Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con vĩ đại của dân tộc đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người ra đi để lại cho dân tộc Việt Nam hình mẫu về tấm gương đạo đức sáng ngời, di sản về nghệ thuật quân sự, trong đó, đặc biệt là “quyết lược lịch sử” - làm nên những mốc son lịch sử chói lọi ở thế kỷ XX.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học trò xuất sắc của Người đã “cầm quân” mở đầu cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Trận đánh 60 ngày đêm trong lòng Thủ đô Hà Nội là một trong những trận đánh hào hùng nhất mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm của dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Hà Nội cùng Trung ương Đảng thức hiện sách lược “vườn không nhà trống”, tạm biệt Hà Nội đi kháng chiến, hẹn ngày trở về giải phóng Thủ đô.
Ngày 2-1-1948, tại chiến khu Việt Bắc, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng. Vinh dự và trách nhiệm ấy, Đại tướng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và Bác Hồ giao phó, cầm quân đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong 2 cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, không chỉ người Việt Nam mà nhân dân thế giới ngợi ca về tài thao lược, nhãn quan chính trị qua những “quyết lược lịch sử” của Đại tướng.
Đó là, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quyết định thay đổi mục tiêu tiến công từ Cao Bằng xuống Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 và quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng khẳng định: “Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cả cuộc đời cầm quân đánh giặc của tôi!”. Quyết định quan trọng này thể hiện tầm cao trí tuệ, nhãn quan chiến lược tinh tường, luôn giữ chắc mục tiêu chiến lược nhưng không giáo điều, không tư duy theo những “đường mòn” mà luôn suy nghĩ độc lập, không ngừng sáng tạo. Ông viết trong hồi ký: “Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê”. Quyết lược này làm nên thắng lợi của chiến dịch Biên giới, tăng cường sức mạnh của cuộc kháng chiến.
Ngày 14-1-1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh”. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu và đã được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự Trung ương Trung Quốc. Lập luận được đưa ra, nếu đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng. Tuy nhiên, qua trực tiếp nắm tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy quân Pháp đổ quân xuống Điện Biên ngày một nhiều hơn và đã vượt qua con số 12 tiểu đoàn. Công sự của chúng cũng đã xây dựng kiên cố, vững chắc. Làm sao để đảm bảo chiến thắng trong trận này? Câu nói của Bác luôn nhắc nhở ông: “Phải thắng không được bại vì bại là hết vốn”.
Vì vậy, đêm 24, Đại tướng thức trắng đêm. Tình hình mới cho thấy khả năng chiến thắng với phương án chiến đấu cũ là không thể! Trong hồi ký, ông từng viết: “Ba khó khăn hiện lên rất rõ. Thứ nhất: Bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Thứ hai: Trận này đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào. Thứ ba: Bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng… Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục”.
Thấy rõ khó khăn trong chiến đấu, song, thay đổi phương án đã được cả tập thể thông qua không phải là đơn giản! Hơn nữa, hàng vạn bộ đội trong cả tháng qua đã tốn bao công sức để chuẩn bị chiến dịch, có nhiều chiến sĩ hy sinh trong khi kéo pháo vào. Đó là một khó khăn nữa đối với tâm lý vị tướng. Tuy nhiên, để đảm bảo chiến thắng và không hy sinh máu xương chiến sĩ vô ích, Đại tướng quyết định hoãn trận đánh dù phải đối mặt với khó khăn rất lớn là làm sao thuyết phục được Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Sáng 25, Đại tướng đến gặp tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc để thông báo ý định hoãn trận đánh lại. Trong các cuộc họp Đảng ủy mặt trận được tổ chức, Đại tướng trình bày những suy nghĩ của mình, nhiều sĩ quan bày tỏ những lo ngại. Đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị nói: "Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?”. Đồng chí Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Hậu cần cho rằng: “Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn, nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được”. Ý kiến của đồng chí Hoàng Văn Thái: “Anh Văn cân nhắc cũng phải… Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 và pháo cao xạ lần đầu xuất hiện sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi”.
Cuộc họp chưa đi tới được kết luận trong khi thời giờ thì rất gấp rút. Cuối cùng, Đại tướng phải đặt câu hỏi “Tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận đều nói “Làm sao dám đảm bảo như vậy”.
Các buổi thảo luận tiếp theo, Đảng ủy mặt trận dần nhìn nhận là còn nhiều khó khăn trong trận đánh mà ta chưa có biện pháp khắc phục. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu vẫn nối dài dù ngày đã ngả sang chiều.
Nói về kế hoạch này, trong hồi kí của mình, tướng Henri Navarre khẳng định: “Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng 25-1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lí do kiến ông tạm ngưng tiến công”. Và trong Hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.
Đánh giá về quyết định lịch sử này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên từng nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Đại tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”.
Quyết lược lịch sử “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã làm nên Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình “Giáp, một sự đánh giá” năm 1992 đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.
Sau này, trả lời nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel về cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến”.
Sự kiện này được lập lại gần hai thập niên sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Năm 1972, trong chiến thắng vang đội của quân đội Việt Nam trước cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của quân đội Mỹ vào Hà Nội, được ví như một trận “Điện Biên Phủ trên không”, Đại tướng đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Chiến thắng của dân tộc Việt Nam trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri, rút quân khỏi Việt Nam, để quân, dân ta xốc tới “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong những ngày Tháng 4 lịch sử, khi cả dân tộc hướng tới Tổng tiến công và nổi dậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện lịch sử đến các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sáng 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Bức điện vừa là mệnh lệnh tấn công, vừa cổ vũ tinh thần toàn quân, toàn dân “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975, thu non sông về một mối.
Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, tướng Giáp Khẳng định: “Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam”, “Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay “Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi”. Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, Đại tướng trả lời: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Khi nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”. Đó cũng chính là kết tinh Truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm của dân tộc. Truyền thống thao lược và nhân văn được Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát huy lên tầm cao mới trên nền tảng tinh hoa văn hoá nhân loại và tỏa sáng trong những trang sử vàng của quân và dân Việt Nam ở thế kỷ XX.
Đánh giá về tài “cầm quân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1993 đã viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Tài “cầm quân” cùng với “quyết lược lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ mở đường chiến thắng, đưa đoàn quân anh dũng trở về giải phóng Thủ đô cách đây 59 năm, tiếp thêm sức mạnh để quân và dân Thủ đô làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972… mà mãi mãi là tài sản vô giá, tiếp tục được kế thừa và phát huy sáng tạo trong quá trình xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đồng thời là “bệ phóng” vững chắc để Đảng ta đề ra quyết lược, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Phạm Thị Nhung, Lê Văn Tuyến
Học viện Chính trị