Tôi gặp bác sỹ Hoàng Thị Hoài trong căn phòng làm việc nhỏ bé mà ấm cúng của chị, với giọng nhẹ nhàng, trìu mến, chị cho biết:“mình đến với ngành y ban đầu như một sự ngẫu nhiên”. Vậy mà thấm thoắt cũng đã 30 năm gắn bó với nghề thầy thuốc, với công việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, điều đó không hề ngẫu nhiên mà có lẽ là duyên tiền định!
Từ một cựu chiến binh
Bác sỹ Hoài cho biết, chị sinh ra ở xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Học hết trung học phổ thông năm 1978, thay vì tiếp tục thi vào Đại học để thực hiện mơ ước như các bạn cùng trang lứa, cô nữ sinh Hoàng Thị Hoài đã quyết định xung phong lên đường làm nghĩa vụ quân sự ở chiến trường biên giới phía Bắc. Sau 3 năm trong quân ngũ, cuối năm 1981 chị trở lại quê và làm hồ sơ thi vào Đại học Y Thái Bình. Khi làm hồ sơ dự thi, chị Hoài chỉ nghĩ đơn giản là muốn trở thành một bác sỹ để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo chị, sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, được trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một nghề bình dị mà cao quý để đóng góp cho xã hội. Qua 6 năm học tập ở chuyên ngành nhi, bác sỹ Hoàng Thị Hoài tốt nghiệp ra trường và về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng (Thái Bình).
Tận tụy với nghề
Với lòng nghề và sức trẻ sự, trở về quê sau nhiều năm học tập, bác sỹ Hoài đã miệt mài làm việc, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà con nhân dân huyện nhà. Năm 1994, bác sỹ Hoài theo chồng chuyển vào công tác và sinh sống tại Đà Lạt (chồng chị là đại tá, giảng viên của Học viện Lục quân Đà Lạt, nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ). Từ năm 1994 đến năm 2009, chị công tác tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (Lâm Đồng). Tại đây, bác sỹ Hoài đã cùng đội ngũ bác sỹ luôn hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ chuyên môn, được lãnh đạo Bệnh viện đánh giá cao. Trong 2 năm (2005 và 2009), tập thể phòng khám của chị 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặmg Bằng khen“Có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch với chức năng khám và điều trị các bệnh về thần kinh, tai biến, điều dưỡng… giúp các bệnh nhân phục hồi. Đa số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện thường lưu lại dài ngày, chủ yếu là người lớn tuổi, đòi hỏi công tác khám và điều trị bệnh nhân phải hết sức kiên nhẫn, tận tuỵ. Tính chất công việc đã rèn cho người bác sỹ thật sự như “mẹ hiền”. Ngoài khám, phát hiện bệnh, bác sỹ Hoài và đồng nghiệp phải thường xuyên chăm sóc bệnh nhân tại các giường bệnh: châm cứu, chiếu đèn, bốc thuốc, áp dụng vật lý trị liệu… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bác sỹ Hoài cũng thường xuyên động viên, giúp đỡ những y, bác sỹ trẻ để ngày một trưởng thành.
Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân của Bệnh viện được trang bị hiện đại; hệ thống phòng khám, khu nội trú của bệnh nhân được đầu tư xây dựng phục vụ tốt hơn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bác sỹ Hoài luôn tâm niệm vừa làm việc, vừa tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ về mọi mặt. Cũng từ “mái nhà chung” của Bệnh viện Y học Phạm Ngọc Thạch, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng để cống hiến, cộng với tình cảm giúp đỡ của đồng nghiệp, bác sỹ Hoài đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng (năm 2005); được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng khám (năm 2006). Cuối năm 2009, chị được lãnh đạo Bệnh viện điều chuyển sang làm Phó khoa Nội, hiện nay, chị là Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện. Ở bất cứ chức vụ nào, nữ đảng viên, bác sỹ Hoàng Thị Hoài cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp yêu mến, kính trọng, nhất là đối với những y, bác sỹ trẻ. Ngoài hoàn thành tốt công tác chuyên môn, bác sỹ Hoài còn tham gia trong cấp ủy và đảm nhiệm chức trách Phó Bí thư chi bộ Khối Điều trị trực thuộc Đảng bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch.
Mến phục tấm gương y đức của một người thầy thuốc chân chính và tính mẫu mực của mẹ, hai con gái của bác sỹ Hoài hiện đã và đang nối nghiệp chị. Con gái đầu của chị đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM, hiện đang công tác tại Quận 1, TP.HCM. Người con thứ hai hiện là sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt (Đại học Y Dược TP.HCM). Đây cũng là niềm động viên, niềm hạnh phúc và tự hào lớn nhất trong cuộc đời bác sỹ Hoàng Thị Hoài.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, trong đó 21 năm công tác tại Bệnh viện Y học cổ Truyền Phạm Ngọc Thạch, nữ cựu chiến binh - bác sỹ Hoàng Thị Hoài đã cống hiến tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hằng năm, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2008 đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế trao tặng.
Bác sỹ Đặng Đình Hòa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch đánh giá cao sự cống hiến của bác sỹ Hoàng Thị Hoài:“bác sỹ Hoài là thế hệ đi đầu của bệnh viện, chị luôn gương mẫu trong công tác và thường xuyên giúp đỡ các bác sỹ trẻ tiến bộ, được anh em yêu mến”.
Bài, ảnh: Nguyễn Thanh Hồng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng