Cách đây hơn chục năm, gia đình đảng viên Phạm Văn Hùng ở Tiểu khu 1-5, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La, nghèo lắm. Nhà có 7 miệng ăn, trong đó 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học mà chỉ nhìn vào một suất lương hưu của ông. Hai gian nhà cấp 4 lụp xụp chỉ đủ kê một chiếc giường đôi và một chiếc giường cá nhân. Gian ngoài kê mấy tấm ván lót nền và bộ bàn ghế nhựa. Đêm đêm bộ bàn ghế đó được xếp gọn vào một góc lấy chỗ trải chiếu cho các con nằm. “Tài sản” lớn nhất của cả gia đình ông Hùng là chiếc xe đạp cũ tồng tộc.
Mấy năm qua tệ nạn ma túy phát triển ở không ít nơi, dường như nó không buông tha một gia đình nào. Ngay cả một gia đình nghèo khó như gia đình đảng viên Phạm Văn Hùng cũng không thoát. Năm 2002, cháu Phạm Quang Đạt, đứa con trai thứ hai của ông Hùng, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, không có khả năng, điều kiện học tiếp, đành ở nhà lao động giúp bố mẹ. Ông Hùng giao cho con trai chăm sóc mảnh nương rộng 1,2 ha nằm ở quả đồi vắng vẻ, giáp với Bản Chiềng Đi, cách nhà ở của ông Hùng chưa đầy 2 cây số. Ban ngày Đạt lao động trên nương, ban đêm ngủ lại trong một túp lều tạm bợ để trông coi hoa màu. Ông Hùng rất tin tưởng vào đứa con trai của mình. Trong suy nghĩ của ông, thằng Đạt là đứa con trai ngoan ngoãn, chịu thương, chịu khó, chăm chỉ, nhất là trước đó không lâu, nó trở thành đồng chí của ông: đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thế nhưng có ngờ đâu, chính những ngày đêm sinh sống ở túp lều trên nương đã là điều kiện thuận lợi để biến nơi đó thành nơi tập kết, “bãi đáp” của “nàng tiên nâu”. Chỉ đến khi Đạt bị bắt, ông Hùng mới “ngã ngửa người” và ông bàng hoàng, suy sụp. “Cái xảy nảy cái ung”, “họa vô đơn chí”, đứa cháu nội đầu tiên của ông đã hơn 3 tuổi mà cứ ngây ngây, ngô ngô, lúc khôn, lúc dại. Đi khám, bác sĩ kết luận, cháu bị thiểu năng trí tuệ. Nhận được tin này, ông suy sụp hoàn toàn, không còn muốn sống. Ông buông xuôi, một thời gian dài ông không còn thiết ăn uống, râu không thèm cạo, tóc rậm không thèm cắt. Ông xấu hổ không dám ra ngoài, ngại tiếp xúc với mọi người.
Một hôm, ông thẫn thờ đến gặp đồng chí bí thư chi bộ đề nghị đồng chí bí thư cho họp, báo cáo cấp ủy cấp trên khai trừ ông ra khỏi Đảng. Bởi ông nghĩ ông có gia đình, con cái như vậy thật sự không còn xứng đáng là đảng viên và gia đình đảng viên nữa. Đồng chí bí thư chi bộ khuyên ông:
- Đồng chí dũng cảm nhận ra những thiếu sót, hạn chế của bản thân và gia đình và e ngại ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng thế là rất tốt. Tuy nhiên, nhận ra khuyết điểm, dũng cảm sửa chữa khuyết điểm, vươn lên trở thành người tốt mới là việc khó, chứ khai trừ đồng chí ra khỏi Đảng thì không khó khăn gì. Đồng chí cứ về suy nghĩ kỹ đi. Nhân đây tôi cho đồng chí mượn mấy cuốn sách viết về tấm gương đạo đức, nghị lực vươn lên trong gian khó để hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng, qua tấm gương đạo đức và nghị lực sống, hoạt động cách mạng của Bác Hồ, đồng chí sẽ vươn lên vượt qua được những khó khăn hiện nay.
Cầm mấy cuốn sách do đồng chí bí thư chi bộ cho mượn, ông Hùng về nhà đọc liền 5 ngày đêm, vừa đọc, vừa suy ngẫm, liên hệ với bản thân. Đến sáng ngày thứ 6, ông Hùng đứng trước gương, nhìn lại hình hài của mình. Vì đã hơn hai tháng không cạo râu, không cắt tóc, đêm đêm lại trằn trọc không ngủ, ngồi cầu trời phật phù hộ, ăn uống thất thường... trong gương ông không còn nhận ra mình nữa: đầu tóc bù xù, râu ria xồm xoàm, trông như cái xác không hồn.
Hành động đầu tiên là ông đi cắt tóc, cạo râu, tắm rửa, thay quần áo. Như có phép lạ, ông trở thành một con người khác, đã có sinh khí, đôi mắt chứa chan niềm hy vọng. Thấy vậy, bà vợ ông hỏi ông với con mắt trợn tròn:
- Ông vẫn tụng kinh niệm phật đấy chứ?
- Không bà ạ. Tôi đã tìm được “đạo mới rồi”. Đó là đạo “Hồ Chí Minh!” - Ông Hùng trả lời.
Bắt tay vào làm theo “đạo” này, việc đầu tiên ông làm là đi lên nương đốt chiếc lều mà thằng Đạt vẫn trú ngụ trước đây. Tiếp đó, ông suy nghĩ, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Trên mảnh đất hơn héc-ta trước đây, ông không trồng ngô và rau màu nữa. Vì bằng ấy ruộng đất tốn rất nhiều công sức mà hiệu quả kinh tế không cao. Năm nào cao lắm cả vốn cả lãi chỉ thu lại được 7 triệu đồng. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây”, ông Hùng mạnh dạn đầu tư trồng cây mận Tam Hoa, cây chè mang lại thu nhập lâu mấy chục năm. Trên diện tích đất đồi cũ, ông Hùng phân ra 8.000 m2 đất tương đối bằng phẳng trồng giống chè Kim Tuyên, còn 4.000 m2 đất dốc hơn ông đầu tư trồng mận Tam Hoa. Tuy nhiên, khi trồng xong, ông Hùng mới phát hoảng: trước kia kinh tế nhà ông nhìn vào nguồn thu nhập bằng việc trồng ngô, rau màu và lương hưu của ông. Giờ đây, phải đợi 3 năm mận mới bói quả, phải đến 5 năm sau thì chè mới được hái. Vậy thời gian ấy nguồn thu nhập nhìn vào đâu?
Nhớ đến lời Bác Hồ dạy khi Người lên thăm Mộc Châu ngày 8-5-1959: Luôn luôn cố gắng/ Khắc phục khó khăn/ Tiến lên thật hăng/ Làm tròn nhiệm vụ, sau mấy đêm suy nghĩ, ông Hùng quyết tâm dùng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Trên diện tích đất đã trồng chè và mận, ông trồng xen cây đậu tương, gieo lạc, trồng khoai Mán. Để có nguồn phân bón cây, ông mạnh dạn vay Quỹ tín dụng Thị trấn Nông trường Mộc Châu được 30 triệu đồng, vay quỹ của các đoàn thể trong Tiểu khu 1-5 được 5 triệu đồng. Số tiền ấy, ông mua được 5 con bò cái sinh sản. Tận dụng đất vườn, bờ suối, ông trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò. Do được chăm sóc tốt, chỉ hơn một năm sau đó, đàn bò nhà ông đã sinh ra được 5 bê con nữa. Và năm sau nữa, tổng đàn bò đã lên đến 15 con. Các cây ngắn ngày trồng xen vườn chè, mận đã cho thu hoạch 8 triệu đồng/năm. Do được chăm sóc tốt, diện tích chè, mận đã phát triển nhanh chóng, đến năm thứ ba kể từ ngày trồng, gia đình đông đã thu hoạch vụ mận, chè đầu tiên được 9 triệu đồng. Chỉ sau 4 năm, gia đình ông Hùng đã trả nợ xong tiền vay nợ. Đến nay, gia đình ông Hùng đã có nhà cửa đàng hoàng, trong nhà “có của ăn của để”.
Từ quyết tâm cháy bỏng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để vươn lên, ông Hùng trở thành tấm gương cho con cháu trong gia đình noi theo. Về công việc “trồng người” ông đã quyết tâm đầu tư, chăm sóc, theo dõi từng bước đi của các con. Do vậy, các con ông đều học hết lớp 12, sau đó đi học các trường chuyên nghiệp hoặc làm công nhân nông trường. Tất cả các con ông hiện có nghề nghiệp ổn định. Con trai lớn Phạm Quang Lữ hiện là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở; cháu trai thứ ba và cô con gái cũng là giáo viên; cháu gái thứ tư học ngành y và hiện làm việc tại một cơ sở y tế ở huyện Thuận Châu, Sơn La. Gia đình các con ông Hùng đều sống hòa thuận, hạnh phúc.
Đứa con trai Phạm Quang Đạt năm nào phải chấp hành án phạt 2 năm tù giam. Nhớ lời Bác Hồ dạy và tấm gương thu phục người tài giỏi của Người, mỗi lần đến thăm con, ông Hùng không hề tỏ ra oán trách, xỉ vả con mà thường xuyên khuyên nhủ, động viên con cải tạo cho tốt. Ông còn tự trách mình không trông nom dạy dỗ, chỉ bảo con chu đáo dẫn đến nông nỗi con phải đi cải tạo. Mỗi lần có dịp gặp con ở nơi cải tạo, ông Hùng lại đem những mẩu chuyện về đời hoạt động của Bác Hồ, về tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của Người kể cho con trai nghe, khuyên con nỗ lực phấn đấu, lạc quan, yêu đời như thời Hồ Chí Minh ở trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch. Những lời dặn dò, an ủi cũng như những giọt nước mắt trên gương mặt đen xạm vì mưa nắng của người cha, nhất là những mẩu chuyện về Bác Hồ mà lần đầu tiên Đạt được nghe kể, đã thúc đẩy, động viên Đạt nhận ra lỗi lầm, hứa với cha cải tạo tốt để nhanh chóng về đoàn tụ với gia đình. Và cuối cùng Đạt được ra trại sớm trước 3 tháng. Như “chim được xổ lồng”, Đạt quyết tâm làm lại cuộc đời, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, lao động tốt, đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đi cải tạo về, Đạt đã được nhận lại vào làm công nhân ở Nhà máy chè Vân Sơn. Sau đó Đạt kết hôn với một cô gái xinh xắn, nết na, công nhân đội chè 1-5 Công ty chè Mộc Châu. Đến nay, vợ chồng Đạt đã sinh được 2 con, một trai, một gái, sống rất hạnh phúc bên cạnh ông bà, anh, chị, em trong gia đình. Năm 2013, bằng nỗ lực, cố gắng chịu khó chịu thương của mình, hai vợ chồng Đạt đã xây được ngôi nhà khang trang bên cạnh ngôi nhà của bố mẹ.
Chỉ đến khi các con ông đã trưởng thành, có công ăn việc làm, ông Hùng mới quyết định xây dựng một ngôi nhà hai tầng to đẹp trên nền căn nhà lụp xụp khi xưa. Khi thấy bò sữa có giá, ông Hùng quyết định bán toàn bộ 12 con bò thịt để đầu tư nuôi bò sữa. Riêng vườn mận, vườn chè mỗi năm ông Hùng có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đến nay, tuy đã gần tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, yêu đời. Năm 2014, với tiếng sáo trầm bổng, véo von của mình, ông Hùng đã làm say đắm lòng người tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng Thị trấn Nông trường Mộc Châu, góp phần làm cho Đội văn nghệ Tiểu khu 1-5 đạt giải Nhất toàn đoàn. Từ năm 2012 đến nay, đảng viên Phạm Văn Hùng được chi bộ bầu vào chi ủy Chi bộ Tiểu khu 1-5. Chi ủy Phạm Văn Hùng đã góp phần cùng chi bộ lãnh đạo Tiểu khu đạt danh hiệu Tiểu khu xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ; Chi bộ luôn luôn giữ vững danh hiệu chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bây giờ mỗi lần nhớ lại chặng đường đã qua, đảng viên Phạm Quang Hùng luôn luôn tâm niệm: Nhờ học tập và làm theo tấm gương của Bác, bản thân, gia đình tôi đã vươn lên, vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Vũ Lân - Xuân Giao