Sứ mệnh lịch sử, truyền thống vẻ vang

Với tinh thần đem sức ta mà giải phóng cho ta, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Ðảng cách mệnh, Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực xúc tiến chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính, trang bị cho Ðảng lý luận cách mạng tiên tiến để Ðảng có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ 20 đòi hỏi phải có một Ðảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng. Tháng 3-1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kỳ đã thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Ðông Dương cộng sản đảng được thành lập ngày 17-6-1929. Tháng 8-1929, An Nam cộng sản đảng thành lập. Tháng 9-1929, những đại biểu cấp tiến của Tân Việt thành lập Ðông Dương cộng sản liên đoàn.

Với tầm nhìn xa trông rộng, sự nhạy bén chính trị đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Ðảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Bằng uy tín và kinh nghiệm cách mạng của mình, với sự phân tích sâu sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã đem lại sự đoàn kết nhất trí cho những người cộng sản Việt Nam, hướng mọi chiến sĩ cách mạng về một mục tiêu chung.

Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Ðảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị hợp nhất thông qua tuy vắn tắt song đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam. Ðó là lời tuyên bố về sự lựa chọn con đường cách mạng của Ðảng khi mới ra đời. Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ, tiến lên xã hội cộng sản.

Ðược Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một Ðảng cách mạng chân chính, lãnh đạo nhân dân Việt Nam hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đưa đất nước tiến lên con đường xây dựng CNXH. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, Ðại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bắt đầu từ Ðại hội VI của Ðảng (1986). Ðó là những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đó đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, từ việc xây dựng Ðảng xứng đáng là người lãnh đạo nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để đi tới CNXH.

Trong xây dựng Ðảng từ khi chưa giành được chính quyền đến khi trở thành Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã vận dụng sáng tạo những quan điểm của Mác, Lê-nin về Ðảng cộng sản, cũng như những kinh nghiệm của các Ðảng cộng sản khác về xây dựng Ðảng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Ðiều đó thể hiện trong việc lấy tên Ðảng là Ðảng Cộng sản Việt Nam ngay khi thành lập, trong việc xác định Ðảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Ðiều ấy còn được thể hiện trong những quyết định táo bạo như Ðảng tuyên bố tự giải tán (thực chất là rút vào bí mật) tháng 11-1945 - khi Ðảng vừa trở thành Ðảng cầm quyền, trong việc đổi tên Ðảng thành Ðảng Lao động Việt Nam và xác định: Ðảng là Ðảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, khi Ðảng trở lại hoạt động công khai năm 1951.

Cùng với những nội dung trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ ra những nguy cơ bên trong đối với một Ðảng cầm quyền ngay trong năm đầu tiên của chính quyền cách mạng cũng như trong những giai đoạn cách mạng sau, nêu rõ các nguyên tắc xây dựng Ðảng, các mặt của công tác xây dựng Ðảng và các quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng nhằm xây dựng Ðảng một cách toàn diện... Người đã làm phong phú thêm lý luận về Ðảng và về xây dựng Ðảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Qua gần 25 năm đổi mới, nhận thức của Ðảng về xây dựng Ðảng đã được bổ sung nhiều luận điểm mới quan trọng. Ðó là: Ðảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; Ðảng phải lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội; Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng, v.v.

Lý luận chỉ có thể giữ được tính tiên phong khi nó không ngừng được bổ sung, phát triển bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động. Có như vậy lý luận mới đóng được vai trò đi trước, mở đường cho thực tiễn phát triển. Tinh thần đó đã được Mác, Ăng-ghen nói rõ: Học thuyết của các ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Lê-nin lại đòi hỏi những người cộng sản phải phát triển chủ nghĩa Mác về mọi mặt nếu không muốn lạc hậu với cuộc sống. Tinh thần đó cũng đã được Hồ Chí Minh đặt ra: Lý luận phải phát triển cùng với cuộc sống, phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin để phát hiện ra những quy luật và giải quyết thành công những vấn đề của cách mạng Việt Nam.

Ðổi mới phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, từ đó đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Ðây thật sự là một luận điểm mới đã được Ðại hội VI đề ra, nhằm xây dựng Ðảng trong những điều kiện mới.

Ðể Ðảng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thực hiện vai trò lãnh đạo toàn dân xây dựng một xã hội tốt đẹp, cần nhấn mạnh phải xây dựng Ðảng trong mối quan hệ máu thịt với quần chúng. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta: Muốn gắn bó với quần chúng thì phải tin tưởng vào khả năng và lực lượng của quần chúng, phải chăm lo đến đời sống và lợi ích của nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Cán bộ đảng viên "phải hòa mình với quần chúng thành một khối, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng", phải gương mẫu trước quần chúng từ lời nói đến việc làm, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân... có như vậy mới tổ chức tuyên truyền và động viên được quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Ðảng. Mặt khác, thông qua những phong trào cách mạng của quần chúng mà xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển, rèn luyện, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ôn lại những bài học từ lịch sử đấu tranh và xây dựng vẻ vang để toàn Ðảng và từng đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm to lớn, nặng nề trong thời kỳ mới. Ðây cũng là dịp để các tổ chức đảng và đảng viên nhận rõ và thực hiện tốt hơn vai trò tiên phong của mình, chuẩn bị thật tốt cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

(Nguồn: Báo Nhân Dân)


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất