự do của xã Tam Chung, Chi bộ Poom Khuông được đánh giá có nhiều nổi trội. Ngoài duy trì ổn định 9 đảng viên tham gia sinh hoạt định kì đều đặn hàng tháng, quý và Chi bộ luôn đạt danh hiệu TSVM nhiều năm, Chi bộ này còn đi đầu trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Đã có nhiều đảng viên, hộ gia đình biết làm kinh tế từ chăn nuôi được biểu dương tại các hội nghị do bản, xã, huyện tổ chức và nằm trong số những đảng viên ưu tú ấy có Bí thư Chi bộ Sùng A Dúng.
Được biết, khi ông được bà con dân bản và cấp ủy chính quyền tín nhiệm bầu làm Bí thư, ông nghĩ trách nhiệm của người đứng đầu không chỉ thường xuyên chăm lo, xây dựng tổ chức Chi bộ trong sạch, vững mạnh mà từng đảng viên còn phải gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của bản như xóa bỏ tệ nạn, hủ tục và đặc biệt là trong phong trào XĐGN.
Là bản có diện tích đất canh tác không nhiều, song nhờ biết áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, đến nay nhiều diện tích lúa nương đã được chuyển đổi sang trồng lúa nước và kỹ thuật thâm canh lúa nước được bà con áp dụng nên đã nâng cao năng suất lúa lên gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt, với việc khai thác thế mạnh phát triển chăn nuôi, đến nay tổng đàn gia súc của bản lên đến hàng trăm con trâu, bò, lợn, dê với 70 - 80% số hộ tham gia. Từ hộ gia đình khó khăn khi mới di cư đến Poom Khuông, nhưng nhờ có tinh thần nỗ lực phấn đấu thoát khỏi đói nghèo, đến nay kinh tế gia đình Bí thư Chi bộ Sùng A Dúng đã trở lên khá giả. Hiện gia đình ông có 37 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm (chủ yếu là gà) và làm 7 sào lúa nước, kết hợp trồng rừng... Từ nguồn thu nhập trên, trừ chi phí gia đình ông thu về 100 triệu đồng/năm.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục gương đảng viên tiêu biểu trưởng thành từ Kết luận 50. Những đảng viên này, dù đa số chỉ “biết đọc, biết viết”, song với lòng tin và niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, các đảng viên người Mông đã đem nhiệt huyết, nỗ lực hết mình, góp sức cùng chính quyền địa phương làm đổi thay bản làng. Đổi thay của 26 bản Mông đã làm cho bức tranh ở Mường Lý, Tam Chung và Trung Lý trở nên sáng màu với số hộ nghèo không những giảm hằng năm mà tệ nạn xã hội ma túy, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và những hủ tục lạc hậu trong đám ma, đám cưới cũng đang dần được đẩy lùi.
Để Mường Lát không còn nỗi lo tái trắng đảng viên
Thành công trong việc phát triển Đảng ở những bản Mông nhiều năm “trắng đảng viên” không chỉ đơn thuần là xóa được bản trắng đảng viên mà còn xây dựng, củng cố, hoàn thiện được hệ thống chính trị thôn, bản. Từ đó, giúp cho việc triển khai, thực hiện Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với bà con thuận lợi, hiệu quả. Vì vậy, đói nghèo, lạc hậu hay tệ nạn xã hội không còn “đất” để phát triển, hoành hành như trước đây mà thay vào đó là một cuộc sống no đủ hơn, với bản làng có nhiều khởi sắc.
Như vậy, cái “được” từ xóa trắng đảng viên đem lại quá rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng đảng viên theo Kết luận 50 ở nhiều bản đang có xu hướng giảm như Chi bộ bản Suối Tung, xã Trung Lý từ 8 đảng viên nay còn 4 đảng viên; hay như Chi bộ Nàng 2 và Chi bộ Trung Tiến 2, xã Mường Lý..
Số lượng đảng viên giảm theo ông Phạm Văn Tôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý và ông Đinh Công Đại, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lý có nhiều nguyên nhân: vi phạm pháp luật, di cư tự do, bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo... đã khiến cho số lượng đảng viên ở 26 bản Mông thời gian qua sụt giảm với con số trên, dưới 10 đảng viên. Số lượng đảng viên giảm, trong khi đó, tư tưởng “vào Đảng phải được làm cán bộ” của một bộ phận quần chúng ưu tú đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu kết nạp Đảng ở những bản Mông này. Chính vì tư tưởng “vào Đảng phải được làm cán bộ” mà có thời điểm ở xã Trung Lý cùng một lúc có đến 5 quần chúng ưu tú sau khi đã hoàn thành thẩm tra lý lịch xin rút khỏi danh sách vào Đảng. Thực trạng này đang đặt ra cho nhiều bản như Suối Tung và Ma Hát của xã Trung Lý; Trung Tiến 2 và Nàng 2 của xã Mường Lý đứng trước nguy cơ tái trắng và tái ghép chi bộ.
