Đó là danh xưng mọi người dành cho ông Phạm Hoàng Mai (ảnh bên), Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Huế, người có nhiều công sức và đóng góp đặc biệt cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các nghiệp đoàn trên địa bàn thành phố. Chất phác, chân thành và đầy nhiệt huyết là điều mọi người thấy ở người cán bộ có hơn 30 năm gắn bó với tổ chức công đoàn. Lúc nào ông cũng suy nghĩ, trăn trở tìm ra những ý tưởng để làm sao chăm lo tốt hơn nữa cho những người lao động khó khăn. Bởi thế, ông luôn được các đoàn viên nghiệp đoàn kính trọng và tin tưởng.
Ông Hoàng Mai kể, các nghiệp đoàn trên địa bàn thành phố Huế manh nha ra đời từ năm 1993 trong điều kiện vô vàn khó khăn. Đến nay, cả thành phố có tổng cộng 7 nghiệp đoàn, trong đó, 2 nghiệp đoàn bốc xếp và 5 nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, với 920 đoàn viên. Ông bảo: “Lúc thăng, lúc trầm, dù không vững mạnh nhưng đến nay vẫn tồn tại và hoạt động tốt. Các đoàn viên tự hợp tác với nhau, cùng nhau làm ăn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thăm nom nhau những khi khó khăn, hoạn nạn. Đó là điều quý nhất”.
Dưới sự hướng dẫn của LĐLĐ thành phố, các nghiệp đoàn đã xây dựng được nội quy, quy chế hoạt động chặt chẽ. Các đoàn viên nghiệp đoàn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về kĩ năng, pháp luật về an toàn giao thông, trật tự xã hội, các buổi tuyên truyền phòng chống tê nạn xã hội…
Bên cạnh việc tổ chức, hỗ trợ các hoạt động, LĐLĐ thành phố còn tổ chức để lãnh đạo thành phố gặp mặt các đoàn viên nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, tài xế taxi, tổ tự quản, lắng nghe họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong công việc... Từ các buổi gặp gỡ đó, lãnh đạo thành phố Huế đã giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ phần nào những khó khăn của công nhân viên chức, lao động trong các nghiệp đoàn.
LĐLĐ thành phố đã tập hợp các đoàn viên các nghiệp đoàn, phối hợp với Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội trong công nhân viên chức lao đông là đoàn viên trong các nghiệp đoàn, nâng cao nhận thức cho đoàn viên về cách phòng chống các tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy, chấp hành tốt pháp luật... Phối hợp với Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý đô thị tổ chức đoàn khảo sát điểm đỗ đậu các nghiệp đoàn xích lô, xe thồ trên địa bàn, từ đó đề xuất với các cơ quan chức năng bố trí điểm đậu đỗ xe hợp lý, nề nếp, trật tự. Đồng thời, tuyên truyền vận động người lao động tham gia vào nghiệp đoàn để LĐLĐ thành phố có điều kiện tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động sống bằng nghề chạy xích lô, xe thồ.
Từ khi các nghiệp đoàn ra đời, với những nỗ lực của ông Hoàng Mai và LĐLĐ thành phố Huế, tình trạng tranh giành khách, xô xát, mất trật tự giảm đi trông thấy. Mọi người đã biết chia sẻ với nhau nhiều hơn, vì cuộc sống và sự phát triển chung, lâu dài. Ngoài ra, các nghiệp đoàn trên địa bàn thành phố cũng đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, làm “tai mắt dự bị” cho công an. Chợ Đông Ba vốn là một khu vực được coi là điểm nóng về trật tự xã hội của thành phố, nhưng từ khi có sự tham gia của nghiệp đoàn xích lô trong việc bảo đảm trật tự, tình trạng vi phạm, tội phạm đã hầu như không còn.
Trên cương vị của mình, ông Hoàng Mai đã cùng với LĐLĐ thành phố thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của các đoàn viên, tạo điều kiện cho họ vay vốn xóa đói giảm nghèo, tặng nhà Mái ấm công đoàn, tặng quà mỗi dịp Tết đến xuân về, học bổng cho con em đoàn viên nghiệp đoàn vượt khó vươn lên học giỏi…
Là người luôn trăn trở về cuộc sống khó khăn của những người lao động vất vả, các đoàn viên nghiệp đoàn, ông tâm sự: “Mỗi chiếc xích lô, mỗi một đoàn viên nghiệp đoàn nuôi cả một gia đình. Thương lắm! Mười năm nay, đoàn viên nghiệp đoàn giảm. Nhưng đó không phải điều đáng lo mà là một điều mừng vì nó chứng tỏ được sự thay đổi trong đời sống đã tốt lên, thế hệ sau đã có công việc tốt hơn thế hệ trước”. Đó là những lời của một con người thật tâm, hết lòng vì đoàn viên và người lao động, là những chia sẻ tự đáy lòng với rất nhiều tình cảm cùng sự gắn bó của một người lâu nay vẫn được coi là “Thủ lĩnh nghiệp đoàn”.
Đinh Hữu Dư