Xuân này, bác Trần Tâm - người thuộc thế hệ tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa - 90 tuổi đời, 68 tuổi đảng (ảnh bên). Bắt đầu từ công tác thanh niên, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý, gắn bó với công tác cán bộ, Bác luôn đau đáu nỗi niềm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.
Thưa Bác, Bác có thể cho biết đã tham gia cách mạng như thế nào?
Rất tự giác. Trong hoàn cảnh đất nước nô lệ, dân lầm than thì việc đi làm cách mạng nhằm giải phóng đất nước như một lẽ đương nhiên. Giữa những năm 1940, ở tuổi hai mươi trong tôi nhiệt huyết cách mạng tràn đầy. Xã Đức Hòa thuộc tổng Quy Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi quê tôi ngày đó chưa có tổ chức đảng, những người yêu nước, cảm tình đảng hoạt động âm thầm và phong trào quần chúng rất phát triển. Tháng 3-1945, tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Chi hội Thanh niên Cứu quốc xã ra đời, lúc đầu chỉ có 4 người, tôi được phân công làm Thư ký. Khi Tổng khởi nghĩa nổ ra, tôi là Ủy viên Ủy ban Vận động cứu quốc huyện Mộ Đức, phụ trách việc huy động lực lượng thanh niên làm nòng cốt, cùng quần chúng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở 6 xã thuộc tổng Quy Đức. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi trở thành đảng viên của Đảng từ đó.
Thưa Bác, được biết cho đến năm 1945, Đảng ta chỉ có khoảng 5.000 đảng viên nhưng phần lớn lại đang bị giam giữ trong các nhà lao của đế quốc. Vì sao ta lại giành được thắng lợi nhanh chóng như vậy?
Điều đó thể hiện đảng viên cộng sản thời đó xuất sắc như thế nào. Họ ở trong lòng dân, gắn bó máu thịt với dân, được dân tin yêu, hết lòng ủng hộ. Mất lòng dân là mất tất cả, như cá vớt lên bờ, làm sao sống được? Cách mạng thành công chính là nhờ các đảng viên biết tập hợp, tổ chức và phát huy được sức mạnh của nhân dân. Thắng lợi của cách mạng chính là thắng lợi của sức mạnh lòng dân, được tổ chức lại dưới sự lãnh đạo của Đảng - những đảng viên xuất sắc. Cán bộ, đảng viên ngày nay đừng bao giờ quên bài học đó!
Sau bao vui mừng thắng lợi, có điều gì khiến Bác phải băn khoăn, suy nghĩ?
Ngày đó có hai việc khiến tôi suy nghĩ. Thứ nhất, trong lúc khởi nghĩa, nhiệm vụ bắt và xử bọn Việt gian được anh em cơ sở thực hiện rất quyết liệt. Song có vài trường hợp xử lý không đúng, quá tả. May mà việc đó sớm được phát hiện, cấp trên ra lệnh điều chỉnh, khắc phục ngay. Thứ hai, trên địa bàn một tỉnh mà có sự bất đồng giữa cán bộ huyện này với huyện kia. Tuy không phải đối lập vì vẫn chung một nhiệm vụ, mục tiêu, lý tưởng, nhưng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào quần chúng ở cơ sở. Sau này, được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là trong công tác đào tạo cán bộ, tôi luôn lấy đó làm bài học và tâm niệm rằng: Trước hết, phải nâng tầm nhận thức cho cán bộ, đảng viên để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi người tự biết phân biệt rõ điều đúng - sai, việc nên - không nên làm, mang lại lợi ích cho cách mạng và không gây tổn hại đến phong trào. Mỗi hành vi phải xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, có như vậy mới tập trung được sức mạnh lãnh đạo nhân dân.
Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, cơ duyên nào đưa Bác đến với nghề tổ chức, cán bộ?
Từ Quảng Ngãi, giữa năm 1946 tôi cùng một số đồng chí được Xứ ủy Trung kỳ điều động vào Bình Định để tăng cường cho phong trào nơi đây. Cơ duyên bắt đầu từ những năm 1946 đến 1948, khi tôi làm Bí thư Huyện ủy An Nhơn, được tham gia các lớp huấn luyện, chỉnh phong, được nghe những bài học đầu tiên về Chủ nghĩa Mác-Lênin do các đồng chí Tố Hữu, Lê Chưởng, Phạm Văn Đồng giảng dạy.
Nhưng may mắn hơn, tháng 1-1954, trên cương vị là Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, tôi tham gia đoàn cán bộ ra Việt Bắc dự Hội nghị ngành Tổ chức. Lúc này ta chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ nên hội nghị không tổ chức. Chưa thể trở về Nam chiến đấu, tôi được điều động về Ban Tổ chức Trung ương, là cán bộ Phòng Chính sách, sau là Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp. Vừa làm việc vừa tham gia các khóa học lý luận ở Liên Xô, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và được chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Đầu năm 1965 khi về miền Nam, tôi trở thành người “có trình độ” nhất (cười), được giao nhiệm vụ Phó Ban Tuyên huấn khu 5, phụ trách Trường Đảng khu 5. Thế là tôi trở thành nhà giáo - chuyên đào tạo cán bộ từ đó cho đến lúc nghỉ hưu.
Thưa Bác, thuở ấy công tác đào tạo cán bộ có gì vướng mắc không?
Có lẽ là không, chỉ đói cơm, lạt muối. Đối tượng đào tạo của Trường Đảng khu 5 là bí thư huyện ủy, thường vụ tỉnh ủy các tỉnh trên địa bàn. Mỗi lớp chỉ tập trung 3-4 tháng, nhưng có khi anh em phải mất 6-7 tháng vượt núi, băng rừng mới đến được lớp. Vì là đào tạo tập trung, nên Trường bao cấp ăn, ở. Bữa cơm một phần gạo, nhiều phần sắn. Thức ăn đã không đủ, muối lại thiếu hơn. Có lúc anh em phải rửa lá gói muối, lọc lại để lấy chút chất mặn. Khổ vậy, nhưng tinh thần học tập rất nghiêm túc. Học để về chỉ đạo phong trào, không học tốt, về chỉ đạo không đúng đường lối là phải trả giá bằng xương máu anh em, đồng bào ngay.
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý, lâu nhất là trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bài học nào được rút ra từ thực tế bản thân?
Thời gian đã lùi xa, khó có thể nhớ hết những trăn trở của chúng tôi ngày ấy, nhất là giai đoạn sau giải phóng đến trước đổi mới. Tình hình kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng, Đảng phạm một số sai lầm, khuyết điểm, tư tưởng cán bộ không ổn định. Làm thế nào để bản thân, cán bộ cấp dưới, học viên không dao động trước khó khăn, giữ được lòng tin vào Đảng, vững kỷ luật, đấu tranh bảo vệ và xây dựng Đảng? Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều vấn đề được trao đổi thẳng thắn, dân chủ để rồi đồng thuận trong phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ nhà trường, kế hoạch công tác của từng đồng chí lãnh đạo. Kinh nghiệm được rút ra là: Không tư duy chắp vá chỉ nhằm tháo gỡ vướng mắc trước mắt mà cần có quan điểm đồng bộ, hệ thống để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách cơ bản làm cơ sở xác định bước đi thích hợp với khả năng và yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nghiên cứu đối tượng, xác định mục tiêu cụ thể để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, tránh trùng lắp giữa các học phần, không bỏ trống kiến thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đối tượng và phương pháp giảng dạy. Lựa chọn các địa phương điển hình, mời lãnh đạo báo cáo. Cán bộ giảng dạy phải thường xuyên đi thực tế, có kiến thức thực tiễn để phục vụ giảng dạy. Xây dựng quy chế quản lý học viên, tạo môi trường giáo dục “trò ra trò, thầy ra thầy”. Khắc phục bệnh quan liêu, xa rời thực tế, phong cách sự vụ trong đội ngũ cán bộ, giảng viên...
Lòng dân là sinh lực, sức sống, là mùa xuân của Đảng. Vậy, để được dân tin yêu, theo Bác cần phải làm gì?
Hãy để nhân dân kiểm soát! Thời chiến tranh, cán bộ ở trong dân, dựa vào dân để sống mà hoạt động, sống vì dân. Vì thế, dân thương cán bộ như người trong nhà, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng bảo vệ cán bộ. Bây giờ nhà cán bộ cũng ở trong các khu dân cư, hằng năm có sinh hoạt với cấp ủy địa phương, hằng tháng sinh hoạt thôn, tổ dân phố, hằng ngày đều có liên hệ, tiếp xúc với dân qua công việc... Tuy nhiên dân vẫn thấy cán bộ như đang ở “ngoài”, ở “trên” dân. Khi ở “ngoài”, ở “trên” dân, cán bộ sẽ không được dân kiểm soát, gặp khó khăn dân không giúp đỡ, mắc sai lầm dân không nhắc nhở, bị hiểm nguy dân không bảo vệ và thoái hóa, biến chất thì dân sẽ quay lưng. Dân và cán bộ càng ngày càng xa thì có nghĩa là khoảng cách dân và Đảng ngày càng rộng. Bởi vậy, cán bộ cần được dân kiểm soát. Soi vào dân để thấy mình trong - đục. Tựa vào dân để đứng vững trước những cám dỗ tầm thường.
Cảm ơn Bác đã chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình! Kính chúc Bác một năm mới sức khoẻ và tiếp tục đóng góp xây dựng Đảng. Nhân dịp năm mới, Bác có đôi lời cùng độc giả Tạp chí xây dựng Đảng?
Năm mới cùng xuân mới đã đến, chúc bạn đọc dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng! Xin chào các đồng nghiệp của tôi ở Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Xây dựng Đảng - những người đang góp phần không nhỏ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiếp bước con đường cách mạng mà thế hệ chúng tôi đã đi. Chúng tôi luôn dõi theo và mong các bạn vững vàng hướng tới thành công mới!
Phú Lâm