Giải pháp nào giúp các địa phương không còn nỗi lo tái trắng đảng viên và tái ghép chi bộ? Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Tâm lý “vào Đảng phải được làm cán bộ” của một bộ phận người dân như địa phương phản ánh là có thật. Vì vậy, giúp các địa phương, thời gian qua huyện đã cố gắng bố trí, sắp xếp các đảng viên sau khi được kết nạp vào làm các chức danh ở thôn bản. Việc bố trí sắp xếp này dựa vào năng lực của từng đảng viên phù hợp ở lĩnh vực nào, bố trí ở lĩnh vực đó. Nếu chi bộ có 7 đảng viên, tương đương 7 chức danh được bổ nhiệm: Trưởng thôn, bí thư và trưởng các khối đoàn thể (MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân) và Công an viên. Nếu vượt quá 7 đảng viên thì bố trí làm cán bộ chuyên trách là cấp phó. Riêng bản có đông đảng viên từ 14-15 người thì bố trí bằng cách luân chuyển. Ở cấp thôn, cứ 2,5 năm là 1 nhiệm kì. Nếu nhiệm kì này anh làm Bí thư, nhiệm kỳ sau sẽ bố trí anh làm chức danh khác, đảm bảo ai là đảng viên cũng được làm cán bộ. Tuy nhiên, khi thực hiện luân chuyển, bố trí chức danh huyện sẽ căn cứ vào khả năng, năng lực, sở trường và cả uy tín của đảng viên đối với người dân trong bản để bố trí chức danh phù hợp và đúng với khả năng, năng lực của họ.
Về thực trạng di cư tự do, ảnh hưởng đến số lượng đảng viên sụt giảm, ông Thông cho rằng: Tình trạng di cư tự do hiện nay không đáng lo ngại vì hàng năm chỉ có vài trường hợp nên tác động không nhiều. Hơn nữa, di cư hiện nay sẽ không được các địa phương tiếp nhận vì họ đã cấp đất ổn định lâu dài. Nếu anh di cư đến, anh sẽ phải đi thôi vì đất đã được giao và có chủ hết rồi. Còn nếu di cư sang Lào thì sẽ bị nước bạn trả về. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán di cư, cùng với việc tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả đề án ổn định sản xuất đồng bào Mông, huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, triển khai, xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, lợn... và nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh, kêu gọi thu hút doanh nghiệp về đầu tư cho Mường Lát tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Khi cuộc sống được cải thiện, di cư tự do sẽ không còn vì bản chất người Mông di cư là để tìm vùng đất mới mong cuộc sống tốt đẹp hơn nơi ở cũ.
Giải đáp băn khoăn, lo lắng về tình trạng có quần chúng ưu tú chuẩn bị kết nạp Đảng, thậm chí có cả đảng viên bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, rủ rê không tham gia tổ chức Đảng, ông Thông nhấn mạnh: Huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách các xã và Ban Chấp hành thường xuyên giao ban nắm bắt tình hình. Các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiểu các chính sách của Đảng, Nhà nước (dựa trên thực tế những gì đã và đang làm cho bà con) đều nhằm mục tiêu giúp cuộc sống bà con tốt đẹp hơn. Vì vậy, việc kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền, lôi kéo, bà con không nghe, không làm.
Về kiến nghị của Mường Lý cho địa phương này cơ chế riêng, tiêu chuẩn Đảng viên khi kết nạp chỉ cần có trình độ lớp 5 và sinh từ 5 con trở xuống. ông Thông cho rằng, huyện sẽ xem xét. Bởi hiện nay, kết nạp Đảng viên, Mường Lát không còn coi trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng Đảng viên nên tiêu chuẩn kết nạp Đảng phải đảm bảo tối thiểu có trình độ từ THCS trở lên và có 3 con trở xuống mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trên cơ sở “bắt đúng mạch” và kê “đúng thuốc”, Mường Lát sẽ không còn nỗi lo nguy cơ tái trắng đảng viên. Tuy nhiên, để giúp Mường Lát có thêm động lực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, ngoài các chính sách Mường Lát đang được thụ hưởng như hiện nay, rất cần tỉnh quan tâm hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất như thế nào cho hợp lý cũng như việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp về đầu tư tại Mường Lát. Đó là những vấn đề mà Mường Lát đang thiếu và yếu hiện nay.
Minh Lý