Đầu xuân, để lại đằng sau những ồn ã, vội vã của chốn đô thành, tôi về thăm một người bạn ở vùng ngoại thành Hà Nội. Không khí trong lành, sức xuân của những chồi non mới nhú làm lòng người thư thái, tĩnh lặng hơn. Tôi ngỡ ngàng và thực sự thích thú khi được bạn dẫn đến thăm vườn cây của anh Vương Văn Tuyết. Vườn rộng gần 2ha, gồm nhiều cây xanh, cây cảnh đủ loại. Và ở đây, câu chuyện “vượt khó, làm giàu” của người đảng viên, bệnh binh “dám nghĩ, dám làm” khiến tôi thật sự cảm phục.
Nỗ lực vươn lên
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, như bao người con khác của làng Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội), năm 1977 anh Vương Văn Tuyết làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm 1981, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Dưới lá cờ Đảng anh nguyện sẽ dành cuộc đời mình để phục vụ quân đội. Thế nhưng, đến năm 1990 vì bệnh tật, sức khoẻ giảm sút anh được Nhà nước cho về nghỉ chế độ bệnh binh 2/3. Lúc đó anh mới 31 tuổi.
Có thể nói, khó khăn của cuộc sống bắt đầu từ đây. Trở về quê với hai bàn tay trắng, bản thân ốm yếu, vợ nuôi con nhỏ, anh luôn băn khoăn tự hỏi mình phải bắt đầu cuộc sống từ đâu? Làm thế nào để đưa gia đình thoát nghèo? Anh day dứt, trăn trở.
Đã có nhiều người bạn rủ anh vào miền Nam lập nghiệp nhưng anh nghĩ: “Mình đã qua nhiều vùng quê, ở đấy đất còn cằn cỗi, sỏi đá hơn quê mình nhiều, vậy mà mọi mgười vẫn làm ra thóc gạo, lợn gà đầy đàn, sao ta lại không? Quê hương mình đồng đất phì nhiêu, mình phải bám lấy quê, lấy đất này để làm ra của cải vật chất. Phải làm giàu từ chính quê mình”. Vậy là, tình yêu quê hương cùng với bản lĩnh, nghị lực vượt khó, khát vọng xây đời no ấm đã thôi thúc anh, là động lực để anh vững tin bước tiếp.
Anh xác định bản thân bệnh tật, những gì anh có lúc này là đất và mô hình kinh tế VAC là phù hợp. Anh quyết thực hiện mơ ước ấp ủ từ lâu là có một vườn cây. Nhưng để thực hiện được đâu phải một sớm một chiều. Vì vậy, phải lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, tích luỹ dần dần. Trước mắt là phải đưa gia đình thoát cảnh đói nghèo. Nghĩ là làm… Tuần đầu tiên rời quân ngũ về quê, dù sức yếu, anh bắt tay ngay vào việc. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, vay mượn thêm của bà con làng xóm, anh ra chợ tìm mua lợn sữa, lợn nhỡ về gột để bán cho bà con trong làng. Lợn thịt nuôi 3, 4 tháng bán cho thợ mổ, có hôm lại mua gà, ngan, vịt đem ra Hà Nội bán.
Công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió; có những lúc gặp đại dịch, đàn lợn đủ loại: lợn sữa, lợn nhỡ, lợn thịt chết hàng loạt. Vất vả, khổ cực nhưng anh không nản chí. Anh lại tìm học kiến thức phòng dịch, chữa bệnh cho gia súc. Thức khuya dậy sớm, cần cù, chịu khó anh cũng tích luỹ được ít vốn, công việc của vợ chồng anh cũng trôi chảy hơn, khó khăn dần qua đi.
Anh kể, khoảng vào năm 1997, anh bắt đầu từng bước thực hiện mô hình VAC khép kín. Sau khi trang trải hết nợ nần, anh mua đất về san lấp, nâng cấp diện tích 3 sào vườn, anh dành một phần xây dựng chuồng nuôi gà công nghiệp, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 400-500 con trọng lượng sau 3 tháng thường là 2kg. Rồi anh thầu đầm thả cá, khi xã có một số diện tích đất hoang, anh nhận thầu khoảng 2ha để thực hiện những điều mà anh dự định. Đây chính là mô hình lấy con nuôi cây, rồi cây lại nuôi con, khép kín.
Ban đầu vốn chưa nhiều, anh trồng cây ăn quả là chủ yếu. Dần dần có ít vốn, thấy nhu cầu tiêu thụ cây cảnh ngày càng lớn, anh quyết định vay thêm vốn đầu tư vào cây cảnh. Xác định nghề cây cảnh phải lâu dài, đầu tư vào sau một thời gian mới có thu nhập, anh kiên nhẫn, cần mẫn thực hiện từng bước. Giai đoạn đầu còn khó khăn, gia đình anh làm hết mọi việc từ mua, nhân giống đến chăm sóc, làm luôn cả bình, chậu đựng cây cảnh để có thêm tiền đầu tư cho nhiều giống cây. Khi tôi muốn biết anh đã học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh như thế nào, anh cười khiêm tốn: "Thấy mình mạnh dạn làm ăn có hiệu quả, xã cử đi học một lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật trồng cây cảnh, còn lại, mình phải tự học là chính. Học từ bạn làm vườn. Làm nhiều rồi rút kinh nghiệm dần. Thực tế sẽ cho ta bài học đúng và đầy đủ nhất". Năm 1995, anh tham gia Hội Làm vườn của huyện. Từ đó anh và các hội viên khác thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về kỹ thuật để cùng phát triển nghề.
Trồng cây tới ngày hái quả
Hàng năm trời dồn sức người, sức của, vừa hồi phục sức khoẻ vừa chịu khó làm ăn, đến lúc nhìn lại gia đình anh đã sở hữu một khu vườn có giá trị. Ngoài khu cây bóng mát, cây ăn quả, khu cây cảnh của gia đình có giá trị tiền tỷ với nhiều loại cây quý, trong đó có nhiều cây trị giá tới hàng trăm triệu. Vừa là sở thích, lại có năng khiếu nên anh tự tay cắt tỉa, tạo, uốn thế cho cây cảnh. Anh giới thiệu cho tôi hòn non bộ mà anh đã dày công ghép lắp, rêu phủ kín những trái núi tự tạo soi mình xuống bể nước với những bộ rễ cây uốn xung quanh, “nhân tạo” mà đẹp một cách tự nhiên. "Bàn tay con người có thể làm nên những điều kỳ diệu. Quan trọng là mình phải say mê và luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi”, anh nói.
Nhờ năng nổ, nhạy bén với thị trường, chú trọng mở rộng các mối quan hệ làm ăn, cây và giống cây của anh đã đến với các xã xung quanh, các khu công nghiệp lân cận, các tỉnh thành quanh Hà Nội. Gia đình anh đã trở thành một cơ sở kinh doanh cây cảnh có uy tín: cung cấp giống, cây, tư vấn cách chăm sóc… Hộ nào cần gì chỉ cần nhấc điện thoại là xe chở đến tận nơi. Một số trường học, UBND cũng tìm đến mua cây, nhờ anh tư vấn trang trí khuôn viên, có nơi nhờ anh bao thầu luôn từ khâu đầu đến khâu cuối. Nhiều hộ trong xã, trong huyện, trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, học tập. Anh luôn giúp đỡ những người xung quanh muốn vươn lên, thoát nghèo, làm giàu như mình; tận tình hướng dẫn, chỉ bảo đến nơi đến chốn cho những người có cùng niềm say mê. Anh vận động mọi người trong xã, đặc biệt là trong Hội CCB phát triển nghề trồng cây cảnh. Theo anh, đây là cách vừa luyện tập sức khoẻ, vừa đem lại giá trị kinh tế cho gia đình, có thể thoát nghèo vươn lên làm giàu như gia đình mình. Với những cố gắng đó, năm 2000 anh được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen cho hộ gia đình đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng mô hình kinh tế VAC.
Riêng vườn cây, trừ chi phí thuê công lao động, trung bình mỗi năm gia đình anh lãi vài trăm triệu đồng. Chưa kể những năm gần đây anh nuôi thêm chim cảnh, cộng với khu chăn nuôi gà, vịt anh cũng thu lãi mỗi năm thêm hàng chục triệu. Đặc biệt những ngày lễ, tết, nhu cầu về cây, chim cảnh, gia cầm càng cao. Tiền lãi thu về từ những mùa vụ đó cũng cao hơn. Anh bảo: “Nếu chịu khó làm ăn, học hỏi thì người nông dân không lo đói, khổ nữa. Trải qua bao nhiêu khó khăn, mình nhận thấy đất không bao giờ phụ công người”.
Tiếp xúc với anh, nếu không được giới thiệu trước, tôi sẽ không tin anh là một bệnh binh 2/3, mất sức tới 71%. Anh cười đôn hậu: "Mình trồng cây xanh góp phần tạo môi trường trong lành, hằng ngày được sống trong không khí ấy, mình cũng sẽ khoẻ hơn. Chăm sóc, trồng cây chính là cách tập thể dục có hiệu quả nhất, mình được thế này tất cả là nhờ lao động đấy".
Từ một người lính xuất ngũ trở về với hai bàn tay trắng, trên mình mang nhiều bệnh tật, anh đã phát huy tinh thần của “Bộ đội Cụ Hồ”, lúc nào cũng năng nổ, cần cù, dám nghĩ dám làm để thực hiện bằng được mô hình VAC khép kín, không chỉ xoá đói giảm nghèo cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đến làm việc tại vườn cây nhà mình. Anh chia sẻ với giọng giản dị, chất phác: “Bây giờ gia đình mình không còn lo nhiều về kinh tế nữa, nhưng vẫn phải cố gắng lao động để làm giàu hơn nữa. Có điều kiện thì mới giúp đỡ được người khác. Đồng đội, bạn bè mình còn khó khăn nhiều”.
Đường quê thênh thang, tiết xuân ấm áp, những nếp nhà mới yên bình với đầy đủ tiện nghi, cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy toát trên những gương mặt trẻ thơ…. Chia tay anh, tôi nhớ lời anh: “Là đảng viên, mình phải gương mẫu, tự vận động để vượt lên đói nghèo. Phải học để vươn lên làm giàu từ chính đồng đất của mình. Phải học và thường xuyên vận động mọi người học và làm theo gương Bác. Tôi nghĩ: học Bác có khó gì đâu, có thể học và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhặt, thường nhật. Chăn nuôi, trồng cây, hăng say lao động, vượt mọi khó vươn lên chính là học và làm theo Bác!”.
Bài và ảnh: Phạm Giang