Cánh chim không mỏi...
Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh (bên trái) chụp ảnh với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, năm 1958.

Xin chào NSND Chu Thúy Quỳnh! Là một diễn viên múa đã ghi dấu trong lòng khán giả, chị có thể chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng về con đường nghệ thuật của mình?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), bố làm ở Ty Văn hóa Phúc Yên, mẹ ở nhà nội trợ, gia đình không có ai làm trong ngành văn hóa - nghệ thuật. Nhưng rồi nhân duyên đã đưa tôi đến với con đường nghệ thuật ngay từ những ngày còn nhỏ. Sau một vài lần theo bố đến nơi làm việc, nhìn thấy các cô, chú, anh, chị của đoàn văn công trong trang phục múa là tôi bị hớp hồn. Cứ có buổi biểu diễn nào của đoàn, tôi đều phải xem cho bằng được. Tôi đã muốn theo học và đi biểu diễn cùng đoàn từ lúc đó, nhưng vì còn nhỏ nên bố mẹ chưa đồng ý. Đến năm 14 tuổi, được nhạc sĩ Hoàng Hà giới thiệu, một mình tôi đi bộ từ nhà ở phố Khâm Thiên đến Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) ở phố Quán Sứ để dự tuyển. Lúc đó, nhìn thấy vóc dáng bé nhỏ, mảnh mai của tôi, một vài người lắc đầu: không nên tuyển vì bé quá. Thế nhưng, phần biểu diễn của tôi, nhất là ở những động tác kỹ thuật đã thuyết phục cả nhóm. Tôi được tuyển vào đoàn từ đó. Còn nhớ, có một người trong nhóm chấm tuyển hỏi: Đi văn công sẽ rất vất vả, em còn bé thế này, có theo được không? Không chần chừ, tôi trả lời: Em rất thích, em chịu được, cho em đi. Và nhân duyên của tôi với nghệ thuật múa bắt đầu từ đó.

Chặng đường nghệ thuật hơn 60 năm chắc hẳn có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?

Cuộc đời tôi gắn liền với những chuyến đi, hàng trăm tác phẩm múa và là ngần ấy những kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên. Nhưng sâu đậm nhất có lẽ vẫn là những ngày tháng đi biểu diễn gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, từ chiến trường này đến chiến trường khác. Chúng tôi đã biểu diễn trên sân cỏ, cánh đồng, sân ga, sân đình, bên mâm pháo, dưới hầm sâu, trên khoang tàu, bên giường thương binh... Không có điện thì có đèn dầu hoặc ánh trăng; giặc Mỹ ném bom thì xuống hầm biểu diễn… Khán giả vẫn say sưa xem và yêu cầu múa hát lại. Các chiến sĩ đã làm câu thơ: “Ngày mai bắn máy bay rơi/ Chiến công một nửa tặng người múa hay”. Rồi khoảnh khắc lịch sử được biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ trong ngày miền Nam giải phóng. Chúng tôi đã diễn hết các tiết mục mà đồng bào miền Nam chưa được xem. Niềm vui như vỡ òa trong từng điệu múa, trong từng ánh mắt, tiếng hò reo của đồng bào cả nước. Một cảm xúc thật khó tả đối với tôi.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là những chuyến biểu diễn ở nước ngoài, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc... Khán giả đến trước để cùng tập các bài hát Việt Nam: Vì nhân dân quên mình, Kết đoàn, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Khi các điệu múa của Việt Nam xuất hiện, họ liền vỗ tay và hô to: “Việt Nam - Hồ Chí Minh!”, “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp - Hồ Chí Minh!”. Và sau mỗi buổi biểu diễn, khán giả xếp hàng bên ngoài chờ, hàng đoàn xe cắm cờ Việt Nam đưa chúng tôi về nhà nghỉ. Tôi thấy rất vinh dự vì đã góp phần mang nghệ thuật múa Việt Nam đến với bạn bè thế giới trong lòng yêu mến và tình hữu nghị.

Tên tuổi chị gắn với nhiều điệu múa nổi tiếng của Việt Nam từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Trong thời kỳ đánh Mỹ, nhiệt huyết với cách mạng lúc nào cũng sục sôi trong tim tôi. Còn nhớ, lúc diễn ở Khu IV (Quảng Bình, Quảng Trị), chúng tôi được nghe các chiến sĩ kể câu chuyện về anh pháo thủ, hải quân và cô dân quân - ba lực lượng đã mưu trí cùng nhau bắn rơi máy bay địch. Và điệu múa Gặp gỡ bên mâm pháo đã được tôi và NSƯT Mạnh Hùng (một nửa cuộc đời tôi) sáng tác và biểu diễn ngay ở chiến trường. Các chiến sĩ rất thích, họ thấy chính họ ở trong đó, thấy được thực tế cuộc chiến đấu khốc liệt của toàn dân tộc. Điệu múa là hình tượng bất tử về sự kiên cường, dũng cảm và mưu trí của quân, dân ta trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Khán giả đến xem đông đến nỗi phải trèo lên cây vì “sân khấu” không đủ chỗ, tiếng hò reo, cổ vũ vang lên giữa bom đạn giặc Mỹ. Ban đầu, điệu múa chỉ biểu diễn ở Khu IV, sau đó là khắp cả nước, rồi ở nước ngoài... Tôi còn nhớ, lúc đó mọi người truyền tai nhau câu nói “Thương cho những người đã hi sinh, tiếc cho những người còn sống không được xem tiết mục này”. Điều đó khiến tôi và các nghệ sĩ trong đoàn không giấu được những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc, càng cảm thấy trân trọng nghề mà mình theo đuổi.

Sau đó, tôi đã tham gia nhiều vở múa như Tấm Cám - vở kịch múa đầu tiên được Việt Nam dàn dựng và được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, Bà mẹ miền Nam, Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Tiếng gọi quê hương, Theo cờ giải phóng… Đây cũng là những vở diễn mang đến cho tôi những danh hiệu, những huân chương cao quý mà ở tuổi đôi mươi không mấy ai có được.

Là một trong số những người may mắn được gặp gỡ, gắn bó với Bác Hồ trong thời gian khá dài, cảm xúc của chị như thế nào?

Cuối năm 1955, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn phục vụ khách quốc tế. Khi thấy Bác đi vào phòng biểu diễn từ cửa sau, tất cả chúng tôi đều reo lên: Bác Hồ, Bác Hồ. Sau khi ân cần hỏi han về tình hình của đoàn, Bác hỏi tiếp: “Thế cháu nào bé nhất đoàn?”. Một nghệ sĩ vừa nói vừa vẫy tôi từ phía sau: “Thưa Bác, bé Thúy Quỳnh là bé nhất ạ!”. Bác liền gọi tôi lại để ngồi gần Bác. Khó có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó, sung sướng vô cùng, tưởng như mình vừa có giấc mơ gặp ông Tiên vậy. Từ đó, dù bận rộn, nhưng cứ thứ 7, chủ nhật hằng tuần Bác vẫn cho người đón tôi vào Phủ Chủ tịch, đọc báo cho Bác nghe, nói chuyện với Bác, cùng Bác xem phim, ăn cơm... Có những lúc Bác ngồi nói chuyện với bác Đồng, bác Giáp, bác Chinh, tôi cũng được Bác cho ngồi cùng. Đối với tôi, Bác không chỉ là vị lãnh tụ đáng kính mà còn là người ông, người thân trong gia đình. Và thật tự nhiên, những lời dạy từ chính cuộc sống giản dị mà thanh cao của Bác cứ thấm vào tâm hồn tôi. Tôi đã lớn lên cùng với những lời dạy của Bác, đã sống và làm việc theo những lời Bác dặn dò. Những bài học về sự nhường nhịn, thương yêu, sẻ chia, trung thực, cố gắng trong công việc... luôn được cô bé 14 tuổi khắc ghi và làm theo cho đến bây giờ. Khi Bác mất, tôi thờ Bác như là điều thiêng liêng nhất. Mỗi khi có chuyện cần phải suy nghĩ, tôi thường nghĩ đến Bác và tự vấn: Nếu mình làm thế này, thế kia thì Bác sẽ vui hay buồn, Bác sẽ khen hay phê bình? Học Bác, đi biểu diễn ở chiến trường, tôi “ba cùng” với chiến sĩ. Khi đã là cán bộ lãnh đạo, tôi luôn quan tâm đến đời sống của anh chị em. Tôi còn nhớ, lúc đó việc lên lương tính theo tỷ lệ phần trăm, nếu có 10 người đủ điều kiện, thì chỉ được 3 người, tôi tự nguyện lên lương sau và cũng thấy đó là việc bình thường... Tôi nghĩ rằng, những gì tôi đạt được hôm nay là bởi tôi biết vâng lời Bác, nghĩ và làm theo tấm gương Bác.

Từ góc nhìn của một nghệ sĩ, Đảng hiện diện trong cuộc sống của chị như thế nào?

Đảng luôn hiện diện gần gũi khi tôi diễn trên sân khấu cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tôi thấy Đảng trong hình ảnh của Bác Hồ. Lúc đó, Đảng thật giản dị trong lòng dân tộc mà tình cảm bao la, vô bờ bến. Tôi lại thấy Đảng trong ba tôi, người luôn dạy dỗ chúng tôi phải thương yêu, đùm bọc nhau, cố gắng, chăm chỉ trong cuộc sống. Tôi thấy Đảng trong hình ảnh những chị dân quân chắc “tay súng, tay cày”, những bác sĩ tận tình chăm sóc thương binh tại chiến trường. Và Đảng hiện diện ngay trong chính những thế hệ nghệ sĩ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng đem “tiếng hát át tiếng bom”, những điệu múa cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội, đồng bào… Năm 22 tuổi, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, là đảng viên nữ, trẻ nhất của Đoàn Ca múa nhân dân lúc bấy giờ. Ngay sau đó, tôi vào “báo công” với Bác. Bác cười nhân hậu: Vậy là bây giờ cháu và Bác cùng là đồng chí. Cứ như thế, hình ảnh Đảng “lồng” trong hình ảnh Bác luôn dõi theo, dẫn đường, soi lối cho tôi trong cuộc sống. Sau này, tôi được giao thêm nhiệm vụ bí thư chi bộ, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, ủy viên Ủy ban Đối ngoại… Tôi từng làm tổng đạo diễn và đồng tổng đạo diễn nhiều chương trình phục vụ các ngày lễ trọng đại của đất nước và thành phố… Dù ở vị trí nào, tôi luôn làm tốt vai trò của người đảng viên - nghệ sĩ, tận tâm, tận sức để đạt hiệu quả cao nhất. Và tôi tin, Bác không bao giờ phải buồn lòng về đứa cháu đã được Bác yêu thương, dạy dỗ.

Là người trải nghiệm nhiều thời kỳ, hoàn cảnh khác nhau, một nghệ sĩ múa lâu năm, chị chia sẻ điều gì với những nghệ sĩ múa hiện nay?

Tuổi nghề của nghệ sĩ múa rất ngắn. Thường mỗi nghệ sĩ học múa lúc 13, 14 tuổi, học từ 5 đến 7 năm, ngoài 20 tuổi chính thức bước vào nghề. Nhưng thời gian họ ở lại với sân khấu chỉ trên dưới chục năm. Nghĩa là thời gian người nghệ sĩ thăng hoa và sung sức nhất cũng chính là lúc người phụ nữ phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Mỗi nghề có đặc thù riêng, theo nghề múa, người nghệ sĩ phải biết hy sinh, biết dừng lại đúng chỗ ý thích của mình. Với đặc thù của nghề, tôi và nhiều nghệ sĩ chỉ có một con. Nghệ sĩ múa không chỉ dựa vào năng khiếu mà còn phải bền gan, bền chí luyện tập hà khắc trong suốt sự nghiệp. Và sự khổ luyện của nghề múa như một thứ “lửa thử vàng” đối với lòng đam mê, khả năng và nhiệt huyết của người nghệ sĩ.

Ngày nay, nhiều tài năng trẻ đã nổi lên như là những hình ảnh đẹp, tôn vinh cho nghệ thuật múa Việt Nam. Nhờ lớp trẻ say mê, nhanh nhạy và tâm huyết với nghề, chúng tôi mới có thể trụ vững và làm được việc này, việc khác. Yêu nghề, nghề chẳng phụ. Gắn bó với múa cho đến nay, tôi vẫn thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn. Năm hơn 40 tuổi, tôi sang Ấn Độ học múa, thầy giáo đã tặng cuốn sách với đề tặng: “Trời sinh ra Thúy Quỳnh để múa Ấn Độ”. Và tôi cũng thấy, trời sinh ra tôi là để múa. Nếu không có múa, sẽ không có tôi ngày hôm nay. Có những lúc khó khăn, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy chùn bước, mà luôn thấy hạnh phúc và may mắn vì được hòa chung nhịp đập trái tim với nghệ thuật múa. Cơ chế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay sẽ đặt ra những thách thức và cơ hội mới, các nghệ sĩ trẻ cần nỗ lực, rèn luyện hơn nữa để múa có vị thế của một ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, với sức sống và sự sáng tạo không ngừng.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng. Nhân dịp Xuân mới Bính Thân, chúc chị sức khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam.

 Phạm Giang (thực hiện)



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất