Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng đoàn khảo sát NQTƯ 5 (khóa IX) phát biểu tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Công Bằng

Xin Đồng chí cho biết những kết quả chủ yếu của việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn?

Căn cứ vào 06 nội dung mà Nghị quyết đã đề ra, có thể nêu lên một số kết quả chủ yếu sau:

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng

Các đảng bộ, chi bộ ở cơ sở đã nhận thức và xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhiều cấp ủy đổi mới nội dung, quy trình, cách ra nghị quyết và xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, việc sơ kết, tổng kết thiết thực. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy khắc phục một bước tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò của tổ chức đảng. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tập trung chỉ đạo xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém, biểu dương, khen thưởng đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đảng viên xuất sắc. Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm đã đi vào nền nếp hơn. Các cấp ủy đảng đã thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp của các đoàn thể và đại diện nhân dân ở nơi cư trú.

Sau mỗi kỳ đại hội, các cấp ủy cơ sở bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc, xây dựng, thực hiện chương trình công tác. Nhiều cấp ủy duy trì tốt việc tổ chức hội nghị giao ban định kỳ với các ban, ngành, đoàn thể và các khu dân cư; nội dung, hình thức và chất lượng sinh hoạt chi bộ có chuyển biến, nhất là việc thực hiện chế độ sinh hoạt định kỳ (80% chi bộ bảo đảm sinh hoạt định kỳ và đảng viên dự sinh hoạt đạt khoảng 90%). Số lượng đảng viên kết nạp hằng năm đều tăng; từ năm 2002 đến năm 2011 kết nạp được 1.522.092 đảng viên. Năm 2011 cả nước còn 3.801 thôn, bản, tổ dân phố chưa có chi bộ (giảm 9.635 thôn, bản, so với năm 2002).

Đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở

Hầu hết HĐND các xã, phường, thị trấn đều đảm bảo họp định kỳ 2 lần/năm và chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Nhiều nơi đã tổ chức được các cuộc giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm; tiến hành thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND, báo cáo thẩm tra tại kỳ họp của HĐND. Kết quả đánh giá hoạt động của HĐND năm 2011 so với năm 2002: 47,8% đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tăng 8,3%); 42,4% hoàn thành tốt nhiệm vụ (giảm 3,3%); 9,6% hoàn thành nhiệm vụ (giảm 3,7%) và 0,3% chưa hoàn thành nhiệm vụ (giảm 0,6%).

Hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn phát huy hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo pháp luật có nhiều tiến bộ. Hầu hết UBND các xã, phường, thị trấn đã ban hành quy chế làm việc. Phong cách, ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt chuyển biến theo hướng sát dân, có trách nhiệm, từng bước khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà nhân dân. Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt tỷ lệ 80% số vụ việc mỗi năm. Việc thực hiện pháp lệnh, quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại kết quả tốt. 5 năm trở lại đây, thanh tra nhân dân các địa phương đã kiến nghị với chính quyền giải quyết được 76.766 đơn khiếu nại (80,2%) và 8.290 đơn tố cáo (63,9%); khoảng 95% thôn, bản xây dựng được quy ước, hương ước; nhiều tỉnh, thành phố có 100% số xã, phường, thị trấn đã bầu ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Đổi mới công tác của mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể

MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã xây dựng được quy chế hoạt động, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Ở nhiều cơ sở, MTTQ đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa... Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố. Những cán bộ có tỷ lệ phiếu dưới 50% đều được MTTQ có văn bản kiến nghị với cấp ủy đảng, HĐND xem xét, quyết định. Kết quả đánh giá các đoàn thể vững mạnh năm 2011 so với năm 2002 tăng từ 12 đến 15%. Gần 70% số vụ việc xảy ra ở cơ sở đã được tổ chức hòa giải thành công, góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giảm đáng kể “điểm nóng” và tình trạng đơn thư vượt cấp.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở

Cuối năm 2011, cả nước có 222.735 cán bộ, công chức cơ sở (tăng 28.377 so với năm 2002), bình quân 20 người/đơn vị cấp xã. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cấp ủy quan tâm, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên. Nhiều tỉnh, thành ủy đã luân chuyển, tăng cường cán bộ cấp trên về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND để thay thế cán bộ hạn chế về trình độ, năng lực hoặc đưa cán bộ chủ chốt đi luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở quy hoạch, các cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Một số địa phương có chính sách thu hút cán bộ trẻ, tiếp nhận những sinh viên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về công tác. Các tỉnh biên giới thực hiện tăng cường cán bộ, sỹ quan bộ đội biên phòng về cơ sở, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở các xã biên giới, vùng khó khăn.

Đổi mới sự chỉ đạo của cấp trên

Nhiều tỉnh (Thanh Hóa, Đắc Nông, Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai, Trà Vinh...) phân công, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đóng trên địa bàn kết nghĩa, đỡ đầu một xã, bản có nhiều khó khăn. Nhiều huyện ủy, quận ủy đã phân công các đồng chí ủy viên thường vụ, ủy viên ban chấp hành phụ trách, theo dõi địa bàn cơ sở; ban hành quy định chế độ đi cơ sở; thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ theo cụm, xã, phường, thị trấn để nắm tình hình và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Nhiều cấp ủy huyện đã giảm bớt các cuộc họp, tăng cường kiểm tra giám sát và trực tiếp đối thoại với nhân dân. Chú trọng chỉ đạo điểm, coi trọng sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

Có được những chuyển biến tiến bộ trên nguyên nhân do đâu, thưa Đồng chí?

Nghị quyết của Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn là chủ trương đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cơ sở. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong tổ chức thực hiện. Sau khi có Nghị quyết, việc thể chế, cụ thể hóa các nội dung được các cơ quan Trung ương triển khai tích cực, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ở các cấp. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) được gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và các chủ trương, chính sách khác của Đảng, Nhà nước. Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ngày một nâng lên. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc từng bước được cải thiện.

Còn hạn chế, tồn tại, thưa Đồng chí?

Một số cấp ủy cấp trên chưa thực sự quan tâm và chưa có biện pháp chỉ đạo sát thực. Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết nhiều nơi còn thiếu cụ thể. Mục tiêu của Nghị quyết đến hết năm 2005 có khoảng 70-80% số cán bộ chuyên trách đạt chuẩn và khoảng 80% số công chức có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, nhưng đến nay số cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở quan liêu, cửa quyền, xa dân. Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể nhân dân còn hạn chế. Chưa thực hiện được việc bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã tự phê bình trước đại diện của nhân dân. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ nhiều nơi còn yếu, lúng túng, bị động. Nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu, đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm chưa phản ánh đúng thực chất. Công tác phát triển đảng viên trong các thành phần kinh tế và ở địa bàn dân cư còn ít. Tinh thần tự phê bình và phê bình yếu...

Hoạt động của HĐND ở cấp xã nhìn chung còn hình thưc, hiệu quả thấp. Chất lượng các nghị quyết của HĐND chưa cao, công tác chuẩn bị kỳ họp còn phụ thuộc rất nhiều vào UBND xã. Việc quản lý, điều hành của chính quyền còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm Luật Đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chậm được giải quyết dứt điểm... Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân chưa thật sự đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Theo Đồng chí, nguyên nhân hạn chế là do đâu?

Trong tình hình mới, nhiều vấn đề mới và khó đặt ra trong công tác xây dựng đảng nói chung, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng, nhưng việc nghiên cứu, cụ thể hóa và hướng dẫn của các cơ quan cấp trên còn chậm. Sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số văn bản, hướng dẫn chưa sát thực tế. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên thiếu sâu sát, cá biệt có nơi cán bộ cấp trên còn bao che, dung túng cho những tiêu cực của cơ sở. Cán bộ, công chức chuyên trách và cán bộ không chuyên trách ở cơ sở đông nhưng không mạnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm. Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở còn bất cập. Cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thông liên lạc, phương tiện làm việc của nhiều cơ sở còn khó khăn, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều thôn, tổ dân phố không có nơi để sinh hoạt chi bộ, họp dân, tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Kinh phí hoạt động còn khó khăn.

Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc Tạp chí về những kinh nghiệm qua chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết?

Một là, các cấp ủy đảng phải nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của cơ sở và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đổi mới hình thức, nội dung giáo dục chính trị, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Các cấp uỷ cấp trên thường xuyên chỉ đạo sâu sát xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

Hai là, các nội dung của Nghị quyết phải sớm được thể chế hóa thành các quy định, quy chế, chính sách một cách đồng bộ. Các cấp ủy phải cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bám sát yêu cầu, nội dung Nghị quyết đề ra. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Trung ương; coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

Ba là, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người có nhiều khó khăn. Cán bộ, đảng viên gương mẫu, nói đi đôi với làm. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải thực sự gần dân, sát dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Bốn là, mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Có cơ chế để nhân dân tham gia, giám sát các hoạt động của TCCSĐ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân một cách thiết thực; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là ở những nơi có đông đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc ít người. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và làm rõ mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày, trở thành “điểm nóng”.

Năm là, đối với những cơ sở yếu kém, phức tạp, có biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân và có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo hoặc có diễn biến phức tạp về chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến để đánh giá đúng tình hình. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kết luận rõ đúng, sai và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm và có giải pháp cụ thể, thiết thực để sửa chữa, khắc phục, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong các TCCSĐ và cộng đồng dân cư.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất