Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968- Một mốc son có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn

Lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng như ở Việt Nam, theo nghệ thuật “truyền thống” thì giai đoạn kết thúc chiến tranh, thông thường một trong các bên tham chiến thực hiện đòn đánh tiêu diệt chiến dịch lớn hoặc đánh tiêu diệt chiến lược lực lượng quân sự, chính trị đối phương, buộc chúng phải chịu thua. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 được ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta như là một mốc son tiêu biểu, một bước ngoặt quyết định - đòn tấn công chiến lược, bất ngờ với quy mô lớn vào sào huyệt của đối phương ở các thành phố, thị xã lớn trên toàn miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri năm 1968.

Vào đầu năm 1965, sau thất bại của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân Mỹ và quân đội một số nước “đồng minh” của Mỹ (Nam Triều Tiên, Ô-xtrây-li-a, Niu-di-lân, Thái Lan, Phi-lip-pin…) cùng một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại, đô la… ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, thời điểm cao nhất là nửa triệu quân Mỹ trực tiếp tham chiến, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam; dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Giới cầm quyền Mỹ từng hò hét “đánh gãy xương sống Việt cộng” ở miền Nam, “đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17 của Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ. Chính quyền Giôn-xơn chủ trương đưa quân Mỹ vào nhanh và rút ra nhanh, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam!

Song, sau ba năm trực tiếp tham chiến, quân đội Mỹ tuy ngăn chặn được sự sụp đổ Việt Nam cộng hòa nhưng không thể bình định được miền Nam Việt Nam. Trái lại, nước Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh “tiến thoái lưỡng nan” ở Việt Nam và chưa biết bao giờ kết thúc. Vì vậy, chính phủ Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự để thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Cuối 1967, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 quân và 68.800 quân của các nước phụ thuộc Mỹ. Và, nếu chi phí cho cuộc chiến tranh Việt Nam 1965-1966 là 4,7 tỉ đô-la, thì năm 1967 đã tăng lên 30 tỉ, gấp 1,5 lần Mỹ đã chi cho cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chi phí này đã ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái, thâm hụt ngân sách 4 tỉ đôla, giá cả tăng vọt, lạm phát không kiểm soát được. Tại Oasinhtơn, khoảng 40.000 người, có cả những cựu chiến binh Mỹ từng tham tranh ở Việt Nam tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của chính phủ Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ chống chiến tranh lan rộng toàn nước Mỹ đòi chăm lo cuộc sống cho người nghèo và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải lo đối phó với những khó khăn lớn về quân sự, chính trị và tài chính không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trong nước Mỹ (1). Nhiều nghị sĩ ở Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ đã nhận thấy “tương lai không thể lường được của một cuộc chiến tranh hiện đang có tác động làm rã rời ý chí nhân dân  Mỹ (2).

Nắm được điểm yếu của Mỹ là quân đội của họ đã bị sa lầy không thể rút quân về nước, đồng thời dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và  phong trào phản chiến ngày càng lên mạnh khi quân đội tham chiến quá lâu tại nước ngoài, Bộ Chính trị đã hoạch định một trận đánh nhằm gây tiếng vang lớn “Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị”, tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc  Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.

Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chủ trương:“Nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, buộc Mỹ phải thua” “phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn  (3). Vì vậy, Cục Tác chiến  Bộ Tổng tham mưu đã bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị và chỉ thị của Quân uỷ Trung ương. Đồng chí Văn Tiến Dũng -Tổng Tham mưu trưởng gợi ý cho “Tổ kế hoạch”: nên nghĩ đến kế hoạch và cách đánh khác cách đánh “truyền thống” mà lâu nay quân giải phóng vẫn làm, thì mới có thể giành thắng lợi quyết định. Trong khi “Tổ kế hoạch” còn đang suy nghĩ tìm cách đánh mới, thì đồng chí Lê Duẩn, khi trao đổi với Quân uỷ Trung ương về kế hoạch chiến lược năm 1968 đã đề xuất giải pháp đánh thẳng vào sào huyệt địch trong các thành phố, thị xã. Ý kiến của đồng chí Lê Duẩn được Quân uỷ Trung ương và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tán thành và trở thành ý định quyết tâm chiến lược năm 1968: chuyển hướng tiến công chiến lược chủ yếu từ rừng núi, nông thôn vào đô thị - nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Tổng bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam” (4).

Song, so sánh tương quan lực lượng quân giải phóng và quân Mỹ về quân số, vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại thì ta đều thua kém nhiều lần, nên việc đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều gần như không thể thực hiện được. Bộ Chính trị chủ trương: “Phải tìm cách đánh mới khác cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến trang xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam” (5).

Từ nhận định trên và thực tiễn diễn ra trên chiến trường, chiến lược dần dần hình thành, từng bước trở thành quyết sách: Tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố và thị xã. Đây chính là cơ sở, nền tảng vững chắc để Hội nghị lần thứ 14 BCHTW (khoá III) quyết định: chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định (6). Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh vào thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân uỷ Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Cụ thể là: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng và các thành phố lớn. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, quân Giải phóng sẽ nổ súng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh để buộc Mỹ phải chú ý tập trung điều lực lượng chủ lực ra phía bắc đối phó, tạo điều kiện để giữ bí mật hướng trọng điểm và tiếp tục chuẩn bị (7).

Quán triệt phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào chiến trường trọng điểm  Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, trước đó 10 ngày, hai sư đoàn của ta đánh nghi binh, nhằm “đánh lạc hướng” đối phương bằng cuộc tấn công vào căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh, gây sự chú ý của Mỹ, làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ tập trung tâm trí và binh lực lên miền núi Quảng Trị để tránh một trận Điện Biên Phủ mới, sau đó quân ta sẽ tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố, tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tấn công của ta vào căn cứ Khe Sanh được giới chuyên môn Mỹ đánh giá như tấn công vào Oasinhtơn - gây chấn động cả nước Mỹ. Mỹ, nguỵ bị thu hút vào Khe Sanh, bất ngờ, đêm ngày 30 rạng ngày 31-1-1968 (Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định và Huế, Đà Nẵng, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, tập trung đánh vào nội thành và cơ quan đầu não: Dinh Độc lập, toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của Mỹ ngụy… Bất ngờ về mục tiêu và thời điểm tiến công, Mỹ, nguỵ đã “trở tay không kịp”, sĩ quan và binh lính đã không hề lường trước sự kiện quân giải phóng tấn công vào tận sào huyệt của chúng (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang về quê nghỉ Tết Nguyên đán) cũng hoàn toàn bất ngờ, đã vội vàng trở về Sài Gòn để chỉ đạo cuộc chiến. Cùng với cuộc tiến công đồng loạt vào các thành phố, thị xã, trên địa bàn nông thôn, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân ta đã nổi dậy giành quyền làm chủ, đập tan bộ máy chính quyền của địch ở nhiều nơi. Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trên một không gian rộng lớn ở cả ba vùng chiến lược, nông thôn - đồng bằng, đô thị và miền núi đã phát huy cao độ ưu thế và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân với quyết tâm sắt đá, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không sợ hy sinh, gian khổ với nghị lực phi thường đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang của ta đã khắc phục mọi khó khăn, đặc biệt là những khó khăn về sự gấp rút về thời gian chuẩn bị, về yêu cầu bảo đảm bí mật, đã thực hiện tốt việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, những cách đánh có hiệu suất cao, phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá huỷ nhiều cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, những hành động quên mình trong chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các mặt trận, các chiến trường thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết tâm giành thắng lợi của quân dân ta. Sau gần hai tháng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã làm tan rã 150.000 địch, phá huỷ khoảng 34% vật tư và phương tiện chiến tranh của quân Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn, đưa chiến tranh cách mạng vào trung tâm đầu não kẻ thù, làm rối loạn hậu phương địch.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân không chỉ gây bất ngờ lớn cho Mỹ mà còn làm cho dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao không chỉ làm căng thẳng trong xã hội Mỹ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được quân đối phương, và trong tương lai chiến tranh không biết đến bao giờ kết thúc! Điều này đưa đến kết luận là Mỹ không thể thắng được trong cuộc chiến ở Việt Nam. Các chính trị gia trong Quôc hội Mỹ gây sức ép lên chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi huỷ bỏ uỷ quyền cho chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng. Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và sự tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh và rút quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác, các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên tivi đánh vào lương tâm công chúng. Họ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Họ coi chiến tranh là bẩn thỉu. Ngay các nhà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ cũng chia rẽ trong quan điểm sẽ làm gì tiếp theo. Với sức ép của Tết Mậu Thân, cùng với việc thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Mỹ còn cách chức William Westmosreland - Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đưa Abram lên thay. Ngày 31-1-1968, Tổng thống Giôn-Sơn tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy chiến trường và từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ tới. Trong hồi ký, ông viết: Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”,“cố gắng của đối phương đã gây ra một hậu quả tác động xấu đến một số người trong và ngoài Chính phủ”, nhân dân Mỹ và một số nhân vật trong chính quyền bắt đầu nghĩ rằng chúng ta đã thất bại”. Thắng lợi này đã góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho “quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi”(8).

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi quan trọng, đánh bại cố gắng lớn về quân sự của Mỹ, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri (1968-1973): Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh... (9), mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” trên thực tế. Từ đây, sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Sau “Đồng khởi” năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968 làm rung chuyển nước Mỹ là một trong những mốc son lịch sử, sự kiện mở đầu cho chuỗi thắng lợi liên tiếp của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc chiến đấu đập tan trận tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng đã lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh kiểu mới của Mỹ, buộc chúng phải ký vào Hiệp định Pa-ri năm 1973, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tết Mậu Thân 1968 không chỉ là đòn quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán mà còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân vào mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phạm Thị Nhung

Trường sĩ quan Lục quân 2

-----------------------------------

1. Lịch sử quân sự Việt Nam, t.11, Nxb CTQG, H. 2005, tr.205-207. 2. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, t.2, Việt Nam thông tấn xã phát hành, H.1971, tr.126. 3. Sđd. 4. Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000. 5. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, t.5: Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Nxb CTQG, H.2001, tr. 45. 6. Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. 7. Http://vov.vn/Home/Phan-II-Cuoc-tien-cong-va-noi-day-Tet-Mau-Than-1968/200081/77799.vov. 8. Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr.172. 9. Kết luận của Bộ Chính trị họp ngày 23-4-1994, số 215 - BBK/BCT.

Phản hồi (1)

Nguyễn hoà Việt 10/02/2013

Việt Nam thường giành nhiều chiến công lớn vào những ngày Tết Nguyên đán. Đó đã trở thành truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại sau này. Bài viết của bạn quện với hơi thở của mùa xuân làm lòng người thêm phấn chấn để nghĩ về quá khứ hào hùng, vượt qua khó khăn trước mắt, cùng Đảng đưa đất nước ta ngày càng hùng cường để không phụ lòng những người đã hy sinh cho đất nước ta hôm nay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất