Vì bình yên nơi biển đảo
 

Trải qua 16 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tự hào, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để làm nên những chiến công là đóng góp của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ CSB đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, giữ gìn sự bình yên nơi biển, đảo quê hương. Trung tá Lê Huy (ảnh bên), Phó Trưởng phòng - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 là một trong những tấm gương như thế.

Khao khát cống hiến

Sinh năm 1976 ở thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), tuy hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn nhưng Lê Huy và 3 anh chị em trong nhà đều chăm chỉ học tập. Người anh trai sau khi học xong THPT đã thi đậu vào Trường Sỹ quan Thông tin. Noi gương anh, Lê Huy cũng nung nấu quyết tâm được học trong môi trường quân đội. Theo anh, quân đội là môi trường thuận lợi không chỉ để học tập, tích lũy tri thức, rèn luyện bản lĩnh cũng như trau dồi nhân cách, mà còn là nơi để thực hiện mong ước trở thành người lính Cụ Hồ trực tiếp bảo vệ Tổ quốc, cuộc sống an bình của nhân dân. Anh thi đỗ vào Trường Sỹ quan Chính trị (nay là Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng). Với ý chí quyết tâm, tích cực phấn đấu, rèn luyện, đến năm học thứ 4, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Sau khi tốt nghiệp (năm 1999), anh được phân công về Quân chủng Hải quân, nhận nhiệm vụ tại đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang) - một hòn đảo ở tận cùng phía Tây - Nam của Tổ quốc, cách xa đất liền, điều kiện sinh hoạt, công tác rất khó khăn, thiếu thốn. 7 năm gắn bó nơi đây, anh đã trải qua nhiều cương vị công tác, từ Phó Đại đội trưởng chính trị, Bí thư chi bộ Đại đội 23, sau là Trợ lý tổ chức, kiểm tra đảng của Ban Chính trị đảo Thổ Chu.

Năm 2006, Lê Huy được điều về Vùng CSB 1 thuộc Bộ Tư lệnh CSB. Anh đảm nhận nhiệm vụ Trợ lý Tuyên huấn, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bí thư Đảng ủy Hải đội 101 và hiện là Phó Trưởng phòng - Phó Chủ nhiệm chính trị, trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn, quần chúng, dân vận và chính sách của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1. Trải qua 15 năm gắn bó với biển đảo, từ Thổ Chu đến Vùng CSB 1, anh đã cùng đồng đội ngày đêm bám biển, trực tiếp đối mặt với nhiều đối tượng tội phạm và đấu tranh với những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của nước ta. Trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, nhất là thời tiết khắc nghiệt của gió bão đại dương, anh và đồng đội luôn chắc tay súng, vững vàng trước thử thách, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 15 năm làm bạn với biển đảo, gương mặt anh sạm đi vì nắng gió nhưng ánh mắt anh vẫn toát lên niềm lạc quan, vẫn tươi rói những nụ cười. Với Lê Huy, trở thành người lính biển, nhiều năm gắn bó máu thịt với biển đảo dường như đã trở thành lẽ sống, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng anh mà còn là của mỗi cán bộ, chiến sỹ CSB Việt Nam. Anh tâm sự: “Chúng tôi - những người lính biển luôn luôn nhắc nhở mình phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao ý chí quyết tâm, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng lên đường nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Kiên quyết, khôn khéo

Tháng 5-2014 khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, Lê Huy là một trong những người đầu tiên có mặt trên tàu CSB 8003 để thực thi pháp luật. Gần một tháng lênh đênh trên biển, anh cùng đồng đội luôn quyết tâm tiếp cận giàn khoan và tàu Trung Quốc để phát loa tuyên truyền, quay phim, chụp ảnh lấy tư liệu gửi về đất liền để cung cấp cho các cơ quan truyền thông đại chúng và làm căn cứ pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước ta đấu tranh ngoại giao. Nhiệm vụ của anh là tổ chức, chỉ đạo công tác tuyên truyền tại thực địa, duyệt các nội dung thông tin sao cho chính xác và gửi đi kịp thời. Ngoài ra, anh còn phải giữ mối liên hệ, bảo đảm sự an toàn cho các phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp trên tàu. Sau khi nhận lệnh lên đường, tàu CSB 8003 khởi hành trong đêm, đến sáng sớm thì có mặt cùng một số tàu thực thi pháp luật của ta ở vùng biển bị xâm phạm, chỉ cách giàn khoan khoảng 3-4 hải lý, xung quanh dày đặc tàu Trung Quốc bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Kể lại quãng thời gian ấy, trung tá Lê Huy vẫn nhớ như in những giây phút giáp mặt với tàu Trung Quốc. Thấy ta xuất hiện, tàu Trung Quốc hung hăng rượt đuổi, phun nước khiêu khích, sẵn sàng đâm va nhưng cán bộ, chiến sỹ bình tĩnh, chủ động tránh né, giữ an toàn cho tàu, cho người. Hằng ngày, tàu CSB 8003 cùng các tàu khác cố gắng tiếp cận giàn khoan, càng gần càng tốt để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi tàu Trung Quốc đuổi, ta rút, giữ khoảng cách, kiên quyết không để xảy ra va chạm. Tàu Trung Quốc dừng, ta lập tức quay lại. Cán bộ, chiến sỹ ta luôn tuân thủ tuyệt đối phương châm: “Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, kiềm chế, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không để xảy ra xung đột, không để nước ngoài lấn chiếm, không nổ súng trước”. Trong hoàn cảnh đối đầu căng thẳng, quyết liệt và khó khăn, phải có một bản lĩnh thép, ý chí quật cường các anh mới luôn đứng vững để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lê Huy chia sẻ: “Mặc dù đối phương có những hành động khiêu khích nhưng chúng tôi nhận thức rõ rằng, mình đang làm nhiệm vụ trên vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn tuân theo luật pháp quốc tế. Lẽ phải thuộc về chúng ta, nên chúng tôi kiên quyết trụ vững nơi đầu sóng, bình tĩnh, khéo léo xử lý mọi tình huống cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành”.

Gần một tháng đấu tranh gian khổ để thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, Lê Huy cùng lãnh đạo Phòng Chính trị đã chỉ đạo tàu CSB 8003 tuyên truyền tại thực địa 172 giờ; tham gia đưa đón 139 lượt phóng viên, trong đó có 39 phóng viên của các hãng thông tấn, báo chí nổi tiếng thế giới như AFP (Pháp), Roi-tơ (Anh), Nhật báo phố Uôn (Mỹ), NHK (Nhật Bản)...; tổ chức 26 lượt cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh vùng trả lời phỏng vấn báo chí. Cũng trong năm 2014, anh đã cùng cán bộ, chiến sỹ Phòng Chính trị trực tiếp tuyên truyền về chủ đề biển đảo và kết quả bảo vệ chủ quyền cho 38 lượt cơ quan, đơn vị, nhà trường; viết khoảng 100 tin, bài, ảnh phóng sự có chất lượng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức 40 lượt đoàn phóng viên báo, đài đến đưa tin hiệu quả các hoạt động của Vùng CSB 1... Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, trung tá Lê Huy đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ vững sự bình yên nơi biển đảo quê hương.

Gương mẫu, tận tụy

Cứng rắn, quyết đoán nơi thực địa; gần gũi, chan hòa, giản dị, chân chất trong cuộc sống; năng động, sáng tạo, nhiệt tình và đầy trách nhiệm với công việc, đặc biệt, trong mọi hoạt động anh luôn gương mẫu, đi đầu. Nhiều năm phụ trách công tác tuyên huấn, anh nhận thức rõ bản thân mình phải nêu gương, mẫu mực để cán bộ, chiến sỹ tin tưởng và làm theo. Trong lần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo tháng 5-2014, anh lên đường khi con lớn 5 tuổi, con út của anh mới đầy tháng, nhưng anh vẫn gương mẫu chấp hành mệnh lệnh.

Anh xây dựng cho mình tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, sát thực tế; luôn lắng nghe, chịu khó học hỏi để bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân. Anh cho rằng phải luôn học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, người cán bộ tuyên huấn không những phải có khả năng trình bày lưu loát, mạch lạc mà còn phải có phông kiến thức rộng, sự am hiểu nhiều lĩnh vực thì việc tuyên truyền, huấn luyện mới trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả. Bản thân anh, trải qua nhiều vị trí công tác, nhiệm vụ khác nhau nhưng nhờ sự nỗ lực, tinh thần ham học hỏi, rèn luyện kỹ năng nên anh không cảm thấy bị “ngợp” trước mỗi buổi huấn luyện, tuyên truyền. Anh luôn coi trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa các phương pháp lên lớp; tập huấn, bồi dưỡng nội dung, kiến thức, phương pháp giảng dạy chính trị cho hàng trăm lượt cán bộ trong đơn vị; hoàn thành chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng đạt kết quả cao. Năm 2011, anh vinh dự đại diện cho Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam tham gia Hội thi Báo cáo viên toàn quân và đoạt giải Ba, được Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen. Năm 2013, anh tham gia Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi toàn quân và đoạt giải Nhì. Năm 2014, ghi nhận những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, anh được Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam tặng Bằng khen. Nhiều năm là Chiến sỹ thi đua của đơn vị. Với phẩm chất và thành tích đó, Lê Huy xứng đáng là tấm gương sáng, đại diện tiêu biểu cho thế hệ cán bộ trẻ của lực lượng CSB Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất