Thủ đô Hà Nội - Trái tim của Tổ quốc Việt Nam

Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “rồng cuộn, hổ ngồi”, từ bờ con sông Hồng làm kinh đô của nước Đại Việt. Khi đoàn thuyền ngự cập bến, Lý Thái Tổ đã thấy hiển hiện trong trí tưởng tượng của mình một con rồng huyền thoại vươn mình bay lên. Người bèn đặt tên cho vùng đất này là “Thăng Long” như đặt niềm tin tưởng cho thế nước vươn mình bước vào một thiên niên kỷ mới.

Nói về sự kiện này, trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sĩ viết: “xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”. Bác Hồ trong diễn ca “Lịch sử nước ta” coi Lý Thái Tổ là một vị vua “phi thường”! Và lịch sử ngàn năm của Thăng Long- Hà Nội đã nói lên tất cả ý nghĩa của kinh đô muôn đời!


Chọn đất Thăng Long làm kinh đô, Lý Thái Tổ không phải tìm đến vùng đất mới lạ mà chính là trở về với cội nguồn, về với vùng đất in đậm những chiến công mà Thánh Gióng - đánh thắng giặc Ân xâm lăng bờ cõi, An Dương Vương - xây dựng Thành cổ Loa, chầu về đất Tổ Phong Châu, Hai Bà Trưng - nối tiếp nghiệp xưa họ Hùng, mong muốn xây dựng “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”, Ngô Quyền - người anh hùng đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một trăm năm Bắc thuộc, đóng đô tại Cổ Loa, mở ra thiên niên kỷ mới để rồi gần một thế kỷ sau, với tầm nhìn vượt thời đại, Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình trở về vùng đất “địa linh nhân kiệt”, chọn vùng đất này làm kinh đô muôn đời của Đại Việt.


Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, có thời điểm không phải là kinh đô, với các tên gọi khác nhau: Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh,… Thăng Long vẫn là nơi đô hội trù phú “nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến”, nơi tập trung “tám điện ba cung” được liệt vào danh sách các địa danh nổi tiếng, sánh cùng với Paris, Venise… Từ đó, Thăng Long không chỉ sớm thu hút nhiều thương nhân, giáo sĩ, du khách phương Tây mà còn là nguồn lực tinh thần để “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời” cho con cháu mai sau. Vì vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, khi quốc gia Đại Việt dài rộng từ sông Hồng tới Cửu Long, sử gia Ngô Thì Sĩ đã tìm trong 8 thế kỷ lịch sử của Thăng Long để đúc thành một lời răn trong Đại Việt sử ký tiền biên: “Hình thế nước Việt không nơi đâu hơn nơi này. Cho nên trước kia vua nhà Đinh, nhà Lê (tức Tiền Lê) bỏ đất ấy mà ở Hoa Lư, sau đó nhà Hồ cũng bỏ đất ấy mà ở An Tôn thì đời làm vua ngắn ngủi, thân bị bắt, nước bị mất là vì không được địa lợi”.


Cùng với cả dân tộc, Thăng Long “chìm đắm” dưới gót giày của thực dân Pháp xâm lược. Trải qua cuộc đấu tranh gian khổ, trường kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, mùa thu năm 1945 cách mạng Tháng Tám thành công, thể theo nguyện vọng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam, Đại hội quốc dân tại Tân Trào đã quyết định lấy Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam. Ngày 25-8-1945, lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất thiêng này. Ngày 2-9-1945, giữa lòng Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước dân chủ cộng hòa. Ngày hôm đó, cả nước đã hướng về Hà Nội lắng nghe hồn thiêng sông núi từ ngàn năm vọng về từ Thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Sau sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viếng thăm Đền Đô - nơi thờ Lý Thái Tổ và các vị vua nhà Lý để cáo công với các bậc tiên liệt về nước nhà đã độc lập, Hà Nội được nối lại mạch xưa của Thăng Long để mãi mãi là kinh đô, trái tim của một dân tộc có cội nguồn từ đời các vua Hùng dựng nước và sẽ trường tồn mãi mãi cùng thời gian, vững bước vào một thiên niên kỷ mới với dáng vóc ngày càng hiện đại nhưng vẫn mang cốt cách của một Thăng Long - “lắng hồn núi sông ngàn năm”.


                                        

Thủ đô Hà Nội trở trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá… của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chưa được bao lâu, thực dân Pháp ngang nhiên đòi chính phủ ta giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Trước hành động trắng trợn đó, quân và dân Thủ đô quyết tâm thề “sống chết với Thủ đô”, bảo vệ trái tim của cả nước! Ðảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo quân và dân Thủ đô chiến đấu giam chân địch 60 ngày đêm từ 19-12 đến ngày 17-2-1946 trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng, nhân dân và máy móc từ Thủ đô Hà Nội trở lại “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc an toàn.

Cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa và sức mình là chính” đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sáng 10-10-1954, năm cửa ô đón mừng Chính phủ, Bác Hồ và chiến sĩ Điện Biên trở về giữa rừng cờ hoa rực rỡ sắc màu, trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào Hà Nội. Chiều cùng ngày, quân dân Thủ đô dự lễ chào cờ chiến thắng tại sân Cột cờ thành Hoàng Diệu, chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, chỗ dựa vật chất, tinh thần của cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá… của Việt Nam, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Thành tựu hơn 20 năm đổi mới đã từng bước đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Thủ đô Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với du khác trong và ngoài nước và còn được mệnh danh là Thủ đô vì hoà bình.

Trước yêu cầu đòi hỏi sự nghiệp cách mạng giai đoạn mới, Thủ đô Hà Nội ngày càng được mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và giao lưu với quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước - nơi hội tụ của 6 tuyến đường sắt, 8 tuyến đường bộ, đường hàng không với sân bay Nội Bài -đầu mối các tuyến xuyên Việt và quốc tế. Từ một thành phố chỉ rộng 152km2, với 53 nghìn dân sinh sống sau khi tiếp quản năm 1954, qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Thủ đô Hà Nội đã có diện tích 3.344km2, dân số 7,3 triệu người, trở thành đô thị có diện tích lớn nhất nước và là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Quá trình mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội nhiều cơ hội phát triển cả về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, song cũng đặt thành phố trước nhiều thách thức đòi hỏi phải được giải quyết như: bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về hệ thống cơ chế, chính sách phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, phát triển quy hoạch hiệu quả bền vững... Vì vậy, ngày 6-1-2012, Luật Thủ đô ra đời trên cơ sở kế thừa, nâng cấp Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000. Luật này ra đời đã tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, vừa giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức thiết đặt ra trong quá trình phát triển của thành phố.

            

Điều 2, Luật Thủ đô quy định: Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Với vai trò, trọng trách lớn, Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã nhiều thay đổi, bên cạnh những nét cổ kính xưa, Hà Nội đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với những toà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhiều khu đô thị mới nối tiếp nhau mọc lên. Kinh tế Thủ đô phát triển với tốc độ nhanh, tập trung vào các ngành mũi nhọn như: công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ. Nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất được xây dựng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo dòng thời gian, Hà Nội vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá - lịch sử có giá trị, nhiều công trình kiến trúc cổ, gồm hơn 600 ngôi chùa và  khu phố cổ, có trên 300 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hoá. Tất cả hoà quyện vào nhau mang đến cho Hà Nội một vẻ đẹp thực sự thơ mộng và cổ kính. Hà Nội còn là thành phố có nhiều làng nghề truyền thống như: đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, giấy Gió Yên Thái, Hoa Ngọc Hà, Cốm Vòng... Vì vậy, Điều 8, Luật Thủ đô quy định “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước”. Bám chủ trương của Đảng, công tác quy hoạch được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng. Với mô hình cấu trúc mới, Hà Nội sẽ là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn) và các thị trấn sinh thái. Hướng tới sự phát triển bền vững, các đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh chiếm tới gần 70% diện tích tự nhiên của thành phố. Diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã được thành phố cụ thể hóa, trong đó các hành lang xanh được chú trọng đặc biệt. Cùng với xu thế phát triển mới, vấn đề cải tạo, gìn giữ khu vực phố cổ, phố cũ, các giá trị văn hóa đã được thành phố chú trọng triển khai. Hàng trăm biệt thự cổ trong khu vực nội thành đã và đang được bảo tồn.

Luật Thủ đô ra đời mang lại cho Hà Nội những điều kiện cần và đủ, bước đột phá, động lực để Hà Nội tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững mà còn là cơ hội để người dân Hà Nội thể hiện trách nhiệm, chung sức đưa Rồng thiêng Thăng Long vươn mình hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Hà Nội đang ngày càng tự đổi mới, phát triển không ngừng, không chỉ xứng đáng là trái tim của Việt Nam, điểm dừng chân lý tưởng cho du khách bốn phương mà còn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam về Thủ đô “ngàn năm lịch sử”, Hà Nội - trái tim hồng của Tổ quốc Việt Nam.  

Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất