Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để sống, làm việc xứng đáng với Đảng, dân tộc và nhân dân

Năm 2015, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn khởi, tự hào kỷ niệm trọng thể những ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời cũng là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội Đảng lần này là sự kiện chính trị rất quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá không chỉ một nhiệm kỳ mà cả 30 năm đổi mới, khẳng định những thành tựu, bài học, bổ sung, phát triển đường lối, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới và nhất là phải lựa chọn bầu cho được những cán bộ xứng đáng, đủ đức, đủ tài vào ban lãnh đạo nhiệm kỳ, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.


Ba mươi năm qua, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp.


Những thành tựu của đổi mới là to lớn, không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng nêu ra từ hơn 20 năm trước vẫn tồn tại, có mặt biểu hiện ngày càng phức tạp hơn. Kinh tế nước ta tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn rất trầm trọng. Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông ngày càng phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta,... Cần nhấn mạnh rằng, nguy cơ, thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp của chúng ta hiện nay là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tình trạng suy thoái đó biểu hiện dưới nhiều hình thức, hết sức đa dạng. Đó là nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng; nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít; quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm, hống hách, đe nẹt, trù dập nhân dân và những người dưới quyền, xu nịnh cấp trên, cơ hội, thực dụng; coi thường, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lãng phí; chạy chức, chạy quyền, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm; để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm giàu bất chính... và nhiều biểu hiện tiêu cực khác. Những việc đó vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; làm xấu đi môi trường thu hút đầu tư, làm méo mó việc phân bổ các nguồn lực; gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp; làm giảm năng suất, hiệu quả của sản xuất; làm tăng giá thành, giảm chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; do đó, là sự cản trở lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đồng thời, những việc đó cản trở Đảng, Nhà nước phát hiện và sử dụng những người có đức, có tài; cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan đảng, nhà nước đông mà không mạnh; làm mất uy tín của danh hiệu cán bộ, đảng viên trong con mắt quần chúng; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Những điều này còn làm nảy sinh, tích tụ các bức xúc, mâu thuẫn xã hội, tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và tiếp tay cho các hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta của các thế lực thù địch.


Đảng ta là Đảng cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, nhân dân ta trong suốt 85 năm qua và công cuộc đổi mới hiện nay. Vai trò của Đảng đang thật sự đứng trước thách thức nếu trong Đảng vẫn tồn tại những cán bộ, đảng viên tha hóa, hư hỏng, nhất là khi họ nắm các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp. V.I.Lê-nin từng cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta” (1). Các đảng cộng sản đánh mất vị trí cầm quyền và chế độ XHCN sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã chứng minh cho sự cảnh báo đó. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tuy không phạm sai lầm về quan điểm, đường lối, mục tiêu, con đường phát triển đất nước, nhưng đã để phát sinh và tồn tại kéo dài tình trạng suy thoái, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; khi phát hiện và thấy tính chất nghiêm trọng của tình hình nhưng quyết tâm chính trị và biện pháp chưa đủ mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó. Ai cũng biết và phê phán, ca thán nhưng hành động còn yếu ớt, kém hiệu quả.


Tình trạng suy thoái, hư hỏng đó kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan. Đó là những hạn chế, yếu kém trong chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong việc quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên của các cơ quan Đảng, nhà nước. Dân chủ trong Đảng và sự kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, dẫn đến lạm quyền, dân chủ hình thức, buông lỏng kỷ luật, kỷ cương. Tính đảng và tính chiến đấu trong Đảng còn yếu, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”. Tự phê bình và phê bình còn nặng về hình thức, sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác và lợi ích; có cán bộ sử dụng quyền lực để hứa hẹn, ban phát và khống chế làm triệt tiêu bản lĩnh và nhân cách của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, rất nguy hiểm là một bộ phận cán bộ, đảng viên do không chịu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, để lòng tham, ham muốn vật chất, lối sống hưởng thụ, tham vọng quyền lực chi phối mà rơi vào suy thoái, hư hỏng. Như Bác Hồ nói: bao trùm lên tất cả chính là chủ nghĩa cá nhân, “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” (2). Dân tộc, nhân dân Việt Nam anh hùng; Đảng, Nhà nước ta có truyền thống vẻ vang, kiên cường; số đông cán bộ, đảng viên thật sự vì nước, vì dân, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, chẳng lẽ lại để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng phá hoại sự nghiệp vĩ đại và những thành tựu cách mạng mà các thế hệ cha anh chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới giành được.


Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đó, Đảng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã đề ra những chủ trương, giải pháp đồng bộ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa bằng các biện pháp tổ chức, vừa nêu cao tinh thần, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập của mỗi cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị nào. Những chủ trương, biện pháp đó được thể hiện tập trung ở Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Đạo đức Hồ Chí Minh kết tinh giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc ta và của nhân loại, có giá trị bền vững, không chỉ bồi đắp, nâng cao nhân cách con người, mà còn như ánh sáng xua đi bóng tối, những gì cũ kỹ, hư hỏng, nhằm tạo dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh và hạnh phúc. Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập, noi theo tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “dĩ công vi thượng”. Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập, noi theo tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống trong sáng, khiêm tốn, giản dị, trung thực, đoàn kết, thủy chung, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc; giữ gìn kỷ luật, tôn trọng pháp luật; là tình thương yêu sâu sắc đối với con người, với nhân dân, đồng cảm với mọi khó khăn và nỗi đau khổ của mỗi con người. Người nêu gương và mong muốn mọi người “Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin được”(3). Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập, noi theo tinh thần dân chủ, thái độ trọng dân của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” (4). Người yêu cầu, lãnh đạo đúng nghĩa là “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”; “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng”; “Phải tổ chức sự kiểm soát” và tất cả những việc đó phải “dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng”, phải có dân giúp sức. Người nhấn mạnh: Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng (5).


