Xứng danh "Lữ đoàn thép"
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 016-Quang Trung, Lữ đoàn 162 huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Tàu 016-Quang Trung, Lữ đoàn 162 huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Xây dựng đơn vị vững mạnh

Lữ đoàn 162 được thành lập ngày 9-1-2002, là lực lượng chiến đấu chủ lực trên hướng biển trọng điểm miền Nam Trung Bộ, Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Được mệnh danh là “Lữ đoàn thép” bởi Lữ đoàn 162 là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước với trang thiết bị hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân, trong đó phải kể đến đội tàu hộ vệ tên lửa là tàu chiến đấu có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng không quân, tàu ngầm để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển. Điều đặc biệt, các tàu hộ vệ tên lửa được mang tên các vị vua và danh tướng của đất nước như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, là động lực để cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn phát huy truyền thống của các thế hệ cha ông quyết đánh, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ và tác chiến có những nét đặc thù, nhất là đặc điểm tác chiến độc lập, dài ngày trên biển, xa đất liền, phải đối mặt trực tiếp với hiểm nguy nên việc xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội là yếu tố quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định thắng lợi của mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn xác định trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải xây dựng cho được bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, không ngại thách thức, hiểm nguy, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi dẫu có phải hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trở thành lực lượng nòng cốt, nhân tố có vai trò quyết định trong việc làm chủ những con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại. Các kíp tàu được tuyển chọn từ nhiều vùng của Quân chủng Hải quân, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều loại tàu; đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp của Lữ đoàn thực sự là “xương sống” của mỗi con tàu. Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên phổ biến tình hình, giáo dục, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về tình hình thế giới, khu vực, nhất là những diễn biến mới trên thế giới, khu vực, biển, đảo; làm rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cũng như quan điểm, chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về đối tượng, đối tác, về nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, đề cao cảnh giác, xử lý các tình huống theo đúng phương châm và tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân.

Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, tình yêu, sự gắn bó với biển, đảo và mỗi con tàu, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có tư duy nhanh nhạy, sắc bén trước mọi tình huống. Coi trọng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ, chú ý đến các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, các tàu làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra trên biển dài ngày, có tính độc lập cao. Thực hiện tốt phương châm “Nắm bắt nhanh, tháo gỡ kịp thời, ổn định tư tưởng bộ đội” với nhiều mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả, như: Mô hình hội đồng (tổ) tư vấn tâm lý, tình cảm, “đảng viên dìu dắt quần chúng”, duy trì đối thoại dân chủ, hòm thư góp ý, lấy phiếu thăm dò tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; triển khai thực hiện đột phá “Dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội”. Xây dựng mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sỹ thực sự mẫu mực như anh em một nhà, để bộ đội ở đơn vị, ở tàu cũng như ở nhà, tuy xa về khoảng cách nhưng gần gũi về tình cảm, cùng nhau xây dựng “Ngôi nhà chung 162”.

Sẵn sàng chiến đấu

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Quân chủng giao huấn luyện, tiếp nhận và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn 162 luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tích cực nghiên cứu đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện, thực hiện huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, lấy huấn luyện kỹ thuật là cơ bản, chiến thuật là trọng tâm. Đẩy mạnh phân cấp huấn luyện phù hợp với khả năng của từng cấp; trong đó tăng cường huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính theo cách “cầm tay chỉ việc”, “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị”.

Lữ đoàn còn chú trọng kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành trên trang bị và truyền thụ kinh nghiệm rút ra từ thực tế luyện tập. Xây dựng chỉ tiêu, định mức cụ thể cho từng đối tượng trong huấn luyện để phấn đấu thực hiện. Kết thúc mỗi bài học, khoa mục huấn luyện, giáo viên tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả nhận thức của bộ đội, khi đạt từ mức khá trở lên mới chuyển nội dung khác; không huấn luyện dàn trải mà chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, thể hiện bằng thao tác, kĩ năng của từng vị trí, chức trách. Sau kiểm tra huấn luyện, chỉ huy tàu cùng tổ giáo viên chủ động phân nhóm các đối tượng học tập; tổ chức huấn luyện bổ sung, cử các đồng chí có kiến thức tốt kèm các cá nhân nắm chưa tốt nội dung huấn luyện.

Ngoài huấn luyện cùng giáo viên, mỗi cán bộ, chiến sỹ trên tàu cũng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong tự học, tự nghiên cứu, nắm chắc các bước khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sỹ. Lữ đoàn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài để biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chủ động chuẩn bị giáo án, bài giảng để dạy cho đơn vị. Nhờ đó, học ngoại ngữ đã trở thành phong trào sôi nổi, hoạt động tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn. Câu lạc bộ “Con tàu ngoại ngữ 162” được hình thành, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nhiệm vụ khai thác, làm chủ khí tài, trang bị.

Phong trào học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra các mô hình, trang thiết bị phục vụ huấn luyện luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 coi trọng, xem đó là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua và đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Cùng với các trang thiết bị trên cấp, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn tích cực nghiên cứu tạo ra các mô hình, thiết bị mô phỏng khí tài, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để ứng dụng vào huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, chiến sỹ nghiên cứu, sáng tạo; thường xuyên tổ chức hội thi mô hình học cụ huấn luyện; động viên, biểu dương, khen thưởng những cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân… Cũng từ các mô hình, sáng kiến mô phỏng và trang thiết bị tự tạo, bộ đội của Lữ đoàn đã không “huấn luyện chay”. Nhờ đó, nhiều năm liền, Lữ đoàn được nhận danh hiệu “Ðơn vị huấn luyện giỏi” của Quân chủng Hải quân; được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tin tưởng giao nhiệm vụ trong hoạt động đối ngoại Quốc phòng, như: Tổ chức nhiều lượt tàu tham gia diễn tập Hải quân đa phương; tham gia Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế, thăm hữu nghị các nước trong khu vực và quốc tế; đón các đoàn khách quốc tế đến thăm đơn vị và cảng quốc tế Cam Ranh; qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam với Quân đội và Hải quân các nước, nâng cao vị thế của Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và vị thế của Việt Nam nói chung trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị.

Từ ngày 23 đến 27-8-2021, Biên đội tàu 015 - Trần Hưng Đạo, 016 - Quang Trung vinh dự đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021 tại Liên bang Nga và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành Huy chương Bạc môn “Cúp biển” với 3/5 nội dung đoạt giải Nhất, 2/5 nội dung đoạt giải Nhì. Tấm Huy chương Bạc do Đoàn đạt được góp phần vào thành công chung của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam với vị trí thứ 7, lọt vào tốp 10 trong số 42 nước và vùng lãnh thổ tham gia Army Games 2021.

Nỗ lực phấn đấu trên chặng đường xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn 162 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2007. Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Bằng khen và 3 Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua; 18 năm được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”; hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 7-6-2021, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì đã có thành tích trong công tác huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Được công tác trên những con tàu chiến đấu hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân, mỗi con tàu mang tên một vị tướng huyền thoại chính là niềm tự hào và là động lực để mỗi cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162 Hải quân “Sẵn sàng chiến đấu, chính quy tinh nhuệ, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến quyết thắng”, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Xứng đáng với vị thế của Lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất