Với 85 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng ta, chuyện một gia đình có 3 hay 4 thế hệ đảng viên không phải là hiếm ở miền xuôi. Nhưng ở một xã đặc biệt khó khăn, trong một gia đình người dân tộc Khơ Mú của Sơn La thì đây là điều đáng nói, tự hào hơn nữa, 3 thế hệ đảng viên của gia đình đều là những người gương mẫu, có uy tín ở cơ sở.
Huyện biên giới Sông Mã (Sơn La), gần cuối tháng 3 đã đón những đợt gió Lào sàn sạt thổi về càng khiến cho mảnh đất vùng biên này thêm nóng hơn. Đây cũng là thời điểm chúng tôi đến bản Lọng Mòn - một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Huổi Một. Trong chuyến công tác này, chúng tôi may mắn được chứng kiến một buổi tâm sự của 3 thế hệ đảng viên trong một gia đình người dân tộc Khơ Mú. Người ông Lò Văn Chơ, 85 tuổi đời, 55 tuổi Đảng đang tâm sự cùng với người con trai trưởng Lò Văn Thôn, 52 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Lọng Mòn và người cháu đích tôn Lò Văn Tuân, 23 tuổi. Nội dung của buổi trò chuyện chủ yếu xoay quanh vấn đề phát huy vai trò của đảng viên tại các cơ sở, tiên phong trong giải quyết các việc khó được 3 thế hệ đảng viên trao đổi khá sôi nổi. Đặc biệt, buổi trò chuyện còn có sự góp mặt của con dâu ông Chơ cùng chắt nội. Mặc dù là người “ngoài cuộc” nhưng 2 bà cháu rất chăm chú mỗi khi ông Chơ hay ai đó cất lời...
Ông Chơ tâm sự: Tôi là một đảng viên đầu tiên của bản. Nhờ sự dìu dắt, quan tâm của những thế hệ đảng viên đi trước mà tôi trưởng thành được như ngày hôm nay. Đứa cháu đích tôn của tôi mới được kết nạp Đảng. Cháu nó là đảng viên trẻ tuổi nhất của chi bộ bản và cũng là đứa đầu tiên của bản đi học đại học. Vì vậy, tôi phải nói để các con, các cháu hiểu thêm về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên; góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng cũng như niềm tự hào của gia đình. Ngược lại thời điểm của hơn 10 năm về trước, người dân bản Lọng Mòn khi đó hầu như sống trong cảnh đói nghèo, không chỉ đói cơm mà đói cả chữ. Người nào học cao nhất cũng chỉ gần hết cấp 2 là nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng hoặc gia đình cần người làm nương. Đảng viên của bản chỉ có vài người nên phải sinh hoạt ghép với bản khác. Lọng Mòn còn là địa bàn nổi cộm về tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Cũng bởi địa bàn đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác nên các đối tượng vận chuyển, buôn bán các chất ma túy đã chọn Lọng Mòn làm nơi trung chuyển, lôi kéo con em trong bản dính líu tới ma túy và nghiện ma túy. Ma túy xâm nhập vào địa bàn, các phong trào của bản đi xuống, đói nghèo, lạc hậu gia tăng, nhất là tệ nạn trộm cắp; nhân dân trong bản không biết làm lúa nước ngoài những cây trồng trên nương cho hiệu quả kinh tế thấp. Trong bản, trẻ em ở độ tuổi đến trường do không được quan tâm nên thường xuyên bỏ học...
Bây giờ, Lọng Mòn là bản văn hóa không còn ma túy, các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa phát triển, an ninh chính trị ổn định, diện tích lúa nước 2 vụ được khai hoang tăng lên; hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội hầu như không còn... Kết quả đó chính là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể cùng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát giác, tố giác những người liên quan tới ma túy hay những đối tượng xấu từ ngoài vào... Từ đó, uy tín của đảng viên trong bản được nâng lên, người dân tin tưởng hơn vào những lời nói, việc làm của đảng viên. Bản Lọng Mòn đã có thêm nhiều đảng viên là người dân tộc Khơ Mú. Chi bộ bản Lọng Mòn được thành lập với 11 đảng viên.
Sự đổi thay của Lọng Mòn hôm nay không thể không kể đến những đóng góp, nỗ lực của những thế hệ đảng viên gia đình ông Lò Văn Chơ - những người có uy tín, được nhân dân kính trọng. Những đóng góp của họ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ sở ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen trong thời kỳ ông Chơ, ông Thôn trải qua các vị trí công tác hay khi trở về đời thường.
Luyện Ngọc Tuấn
Báo Sơn La