Gặp gỡ ở Nà Pán…
Đồng chí Lý Tiến Lợi, Bí thư chi bộ thôn Nà Pán đang giới thiệu về các mô hình kinh tế của gia đình.


Tâm huyết với công tác đảng

Sinh năm 1966, Lý Tiến Lợi được kết nạp Đảng năm 1999, lúc ấy đang là phó chủ tịch hội nông dân xã. Anh chia sẻ: đó là niềm vinh dự và tự hào đối với bản thân và gia đình. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao về vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Hơn 10 năm tham gia cấp ủy xã, đến năm 2012, anh được giao nhiệm vụ: Bí thư chi bộ thôn. Với ý chí phục tùng sự phân công của Đảng, đảng viên Lý Tiến lợi không nề hà khi nhận nhiệm vụ mới.

Anh cho biết: thời điểm đó, thôn Nà Pán còn sinh hoạt ghép với thôn Nặm Tốc. Khó khăn lớn nhất đối với anh là công tác vận động bà con dân bản. Khó không chỉ bởi vị trí địa lý hai thôn cách xa nhau gần 10 km và phải đi bộ, mà còn ở chỗ trình độ dân trí của bà con còn thấp. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, anh phải đi tuyên truyền liên thôn nhiều lần bà con mới nhận thức đầy đủ và thực hiện theo.

Thôn Nà Pán có chiều dài 5km, dân cư sống không tập trung, có 57 hộ với 223 nhân khẩu, có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Tày, Nùng và Dao, trong đó Dao chiếm 85%. Chi bộ luôn chú đến việc tuyên truyền, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo. Chi bộ có 6 đảng viên, với vai trò bí thư chi bộ, anh cùng chi bộ xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách các tổ chức đoàn thể, các nhóm hộ, hộ; thường xuyên thăm nắm về tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của bà con dân bản để báo cáo cấp trên. Đối với những hộ nghèo và cận nghèo, chi bộ luôn phân công đảng viên giúp đỡ, hướng dẫn để các gia đình vươn lên thoát nghèo bằng nội lực của mình.

Vừa việc gia đình, vừa công tác Đảng giao, nhiều lúc anh phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý giữa hai phần công việc, thế nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ. Anh chia sẻ: với địa bàn đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa, chi bộ chỉ có 6 đảng viên, nhiều lúc khó khăn cho việc vận động, tuyên truyền. Anh luôn chú ý đến đến công tác phát triển đảng viên để tăng sức mạnh cho chi bộ. Chi bộ đã phân công đảng viên trách nhiệm “tìm” và giới thiệu “nguồn”, khi đã có  “nguồn” phải chú ý bồi dưỡng, giao việc để thử thách. Với cách làm đó, năm 2014 chi bộ đã cử 3 quần chúng ưu tú đi học lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó 1 quần chúng đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí Đào Ngọc Dân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phong cho biết: Với những đóng góp của đồng chí bí thư chi bộ,  nhiều năm liền Chi bộ thôn Nà Pán đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 85% trở lên. Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, cùng nhau phấn đấu vươn lên thoát nghèo; tình hình an ninh – chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có hộ nào đi theo đạo và tham gia vào các tổ chức trái với quy định của Pháp luật.

Say mê với phát triển kinh tế

Không chỉ là một bí thư chi bộ giỏi, đảng viên Lý Tiến Lợi còn được bà con trong thôn yêu quý bởi anh là người có ý chí vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương và giúp đỡ nhiều bà con cùng thoát nghèo, làm giàu như mình. Anh chia sẻ: khoảng những năm 2008-2009, cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Tham gia trong Hội nông dân, anh được nghe nhiều anh em nông dân chia sẻ về mô hình trồng quýt ở thôn Dương Phong, xã Quang Thuận. Nghe bạn bảo: trồng quýt có hiệu quả lắm, năm đầu tiên thu hoạch 5-6 cân, năm sau có thể 2-3 yến, anh thấy rất phấn khởi. Anh suy nghĩ, cùng mảnh đất, con người, những khó khăn chung, tại sao nông dân Quang Thuận làm được, còn mình không? Nghĩ là làm, anh bắt đầu dành thời gian tìm hiểu. Anh đi sang xã bạn trực tiếp xem các mô hình, nghe bạn chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn do xã Đôn Phong tổ chức. Càng tìm hiểu, anh càng say mê, khi đã có một ít kiến thức, anh quyết tâm thực hiện, tuyên truyền, vận động bà con cùng làm.

Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả khi anh bắt đầu thực hiện mô hình trồng quýt và vận động người dân trong thôn làm theo. Thiếu vốn, kiến thức, kinh nghiệm… Tập quán làm ăn bao đời đã ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của bà con nên việc giải thích, tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phải dễ, ngày một ngày hai có thể làm được. Anh còn nhớ: lúc đó nhiều người bảo, trồng quýt bao giờ mới cho thu nhập được. Nhưng khó không phải là không làm được. Anh cùng hai hộ nữa tiên phong, trồng hơn 100 cây quýt đầu tiên ở Nà Pán.  

Vừa làm vừa học hỏi, tuyên truyền. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ở những buổi họp thôn. Tranh thủ thời gian, anh đi từng nhà, hướng dẫn bà con từ cách trồng, chăm sóc cây từng thời kỳ, đến mua loại thuốc nào... Thời gian đầu, một số hộ làm theo nhưng các khâu chăm sóc không bảo đảm theo đúng quy trình, kỹ thuật nên không đem lại hiệu quả, nên họ bỏ. Không nản chí, anh tiếp tục đi từng hộ vận động, nhiều hộ đã trồng lại và có thu nhập.

Với quyết tâm, nỗ lực, sau những ngày “gieo hạt”, cuối cùng cũng đến ngày “hái quả”. Hiện tại, vườn quýt gia đình anh đã có 3000 gốc, trong đó, khoảng 1000 cây cho quả. Có năm, gia đình anh thu hoạch 15, 16 tấn, ra thị trường bán với giá 15-16kg/cân. Mỗi năm cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định. Ngoài trồng quýt, anh còn chăn nuôi gia súc, nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đến nay, 40% số hộ trong thôn có thu nhập từ cây quýt, diện tích khoảng 15ha. Anh vui mừng chia sẻ: Trước đây, thôn có 57 hộ thì có 7-8 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo, và 2 hộ này cũng đang mạnh dạn và tích cực tham gia trồng quýt cùng bà con trong thôn.

Theo anh: đảng viên phải luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, với bí thư chi bộ, vai trò đó càng lớn. Mọi việc trong thôn, anh đều đi đầu tham gia. Thôn Nà Pán là thôn đầu tiên của xã Đôn Phong xây lò đốt rác thải. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các gia đình trong thôn đã tích cực góp gạch, ngày công xây lò. Khi cả thôn xây lò đốt rác, chi bộ đã vận động toàn bộ đảng viên và người dân “ra quân” tập trung đi nhặt rác trong một ngày. Từ đó, mọi người đã ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay lò đốt rác thải của thôn đã phát huy tác dụng, hiệu quả trong việc xây dựng thôn sạch, đẹp, tạo môi trường sống tốt cho bà con thôn Nà Pán.

Chia tay người đảng viên luôn tâm huyết, đi đầu trong trên mọi lĩnh vực, xe của đoàn công tác chúng tôi phải “lội” qua hai con suối với nhiều dốc cua ngoằn nghèo mới ra được đường chính về trung tâm xã, để thấy thôn Nà Pán vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng tin rằng với những đảng viên, bí thư chi bộ luôn tiên phong, gương mẫu, đóng vai trò “đầu tàu” như anh Lý Tiến Lợi, thôn Nà Pán sẽ dần khắc phục mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính mảnh đất quê mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất