Ngay sau khi ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, trở về Pác-Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã tổ chức một cuộc họp để nghe báo cáo tình hình trong nước. Nghe xong, Bác nói:
Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít, lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Chúng ta sẽ lập Đội quân giải phóng…
Bác còn nói:
Chúng ta phải tìm được một căn cứ "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể:
Đêm hôm ấy, trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lều giá lạnh, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác thức đến khuya, phác ra những nét chính về Đội Việt Nam giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, về vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược... Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Và dặn đi dặn lại nhiều lần: "Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.
Bàn mãi cho đến khi gà gáy sáng. Sáng hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba lên mỏm núi phía sau cơ quan bàn nhau lập ra một bản kế hoạch xây dựng Đội.
Buổi chiều lại họp. Bác nghe báo cáo xong nói:
Được. Tình hình quốc tế đang có nhiều thuận lợi. Trong vòng một tháng chúng ta phải hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi!
Sau khi suy nghĩ xong, Bác đề nghị thêm 2 chữ "tuyên truyền” vào tên Đội, thành "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Bác lại dặn: "Phải nhớ bí mật: Ta ở đông, địch tưởng ta ở tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”.
Với tinh thần khẩn trương, chỉ ít ngày sau, một số chiến sĩ đã được tập trung về tổng Hoàng Hoa Thám. Các đồng chí đi trước đã chọn được một địa điểm trú quân ở trong rừng. Anh em cấp tốc làm mấy cái lán. Đồng bào địa phương giúp đỡ hoàn toàn về lương thực, cơm nước.
Chi bộ Đảng của Đội lúc đầu gồm các đồng chí: Xích Thắng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái và Võ Nguyên Giáp. Ban chỉ huy đội được chỉ định, đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể:
"Một ngày trước lễ thành lập Đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác Hồ, đặt trong một bao thuốc lá. Vội giở ra thì đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân:
Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự... Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân... Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cục, nay đông mai tây, lai vô ảnh khứ vô hình.
Bác Hồ nói:
"Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944!
5 giờ chiều. Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trong một khu rừng, nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám.
Thật là kỳ diệu, khi lễ ra đời của quân giải phóng Việt Nam lại ở một địa điểm mang tên hai người anh hùng dân tộc đã từng chiến đấu chống quân xâm lược.
Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao tăm tắp, Đội tập hợp chỉnh tề dưới lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm. Đại diện liên tỉnh uỷ Cao Bắc Lạng và rất đông đại biểu nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn đến chào mừng, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Với giọng trang trọng và đầy xúc động, đồng chí nói:
"…Thế là từ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hi sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một Đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc…
Từ giờ phút này, các đồng chí sẽ noi theo ngọn cờ tiến lên trên con đường máu. Chúng ta tiến, tiến mãi cho đến ngày giải phóng của toàn dân".
Sau đó, toàn Đội đọc đồng thanh mười lời thề danh dự, mà lời thề đầu tiên là:
"Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.
Tiếng "Xin thề" đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả một khu rừng.
Nhân dân và các đoàn thể đem tới rất nhiều quà uý lạo. Nhưng theo yêu cầu của các chiến sĩ chiều hôm đó toàn đội đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của những người cách mạng.
Đêm hôm đó, trong khu rừng đầy sương lạnh, gió heo may thổi về từng cơn, ngọn lửa được đốt lên, đầm ấm và cảm động. Từng người lần lượt giới thiệu bí danh và tiểu sử của mình.
Sau này, khi nhớ lại giờ phút ấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp kể:
"Thật là một Đội quân kỳ lạ. Không người nào là không mang một mối hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt phá, cha anh, chị em bị giặc bắt hoặc bị bắn. Có người chưa vào tù thì cũng bị địch truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng hoặc hàng trăm đấu muối...”.
Còn người thanh niên được Đảng và Bác Hồ giao cho trách nhiệm phụ trách lực lượng vũ trang ngay từ những ngày đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó 33 tuổi. Một người đã tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. 18 tuổi đã cùng các đồng chí của mình tham gia lập ra "Đông Dương cộng sản liên đoàn” (1929). Những năm 1936-1939 đồng chí tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương, là một nhà báo xuất sắc của Đảng. Đang là thầy giáo dạy sử ở trường Thăng Long, năm 1940 ông đã cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng đưa sang Côn Minh, Trung Quốc gặp Bác Hồ.
Trước đó, trong một cuộc họp bàn về thành lập lực lượng vũ trang, lập đội quân giải phóng, Bác Hồ đã chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp và Bác hỏi:
- Việc này chú Văn có thể làm được không?
- Thưa, có thể được ạ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời.
Và Đội quân giải phóng ấy của Việt Nam đã được thành lập. Mặc dù đội quân đầu tiên ấy, mới chỉ có 34 người, với những vũ khí thô sơ, nhưng đó là một Đội quân cách mạng vô địch.
Giữa rừng sâu, tràn ngập gió heo may, trong mùa đông biên giới giá lạnh và hùng tráng của Cao Bắc Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân cách mạng đầu tiên của nước ta đã ra đời như thế!
Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã viết: "Trong hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã phải hàng mấy chục lần chống trả những kẻ xâm lược luôn luôn lớn mạnh hơn mình gấp bội. Muốn tồn tại, dân tộc Việt Nam không thể cậy vào số người, mà phải dựa vào những con người chiến đấu. Lâu đời thành nếp quý trọng đạo đức, nhân cách, tính kiên cường bất khuất, đức quên mình vì nước vì dân”. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam ta.
____
(*) Những chi tiết và trích dẫn trong bài này theo Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXBQĐND, 2006. (1) Báo Sinh viên VN, số tết năm 2000.
Bùi Công Bính