1. Sức nặng của lời hứa
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua gần 69,2 triệu cử tri cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Bằng lá phiếu, họ bầu 499 đại biểu Quốc hội khóa XV từ 886 ứng cử viên; bầu 3.727 đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 6.201 ứng cử viên; bầu 22.953 đại biểu HĐND cấp huyện từ 37.463 ứng cử viên và 246.510 đại biểu HĐND cấp xã từ 405.110 ứng cử viên. Cử tri cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tại 84.767 tổ bầu cử. Theo quy định của Luật Bầu cử, trước khi bầu cử, các ứng cử viên ở tất cả các cấp đã được tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hoạt động của mình và mỗi ứng cử viên đều đưa ra lời hứa quyết tâm thực hiện chương trình hành động.
Chúng ta biết rằng lời hứa rất thiêng liêng, trang trọng khi nhận một trọng trách, một sứ mệnh được nhân dân tin tưởng trao gửi. Người có trách nhiệm, có lòng tự trọng cao, có nhân cách tốt, trước khi đưa ra lời hứa thường cân nhắc rất kỹ: Các điều kiện để thực hiện lời hứa? Làm gì để thực hiện lời hứa?... Họ nhận thức lời hứa là danh dự, là trách nhiệm của mình. Khi đưa ra một lời hứa đồng nghĩa với việc họ nhận lại một niềm tin, hy vọng. Niềm tin ấy sẽ được nhân lên nếu nó được thực hiện trọn vẹn. Ngược lại, một khi niềm tin đã mất thì rất khó tạo dựng lại. Từ nhận thức đó mà họ quyết tâm thực hiện điều mình đã hứa, coi đó là danh dự và trách nhiệm của mình.
Ta còn nhớ, nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hoà Pháp, sau khi giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp. Hiểu rằng lên đường thăm Pháp ở một thời điểm nhạy cảm có thể làm nảy sinh những tư tưởng khác nhau trong nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước". Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ nói rõ quyết tâm kiên quyết bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng lãnh đạo Nhân dân thực hiện bằng được lời hứa quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước, Bắc Nam liền một dải, toàn dân đoàn kết, cùng nhau bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
2. Đã hứa là phải làm
Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội. Việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà còn gây tác hại đối với người khác. Nhớ và thực hiện tốt lời hứa cũng là để hoàn thiện nhân cách của mình. Chữ tín trở thành phạm trù đạo đức trong quan hệ ứng xử. Điều này càng cực kỳ quan trọng đối với những người nắm cương vị lãnh đạo các cấp. Tức là, đã hứa với nhân dân những gì thì phải làm cho kỳ được. Điều đó có nghĩa là người cán bộ không chỉ giữ chữ tín với nhân dân mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp của bản thân trước nhân dân. Không dừng lại ở thực hiện chương trình hành động mà còn phải luôn rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, phấn đấu học tập, nâng cao trình độ… Làm được điều đó, người cán bộ đồng thời tạo ra hình mẫu về tấm gương tận tụy với nhân dân của cán bộ, đảng viên nói chung.
Việc giữ lời hứa yêu cầu nói đi đôi với làm. Lời nói và hành động phải nhất quán, nói sao làm vậy, nói hay thì phải làm hay, thậm chí nói ít làm nhiều, không phải nói xong bỏ đấy hay nói một đàng làm một nẻo…
Còn nhớ trước Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “…Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí; cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội vào cuộc sống, để trong 5 năm tới, đạt được những chỉ tiêu cơ bản quan trọng của một nước công nghiệp”. Thực tế, 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành, có những chỉ tiêu vượt mức đề ra.
Lòng dân là thước đo chính xác nhất, đánh giá của nhân dân là công bằng, khách quan nhất. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã nhận được tình cảm yêu mến, tin cậy của cử tri về phong cách nói đi đôi với làm, lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến với cán bộ, đảng viên các cấp. UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, quận, huyện triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tất cả các hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư. Ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn tồn tại từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng lớn đến bộ mặt đô thị cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, cơ bản đã được giải quyết.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong hệ thống chính trị của ta không hiếm cán bộ ngay khi đưa ra lời hứa đã thể hiện chỉ là một thủ tục.
Chúng ta luôn nhớ rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã phải thực hiện nghiêm túc quyền bãi miễn, quyền cho thôi, quyền không công nhận và quyền đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội với 6 đại biểu (không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường; bãi miễn tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc; đình chỉ tư cách đại biểu ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Quốc Khánh; cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự). Trong đó có những đại biểu đã bị loại ngay từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội, do Ủy ban kiểm tra tư cách đại biểu đề nghị. Và cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Bầu cử đã loại ngay ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương vì không đủ tư cách đại biểu do đã vi phạm những quy định của Đảng.
Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,…” đã nêu rõ, cán bộ phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống “chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
3. Giám sát thực hiện lời hứa
Kiểm tra, giám sát gắn liền với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là hai mặt của một vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho hiệu quả thực thi công vụ của công bộc trước nhân dân. Việc giám sát lời hứa của các ứng cử viên đã trúng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở phát huy quyền làm chủ, giám sát của cử tri, tận dụng triệt để tiện ích công nghệ thông tin.
Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong bối cảnh hiện nay, tinh thần cống hiến vì dân, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường là dòng chủ lưu của đời sống xã hội. Lời hứa là một biểu hiện của văn hóa công bộc, là thuộc tính thể hiện bản ngã của con người. Như vậy, giải quyết những điểm nghẽn trong cam kết và thực hiện chương trình hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát ngay từ các cấp ủy, tổ chức đảng. Lời hứa của cán bộ chính là thể hiện trách nhiệm, quyền hạn của bản thân trước tổ chức, trước nhân dân. Để giữ lời hứa, cán bộ phải căn cứ vào trách nhiệm, thẩm quyền của mình, đưa ra những cam kết phù hợp mới có hiệu lực thực thi. Đây là căn cứ để cán bộ chuẩn mực trong phát ngôn, ngăn ngừa tình trạng “hứa hươu hứa vượn”, ngẫu hứng cá nhân.
Lời hứa đáng được trân trọng, dù là của ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi trao đi một lời hứa đồng nghĩa với việc nhận lại một niềm tin. Thất hứa đồng nghĩa với mất niềm tin. Một khi niềm tin đã mất rất khó tạo dựng lại. Nhân dân tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của những đại biểu của dân. Một khi lời hứa trái với hành động, không còn xứng đáng với niềm tin, tín nhiệm của nhân dân, làm tổn hại đến uy tín của Quốc hội, HĐND, đại biểu đó sẽ bị bãi miễn.
Trần Công Huyền