Ngót 25 năm qua, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân đã thay đổi nhiều, thế và lực của cách mạng không ngừng tăng lên, càng làm cho công cuộc đổi mới hình thành như một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc ta, càng cổ vũ Ðảng và nhân dân ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhiều hơn nữa. "Ðổi mới hay là chết" - một khẩu hiệu nổi tiếng lúc ban đầu, nay vẫn luôn luôn nuôi dưỡng ý tưởng đẹp đẽ, khoa học và cách mạng đó của Ðảng và nhân dân ta. Mọi sự vật luôn vận động và biến đổi không ngừng, ngày nay khoa học và công nghệ lại tiến lên như vũ bão, tình hình thế giới sôi động và diễn biến khôn lường, thì đổi mới càng như quy luật tồn tại và tiến bộ của chúng ta.
Chúng ta phải đổi mới nhiều nhận thức quan trọng, đổi mới những hình thức tổ chức, đổi mới cả cách làm, sao cho có hiệu quả chính trị, kinh tế - xã hội cao nhất. Và, ngay từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới, Ðảng ta đã nhấn mạnh định hướng cuối cùng là có được CNXH thực tế, CNXH đầy đủ. Kịp thời rút kinh nghiệm từ những thất bại của cải tổ ở Liên Xô và các nước XHCN ở Ðông Âu, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VI (tháng 3-1989) đã sáng suốt chỉ ra rằng chúng ta đổi mới có nguyên tắc.
Thực tiễn 25 năm đổi mới cho thấy phải luôn luôn tỉnh táo tránh cả hai khuynh hướng trái ngược nhau: một mặt là chệch hướng, mặt khác là bảo thủ, trì trệ. Tình hình đó càng đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng ta. Thực tiễn cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có được công cuộc đổi mới theo định hướng đúng đắn. Càng đổi mới, càng đổi mới sâu rộng thì càng cần tăng cường vai trò, chức năng lãnh đạo của Ðảng như Hiến pháp đã quy định. Không thể đổi mới thành công nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng. Bản lĩnh, nghị lực và những kinh nghiệm dày dạn của Ðảng ta non một thế kỷ phải được thể hiện trong sự nghiệp lãnh đạo công cuộc đổi mới. Thời gian cũng cho thấy các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội không ngừng đả kích và xuyên tạc Ðảng Cộng sản Việt Nam. Và, các thế lực thù địch càng đả kích, xuyên tạc, thì chúng ta càng cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Ðảng đối với công cuộc đổi mới. Ðương nhiên chúng ta cần quán triệt điều mà chính Cương lĩnh của Ðảng cũng đã đề ra: Ðảng ta phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để xứng đáng với trọng trách lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Trong quá trình xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Do vậy trong quá trình đổi mới Ðảng và nhân dân ta đã dồn trí tuệ và công sức đáng kể vào đổi mới kinh tế.
Nét nổi bật của đổi mới kinh tế là chúng ta kiên quyết và liên tục thay thế cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bằng cơ chế thị trường. Chúng ta đã chứng kiến tác dụng tích cực của cơ chế thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nói đến thị trường là nói đến sự giao thoa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, nói đến sự giao thoa giữa sản xuất và phân phối - lưu thông, nói đến quan hệ tài chính - tiền tệ, quan hệ cung cầu, nói đến quan hệ kinh tế giữa các vùng miền của đất nước và quan hệ giữa kinh tế nội địa với kinh tế thế giới, nói đến vai trò của Nhà nước.
Thị trường, nếu để tự nó thì luôn luôn là điều kiện làm phân hóa giàu - nghèo, cách biệt thành thị - nông thôn, miền xuôi - miền núi, làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Thị trường, nếu để tự nó thì luôn luôn tự phát dẫn theo con đường TBCN. Vì tất cả những lẽ đó, chúng ta nhận thức rằng càng thực hiện cơ chế thị trường thì càng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước. Ðây là công việc vô cùng mới mẻ trong sự nghiệp lãnh đạo của Ðảng. Chủ trương xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã là điều quan trọng, song điều quan trọng hơn là phải tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương đó. Ðảng ta đã từng lãnh đạo đầy mưu lược giành được thắng lợi vĩ đại trên chiến trường trong các cuộc kháng chiến trước đây, nay cũng phải đủ tài trí, phẩm chất, chiến lược, sách lược để giành thắng lợi không kém vang dội trên thương trường. Như thế Ðảng phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong điều kiện mới, trước thử thách mới, không phải đối phó với "đạn bọc đồng" mà là "đạn bọc đường", vô cùng gay gắt, quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức rất cao trong cuộc đọ sức không khói súng.
Theo cơ chế thị trường thì tất yếu phải hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, hơn nữa lại càng phải giữ vững độc lập tự chủ. Chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tham khảo kinh nghiệm phong phú của các quốc gia, các dân tộc, coi trọng tranh thủ ngoại lực, nhưng không ỷ lại vào bên ngoài, trái lại phải phát huy nội lực là chính, nêu cao ý thức dân tộc tự cường. Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế dân tộc, nền văn hóa dân tộc, nền giáo dục dân tộc, nền quốc phòng toàn dân, dĩ nhiên tất cả theo hướng tiên tiến, hiện đại. Không sản xuất hàng Việt thì khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt" cũng vô nghĩa. Muốn vậy phải đẩy mạnh sản xuất, trước hết phải xây dựng và phát triển nền công nghiệp tư liệu sản xuất, đặc biệt cơ khí chế tạo, sau nữa coi trọng công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng mới, vật liệu mới, hóa chất và kể cả công nghiệp tiêu dùng...; như thế thì mới có được nền kinh tế dân tộc tự chủ tự cường.
Mọi thời đại, mọi quốc gia, bao giờ lợi ích dân tộc cũng nổi lên hàng đầu. Mọi giai cấp, mọi tầng lớp cũng được hình thành trong từng quốc gia, dân tộc, cho nên trước hết họ có ý thức dân tộc. Giai cấp công nhân, do điều kiện sản xuất và sinh hoạt của mình, có khả năng kết hợp đúng đắn tinh thần dân tộc và tinh thần quốc tế. Chính vì thế mà chỉ có Ðảng Cộng sản Việt Nam, đảng tiền phong của giai cấp công nhân mới có khả năng tổ chức lãnh đạo việc xây dựng xã hội mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Ðiều đó đồng thời đòi hỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mới, có nội dung và hình thức lãnh đạo mới, khác với thời kỳ chiến tranh.
Ðể tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, điều cơ bản quyết định là phải tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất giai cấp của Ðảng. Các đảng chính trị đều phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích cơ bản của một giai cấp, tầng lớp nhất định. Trên thế giới và ở nước ta đã từng có các đảng của tư sản, đảng của nông dân, đảng của công nhân, đảng của trí thức,... Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ công nhân mới vào Ðảng. Lịch sử Ðảng từ ngày ra đời cho đến nay đã chứng minh người vào đảng không chỉ công nhân mà còn là nông dân, trí thức, thợ thủ công, người buôn bán, thậm chí cá biệt có cả tư sản, địa chủ mà số ít người này thời cách mạng dân tộc dân chủ hoàn toàn đồng tình với lý tưởng của giai cấp công nhân và tự nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của giai cấp công nhân. Và, đương nhiên chúng ta cũng hiểu công nhân ngày nay khác với công nhân đầu thế kỷ 20, càng khác với công nhân thế kỷ 19, thậm chí khác với cả công nhân giữa và cuối thế kỷ 20. Chúng ta cũng đã có thời gian để kiểm nghiệm rằng giai cấp công nhân không chỉ vì nghèo khổ mà có tính cách mạng, điều quan trọng nhất là giai cấp công nhân tiêu biểu cho phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất công nghiệp, lao động tập thể trong dây chuyền và kỷ luật chặt chẽ, nhờ đó mà có tính cách mạng nhất. Chỉ có lợi ích của giai cấp công nhân mới tiêu biểu được cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và lợi ích của toàn dân tộc. Ðể phản ánh trực tiếp lợi ích của giai cấp công nhân thì cũng phải tăng cường thành phần công nhân trong Ðảng, trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, như Nghị quyết Ðại hội IX, Ðại hội X đề ra.
