Học và làm theo Bác từ góc nhìn quản lý cán bộ
Khu trưng bày của Vietcombank tại triển lãm Ngày hội chuyển đổi số năm 2022.

Chính vì vậy, việc học và làm theo Bác trong các đơn vị, dù hoạt động với tư cách pháp nhân nào, thì việc đào tạo, quản lý và phát huy năng lực nhân sự, nhất là cán bộ quản lý là điều quan trọng nhất. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, công tác quản trị nhân sự còn cần có môi trường cũng như cơ hội để có thể cập nhật xu hướng, áp dụng chuyển đổi số vào công việc một cách nhanh chóng, khoa học và hiệu quả.

ĐẠO ĐỨC LÀ VẤN ĐỀ CỐT LÕI
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mới, với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Bên cạnh những yếu tố tích cực trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện, vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém trong công tác quản lý và đào tạo nhân sự, nhất là với đội ngũ cán bộ quản lý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, cán bộ nếu chỉ có giác ngộ chính trị thôi chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Bác từng căn dặn: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì. 

Vấn đề về đạo đức nằm trong chiến lược nhân sự mà ngày nay, việc “xây” chiến lược quản trị nguồn nhân lực lại là yếu tố được ưu tiên. Đây là bộ phận rất quan trọng bởi việc tuyển dụng, tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với những nhân lực quản lý cấp cao có vai trò quyết định trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Đối với bất cứ doanh nghiệp nào thì vấn đề con người và nguồn lực con người luôn giữ vị trí quan trọng. Đây là nhân tố có tính chất quyết định đến sự thành - bại của doanh nghiệp. Công tác quản lý nhân sự dù tồn tại dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp thì ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng cần có bộ phận này. Khi quản lý nhân sự thực hiện hiệu quả sẽ cho người lao động niềm tin vào tổ chức, có động lực lao động và cống hiến, từ đó hình thành nguồn nhân lực mạnh toàn diện và nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn giũa, giống như ngọc càng mài càng sáng, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt thường ngày. Học và làm theo Bác, ở các đơn vị cả nhà nước hay tư nhân đều đang hình thành văn hóa công sở. Những quy tắc ứng xử trong môi trường làm việc; cách tạo sự kết nối, đoàn kết đối với các cá nhân để trở thành một tập thể vững mạnh; các hoạt động thi đua - khen thưởng để tạo động lực cố gắng… đã và đang nhân rộng ở rất nhiều đơn vị, công ty, tập đoàn trong cả nước.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đánh giá cán bộ, vì: “Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ”. Để “hiểu biết cán bộ”, cùng với việc yêu cầu người đánh giá cán bộ phải tự “sửa những khuyết điểm của mình”, còn phải có cách đánh giá đúng cán bộ, nhất là có những tiêu chí để nhận biết cán bộ tốt hay không tốt, với mục tiêu nhằm xây dựng Đảng ta thành một Đảng thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đánh giá cán bộ từ đạo đức đến chuyên môn xuất phát từ công tác quản lý nhân sự. Bộ phận này có nhiệm vụ nhận xét, báo cáo và tham mưu với lãnh đạo về tình hình nhân sự ở mỗi bộ phận trong đơn vị, để từ đó tìm ra được những nhân tố xuất sắc, chọn được người có năng lực đúng vị trí xứng đáng để phát huy tốt nhất khả năng của họ.  

CHUYỂN ĐỔI SỐ - CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY
Ở Việt Nam, thuật ngữ chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn từ năm 2018 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3-6-2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Thế giới luôn vận động, biến đổi. Mỗi con người muốn tồn tại và phát triển đều cần hội nhập, học tập, bồi dưỡng để thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, muốn chuyển đổi số trước hết cần phải nhanh chóng chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số.

Với công tác quản trị nhân sự, khi mọi vấn đề đều hầu như phụ thuộc vào công nghệ thì việc áp dụng chuyển đổi số là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này sẽ giúp cho các đơn vị tối ưu hóa quy trình quản lý nhân sự, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nâng cao tính chính xác và thuận tiện hơn, nhanh hơn trong quá trình quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nhân sự có thể tăng tính minh bạch, giảm bớt các sai sót so với cách làm thủ công trước đây.

Hẳn chúng ta đều nhớ hình ảnh vị Cha già dân tộc luôn ngồi gõ máy chữ để soạn thảo các văn bản trong khi phần đông mọi người khi ấy vẫn đang chỉ biết viết tay trên giấy. Người còn biết và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong bản Lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Bác Hồ đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng thực tế khi đi thăm nước ngoài, cũng như đón tiếp các đoàn ngoại giao tới thăm và làm việc tại Việt Nam, chúng ta được biết Bác đã sử dụng thành thạo, thuần thục nhiều ngoại ngữ khác, như: Tiếng Thái Lan, Tây Ban Nha, Ả Rập… và chưa kể 54 tiếng dân tộc của Việt Nam. 

