Lãnh đạo phòng, chống dịch Covid-19 nhìn từ tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (tiếp theo và hết)
Bài 3: Kiên quyết xử lý cán bộ yếu kém

Dịch bùng phát nhanh, mạnh, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn... Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai phòng, chống dịch Covid-19 ở Bắc Ninh và Bắc Giang đã có không ít cán bộ lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh công việc. Việc xử lý những cán bộ ấy một cách nghiêm khắc, khách quan, công tâm và kịp thời đã giúp cho công tác lãnh đạo phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Không sợ mất thành tích
Ở tỉnh Bắc Ninh, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhiều huyện ủy đã xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xử lý nghiêm khắc, mang tính thời sự cao, công bằng, nghiêm minh, khách quan đã mang lại hiệu ứng tốt. Nhiều đảng viên và nhân dân đã đồng tình ủng hộ với cách xử lý này và cho rằng, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ thực sự là dịp để rèn luyện, thử thách và đào thải cán bộ lãnh đạo yếu kém, cơ hội.

Sáng 25-6, khi công tác phòng, chống dịch của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã cơ bản hoàn tất thì Huyện ủy Thuận Thành họp, đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng đối với một số cá nhân, tập thể có biểu hiện lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, tổ chức công tác phòng, chống dịch Covid-19, để xảy ra các hiện tượng có nguy cơ cao dẫn đến lây lan F0 trong cộng đồng.   


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Thuận Thành (Bắc Ninh) trao đổi với phóng viên.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, từ ngày 6-5, khi phát hiện 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 cho đến ngày 20-6, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp nhiều lần đưa ra kết luận xử lý kỷ luật: Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thuận Thành tiến hành ra các quyết định: Khiển trách đối với Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức Dương Văn Thắng; Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Đặng Thái Dũng. Thường vụ Huyện ủy ra quyết định: Cảnh cáo Bí thư Đảng ủy xã An Bình Đỗ Trọng Dân; Ban Thường vụ Đảng ủy xã An Bình; khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nguyệt Đức; cảnh cáo cách chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Thị Thi; cách chức đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Viết Nghĩa; phê bình Đảng ủy xã Đại Đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ví dụ như trường hợp cán bộ ở xã Nguyệt Đức. Trong thời gian dịch bùng phát mạnh, trong khi các địa phương của huyện Thuận Thành tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch nhưng đội ngũ cán bộ chủ trì ở xã Nguyệt Đức đã không có các biện pháp mạnh để ngăn chặn hiện tượng tập trung đông người, vẫn tổ chức ăn uống trong một đám tang ở thôn Đào Viên. Hậu quả là đã phát hiện 1 chùm ca bệnh trong cộng đồng ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành. Sau khi phong tỏa và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 1.300 người thì có 17 trường hợp dương tính. Bà Nguyễn Thị Bền, người dân ở xã Nguyệt Đức cho rằng, đa phần nhân dân chấp hành rất tốt quy định phòng, chống dịch nhưng cũng có những gia đình chưa nhận thức đúng. Họ tổ chức đám tang, phúng viếng nhưng vẫn tổ chức ăn uống như thời gian chưa có dịch nhưng cán bộ xã, thôn đã không kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở. Cán bộ không làm, không tuyên truyền, không gương mẫu vận động thì người dân không thực hiện dẫn đến dịch lây lan ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Bình luận về những quyết định kỷ luật này, Bí thư Huyện ủy Thuận Thành khẳng định: Việc xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân thời gian qua không phải ngẫu nhiên. Trong các chỉ thị và quyết định, Thường vụ Huyện ủy luôn quán triệt tinh thần rõ vai, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Thế nên, những tổ chức, cá nhân không làm việc trách nhiệm và hiệu quả, thậm chí gây hậu quả xấu trong phòng, chống dịch đều bị xử lý. Việc xử lý ấy là cần thiết cho dù thành tích của địa phương có thể bị ảnh hưởng.    

Kiểm tra tận nơi, khắc phục kịp thời, triệt để
Tương tự như ở tỉnh Bắc Ninh, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã ký nhiều văn bản phê bình, xử lý tập thể, cá nhân cán bộ lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ. Gần đây nhất là vào ngày  6-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND huyện Tân Yên và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tân Yên vì đã không nghiêm túc, kịp thời thực hiện công tác phòng, chống dịch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; giao Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang ban hành quyết định đình chỉ công tác đối với bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, bố trí người tạm thời phụ trách hoặc điều hành Trung tâm Y tế huyện Tân Yên. Tiếp đó, ngày 7-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 1390/QĐ-UBND về việc tạm dùng điều hành UBND huyện Tân Yên đối với ông Nguyễn Việt Toàn, Chủ tịch UBND huyện để tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch từ 9 giờ ngày 7-7-2021 cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài những nội dung trên, trong tháng 5-2021, khi mà dịch Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phê bình Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đình chỉ công tác 5 ngày đối với Chủ tịch UBND xã Quang Châu (Việt Yên) vì chưa có nhiều biện pháp quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hiệu quả.  

Đánh giá về công tác cán bộ của Tỉnh ủy Bắc Giang thời gian qua, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, với phương châm hành động nhất quán, như: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình”; “không làm đứng sang một bên”, “kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đến tận nơi, khắc phục kịp thời, triệt để”, kiên quyết phê bình, đình chỉ công tác những cán bộ yếu kém nên chất lượng cán bộ trong công tác nâng cao, là bài học căn cốt trong dập dịch Covid-19 thành công.

Người dân xã Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh) đổ ra đường vui mừng đón công bố quyết định gỡ phong tỏa, cách ly.

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”- thực tiễn đã chứng minh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một chân lý trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm cách mạng. Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng của bí thư cấp ủy, chính quyền địa phương vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Thế nên, trong hầu hết các văn bản của các tỉnh ủy, huyện ủy chỉ đạo về công tác này của Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bắc Giang, bao giờ cũng nhắc tới trách nhiệm của bí thư về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Đây là nhiệm vụ có quy mô lớn chưa có trong thực tế, thời gian thực hiện kéo dài và liên quan đến nhiều lực lượng cũng những đòi hỏi rất cao, rất chặt chẽ. Thế nên, để hạn chế tối đa những tổn thất về người, tài sản thì phải truy vết triệt để, khu trú, khoanh vùng, kịp thời khống chế dịch hiệu quả. Muốn làm được điều đó thì đội ngũ cán bộ cần phải đi đầu, gương mẫu, làm đâu được đó; tính cực hiệp đồng, dự đoán các tình huống phát sinh để phối hợp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, từ nhiệm vụ phòng, chống dịch cũng khiến cho nhiều cán bộ bộc lộ rõ bản chất dễ làm khó bỏ, trung bình chủ nghĩa, a dua, thiếu quyết đoán và việc xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm là cần thiết, có ý nghĩa, giúp cho ý thức của nhân dân trong quá trình phòng, chống dịch nâng lên và hiệu quả hơn.

Trong thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp cơ sở là nội dung không đòi hỏi nhiều về trí tuệ mà chủ yếu đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tuyên truyền và vận động quần chúng của đội ngũ cán bộ. Nếu cán bộ thực sự năng động, trách nhiệm thì quần chúng nhân dân sẽ nghe theo. Ngược lại, nếu cán bộ thấy có lợi ích mới làm, sợ trách nhiệm và không quyết đoán, dẫn đến bê trễ công việc thì rất khó có được kết quả. Việc xử lý quyết liệt những cán bộ né trách nhiệm ở các địa phương ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã giúp cho công tác phòng, chống dịch tiến hành đúng ý định, là bài học cảnh báo cho các cán bộ khác.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất