Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có 5 huyện, 1 thị xã; toàn tỉnh có 141 xã, phường, thị trấn, 2.081 thôn, bản (có 41 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135). Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang có 6 huyện, thị uỷ, 3 đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; 543 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 3.087 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 37.895 đảng viên, trong đó nữ 32,06%, dân tộc ít người 40,12%, là người có đạo 1,07%, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh 13,05%.
Bốn năm trước đây, Tuyên Quang có tình trạng còn nhiều chi bộ sinh hoạt ghép. Trong số 2.656 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở có 159 chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân và 85 chi bộ trường học sinh hoạt ghép. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về phát triển đảng viên và “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép, các huyện, thị, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã xây dựng chương trình hành động, có kế hoạch “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.
Huyện uỷ Na Hang và Yên Sơn ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên, “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép; Huyện uỷ Hàm Yên tổ chức hội nghị bàn giải pháp kết nạp đảng viên ở các chi bộ có số lượng đảng viên ít và “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép. Đa số cấp uỷ cơ sở đã rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, tổ nhân dân, trường học làm cơ sở xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên và “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép hàng năm, cả nhiệm kỳ và tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra. Những thôn có đủ điều kiện thành lập chi bộ thì thành lập chi bộ độc lập. Những thôn không đủ số đảng viên để thành lập chi bộ, đảng uỷ xã chuyển sinh hoạt những đảng viên ở chi bộ thôn gần đó để thành lập chi bộ. Những thôn khó khăn, đảng ủy xã phân công đảng viên liên hệ với trưởng thôn, bản, các chi đoàn, hội ở thôn, bản thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú tạo nguồn kết nạp đảng viên. Nhiều nơi phân công nhiệm vụ cho cấp uỷ viên phụ trách công tác phát triển đảng viên ở các thôn, bản, trường học. Với cách làm này, từ 1-1-2006 đến 30-6-2009, toàn tỉnh đã kết nạp được 6.001 đảng viên; đồng thời “xoá” được 244/244 chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân, trường học sinh hoạt ghép (trong đó chi bộ thôn, bản 153; tổ nhân dân 06; trường học 85), hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân, trường học còn yếu, nhiều chi bộ có số lượng đảng viên ít, có nguy cơ "tái" sinh hoạt ghép do đảng viên đi làm ăn xa. Toàn tỉnh hiện còn 257 chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân có dưới 5 đảng viên, trong đó 101 chi bộ có 3 đảng viên. Số chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên là 416 (chiếm 13,47% so với tổng số chi bộ toàn tỉnh), trong đó 77 chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân trên 10 năm chưa kết nạp được đảng viên.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Một số cấp uỷ cơ sở, bí thư chi bộ chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác kết nạp đảng viên; một số nơi chưa xây dựng được kế hoạch kết nạp đảng viên, chưa tích cực khắc phục khó khăn trong tạo nguồn và bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện quần chúng để kết nạp vào Đảng. Một số tổ chức đoàn thể (nhất là đoàn thanh niên) ở nông thôn hoạt động còn yếu nên chưa tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên vào tổ chức; một số quần chúng chưa xác định đúng đắn mục đích, động cơ phấn đấu vào Đảng hoặc bị ảnh hưởng của phong tục, tập quán, tâm lý xã hội nên mặc dù được kết nạp vào Đảng nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã bị xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
Thời gian tới, Đảng bộ Tuyên Quang xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30-11-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIV) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIV) thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X); Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-7-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 56-NQTU ngày 10-6-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tiếp tục rà soát, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở những chi bộ có ít đảng viên, tuổi đời bình quân của đảng viên cao; trước mắt thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên ở thôn, bản, tổ nhân dân, trường học có ít đảng viên. Phấn đấu giữ vững kết quả về công tác kết nạp đảng viên và “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép một cách bền vững; giảm tỷ lệ số chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân có dưới 5 đảng viên so với tổng số chi bộ, thôn, bản tổ nhân dân từ 12,31% xuống còn 9,5% vào cuối nhiệm kỳ. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng giác ngộ về Đảng, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó phát hiện nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên làm một chỉ tiêu phấn đấu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các TCCSĐ, các chi bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, coi trọng chất lượng đảng viên, tránh chạy theo số lượng. Tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ nhân dân và các đoàn thể; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Qua thực hiện công tác phát triển đảng viên, “xoá” chi bộ sinh hoạt ghép tại Tuyên Quang, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, phải tạo được sự thống nhất trong cấp uỷ các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, tổ nhân dân, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có đạo, còn ít đảng viên.
Hai là, cấp uỷ các cấp cần tích cực chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên, cụ thể hoá bằng nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể và các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương, đơn vị.
Ba là, các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ các cấp cần chủ động hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đảng thực hiện công tác phát triển đảng viên.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở để vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn những nhân tố mới, quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng.
Thanh Xuân
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Tuyên Quang