Để phong trào thi đua phát triển...
Các đơn vị nhận Cờ thi đua năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương.

Kết quả

Ngày 21-5-2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước nói chung và công tác thi đua, khen thưởng trong khối đảng, đoàn thể nói riêng đã có bước chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt nội dung Chỉ thị, đổi mới nội dung, tiêu chí và hình thức thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị.

Trong các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được các cấp, các ngành và Nhà nước khen thưởng kịp thời, có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập, nhân điển hình trong cả nước. Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp, trong đó có hội đồng thi đua, khen thưởng các ban đảng được kiện toàn. Đồng thời, hệ thống các văn bản về thi đua được sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị (khóa X) phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua đã gắn với việc triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, từ năm 2005 đến năm 2009 Ban Tổ chức Trung ương phát động thi đua và tổng kết đánh giá, khen thưởng hằng năm đối với tập thể và cá nhân công tác tại ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương với các hình thức như tặng cờ, bằng khen cho tập thể; bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng đảng. Từ năm 2009 đến 2011 mở rộng đối tượng là vụ (ban) tổ chức cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Tổ chức thi đua theo cụm, khối. Các tiêu chí đánh giá kết quả và bình xét xếp loại thi đua theo Quy định số 13-QĐ/BTCTW và Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW, ngày 21-9-2009 của Ban Tổ chức Trung ương.

Nhìn chung, công tác thi đua khen thưởng những năm gần đây ở khối đảng, đoàn thể đã từng bước đi vào nền nếp và bước đầu có tác dụng tích cực. Nội dung thi đua trong thời kỳ mới được thể chế hóa, kịp thời động viên cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tự giác thi đua vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hạn chế

1. Nội dung, tiêu chí thi đua trong các tổ chức đảng, đoàn thể còn nghèo nàn, cứng nhắc, đôi khi mang tính mệnh lệnh. Phong trào thi đua yêu nước chưa trở thành hành động tự giác đối với từng người và mỗi tập thể.

2. Có lúc, có nơi thi đua nặng về hình thức và ít hiệu quả thiết thực. Ở một số ngành, địa phương, phong trào tuy được phát động nhưng chưa được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều nơi có biểu hiện khen thưởng bình quân, thiếu kiểm tra và uốn nắn những sai sót. Nhiều tập thể cá nhân chưa coi công tác thi đua là động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ.

3. Khen thưởng chưa bám sát các phong trào thi đua, chậm đổi mới về đối tượng, hình thức khen thưởng. Chính sách khen thưởng hiện hành chưa bao quát hết các đối tượng, loại thành tích... dẫn đến khen thưởng thiếu công bằng. Hình thức khen thưởng nghèo nàn, nặng về thực hiện các chỉ tiêu, giảm tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Chủ yếu khen thưởng theo quá trình cống hiến của các tập thể, cá nhân, vào các dịp kỷ niệm, ngày thành lập ngành. Tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất có thành tích xuất sắc đột xuất chưa được khen thưởng kịp thời. Do đó, ít tác động khuyến khích tinh thần, ý chí thi đua mới, kích thích sáng tạo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

4. Quy trình khen thưởng nặng về thủ tục hành chính và cơ chế xin - cho. Nơi nào đề nghị nhiều thì được khen thưởng nhiều, không tự đề nghị thì ít được khen thưởng. Đánh giá thành tích khen thưởng chưa thật sự dựa vào những tiêu chuẩn, quy định, trong nhiều trường hợp còn cảm tính. Nhiều nơi thực hiện khen nhiều lần, nhiều năm cho một cá nhân, tập thể mà chưa xem xét kỹ sự đóng góp, thành tích của các cá nhân, tập thể khác. Có hiện tượng “chạy” huân chương làm giảm ý nghĩa thi đua, khen thưởng.

5. Các tiêu chí thi đua không được lượng hóa, nặng định tính, ít tiêu chí định lượng nên khó đánh giá thành tích chính xác dẫn đến bình quân, không động viên khuyến khích kịp thời những người có thành tích thực sự .

6. Phong tặng các danh hiệu còn nhiều bất cập, một số trường hợp sau khi trao các danh hiệu, đặc biệt là những danh hiệu Anh hùng Lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh... dư luận có nhiều ý kiến gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thi đua khen thưởng.

Vì sao?

Những hạn chế trên có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo các cấp về vai trò, vị trí công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới chưa đúng mức. Có một số ý kiến cho rằng: trong cơ chế hiện nay không cần thi đua mà chỉ cần thưởng. Chưa gắn thi đua với khen thưởng: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái”, chưa coi khen thưởng là công cụ, là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội và góp phần hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Chưa coi trọng công tác tuyên truyền, sức mạnh của các tổ chức đoàn thể trong thi đua, khen thưởng.

Trong Đảng có thời gian dài xao nhãng thi đua, khen thưởng do nhận thức chưa đúng, khen thưởng là chủ yếu, coi nhẹ thi đua. Bộ máy tham mưu, giúp việc cho các cấp ủy đảng về công tác thi đua khen thưởng thay đổi, thu hẹp hay mở rộng thiếu cơ sở khoa học, nặng cảm tính, nhiệm vụ chức năng không rõ ràng. Thủ trưởng cơ quan coi thi đua là nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn mà chưa coi đó là nhiệm vụ của người đứng đầu. Cán bộ làm công tác này ở các cấp thường không chuyên sâu, chưa am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng và Luật Thi đua, khen thưởng. Nhiều cơ quan, đơn vị không có cán bộ theo dõi thi đua thường xuyên.

Xây dựng các tiêu chí, biểu điểm thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bám sát yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Hệ thống văn bản pháp quy chưa được bổ sung kịp thời, thiếu tính hệ thống, đồng bộ. Công tác tổng kết đánh giá, xếp loại chưa bám sát các tiêu chí, biểu điểm, đánh giá chung chung, có biểu hiện nể nang, chủ yếu khen thưởng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa động viên kịp thời công chức, viên chức.

Giải pháp

Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Để phong trào thi đua phát triển rộng rãi, mạnh mẽ, liên tục, thu được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm thi đua diễn ra thường xuyên, liên tục. Kết quả công tác thi đua được đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm.

Cán bộ lãnh đạo các cấp tích cực chỉ đạo đổi mới công tác thi đua.

Thường xuyên theo dõi kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời qua từng đợt, từng quý thi đua để cuối năm có đánh giá, kết luận chính xác làm cơ sở cho các đợt phát động tiếp theo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục.

Làm chuyển biến nhận thức toàn xã hội, trước hết trong các cấp ủy đảng và mỗi đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các đoàn thể nhân dân về tầm quan trọng của thi đua yêu nước. Thi đua phải trở thành hành động tự giác ở mỗi tổ chức đảng và mỗi đảng viên, coi đó là đòn bẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình.

Bác Hồ thường nhắc: Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Mọi người dân và mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải ý thức mỗi việc làm tốt hằng ngày đều là hành động thi đua yêu nước.

Đổi mới nội dung công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình và sát thực tiễn mỗi TCCSĐ và đội ngũ đảng viên.

Mục tiêu của phong trào thi đua trong giai đoạn mới là: Khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân, nhằm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; giáo dục và rèn luyện con người mới có ý chí phấn đấu vươn lên trong lao động, học tập và công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. Từ mục tiêu chung, mỗi TCCSĐ và đảng viên căn cứ vào nhiệm vụ được giao xác định nội dung thi đua của mình để phấn đấu thực hiện.

Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị và nhằm giải quyết mọi nhiệm vụ nhất là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Động lực thi đua của mỗi cá nhân là quyền lợi tinh thần và vật chất gắn với động lực chung của cả nước, cả dân tộc. Hình thức và nội dung thi đua phong phú, đa dạng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới và phải gắn với mối quan tâm và quyền lợi của các tầng lớp xã hội, có tính khả thi cao.

Đổi mới công tác thi đua khen thưởng trước hết là đổi mới nhận thức trong tình hình mới. Đồng thời đổi mới nội dung, hình thức, tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng và đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất