Trong vài năm trở lại đây, xã vùng cao Tả Phìn, huyện Sa Pa, thành phố Lào Cai có nhiều đổi thay. Trường lớp tạm đã được xây dựng khang trang, kiên cố, đường đến trường được bê tông hoá. Cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao là những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người đã góp phần vào sự đổi thay cuộc sống hôm nay.Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ là một tấm gương như thế.
Vượt khó
Trường Mần non Sa Pả được thành lập năm 2003 sau khi tách ra từ trường PTCS Sa Pả. Khi mới thành lập cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn. Đời sống của đại bộ phận nhân dân trong thôn, bản hết sức khó khăn, hạ tầng cơ sở yếu kém, kinh tế chậm phát triển, trẻ em thất học, mù chữ.... Đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên trong trường chủ yếu là kiêm nhiệm, không có phụ cấp. Công tác vận động học sinh đi học chủ yếu dựa vào tâm huyết của những thầy, cô giáo.
Ngày mới lên bản nhận công tác, cô Thuỷ dự định sẽ dạy một vài năm rồi xin chuyển về lại thành phố. Nhưng rồi, khi gắn bó với mảnh đất và con người nơi này, chứng kiến đời sống khó khăn của con em đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, cô thấy mình cần có trách nhiệm và muốn ở lại với học trò và bà con. Tình thương các em học sinh, mến người dân, đồng cảm sẻ chia của đồng nghiệp tạo nên động lực níu kéo cô ở lại và gắn bó lâu dài.
Ngày mới đến với bản làng nghèo khó, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, khí hậu vùng cao lại khắc nghiệt, cô Thuỷ không chỉ phải làm tốt công việc chăm sóc trẻ ở trường ban ngày mà còn cùng người dân làm việc, hướng dẫn người dân cách chăm con cái, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc trong những khoảng thời gian không lên lớp bởi bà con không biết tiếng phổ thông… Kể cả khi cô đã lập gia đình, sinh con trai đầu lòng, mới hết thời gian nghỉ sinh cô đã gửi con nhỏ ở nhà cho ông bà nội và chồng ở thành phố Lào Cai, một mình lại lặn lội 40 km đường núi để đến điểm trường công tác. Một tuần một lần cô đi xe máy về thăm con một lần. Cô Thuỷ nhớ lại những nhọc nhằn của những ngày đầu tiên khi tiếp nhận công tác: “Lúc bấy giờ trường lớp tạm bợ, mùa đông thì lạnh cóng, mùa hè thì nắng xuyên, trang thiết bị dạy và học thiếu thốn, chưa có điện, xung quanh là rừng núi, sáng ngủ dậy thấy rắn xanh chui cả ở gầm giường… Rồi xa con từ khi con còn nhỏ, về nhà con không gọi mình bằng mẹ, buồn lắm. Thấy thương con, thương cả mình nữa…” . Nhưng điều cô trăn trở nhất không phải là sự vất vả của bản thân mà cuộc sống còn cơ cực của các em nhỏ nơi đây. Đến bữa ăn không đủ no, mùa rét áo không đủ ấm. Cô nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho các em học sinh, đến tận từng gia đình tìm hiểu, động viên cha mẹ cho con đi học. Người dân tuy nghèo nhưng sẻ chia mớ rau, con cá suối, củ sắn, bó củi. .. khiến cô có thêm tình cảm, trách nhiệm tiếp tục công tác. Hành trình mỗi ngày của các thầy, cô giáo luôn gian khó, vượt qua những quả đồi, lội qua những con suối sâu, để tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Gương mẫu
Trên 10 năm làm cô giáo gắn bó với đồng bào, cô Thuỷ thấu hiểu nhọc nhằn của sự nghiệp trồng người ở những vùng đất rẻo cao này. Năm 2007với cương vị mới là phó bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Mầm non Sa Pả, cô giáo Thuỷ không chỉ gương mẫu học và làm theo tấm gương của Bác mà còn yêu cầu cán bộ, giáo viên đăng ký việc học và làm theo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Cùng với đồng nghiệp, cô lặn lội vận động, thuyết phục, tìm biện pháp mở thêm các điểm trường tại các thôn bản vùng cao khó khăn để con em người dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường. Cô xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng bằng các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn qua các hội thi, họp phụ huynh, 100% các lớp học đều có góc tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ mầm non. Từ đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm học 2013-2014 của trường đã giảm 1,1 % so với năm học trước. Cô chỉ đạo các giáo viên, cán bộ trong trường tiếp tục làm tốt hơn công tác huy động sự đóng góp của phụ huynh để rào lại khuôn viên trường, ủng hộ chất đốt, làm vườn rau bảo đảm bảo khẩu phần ăn cho các cháu. Đồng thời, đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường học tập rèn luyện gắn với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thường xuyên tôn tạo, tu bổ, trồng mới cây xanh xung quanh khuôn viên nhà trường, trang trí lớp học phù hợp với điều kiện cơ sở, vật chất một cách khoa học. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các hoạt động ngoại khoá nhằm tăng thu hút học sinh đến trường, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Năm học 2013- 2014 nhà trường đã làm tốt công tác huy động học sinh đến trường. 335 trẻ trong độ tuổi đến lớp, tăng 39 trẻ so với năm học trước , trong đó đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100 %, và tỷ lệ chuyên cần đạt 96%.
Thành quả
Cô giáo Thuỷ đã cùng với các đồng nghiệp vượt qua những ngày tháng gian khổ để giờ đây mỗi điểm trường là nơi thu hút con em vùng cao hăm hở đến lớp. Ánh điện tỏa sáng trong lớp học khang trang hơn. Trong thành quả chung có đóng góp không ít tâm huyết, trí lực của cô Thuỷ với cương vị lãnh đạo nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền – một trong những người đồng nghiệp của cô Thuỷ từ những ngày đầu về công tác tại đây nhận xét:“ Cô giáo Thanh Thuỷ luôn là hình ảnh đẹp của những lớp thế hệ các nhà giáo đóng góp không nhỏ để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao… giờ đây con em xã Sa Pả đã có điều kiện để được chăm sóc, dạy bảo để phát triển toàn diện hơn. Tỷ lệ học sinh chuyên cần ngày càng cao là niềm vui của những nhà giáo đang ngày đêm tận tuỵ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.
Trong suốt 5 năm 2008 đến 2013 Trường liên tục đạt tập thể Lao động tiên tiến. Cùng với quyết tâm cao của nhà trường và lãnh đạo, nhân dân địa phương, tháng 11 năm 2014 trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và những trò nhỏ cô Thuỷ được dân bản cảm phục bởi tấm lòng mến trẻ, yêu nghề. Nhiều thế hệ mầm non lớn lên, trưởng thành với bàn tay chăm sóc của cô Thuỷ cùng đồng nghiệp từ ngôi trường vùng cao này. Đó là phần thưởng cao quý nhất mà cô và đồng nghiệp trân trọng, tự hào.
Quỳnh Hoa