Nhớ lại những năm tháng mới lên nhận công tác tại Mù Cang Chải, cô giáo Tâm xúc động chia sẻ: “Khi mới lên công tác trên này, tôi chưa quen được khí hậu, thời tiết. Bố mẹ tôi rất lo nên đã khuyên tôi về xuôi nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh trẻ em vùng cao vẫn còn mù chữ thì tôi thấy rất thương, không thể bỏ về được. Tôi đã quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất vùng cao này. Giờ đây, Mù Cang Chải đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”.
Sinh ra trên quê lúa Thái Bình, tuổi đến trường, cô bé Nguyễn Thị Tâm theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã vùng cao Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tại mái trường trên vùng đất mới này, cô bé đã được nghe kể, được tận mắt thấy cuộc sống của những đám trẻ vùng cao nơi nhiều em không được đến trường, chưa được học chữ, phong tục tập quán lạc hậu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… Từ đấy, cô bé Tâm mơ ước trở thành cô giáo để đem cái chữ đến với các em nhỏ trên mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Học xong cấp III, cô thi đậu và vào học tại Trường Trung cấp Sư phạm Hoàng Liên Sơn (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái) để thoả ước mơ của mình.
Sau khi tốt nghiệp, năm học 1983 – 1984, cô giáo Tâm đã tình nguyện lên huyện vùng cao Mù Cang Chải - một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, để dạy học và được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện phân công về công tác tại trường THCS xã Nậm Có. Đây là một xã vùng sâu cách trung tâm huyện trên 50 km, 100% dân sinh sống ở đây là bà con người dân tộc thiểu số, gồm người Mông và người Thái. Ngày ấy, trường mới chỉ là những ngôi nhà tạm bợ được dựng lên bằng tranh tre, vách nứa, mái lợp cỏ gianh. Lớp học, bàn ghế là những tấm ván gỗ được đặt lên trên 4 cây cọc bằng thân gỗ đóng chặt xuống đất. Còn chỗ ở của giáo viên là những ngôi nhà thấp lè tè cũng lợp bằng cỏ gianh, vách bằng tre, nứa. Là xã vùng sâu, cuộc sống của đồng bào còn mang nhiều hủ tục lạc hậu nên không những chỉ nơi ăn chỗ ở khó khăn mà việc vận động con em đến trường càng khó khăn hơn. Đồng bào đã quen với nương rẫy, ngày đưa con lên nương, tối mang con về nhà. Việc học chữ là “việc xa lạ” đối với bà con bởi lúc bấy giờ bà con không hiểu học chữ để làm gi? Bà con cho rằng “đi học cái chữ không thể no cái bụng được, phải đi làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì mới no cái bụng…”. Do vậy, việc đi học của con trẻ nơi đây không được các bậc cha mẹ quan tâm. Với lòng yêu nghề và tình yêu thương con trẻ, không thể để các em sống khổ mãi vì mù chữ, cô và bạn bè đồng nghiệp đã không quản ngại khó khăn, băng rừng, vượt núi lên các bản người Mông, người Thái tuyên truyền vận động, giúp bà con hiểu rõ về lợi ích của việc học chữ.
Với tâm nguyện và sự mong mỏi làm sao để giúp cho con em đồng bào sớm thoát khỏi nạn mù chữ luôn ngày đêm hiện hữu trong tâm trí của cô. Con đường từ trường về bản của bà con không biết đã in dấu bao nhiêu bước chân của cô giáo trẻ. Cô luôn xuất hiện nhiều lần trên những con đường mòn về bản dài mấy chục ki-lô-mét. Mưa dầm thấm lâu, sau thời gian dài làm công tác vận động, bà con dân tộc đã hiểu việc học chữ và cho con em đến trường, nhiều cha mẹ đã tự giác đưa con đến xin nhà trường cho vào lớp. Đến năm 1985, cô giáo Tâm được điều chuyển về công tác tại Trường Bổ túc Cán bộ của huyện Văn Chấn. Năm 1987, cô tiếp tục được điều chuyển sang giảng dạy ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDT - NT) huyện Mù Cang Chải cho đến nay.
Năm 1995, cô đã được bổ nhiệm giữ chức Phó hiệu trưởng Nhà trường. Đến năm 2008, cô tiếp tục được bầu chọn giữ chức Hiệu trưởng. Suốt những năm tháng cống hiến, dù được phân công nhiệm vụ nào, ở bất cứ nơi đâu, cô giáo, đảng viên Nguyễn Thị Tâm đều hoàn thành suất sắc nhiệm vụ. Trong việc giảng dạy, cô không ngừng tự nâng cao trình độ, kinh nghiệm bằng cách học hỏi từ đồng nghiệp để có phương pháp phù hơp giúp học sinh hiểu, nắm được kiến thức, tiếp thu bài dễ hơn. Cùng đó, cô luôn định hướng cho các em học tập, rèn luyện tích cực để trở thành con ngoan, trò giỏi, những công dân tốt cho xã hội.
Nhớ lại những năm tháng mới lên nhận công tác tại Mù Cang Chải, cô giáo Tâm xúc động chia sẻ: “Khi mới lên công tác trên này, tôi chưa quen được khí hậu, thời tiết. Bố mẹ tôi rất lo nên đã khuyên tôi nên về xuôi nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh các em người dân tộc vùng cao vẫn còn mù chữ thì tôi thấy rất thương, không thể bỏ về được. Tôi đã quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất vùng cao này. Giờ đây, Mù Cang Chải đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”.
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường, quản lý 43 cán bộ, giáo viên và 371 học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Tâm cho rằng để có được phong trào thi đua trong giảng dạy, học tập thì trước tiên, người đứng đầu phải là đầu tàu gương mẫu. Cô giáo Tâm luôn chú trọng đến công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và phát triển đảng viên mới. Trong 5 năm qua, Chi bộ Trường PTDT - NT đã bồi dưỡng, kết nạp 9 quần chúng ưu tú vào Đảng. Nhờ làm tốt công tác xây dựng đảng nên nhiều năm liền Chi bộ luôn đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”. Bản thân cô nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Cùng với Ban Giám hiệu, cô giáo Tâm luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên của trường tham gia các khoá học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chính trị. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên nhà trường từng bước được nâng lên và đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cô còn quan tâm đến việc chăm lo cuộc sống cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là các thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Giàng A Của - Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT - THCS huyện Mù Cang Chải cho biết: “Là cô giáo chủ nhiệm của tôi trước đây và bây giờ là đồng nghiệp cùng đơn vị, cô giáo Tâm luôn quan tâm đến đồng nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như công việc gia đình. Các thầy cô trong trường luôn học tập ở cô để làm tốt nhiệm vụ được giao”.
Hiện nay Trường PTDTNT - THCS huyện Mù Cang Chải có 12 lớp với 371 học sinh, trong đó các em học sinh là người dân tộc Mông chiếm 90%, còn lại là các dân tộc khác như Thái, Tày, Nùng. Từ chỗ còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, đến nay, Trường đã khang trang hơn, khu ký túc xá, bếp ăn tập thể, phòng học được xây dựng kiên cố, đảm bảo đủ chỗ cho việc học tập, ăn nghỉ, sinh hoạt của học sinh.
Dưới sự lãnh đạo chi bộ đảng, mà đứng đầu là Bí thư Chi bộ-Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tâm, cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo lòng tin đối với Đảng bộ, chính quyền và các bậc phụ huynh nơi đây. Trường luôn đứng đầu về chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Nhiều học sinh của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đoạt giải. Ghi nhận những thành tích của cô và trò nhà trường, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương lao động hạng Ba và hạng Nhì, nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.Chi bộ của trường cũng được công nhận là chi bộ điển hình và được khen thưởng đúng vào dịp kỷ niệm 55 ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái vừa qua.
Gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, nhiều thế hệ học trò của cô giáo Tâm đã trưởng thành. Với đóng góp to lớn của cô trong sự nghiệp trồng người, cô giáo Nguyễn Thị Tâm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam tặng Bằng khen cùng nhiều giấy khen, bằng khen do Ngành Giáo dục và UBND tỉnh Yên Bái trao tặng.
Hồng Mến