Nói bản chất giai cấp công nhân của Ðảng không chỉ để cho đúng lý luận, mà điều quan trọng còn là thể hiện trong thực tiễn xây dựng Ðảng, trong hành động của Ðảng. Bản chất giai cấp công nhân của Ðảng không trừu tượng, nó được thể hiện trước hết ở hệ tư tưởng của Ðảng là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, ở lý tưởng và mục tiêu của Ðảng là độc lập dân tộc và CNXH, cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng và mục tiêu đó phải được cụ thể hóa từng bước thành đường lối và chính sách cơ bản của Ðảng trong việc lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội.
Bản chất giai cấp công nhân của Ðảng còn phải được thể hiện ở tổ chức của Ðảng, trước hết là quy định và thực hiện những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và sinh hoạt Ðảng, được thể hiện ở trình độ tư tưởng và phẩm chất đạo đức của đảng viên... Phai nhạt hoặc đánh mất bản chất giai cấp của Ðảng thì đồng nghĩa với phai nhạt hoặc đánh mất lý tưởng cách mạng của Ðảng, phai nhạt hoặc đánh mất vai trò tiên phong của Ðảng đối với giai cấp công nhân, đối với nhân dân lao động và dân tộc
Vững vàng bản chất giai cấp công nhân, Ðảng chắc chắn có đủ tư thế, tư cách và tất yếu lãnh đạo toàn diện đất nước, xã hội ta. Ðảng lãnh đạo toàn diện đất nước, xã hội cũng không ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Mặc cho các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam "độc tài toàn trị", Ðảng ta càng vươn lên làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện, không trừ lĩnh vực nào, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, từ đối nội đến đối ngoại, từ nhà nước cho đến các đoàn thể nhân dân. Ðảng phải lãnh đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược kế hoạch kinh tế - xã hội, xây dựng và tổ chức thực hiện công tác cán bộ... Ðảng lãnh đạo tất cả, không trừ mặt nào. Ðối với lực lượng vũ trang, Ðảng ta có trách nhiệm lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phức tạp hiện nay, Ðảng ta ra sức nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo việc xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nền dân chủ và nhà nước pháp quyền là hai mặt thống nhất của chế độ XHCN của chúng ta. Trên thế giới này không ở đâu có nền dân chủ chung chung phi giai cấp cả. Nền dân chủ của phương Tây phục vụ cho các tập đoàn tư bản, theo đó, chính lợi ích của các tập đoàn tư bản chi phối các quyết định của nhà nước, chính các tập đoàn tư bản đứng đằng sau các nghị viện và các chính phủ tư sản. Trái lại, nền dân chủ của ta là nền dân chủ của đa số, đường lối của Ðảng và mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. Những ai chống lại pháp luật của Nhà nước Việt Nam thì đều bị nền dân chủ của ta trừng trị để bảo đảm thực sự đó là nền dân chủ của đa số. Và, như vậy chỉ có thể có nền dân chủ theo lợi ích của đa số, theo quyết định của đa số, cũng như chỉ có được nhà nước pháp quyền mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân, một khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, bởi vì Ðảng mang bản chất giai cấp công nhân, lợi ích của giai cấp công nhân là đại biểu lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Các thế lực thù địch cùng những kẻ xấu thường rêu rao rằng nguồn gốc mất dân chủ do có đảng cộng sản áp đặt lãnh đạo. Ðó là lối nói ngược đời, đổi trắng thay đen. Phải vạch trần những lời vu cáo, xuyên tạc đó. Phải thẳng thắn chỉ ra rằng không có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có nền dân chủ XHCN, không có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Dĩ nhiên, trong công cuộc đổi mới, từ lâu Ðảng ta cũng đã tự xác định là Ðảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, trước hết đối với Nhà nước. Ðảng tự nhận thức rằng trong điều kiện một đảng cầm quyền thì càng cần có phương thức lãnh đạo thật dân chủ. Ðảng lãnh đạo bằng cách đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách lớn, bằng tuyên truyền thuyết phục nhân dân, bằng tính tiên phong gương mẫu của đảng viên và bằng kiểm tra thường xuyên cán bộ, đảng viên, trước hết đối với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Ðảng ta không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân, cho nên Ðảng hoàn toàn cần thiết và có thể thu hút nhân dân tham gia xây dựng Ðảng. Nhân dân tham gia ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, giám sát các đảng viên và cả các tổ chức của Ðảng, đặc biệt là về mặt chính trị và đạo đức. Nhân dân có thể tham gia vào cả công tác cán bộ. Đảng Cộng sản hoạt động vì nhân dân và từ nhân dân mà ra, cho nên tổ chức nhân dân tham gia xây dựng Ðảng là một đặc sắc, khác bản chất với các đảng tư sản.
Tuy nhiên, kinh nghiệm 25 năm qua của thời kỳ đổi mới cho thấy phải cố gắng đúc kết, tìm tòi những cơ chế, những biện pháp thiết thực, hữu hiệu, tránh hình thức trong việc phát động, cổ vũ nhân dân tham gia xây dựng Ðảng. Nhân dân tham gia xây dựng Ðảng trực tiếp hoặc thông qua đại diện là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, thông qua đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Từ Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VII (tháng 6/1992) đã xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt. Chúng ta phải xây dựng Ðảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nói chính trị, trước hết là đường lối đúng đắn, mang tính khoa học và cách mạng. Nói tư tưởng trước hết là thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, trong đó có vấn đề đạo đức của đảng viên mà nhân dân ta đang hết sức quan tâm. Nói tổ chức, trước hết là thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Ðảng, là bộ máy từ trên xuống dưới, ngang dọc của Ðảng, là đoàn kết nội bộ, thường xuyên tự phê bình và phê bình.
Có thể nói, việc xây dựng Ðảng trong các thời kỳ kháng chiến cứu nước của chúng ta đã hết sức thành công, cả về ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cho Ðảng ta và nhân dân ta có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, muôn người như một, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi vĩ đại. Ðảng tin dân, dân tin Ðảng.
Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới chúng ta có nhiều cơ hội mới, nhiều thành tựu mới đồng thời có nhiều thách thức mới. Trong điều kiện thực hiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, có nhiều vấn đề mới, phức tạp đặt ra. Công tác xây dựng Ðảng cũng đã có nhiều đổi mới, những cố gắng và tiến bộ mới. Tuy nhiên đang có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cả về ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Làm sao để có một đường lối, chính sách đúng đắn vừa tích cực đổi mới, sáng tạo, lại vừa giữ vững những nguyên tắc cơ bản Mác xít - Lê-ninnít, giữ vững con đường quá độ lên CNXH? Làm sao vừa có tư duy mới lại vừa giữ vững nền tảng thế giới quan khoa học Mác xít? Làm sao vừa đổi mới tổ chức lại vừa giữ vững bản chất giai cấp của Ðảng? Ðó đang là những vấn đề thời sự nóng hổi. Chẳng hạn, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm sao cho đúng cổ phần hóa XHCN; phát triển nhiều thành phần kinh tế song làm sao vẫn từng bước quá độ lên CNXH? Không làm đúng đắn thì sẽ gây phân hóa tư tưởng trong Đảng và nhân dân, làm giảm niềm tin, lỏng lẻo về tổ chức, cuối cùng suy yếu Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nói chính trị, tư tưởng hay tổ chức thì cuối cùng vẫn là con người. Cái quyết định nhất của xây dựng Ðảng, của sự nghiệp lãnh đạo của Ðảng vẫn là cán bộ. Chính cán bộ là người soạn thảo cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách. Chính cán bộ là người tổ chức thực hiện. Chính cán bộ là người thể hiện phẩm chất tư tưởng, đạo đức để có sức hút và lòng tin cậy của nhân dân. Trong đội ngũ cán bộ thì người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức, là quyết định nhất. Có thể nói trong các thời kỳ cách mạng trước đây công tác cán bộ của Ðảng ta đã thành công to lớn, góp phần xứng đáng vào các thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, đội ngũ cán bộ bên cạnh những ưu điểm mới, những năng lực mới thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, đáng lo ngại. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa về chính trị, tư tưởng. Tinh thần đấu tranh tư tưởng, tự phê bình và phê bình phai nhạt, giảm sút so với các thời kỳ trước. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa về đạo đức, lối sống. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chủ yếu trong cán bộ có chức, có quyền rất nghiêm trọng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, đối với chế độ, cho nên có nguy cơ chuyển hóa thành vấn đề chính trị không thể xem thường.
Cùng với vấn đề cán bộ, công tác tư tưởng lý luận cũng có tầm quan trọng quyết định trong xây dựng Ðảng. Ðảng lãnh đạo thì phải có lý luận cách mạng và lý luận cách mạng bao giờ cũng mang tính tiên phong dẫn đường. Dĩ nhiên lý luận cách mạng phải xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ điều kiện cụ thể nước ta cùng hoạt động thực tiễn của Ðảng và Nhà nước ta. Trong các thời kỳ trước đây, Hồ Chủ tịch và Ðảng ta đã rất thành công trong công tác lý luận và tuyên truyền lý luận, giúp cho cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước bối cảnh chủ nghĩa xã hội thế giới vẫn tạm thời lâm vào thoái trào, nước ta lại có yêu cầu đổi mới sâu rộng, trong khi số người dao động không ít, những kẻ thù địch và những kẻ phản bội lại ra sức công kích, xuyên tạc thì công tác tư tưởng lý luận càng cấp bách. Thế nhưng trên thực tế, công tác tư tưởng lý luận còn nhiều non kém, bất cập.
Noi gương các bậc tiền bối, các cán bộ, đảng viên chúng ta cần ra sức và thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận gắn liền với tổng kết thực tiễn. Chúng ta cần học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách toàn diện. Không nên tách rời việc "học tập" với việc "làm theo", mà học phải đi đôi với làm, như chính Bác Hồ đã dạy, càng không nên học một đằng làm một nẻo. Hiện nay có nhiều nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta không học đến nơi đến chốn. Bác Hồ nói nhiều về cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa nước nhà, trong đó có vai trò quyết định của công nghiệp nặng, nhưng nhiều cán bộ, đảng viên không quan tâm. Bác Hồ nói nhiều về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ, nói kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, nhưng nhiều cán bộ, đảng viên cũng bỏ qua. Bác Hồ nói nhiều về tư bản nhà nước ở nước ta, nhưng có người lại bảo tư bản nhà nước chỉ là đặc thù của nước Nga, như thế là học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không đến nơi đến chốn. Bác Hồ nói kinh tế quốc doanh là sở hữu toàn dân cho nên phải đóng vai trò lãnh đạo và nhà nước phải có chính sách ưu tiên cho nó phát triển, nhưng nhiều người làm như thể không hay không biết, v.v.
Một số cán bộ, đảng viên nói tấm gương đạo đức Bác Hồ nhưng vẫn quan liêu, xa dân, sống xa hoa, lãng phí. Tình trạng tham ô, tiêu xài hoang phí ngân sách nhà nước, sử dụng hoang phí của công, chi phí tốn kém do phô trương hình thức khá nghiêm trọng, dư luận xã hội không đồng tình. Tình trạng sử dụng lãng phí đất đai - tư liệu sản xuất quý nhất của nước ta, nhất là đất ruộng phì nhiêu; sử dụng và mua bán tài nguyên mỏ không tính toán hiệu quả và lợi ích quốc gia lâu dài; thất thoát nhiều tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa và sau cổ phần hóa, cũng rất bức xúc. Ðể xảy ra những tình trạng ấy là hoàn toàn trái với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Ðảng ta và cả xã hội ta phải thực sự và thường xuyên làm theo tấm gương cần kiệm của Bác Hồ, có tích lũy vốn cho đầu tư phát triển, cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân ta. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết các cán bộ lãnh đạo, các cán bộ giúp Ðảng hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược, kế hoạch càng cần nghiêm túc nghiên cứu và có chương trình làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, có sự giám sát của tập thể.
Qua 80 năm từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta đã tỏ rõ là một Ðảng có lý luận cách mạng đúng đắn, có tài ba tổ chức phong trào cách mạng, giàu truyền thống và kinh nghiệm quý báu. Các thế hệ đảng viên ngày nay phải kế tục xứng đáng, luôn luôn xây dựng Ðảng thành công. Hơn lúc nào hết, lúc này Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh phải là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng ta.
ÐỖ MƯỜI
Nguyên Tổng Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng
(Nguồn: Chinhphu.vn)