Làng La Đu cũ cách làng mới gần 20km, nằm lọt thỏm giữa thung lũng rừng núi âm u nên bệnh tật, sốt rét liên tục hoành hành, người dân làm ăn, sinh sống, đi lại rất khó khăn. A Song Ba là người La Đu, đã thoát ly đi theo cách mạng. Nhưng về hưu ông lại đưa cả gia đình trở về làng cũ.
Trước cảnh dân làng vẫn nhiều khó khăn thiếu thốn, đảng viên A Song Ba đã chủ động bàn bạc với trưởng làng và những người có uy tín trong làng lúc bấy giờ về việc di rời làng đến nơi ở mới. Ông là người đầu tiên trực tiếp cùng tổ thanh niên của anh A Thia căng dây, đóng cọc, chia thành các ô vuông để từng hộ gia đình trong bản làm nhà. Là người con của bản làng, ông hiểu mình cần phải “làm trước” để bà con trong bản “ngó thử mà làm theo”. Do tập quán lâu đời, bà con không có thói quen trồng cây xung quanh nhà, ông đã đi đầu trong việc này. Sau một thời gian, cây nhà ông lớn dần và bắt đầu cho bóng mát. Lúc bấy giờ, dân trong làng mới hiểu ra giá trị của việc trồng cây xanh. Trong cuộc vận động bà con xây dựng nhà kiên cố, đảng viên A Song Ba cũng là người đi trước. Thấy rằng làm nhà kiên cố thì không sợ bão gió, bà con trong bản đã vững dạ làm theo tùy hoàn cảnh kinh tế của gia đình mình.
Trước đây, đa số các hộ dân ở La Đu chỉ quen chăn nuôi, thả heo dưới sàn nhà, thường cho bò đi rông, gây ô nhiễm môi trường, thì nay, tình trạng này đã chấm dứt. Chuồng bò, chuồng heo được xây dựng xa nơi ở, sức khỏe của người dân được nâng lên. Làng La Đu chưa có điện lưới quốc gia, ông A Song Ba đã dành dụm tiền làm thủy điện nhỏ đặt tại suối Đắc Xa, cách nhà mình gần 500m. Nhờ vậy, nhà ông đã có điện thắp sáng, chạy quạt mát, xem ti vi… Một số người có điều kiện trong làng thích quá, đến học tập. Vì thế, người Giẻ ở làng La Đu vẫn được nghe thời sự, xem phim. Ông Ba nói giản dị: “Đồng bào dân tộc mình là vậy, họ luôn nhìn vào những cái rất cụ thể, thấy đúng họ mới làm theo"!
Năm 2002, làng La Đu đăng ký với xã, huyện xây dựng làng văn hóa. 3 năm sau, làng được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Đến năm 2006, làng được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học của làng được đến trường. Nhiều em đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và có việc làm ổn định. Đặc biệt, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Kết quả này bắt nguồn từ sức mạnh của cả tập thể nhưng vai trò của già làng, người thầy, đảng viên A Song Ba là rất lớn. Ông tham gia Ban chỉ đạo của làng, cùng cán bộ thôn và các già làng khác đến từng hộ gia đình phân tích cái hay, cái lợi của làng văn hóa; vận động người dân đăng ký gia đình văn hóa; tham gia soạn thảo hương ước, quy ước cho phù hợp với pháp luật, phong tục, tập quán của bà con các dân tộc; đôn đốc, nhắc nhở các gia đình thực hiện hương ước, quy ước… Ông A Mười, Trưởng thôn La Đu nhận xét: “Đảng viên như A Song Ba thật xứng đáng. Cái gì ông cũng nghĩ trước, làm trước, nhiệt tình, tận tụy, rất trúng cái bụng của dân làng”. Ông A Mười còn chỉ con đường bê tông trước nhà khoe: “Hồi trước nó rất bẩn, nhớp lắm, nhưng bây giờ thì hết rồi. Công đó là nhờ đảng viên A Song Ba đứng ra vận động bà con trong làng đóng góp công sức xây dựng nên và nhắc nhở bà con dân làng thường xuyên vệ sinh”.
Từ chỗ 100% số hộ gia đình thiếu đói triền miên, nay làng La Đu đã có 67 hộ đạt mức sống khá, 45 hộ đủ ăn và có dư dật, nhiều hộ được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa. Kết quả là vậy, nhưng đảng viên A Song Ba vẫn băn khoăn vì còn một số hộ nghèo trong làng và quyết tâm tiếp tục giúp cách làm ăn để họ có cuộc sống no đủ như nhiều gia đình khác.
Cao Anh
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III