Cách đây gần 65 năm, tháng 2-1947 nhằm đào tạo những cán bộ lãnh đạo phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định thành lập Trường Mác xít (nay là Trường Chính trị tỉnh), tại căn cứ Đình Rạch Giồng, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú. Ra đời trong những ngày gian khổ của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tập thể nhà trường đã chung tay gánh vác trọng trách mà Đảng đã giao phó.
Cho đến hôm nay, với Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước tặng thưởng là sự ghi nhận sự cống hiến của Trường. Từng cán bộ, công nhân viên nhà trường luôn đặt tâm huyết, trọng trách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức của tỉnh lên trên hết, trước hết. Trong những cá nhân tiêu biểu ấy, chúng tôi muốn kể về cô, người giảng viên Nguyễn Ánh Nguyệt (nguyên Trưởng khoa Triết, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng). Với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng khác đã nói lên sự cống hiến của cô cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh, đặc biệt là Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng. Trong những phần thưởng ấy, phần thưởng cô xem là quan trọng nhất, đó là “niềm tin của đồng nghiệp, của học viên”. Với cô, đó mới là phần thưởng cao quý nhất.
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông ngoại, cha, chú, 4 người cậu là liệt sĩ, bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ là thương binh hạng Ba, hình như chất cách mạng đã thấm đẫm ở người phụ nữ ấy. Mười tuổi xa mẹ, tham gia đoàn ca múa của xã, rồi về học Trường Lê Văn Tám, rồi tham gia giảng dạy trong những kháng chiến của dân tộc,… sự rắn rỏi, ý chí, nghị lực mong được cống hiến cho quê hương, đất nước đã ngấm trong cô.
Học ở trường Lê Văn Tám, rồi học trường Sư phạm Tây Nam Bộ, cô bắt đầu sự nghiệp giáo dục từ những năm 70. Sống cùng dân, vừa dạy, vừa sản xuất, ở người phụ nữ ấy, không chỉ là cô giáo dạy chữ, mà còn là người mẹ hết lòng chăm lo cho từng học sinh của mình. Kháng chiến thành công, nước nhà thống nhất, ước mơ cháy bỏng của cô là sắm sửa cho học trò của mình cái quần tây xanh, áo sơ mi trắng thật tươm tất để mừng ngày Hội thống nhất. Thế nhưng, ước mơ nhỏ bé ấy vẫn không thực hiện được vì không có tiền, vì khó khăn của những năm kháng chiến. Cô tự tay mình làm thợ may, may đồ cho học trò của mình. Cô tâm sự: “Như vậy đấy, trước đây, ai cũng vậy, sống là để cống hiến, không tính toán, không lo nghĩ gì cho bản thân mình”. Và cho đến hôm nay, vẫn còn mãi những người sống để cống hiến, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp của nhân dân Việt Nam.
Năm 1978, cô học tại Trường Nguyễn Ái Quốc, một bước ngoặt mới, giảng dạy về chính trị. Với bằng tốt nghiệp loại giỏi, ra trường cô về công tác tác trường Trung học Y tế Cần Thơ. Là Bí thư Đoàn Trường, Phó phòng Hành chính, Tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên dạy chính trị, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy luôn hoàn thành tốt mọi công việc theo sự phân công của tổ chức. Không chỉ ở việc giảng dạy, cô Ánh Nguyệt còn là người dám đấu tranh với những sai trái, bênh vực, bảo vệ cái đúng. Cô nói “Đó là cái bản chất của mình, dám đấu tranh, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước lời nói và việc làm ấy. Đó những phẩm chất cần thiết với giảng viên giảng dạy chính trị. Là người đi truyền đạt những chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước,… nếu lời nói và việc làm không không thống nhất thì khác nào nói một đằng làm một nẻo”. Cô chia sẻ: “Có thể lời thật thì mất lòng, nhưng sau đó mọi người sẽ hiểu, mình không sợ gì vì mình nói đúng. Đấu tranh là để xây dựng, nếu ai cũng lo sợ mất lòng nhau thì tổ chức làm sao vững mạnh được.”
Năm 1992, tỉnh Hậu Giang chia tách thành Cần Thơ và Sóc Trăng, cô về công tác tại Văn phòng Thị ủy, rồi Liên đoàn Lao động. Năm 1994, về giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đến khi về hưu.
Mười bốn năm giảng dạy ở Trường Chính trị là mười bốn năm cô trăn trở để sao cho việc giảng chính trị của mình có hiệu quả nhất. Khi chúng tôi hỏi cô dạy chính trị có khó không? Cô đã chia sẻ: “Nếu nói giảng chính trị không khó, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ mình phô trương. Nhưng thực ra, nếu có những cách thức phù hợp thì dạy chính trị hoàn toàn không khó. Chính trị hoàn toàn không khô khan, chính trị có những cái rất hấp dẫn, lý thú. Cái quan trọng là người giảng viên biết khơi nguồn cho những cái rất hấp dẫn, lý thú ấy”. Để việc dạy và học chính trị không khô khan, thì điều quan trọng là người giảng viên phải chịu khó học tập, tích lũy kiến thức. Không chỉ kiến thức môn mình giảng dạy, mà là những kiến thức tổng hợp. Theo cô: “Học viên cần nghe những nội dung có ích, phù hợp với ngành nghề, công việc của mình. Nếu mình đáp ứng được, thì sẽ tạo sự chú ý. Muốn làm được thì giảng viên phải học, phải đọc, phải tích lũy kiến thức trong cuộc sống, phải đi nhiều, phải cọ sát với thực tiễn để học hỏi kinh nghiệm,… và điều quan trọng hơn là không được bằng lòng với kiến thức mình đã có".
Phải dành thời gian để xem qua về lý lịch của học viên, nắm được trình độ, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, nghề nghiệp của học viên là việc đầu tiên khi cô đến giảng bài một lớp. Cô nói: “Việc đó có ích lắm. Có như vậy, người giảng viên sẽ giảng phù hợp với đối tượng của mình. Việc quan trọng tiếp theo là chuẩn bị giáo án. Với giáo án của mình, người giảng viên sẽ dự kiến cho mình cách thức truyền đạt, những tình huống xảy ra và cách giải quyết từng tình huống. Muốn làm được như vậy, cần đặt mình ở vị thế của học viên, để xem họ sẽ mong muốn điều gì, suy nghĩ về điều gì, để cùng họ giải quyết".
Chia sẻ với giảng viên trẻ giảng chính trị, cô vui vẻ nói: “Tuổi trẻ hôm nay có lợi thế là sự phát triển của công nghệ thông tin, vì thế phải tận dụng và phát huy trong giảng bài của mình. Bằng những trang thiết bị hiện đại, máy vi tính, thiết bị âm thanh, mạmg in-tơ-net, người giảng viên trẻ phải làm giàu kiến thức của mình. Đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm, không ngừng học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức phục vụ cho bài giảng của mình.
Vai trò của giảng viên rất quan trọng, hãy tâm huyết hơn về nghề, học hỏi, lắng nghe ý kiến đóng góp, sáng tạo hơn để khơi được sự say mê của học viên khi nghiên cứu về chính trị”. Đó là tâm sự, là mong mỏi của cô giáo Nguyệt.
Cuối năm 2008, cô Nguyễn Ánh Nguyệt nghỉ hưu, cô tiếp tục tham gia Hội Nhân ái của TP. Sóc Trăng, cùng mọi người làm công tác xã hội. Cô nói: “Có lẽ chỉ khi không còn sức khỏe nữa thì cô mới không tham gia giảng dạy chính trị, còn sức khỏe là còn cống hiến”. Đáng quý biết bao tấm lòng ở người giảng viên ấy. Hiện cô được mời làm thành viên Hội đoàn Khoa học của trường Cao đẳng Cộng đồng của tỉnh Sóc Trăng, giảng dạy những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho bậc đại học của trường Cao đẳng Cộng đồng; tham gia giảng dạy những môn Chính trị ở trường Trung cấp y tế của Tỉnh Sóc Trăng. Cô là người đầu tiên giảng Triết học và Tư tưởng Hồ Chí Minh cho trường Trung cấp Phật học ở Sóc Trăng.
Chia tay cô, chúng tôi chúc cô sức khỏe để cống hiến nhiều hơn, lâu hơn cho quê hương, cho đất nước giàu đẹp,văn minh.
Tô Nài Não
Giảng viên Khoa Lịch sử Đảng - Xây dựng Đảng
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng