|
Nhà báo Thu Huyền (Tạp chí Xây dựng Đảng) trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Dương (bên phải) trên đảo Tốc Tan. Ảnh: Thanh Tịnh
|
Lần đầu tiên tôi được đến Trường Sa. Giữa trùng dương, tiếng hát ngợi ca tình cảm thuỷ chung, son sắt của Đất Mẹ với Trường Sa lại được ngân vang. Ai cũng bảo, trong trập trùng sóng nước Trường Sa, nghe những lời ca về biển, đảo quê hương sao mà tha thiết, thấm vào lòng người đến thế. Sóng, sóng dội bốn bề/Đảo chìm và đảo nổi/Thương nhau thì em nhé/Cưỡi sóng tìm nhau thôi! Trường Sa, dẫu chỉ đến một lần thôi, song cái cảm giác thiêng liêng khi đặt những bước chân đầu tiên lên bãi san hô hay thềm cát mịn sẽ mãi theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người đến với Trường Sa đều mang trong mình sự cảm phục với những người lính đảo. Phỏng vấn đại tá Hoàng Ngọc Dương ngay trong thời gian chờ xuồng tăng bo qua tàu tôi thêm hiểu về anh, về những người lính đảo. Anh kể rằng: Anh từng là chiến sĩ đảo Trường Sa từ năm 1984 và từ khi vào công tác ở đất liền, anh vẫn không sao quên đảo và đã vào bờ, ra đảo bao nhiêu lần chính anh không nhớ hết nhưng không lần nào ra đảo anh vơi đi cảm xúc.
Hoàng Ngọc Dương sinh ra và lớn lên ở vùng quê thường phải gánh chịu bão lụt và nắng hanh khắc nghiệt - Quảng Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hoá. Tiếp xúc với Ngọc Dương, người đối diện rất dễ cảm nhận được sự mộc mạc, chân thành của những người con quê xứ Thanh. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, chàng trai Ngọc Dương tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, miền cực bắc Tổ quốc, rồi vào Hà Tiên bảo vệ biên giới Tây Nam đất nước. Và đã được chọn đi đào tạo sỹ quan chính trị. Sau khi tốt nghiệp sỹ quan chính trị anh nên “duyên” với Trường Sa từ đó. Tháng 10-1984, Trung uý trẻ Hoàng Ngọc Dương được tổ chức giao làm Bí thư chi bộ, Phó chỉ huy trưởng về chính trị một đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tăng đầu tiên, anh được sống trên đảo tròn 20 tháng. Cuộc sống ngoài đảo khi đó khó khăn trăm bề. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Thừa nắng. Thừa gió. Thừa bão dông. Thiếu nước ngọt. Thiếu rau xanh. Thiếu tình cảm yêu thương của người thân, chòm xóm... Nhưng vượt lên tất cả là tình cảm anh em, đồng đội sống đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc lấy nhau. Anh Ngọc Dương nhớ lắm những năm tháng chân cứng, san hô mềm, lúc mà một điếu thuốc hút chung, chỉ huy đảo với binh nhì sống chan hoà như anh em ruột thịt, đồng cam, cộng khổ cùng nhau. Chỉ huy và chiến sĩ cùng bê từng tảng đá san hô, vác từng bao cát xây dựng tường hào trên đảo.
Tháng 3-1988 xảy ra sự kiện hải quân nước ngoài đánh chiếm một số bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Hoàng Ngọc Dương cùng đồng đội được lệnh ra làm nhiệm vụ chốt giữ đảo Đá Lớn. Tàu khu trục tên lửa của nước ngoài vây chặt, không còn đường vào. Hoàng Ngọc Dương và đồng đội đã lao tàu lên bãi san hô để chốt giữ đảo.
Hải
quân
giữ
gìn
biển
đảo,
biển
đảo
mừng
xuân
|
Biên
phòng
bảo
vệ
biên
cương,
biên
cương
vui
tết
|
Vương Thừa Cảnh
|
Đến năm 2000, đeo quân hàm Thượng tá anh là Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy đảo Trường Sa Lớn rồi vào đất liền nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban Tổ chức Vùng 4 Hải quân. Sau đó về làm Phó trưởng Phòng Chính sách rồi Trưởng phòng Dân vận của Quân chủng nhưng anh vẫn luôn gắn mình với những chuyến tàu ra đảo. Lần này cũng thế, tạm biệt Đoàn chúng tôi, anh không kịp về nhà mà lại tiếp tục đi theo Đoàn của 54 dân tộc anh em đến với Trường Sa. Phải thường xuyên ra đảo, vào bờ, dù vào mùa biển lặng, sóng yên hay giữa mùa gió chướng dữ dội, anh chưa một lần say sóng.
Không chỉ duyên với đời lính Trường Sa, duyên với những người lính Trường Sa, anh còn luôn trăn trở với những người dân trên đảo. Công tác dân vận đã buộc anh phải nghĩ tới việc làm thế nào để đời sống bà con ngày càng khấm khá. Các xóm dân cư trên đảo với những dãy nhà ngói đỏ nằm dưới những tán bàng vuông ngày càng đổi mới. Trước nhà là những khoảng rau muống, cây phong ba tự mọc lên che bớt gió cho cây đu đủ. Hộ nào cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn. Sáng sáng những người đàn ông nhộn nhịp đi lưới cá trên rặng san hô. Tiếng trẻ con học bài vang vang trong lớp. Hoàng hôn buông xuống, ánh điện trên đảo lung linh chẳng kém gì những khu phố trên đất liền. Đó là những nét chấm phá về cuộc sống mới ở “làng đảo” của Trường Sa. Hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân định cư trên đảo, tại một số đảo của Trường Sa cũng đã xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Những bồn cấp nước ngọt, cấp xăng dầu, trạm sửa chữa tàu thuyền đã đi vào hoạt động, các bệnh xá trên các đảo đã được nâng cấp, dự án năng lượng sạch được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Khi được hỏi về cảm xúc với Trường Sa, Hoàng Ngọc Dương nói như tâm sự: Là người đặt chân lên Trường Sa từ rất sớm, điều đọng lại trong tôi vẫn là tình cảm yêu thương, khâm phục những người lính hải quân giữ đảo. Họ chấp nhận sự hy sinh gian khổ và đang tiếp tục hy sinh thầm lặng vì sự bình yên của Tổ quốc, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, dân tộc trên biển Đông. Người lính đảo có chung gương mặt cương nghị, sạm nắng, sạm gió, dãi dầu biển mặn và đều có chung nỗi nhớ da diết đất liền. Đối với người lính đảo, nỗi nhớ càng da diết bao nhiêu thì tay súng càng siết chặt, vững vàng bấy nhiêu.
Tôi nhớ mãi hình ảnh anh lặng đi trong xúc động khi nhìn thấy người lính đảo ôm lấy một thành viên đứng tuổi trong Đoàn chúng tôi và nói: “Cô cho cháu ôm cô vì cháu rất nhớ mẹ!”. Những người lính đảo vẫn cần lắm tình cảm, sự quan tâm của đất liền. Đời sống của người lính đảo, đời sống của người dân ở đảo hiện đã bớt khó khăn do sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của đồng bào đất liền. Đó chính là nền tảng để người lính đảo giữ vững niềm tin với đất liền. Đại tá Hoàng Ngọc Dương đánh giá cao phong trào “Góp đá xây Trường Sa”. Anh nói: Số tiền dù ít hay nhiều đều rất quan trọng, nhưng trên tất cả, ý nghĩa lớn lao hơn cả là lòng yêu nước, là ý chí của tuổi trẻ, của đất liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Những người lính đang đứng đầu sóng ngọn gió nơi Trường Sa sẽ ấm lòng hơn, càng vững tin bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đây, sẽ có thêm nhiều viên đá được đặt lên những đảo nhỏ, đảo lớn của Trường Sa, sẽ có nhiều hơn nữa sự quyết tâm để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời gian ở Trường Sa và những năm gắn bó cùng Trường Sa, với Hoàng Ngọc Dương là những năm tháng trải nghiệm đầy ý nghĩa và vô cùng quý giá. Đó là cuộc đời sống và chiến đấu của người lính hải quân. Thả lòng mình vào bồng bềnh sóng biển, anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Nơi ấy Trường Sa”. Đó là bài thơ mà nhiều người đã từng công tác tại quần đảo Trường Sa những năm 80 đều thuộc:
… Nếu có nhớ, anh chỉ nhớ về góc ao làng tĩnh lặng
Đêm dịu dàng tiếng cá quẫy bình yên
Và vì thế những người con của đất
Lại đến đây lấy sóng làm nhà
Cho hạt cát cũng mang hồn Tổ quốc
Tổ quốc ở nơi này có tên gọi Trường Sa…!
Nhị Hà