Cách mạng Tháng Tám1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ ra đời nằm giữa vòng vây của thù trong, giặc ngoài, giữa muôn trùng khó khăn.
Muốn giữ vững chính quyền cách mạng, việc đầu tiên là phải củng cố nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân và quản lý nhà nước bằng pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng và củng cố công tác pháp luật.
Trong vòng 4 tháng sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch đã ký, ban hành 81 sắc lệnh quan trọng, trong đó gần một nửa là những sắc lệnh củng cố hệ thống pháp luật nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc thành lập uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp, lập ra các ban thanh tra, kiểm tra, các cơ quan của Chính phủ để giám sát mọi hoạt động theo pháp luật, xây dựng một nhà nước kiểu mới, nhà nước quản lý bằng pháp luật. Đây là sự thay đổi về chất của cả quá trình phát triển nhà nước ở Việt Nam. Thay đổi bộ máy chính quyền quan liêu, bóc lột cũ bằng một hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam kiểu mới, thay đổi pháp luật thực dân, phong kiến bằng pháp luật của dân, do dân và vì dân là một sự biến đổi cách mạng triệt để, sâu sắc và cũng là cơ sở tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất của toàn dân, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng.
Những sắc lệnh do Bác Hồ ký trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng trước hết là phục vụ nhân dân và quốc gia, thể hiện ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, phản ánh tính chất dân chủ trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... do đó được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng và kiên quyết bảo vệ.
Sắc lệnh số 40 xoá bỏ tất cả các công sở cũ và các cơ quan thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương. Sắc lệnh số 63 về tổ chức UBND các cấp. Tiếp đó là một loạt các sắc lệnh về việc xoá bỏ những chính sách bóc lột, văn hoá, giáo dục đồi truỵ của thực dân phong kiến, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước, khẳng định về mặt pháp luật thắng lợi của chính thể dân chủ nhân dân.
Sắc lệnh số 34 về thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, Sắc lệnh số 39 về thành lập Uỷ ban dự thảo Thể lệ tổng tuyển cử, Sắc lệnh số 46 về tổ chức đoàn luật sư, Sắc lệnh số 53 về quốc tịch Việt Nam… đều thể hiện quyền bình đẳng về chính trị của người dân Việt Nam lần đầu tiên được nói đến và được thực hiện, mặt khác còn là những bản thông điệp cho những ai trong lực lượng đối lập hoặc chưa hiểu, chưa đi theo cách mạng, cho các tổ chức, đoàn thể, nhà nước trên thế giới biết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một chính thể độc lập, có chủ quyền, có hiến pháp và pháp luật, được thể hiện bằng sức mạnh của chế độ mới, có năng lực tập hợp quần chúng, tập hợp các thế lực cách mạng, có đủ khả năng trấn áp những lực lượng đi ngược lại lợi ích cách mạng và lợi ích của nhân dân.
Những sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành trong những ngày đầu cách mạng đã thể hiện được tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người, xoá bỏ hận thù, xoá bỏ sự miệt thị tôn giáo, dân tộc, đảng phái chính trị, tất cả đều bình đẳng trong một môi trường dân chủ, cùng tồn tại, hoà bình để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Mọi người, mọi tầng lớp xã hội nhận thức đúng đắn về chính thể dân chủ nhân dân, nhận thấy quyền lợi của mình được bảo đảm, được tôn trọng, do đó đã tập hợp và liên kết được các lực lượng đông đảo trong xã hội, tạo nên một sức mạnh cộng đồng vô cùng to lớn, bảo đảm thắng lợi của cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
Hơn 100 ngày sau khi giành được chính quyền cách mạng, thời gian so với chiều dài lịch sử của một dân tộc thì thật quá ngắn, nhưng những bản sắc lệnh ra đời trong bối cảnh đó đã vượt quá khuôn khổ chật hẹp của thời gian, đã ghi vào lịch sử của dân tộc như những mốc son rực sáng nhất.
Từ một nước nô lệ mà ở đó luật pháp chỉ là công cụ phục vụ cho chế độ thực dân, phong kiến, người dân chỉ là những đối tượng bị trấn áp, bóc lột, nay với cách mạng Tháng Tám, Việt Nam đã chuyển sang một thể chế mới, người dân trở thành chủ đất nước, có quyền độc lập, tự do xây dựng một xã hội mới công bằng, hạnh phúc, phát triển.
Những sắc lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành trong những ngày đầu cách mạng có giá trị như những tuyên ngôn về luật pháp của một chính thể dân chủ nhân dân, là sự khởi đầu, đặt nền móng cho những bước phát triển mới về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Tinh thần của những sắc lệnh đó vẫn là nền tảng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập kinh tế thế giới, trong sự nghiệp CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.