Ðầu tháng 2-1922, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và những người cách mạng Algeria, Tunisia, Maroc, Madagascar ở Paris họp bàn và cùng nhau lập ra Hội hợp tác người cùng khổ, đóng cổ phần để ra một ấn phẩm báo chí thật sự của các thuộc địa bằng tiếng Pháp. Báo Người cùng khổ - Le Paria ra hằng tháng, măng-sét báo ghi bằng ba thứ tiếng: Pháp, Arab và chữ Hán, đã góp phần truyền tải những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành tự do, độc lập. Đó là những sáng kiến kiệt xuất không thể phủ nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhờ có khả năng giỏi ngoại ngữ mà Bác đã thực hiện được một việc làm vô cùng ý nghĩa trong hành trình tìm đường cứu nước của Người. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dẫn đầu nhiều đoàn đàm phán đi nước ngoài và trực tiếp đàm phán bằng ngôn ngữ của nước sở tại. Sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ là điều kiện hết sức thuận lợi trong suốt quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Rõ ràng, Bác là minh chứng rõ nét nhất, là tấm gương ưu tú nhất trong tư duy thay đổi, học tập để hội nhập, chuyển đổi. Muốn chuyển đổi số để hội nhập, việc sử dụng tốt tin học và ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu của mỗi nhân sự, nhất là đối với nhân lực quản lý, cấp cao. 

QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “…Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)…”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực. Quan điểm quản trị ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đào tạo đội ngũ lao động đơn thuần mà tiến tới phát triển nguồn nhân lực “phù hợp” mới là tài sản của doanh nghiệp, của đất nước. Phù hợp ở đây chính là một đội ngũ cán bộ chất lượng cao - phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước trong thời kỳ mới, nhất là trong nền công nghiệp 4.0, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho quốc gia và doanh nghiệp.

Với việc sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, các đơn vị có thể tạo ra những báo cáo và dữ liệu thống kê chi tiết về nhân viên, giúp cho việc đưa ra các quyết định quản lý nhân sự chính xác và hiệu quả hơn. Và khi đã áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý nhân sự, các đơn vị có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng tính cạnh tranh tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc chuyển đổi số trong công tác quản lý nhân sự cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Để đưa toàn bộ quy trình quản lý nhân sự lên hệ thống điện tử, các đơn vị cần đầu tư thời gian và kinh phí để cập nhật, hoàn thiện hệ thống quản lý nhân sự. Cần đào tạo nhân viên để có kiến thức chuyên môn cao và năng lực sử dụng các phần mềm, ứng dụng mới. Ngoài ra, các đơn vị cần bảo đảm rằng dữ liệu và thông tin nhân viên được bảo mật, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong môi trường làm việc có bản sắc văn hóa đáng tự hào: "Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn" tại Vietcombank, chúng tôi đã luôn cố gắng nỗ lực mỗi ngày để có thể được đứng trong hàng ngũ những người làm ngân hàng uy tín nhất. Năm 2023, dấu mốc lịch sử 60 năm của Vietcombank đã khắc ghi những giai đoạn phát triển rực rỡ, thăng hoa, qua đó khẳng định vị trí dẫn đầu của chúng tôi với hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cùng với mục tiêu và tầm nhìn mới: “Đến năm 2030, trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu”, Vietcombank coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Ban lãnh đạo Vietcombank vẫn luôn coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về "Tâm lực - Trí lực - Kỹ lực - Thể lực"; chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là chìa khóa mang lại thành công cho ngân hàng. 

Cùng với quyết tâm trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, Vietcombank đã và đang đổi mới, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác tổ chức và nhân sự. Tuyển dụng nhân sự cấp cao, chuyên gia nước ngoài với trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số để thực hiện hơn 300 sáng kiến với 4 trụ cột số hóa (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation). Vietcombank cũng đã kiện toàn mô hình Khối Bán lẻ, Khối Bán buôn, Khối Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, thành lập mới Khối Vận hành. Đây là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa sử dụng công nghệ 4.0 để giải phóng nguồn lực, tập trung vào công tác bán hàng. 

Câu nói mỗi chúng ta đều thuộc nằm lòng: "Vì sự nghiệp mười năm phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun trồng lớp lớp những con người mới, những người cán bộ là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" thể hiện rõ ý nghĩa những giá trị tư tưởng của Người về công tác cán bộ.

Học và làm theo Bác, để lao động có hiệu quả và năng suất, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Người vào trong công tác cán bộ, thì mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên, phải luôn luôn rèn luyện đạo đức, phẩm chất đạo đức cách mạng; không ngừng học tập về mọi mặt; học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng; học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật và chuyên môn, nghiệp vụ... để chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và làm chủ nguồn nhân lực – chìa khoá vững tin bước vào giai đoạn khởi đầu của Kỷ nguyên số hoá! 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất