Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, Hải Như vẫn khiến người đối diện cảm phục bởi một trí tuệ minh mẫn, am tường các vấn đề thế sự và đặc biệt, tâm huyết với nghề, với “sứ mệnh” của nhà thơ đích thực vẫn luôn nguyên vẹn. Có một nhà văn nào đó từng nói: Mỗi một người viết đều cần rào cho mình một thửa đất để cày xới. Với nhà thơ Hải Như, dù đã ghi dấu trong lòng bạn đọc bởi nhiều sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng “mảnh đất” mà ông thực sự tâm huyết, “cày xới” là đề tài Hồ Chí Minh. Từ bài thơ đầu tiên viết về Bác Hồ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” được đánh giá là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ, Hải Như đi sâu khám phá, tự giới thiệu một quan điểm sáng tác và đã định hình một phong cách riêng khi viết về Hồ Chí Minh... Để khi đọc thơ Hải Như viết về Bác, bạn đọc soi vào đó và nhận ra mình, soi vào đó để tự vấn lương tâm, thanh lọc mình trên bước đường hướng tới giá trị CHÂN-THIỆN-MỸ. Phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng xin chuyển tới bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện với nhà thơ Hải Như.
PV: Thưa nhà thơ, Ông có thể chia sẻ với độc giả Tạp chí Xây dựng Đảng lý do Ông chọn viết về đề tài Hồ Chí Minh?
Nhà thơ Hải Như: Tôi luôn tâm niệm như câu thơ tôi viết: “Giữ trái tim ta không để cho cuộc đời biến thành vô cảm. Tràn đầy xúc động trước mỗi số phận con người và cảnh sắc quê hương…”. Bởi vậy, tôi sáng tác nhiều đề tài về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, nhưng điểm nhấn trong thơ tôi là đề tài Hồ Chí Minh. Tôi đã viết về một người thật là Bác Hồ nhưng tôi cho phép mình hư cấu xây dựng nhân vật thật hơn cả thật. Tôi không làm thơ về lãnh tụ, xưng tụng lãnh tụ mà nhằm giới thiệu nhân cách Một Con Người - người nhất. Bài thơ đầu tiên tôi viết về Bác là trong tuần tang lễ của Người năm 1969, bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”. Bài thơ đã in đậm dấu ấn trong lòng độc giả bao thế hệ. Đến nay, tôi đã có hơn 40 bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là mảng đề tài chuyên chở được tư tưởng của tôi.
PV: Vậy nên, khi đọc tập “Thơ viết về Người”, độc giả thấy ở đó có nhiều điều tác giả muốn nhắn nhủ?
Nhà thơ Hải Như: Xin cho phép tôi được mượn câu của Boileau (Pháp) để trả lời: “Dù hay hay không hay, thơ tôi bao giờ cũng có điều này điều nọ tôi muốn nói”. Cuộc đời đòi hỏi nhà thơ không dừng lại ở tài gieo vần làm “pháp sư ngôn ngữ” mà đòi hỏi thi sĩ phải vươn lên làm nhà tư tưởng. Thơ tồn tại, truyền tụng từ đời này sang đời khác chính nhờ “cái lõi” - hạt nhân tư tưởng bài thơ chứa đựng. Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, nhưng cả cuộc đời Người trong sáng, giản dị vô cùng. Cái giản dị đó góp phần làm nên sự vĩ đại của Người. Viết về Người không chỉ giúp tôi hoàn thiện mình, mà còn để nói lên quan điểm của mình về CON NGƯỜI, về thời đại. Qua nhân cách Hồ Chí Minh, đó là sự chiêm nghiệm của bản thân về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Từ đó, tôi đặt ra những câu hỏi trước đời sống và thời cuộc. Những câu hỏi không dễ trả lời. Và mong muốn mỗi người sẽ tìm cách trả lời, bằng cách trở về với lòng mình, soi vào đó và nhận ra mình, để tự hỏi, tự trả lời mình.
PV: Trước Ông đã có nhiều tác giả chiếm lĩnh đỉnh cao khi viết về đề tài Hồ Chí Minh, có khi nào Ông e ngại mình bị che khuất bởi những cái bóng đi trước?
Nhà thơ Hải Như: Không, mỗi nhà thơ đều phải tạo cho mình một văn phong làm giàu có trường phái trên thi đàn. Người đến sau phải cảm ơn những đỉnh cao có trước để giúp mình vượt qua, tạo ra đỉnh cao mới. Tôi ý thức được rằng, một tác phẩm thơ càng biểu lộ dấu ấn cá thể bao nhiêu càng được chào đón bấy nhiêu. Do vậy, tôi đã chọn cho mình một lối đi riêng. Viết về Người, tôi đề ra cho mình phương châm “không thần thánh hoá” mà “người hoá” Hồ Chí Minh. Các vĩ nhân, theo suy nghĩ của tôi, chỉ trở thành vĩ nhân với tất cả những phút yếu lòng, những uẩn khúc đời riêng - đúng và sai, nhiều hoặc ít mang tính lịch sử. Tôi cũng không quá chú tâm vào việc gieo vần hay thiết kế nhạc điệu, quan trọng là “thông điệp”, là những dự báo mà tôi muốn gửi tới cuộc đời.
PV: Ông nghĩ thế nào về cái gọi là “được" và "mất” trong thơ ca?
Nhà thơ Hải Như: “Được” và “mất” trong sáng tác văn học nghệ thuật không chỉ đơn thuần là các giải thưởng. Cái “được” lớn nhất của người nghệ sĩ là tác phẩm của mình mang hơi thở cuộc sống, hướng đến thân phận con người, rung động trái tim độc giả không chỉ một thời mà nhiều thế hệ. Độc giả là thước đo đánh giá chính xác nhất giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Một số người làm thơ hiện nay đang hướng tới những mục tiêu “phi văn học” mà quên nhiệm cụ cao cả của nhà thơ, đó chính là cái “mất” lớn nhất của họ. Họ mới chỉ là những người làm thơ chứ chưa phải là Nhà thơ. Tôi quan niệm văn học đích thực không bị chi phối bởi các quy luật phù sinh, quy luật lụi tàn. Tôi tin vào lẽ công bằng trong lĩnh vực văn học thường không đến ngay mà đến muộn, bằng vào tác phẩm làm “giấy thông hành”. Và niềm tin của tôi đã đúng. Thật hạnh phúc khi độc giả khắp nơi sau hơn 40 năm vẫn đang tìm đọc lại thơ tôi.
PV: Với Ông “nhiệm vụ cao cả” của nhà thơ hiện nay là gì?
Nhà thơ Hải Như: Nhà thơ, ở thời nào cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình trước dân tộc. Nhà thơ phải là người luôn luôn mở to mắt nhìn rõ thực trạng xã hội, bằng những sáng tác của mình thức tỉnh lương tri, thức tỉnh con người trở lại “chân thân”, không phân biệt người cao - thấp, sang - hèn... Thời phong kiến, các đức minh quân đều tôn trọng và tìm đến những kẻ sĩ đích thực thường là các nhà thơ, mời họ làm “gián quan” - can ngăn nhà vua, uốn nắn những lệch lạc sai lầm. Ngày nay, khi sáng tác nhà thơ phải có trách nhiệm “báo động”, đóng góp với Đảng những điều mà trái tim và “con mắt nhạy cảm” của nhà thơ phát hiện được.
PV: Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Hồ Chí Minh, Ông quan tâm đến việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị phát động trong cả nước?
Nhà thơ Hải Như: Tôi nghĩ, muốn học và làm theo Bác trước hết phải hiểu đúng về Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng chỉ với “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hiện nay, thực trạng nước ta vẫn còn nghèo, đời sống của nhân dân ta còn khó khăn, trẻ em ở nhiều vùng sâu vùng xa chưa được đi học… Trong khi đó, nhiều địa phương tốn hàng trăm tỷ đồng để xây tượng Bác.... Đó có phải là cách chúng ta học và làm theo Bác thiết thực, là thực hiện điều mong muốn nhất của Bác?. Hơn ai hết chúng ta cần phải nhìn ra hiện tượng này, phát hiện nguy cơ tha hoá của một số cán bộ lãnh đạo nấp sau khẩu hiệu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những người chỉ hô hào học tập mà không làm theo, nói không đi đôi với làm.
PV: Ông có đóng góp gì để việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả?
Nhà thơ Hải Như: Không một người cộng sản Việt Nam nào không biết câu nói của Bác: Đảng không phải một tổ chức vào để làm quan và phát tài. Trọn một đời người sống giản dị và liêm khiết trên hành trình kiếm tìm chân lý hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, Bác đã thực hiệu khẩu hiệu “ba không” do Bác đề ra với những người đứng đầu Chính phủ: Không vinh thân phì gia; Không đặc quyền đặc lợi; Không phân biệt đối xử. Bác dạy: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Khi địa vị càng cao, uy tín và sức ảnh hưởng càng lớn. Thiết nghĩ, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả, trước hết, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam cần gương mẫu làm theo Bác Hồ thực hiện “ba không”. Từ đó góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
PV: Nhà thơ đã học gì ở Bác Hồ?
Nhà thơ Hải Như: Phải luôn luôn giữ ngòi bút trung thực, không lẩn tránh sự thật. Đó là những điều tôi học được ở tác giả “Nhật ký trong tù”.
PV: Cảm ơn nhà thơ Hải Như đã chia sẻ cho độc giả Tạp chí Xây dựng Đảng những tâm sự, đề xuất đầy tâm huyết. Chúc nhà thơ luôn mạnh khoẻ, tiếp tục thực hiện “sứ mệnh cao cả”.
Phạm Giang (thực hiện)