Là người sáng lập, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, Bác Hồ đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất người cách mạng và tư cách của một Đảng chân chính cách mạng. Về phẩm chất người cách mạng, Bác nêu toàn diện, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu về cần, kiệm, “vị công vong tư”, giữ chủ nghĩa cho vững, nói thì phải làm, ít lòng tham muốn vật chất, hay xem xét, nghiên cứu, cả quyết sửa lỗi mình. Người coi cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc và đạo đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (6). Về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, Người đề ra 12 điều, trong đó đặt lên hàng đầu là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (7).


Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, những biểu hiện suy thoái của những cán bộ, đảng viên nắm các chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp đã bộc lộ, như trái phép, cậy thế, tư túng, hủ hóa, chia rẽ, kiêu ngạo, lên mặt “quan cách mạng”. Điều đó trái với bản chất của nhà nước cách mạng là phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân. Bác Hồ đã phê phán nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm đó và mong muốn mọi người quyết tâm sửa chữa. Người nói: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng” (8). Phê bình phải gắn liền với sửa chữa khuyết điểm, không chú trọng sửa chữa thì phê bình không có ý nghĩa gì, đó là điều Bác Hồ luôn nhắc nhở. Để sửa chữa khuyết điểm đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật, pháp luật, giáo dục, đồng thời coi trọng nêu gương và sự thức tỉnh trong mỗi con người. “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(9).


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ thực sự có ý nghĩa, đạt hiệu quả khi trở thành ý thức tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Hằng ngày, hằng giờ, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoạt động, công tác, mọi quan hệ xã hội, trong suy nghĩ cũng như trong hành động, người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời Bác dạy: Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì cố gắng làm, việc gì có hại cho dân, cho nước thì cố sức tránh, đặt lợi ích của dân, của nước lên trên lợi ích cá nhân; đồng thời, phải có dũng khí đấu tranh để bảo vệ cái tốt, cái đúng, phê phán, lên án các việc làm sai trái, tiêu cực; tự mình phải nêu gương, đồng thời phải giáo dục, nhắc nhở con cháu, anh em, người thân của mình cùng giữ gìn phẩm chất đạo đức, sống và làm việc theo pháp luật. Cùng với nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi người, các tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể và nhân dân cần theo dõi, giám sát, động viên, cổ vũ để thúc đẩy sự tự giác của cán bộ, đảng viên, nhân rộng các điển hình tốt; đồng thời nhắc nhở, phê bình để ngăn ngừa, đẩy lùi các tiêu cực.


Bác Hồ thường căn dặn rằng, giáo dục, rèn luyện cán bộ về mọi mặt phải gắn liền với lựa chọn, sử dụng đúng cán bộ. Học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực sự là những “công bộc của dân”, một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta hiện nay, bởi “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (10). Lựa chọn đúng cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp chiến lược và ở tất cả các ngành, các cấp hiện nay là vấn đề bức thiết nhất có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và sự phát triển của đất nước. Đại hội Đảng lần này là cơ hội để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng. Các đại biểu của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cần nêu cao bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng những cán bộ ưu tú, tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ trí tuệ và năng lực nắm bắt thực tiễn, có tư duy chiến lược, khả năng tổ chức, có đạo đức, lối sống trong sáng, gắn bó với nhân dân, có uy tín và được nhân dân tin cậy. Kiên quyết không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo những người phạm vào một trong các khuyết điểm mà Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XI) đã xác định; phải loại khỏi hàng ngũ những cán bộ kém, những kẻ “sâu mọt” làm thất bại công việc của Đảng, của đất nước.


Với trí tuệ và tầm tư duy của một lãnh tụ cách mạng thiên tài, một bậc hiền triết, một nhà văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Những tư tưởng của Người về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên có ý nghĩa sâu sắc, bền vững đối với công tác xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện và lựa chọn cán bộ của Đảng. Người nhận thức Đảng ta là đạo đức, là văn minh, đạo đức làm nên giá trị văn minh và văn minh cần phải hoàn thiện đạo đức. Đó là giá trị, phẩm chất cao đẹp của Đảng mà bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức giữ gìn, không được phép để hoen ố. Điều đó cũng đặt ra tiêu chuẩn về đức và tài của người lãnh đạo, quản lý. Đức và tài hòa quyện thống nhất làm nên phẩm chất, nhân cách của người cán bộ, đảng viên, người cách mạng chân chính.


Là đảng viên của Đảng, với trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó, chúng tôi chân thành nêu lên đôi điều để các đồng chí trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng suy ngẫm, nâng cao nhận thức và tự giác thực hiện. Mong sao mỗi chúng ta ra sức phát huy ưu điểm, thành công, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém và với tất cả tinh thần trách nhiệm, sống và làm việc xứng đáng với Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, với truyền thống mấy ngàn năm văn hiến, xứng đáng là con cháu Bác Hồ, không phụ lòng những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, cống hiến xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có làm được như thế chúng ta mới làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì sự trường tồn của Tổ quốc và tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.


                                                                                                      TRƯƠNG TẤN SANG
                                                                                           Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước
                                                                                                   Nước CHXHCN Việt Nam


------------------

(1) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 42, tr. 311

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 295

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr . 668

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr . 453

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr . 325-338

(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr . 292, 289

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 66

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr .672

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr .280.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất