Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền nhận danh hiệu Công dân Thủ đo ưu tú năm 2014.

Nghị lực vượt khó

Ai đó đã từng nói, con đường đi đến thành công không trải bằng hoa hồng. Với Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hiền, đằng sau những vinh quang của ngày hôm nay là biết bao nỗ lực, cố gắng trên suốt chặng đường dài gian khó, thấm đẫm mồ hôi và cả những giọt nước mắt. Cô Hiền sinh năm 1945 ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1965, thời điểm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khi đang học ở Đại học Sư phạm, theo tiếng gọi của Tổ quốc cô nữ sinh Nguyễn Thị Hiền đã viết đơn xin nhập ngũ. Cô được phân công phụ trách phiên dịch tiếng Nga tại Phòng Ngoại vụ, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1969 cô trở lại học tiếng Nga ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, rồi trở thành giáo viên dạy tiếng Nga tại Trường Phổ thông Chuyên ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tháng 5-1997, Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm được thành lập, cô Hiền được phân công làm Phó Hiệu trưởng phụ trách, đến tháng 9-2001 chính thức trở thành Hiệu trưởng nhà trường.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Trường Đoàn Thị Điểm phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do thiếu cơ sở vật chất, chưa có kinh phí hoạt động và chưa có đất để xây dựng trường, phải đi thuê 4 địa điểm khác nhau ở quận Cầu Giấy. Bản thân cô Hiền là giáo viên dạy tiếng Nga, chưa có kinh nghiệm quản lý. Hơn nữa, khi đó khái niệm trường dân lập còn hết sức mới mẻ, nhiều phụ huynh và thậm chí cả đồng nghiệp rất băn khoăn, hoài nghi. Không ngại khó và dẹp qua một bên những nghi ngại của mọi người xung quanh, cô Hiền bắt đầu bằng việc tự học cách thức quản lý qua sách vở, đến tìm hiểu thực tiễn của các trường có tiếng ở Hà Nội, học hỏi kinh nghiệm hay để áp dụng vào công việc quản lý, điều hành. Khi trường dần đi vào ổn định, năm 2006 Cô Hiền bị thoát vị đĩa đệm, phải nằm viện điều trị trong nhiều tháng. Chưa đầy năm, cô lại bị tai nạn ngã gẫy chân, phải thay toàn bộ cổ xương đùi bên phải. Và không lâu sau đó, cô còn phải chịu nỗi đau lớn nhất khi người con gái cũng là đồng nghiệp của cô đột ngột qua đời. Nỗi đau mất con nhân lên cùng nỗi đau thể xác những tưởng như thế đã là quá đủ, vậy mà sau ngày giỗ đầu con gái, cô lại phát hiện bị ung thư. Nhưng cô đón nhận một cách bình tĩnh giống như bao thử thách khác. Cô tâm sự: “Có thể chịu đựng được nỗi đau lớn nhất là mất con gái, nên khi biết mắc bệnh ung thư cô không hề suy sụp mà chỉ coi đó như một thách thức cần vượt qua. Lúc này, điều cô quan tâm nhất là tận dụng quỹ thời gian ít ỏi còn lại để làm được thật nhiều việc có ích cho học trò và nhà trường”. Tính đến nay cũng đã 5 năm cô vừa làm việc vừa chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Cô luôn nặng lòng với học sinh, ưu tiên hàng đầu cho công việc. Những nỗi đau khủng khiếp tưởng có thể ngã gục, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hiền vẫn nén chịu đau thương bằng một nghị lực phi thường. Dường như mỗi lần sóng gió ập đến, người ta lại thấy cô kiên cường, bản lĩnh hơn, lao vào guồng quay công việc nhiệt huyết, say mê hơn...

Trái tim dẫn dắt

Hiện nay, Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm đã có hàng trăm lớp học với hơn 3.000 học sinh và 393 cán bộ, giáo viên. Cô Hiền chia sẻ, khối lượng công việc của Ban Giám hiệu và Hội đồng quản trị hết sức nặng nề, nhưng qua nhiều năm công tác, cô đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu tạo nên phong cách lãnh đạo vừa năng động, sáng tạo, quyết đoán của một doanh nhân, vừa tâm huyết, ân cần, tận tuỵ của người thầy, người mẹ. Mô hình trường dân lập có nhiều điểm khác trường công lập. Nơi đây có kinh phí đóng góp của các cổ đông. Giữ vững được quyền lợi của học sinh, giáo viên, chất lượng giáo dục hàng đầu cũng có nghĩa là lợi ích của mỗi cổ đông được bảo đảm, phát huy. Cô cho rằng làm được như thế chữ tâm phải đặt lên hàng đầu. Xây dựng mô hình giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động của Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm. Học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được trau dồi nhân cách, đạo đức, khả năng tự lập, tự tin trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nói về mục tiêu giáo dục, cô Hiền cho biết: Học sinh không chỉ cần học giỏi mà còn biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, biết chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Vì vậy, cô đã tích cực chỉ đạo nhà trường tổ chức, tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Có những hoạt động đã trở thành truyền thống của nhà trường như “Vầng trăng yêu thương”, “Hội chợ từ thiện”, “Nuôi lợn đất, ươm mầm ước mơ”. Đặc biệt, trong Chương trình “Tình nguyện mùa đông”, chỉ trong một tuần phát động học sinh của trường đã quyên góp được trên 3.000 bộ quần áo ủng hộ những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Giang. Hay chuyến thăm Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật tại Thụy An, huyện Ba Vì, các em học sinh đã trực tiếp chuẩn bị quà và trao tận tay các cụ già, em nhỏ. Thông qua những hoạt động này, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, được trải nghiệm, khám phá thế g xung quanh và nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc sống, từ đó biết quan tâm, chia sẻ với mọi người.

Gương mẫu đi đầu

Năm 1990, khi còn đang công tác ở Trường Phổ thông Chuyên ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô Nguyễn Thị Hiền đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngày 15-10-2012, Chi bộ Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm được thành lập với 19 đảng viên (hiện nay chi bộ đã có 25 đảng viên). Chi bộ đã duy trì nền nếp sinh hoạt thường xuyên, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tư tưởng, hành động, liên tục đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Trong quá trình lãnh đạo Chi bộ, Bí thư chi bộ, NGƯT Nguyễn Thị Hiền đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nêu gương của mỗi đảng viên, theo cô: “Trong môi trường giáo dục, người giáo viên đã phải nêu gương thì người giáo viên là đảng viên càng phải gương mẫu hơn nữa, thể hiện trong từng lời nói và hành động cụ thể hằng ngày. Bởi lẽ mỗi lời nói, việc làm đó luôn có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ cũng như hành động của học sinh”. Không chỉ nhắc nhở, động viên các đảng viên trong chi bộ thực hành nêu gương mà bản thân cô luôn tự giác rèn luyện mình để trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. NGƯT Nguyễn Thị Hiền là tấm gương tận tụy, hết mình với công việc, giàu nghị lực vượt lên những khó khăn, thử thách của cuộc sống, tâm huyết cháy bỏng với sự nghiệp giáo dục của nước nhà, giản dị, khiêm nhường, không cầu danh lợi, “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). ở tuổi 69, thời gian đã điểm sương trên mái tóc, sức khỏe giảm sút nhưng tấm lòng và nhiệt huyết của cô với sự nghiệp “trồng người” vẫn như ngọn lửa cháy mãi trong tim, thôi thúc cô từng ngày sống, làm việc quên mình vì tương lai của học sinh thân yêu. Cô giáo Bùi Thu Hoài, Phó Bí thư chi bộ nhà trường cho biết: “Cô Hiền là tấm gương mẫu mực cả trong công việc lẫn trong đời sống hằng ngày, đằng sau vẻ ngoài bình dị của cô là một trái tim nhiệt huyết, một ý chí, nghị lực phi thường. Cô chính là niềm tin, điểm tựa tinh thần của Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm”.

Phần thưởng cao quý

Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với những nỗ lực, cống hiến không biết mệt mỏi, NGƯT Nguyễn Thị Hiền đã nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở và Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố; được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (2006, 2011, 2012, 2013); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1991, 1996, 2005, 2012); Cúp vàng “Nữ doanh nhân vì sự tiến bộ cộng đồng” (2009); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2009). Năm 2010, Cô Hiền là đại diện duy nhất của khối trường học ngoài công lập vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” do Nhà nước phong tặng. Năm 2012, Cô được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-2014), Cô tiếp tục đón nhận một niềm vinh dự lớn khi được tuyên dương là “Công dân Thủ đô ưu tú” cùng 9 cá nhân tiêu biểu khác. Nói đến danh hiệu cao quý mà TP. Hà Nội vừa trao tặng, NGƯT Nguyễn Thị Hiền cho rằng, hơn 40 năm tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, điều cô mong mỏi nhất là giúp các em học sinh trở thành những người có ích cho xã hội. Trở thành “Công dân Thủ đô ưu tú” là một niềm vinh dự, tự hào với cô cũng như gia đình, nhà trường, là ghi nhận, tôn vinh của xã hội để tiếp tục nhân lên nhiều công dân ưu tú trong tương lai - những người biết sống không chỉ cho mình mà còn vì mọi người.

Gia Lương

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất