Một hội thảo tâm huyết, thẳng thắn và trí tuệ
Đồng chí Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy ngoài nước đọc đề dẫn
Hội thảo đã tập trung thảo luận 3 vấn đề:
- Đánh giá công tác đảng ngoài nước 50 năm qua (những thành tựu, hạn chế), đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong tình hình mới;
- Vấn đề công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần đổi mới gì về nội dung, hình thức để vừa phong phú, vừa thiết thực đáp ứng tình hình thực tế người Việt Nam ở nước ngoài;
- Đề xuất mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan phụ trách công tác đảng ngoài nước cho phù hợp.
46 tham luận đã được gửi tới Hội thảo.

Trong một buổi sáng, Hội thảo đã nghe 17 đại biểu tham luận. Bằng hiểu biết nhiều mặt, sâu sắc, bằng kinh nghiệm từng trải và cả bề dày của những đóng góp trong hoạt động ngoại giao, trong công tác tổ chức, công tác tư tưởng, nhiều đại biểu đã nêu bật những đặc điểm của công tác đảng ngoài nước, khẳng định đổi mới và tăng cường công tác đảng ngoài nước trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Trong công tác đảng ở ngoài nước cần chú ý những đặc thù về tổ chức, về phương thức hoạt động và về nghiệp vụ công tác ngoại giao.

 
Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Đảng ủy Ngoài nước tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày ra đời của tổ chức đảng ngoài nước. Đây là cách kỷ niệm thiết thực nhằm tìm kiếm một mô hình tổ chức hợp lý hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng chí Vũ Khoan cho rằng trong công tác đảng ngoài nước hiện nay, ngoài những mặt được còn một số hạn chế: Phương thức tiến hành chưa phù hợp, tổ chức còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa ngang tầm.
Để tìm ra mô hình tổ chức hợp lý cần căn cứ vào 6 nhân tố, nghĩa là cần xác định rõ: 1- Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; 2- Đối tượng quản lý; 3- Địa bàn hoạt động của các đối tượng; 4- Phương thức vận hành trong nội bộ tổ chức; 5- Mối quan hệ dọc- ngang, trên - dưới; 6- Năng lực cán bộ. Những lần thay đổi trước đều chưa tính hết 6 tiêu chí này.
Về phương án tổ chức: Nếu đưa về Bộ Ngoại giao thì thuận lợi là hệ thống cơ quan đại diện và đối tượng quản lý liền mạch. Tuy nhiên tính hệ thống bị phá vỡ, và do vậy nếu để trực thuộc Bộ thì Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao không thực hiện được nhiệm vụ vì Ban Cán sự không có ngành dọc. Trực thuộc Đảng ủy Bộ Ngoại giao càng không được. Nên chọn phương án độc lập - quay về mô hình cũ. Tuy nhiên phải đổi mới triệt để trên cả 3 mặt: phương thức công tác đảng; hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ - ngang tầm với đối tượng và đặc thù công tác. Về tổ chức, phải liên ngành, có phần cứng (Bộ Ngoại giao, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương) và phần mềm là các ngành có nhiều người ở nước ngoài (Bộ Lao động, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn). Cứng thì phải cứng thật về trình độ, tâm huyết, trách nhiệm; tham gia trưởng là một đồng chí ủy viên Trung ương, phó nhất thiết phải là thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

 
Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ: Nội dung công tác xây dựng đảng ngoài nước phải thực tế, sát từng đối tượng, sát từng địa bàn, không thể rập khuôn như trong nước. Điều quan trọng nhất của công tác xây dựng đảng ngoài nước là công tác tư tưởng và tổ chức, để không những chỉ giáo dục niềm tin mà còn phát huy vai trò của tổ chức đảng ngoài nước, đóng góp cho nhiệm vụ phát triển đất nước. Công tác xây dựng đảng đối với tổ chức đảng ngoài nước phải gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nói cho cùng tổ chức đảng ngoài nước phải hợp lý, sát hợp với nhiệm vụ có tính đặc thù mới có thể hoạt động hiệu quả. Quá trình nghiên cứu, tham mưu nhập Ban Cán sự đảng Ngoài nước về Đảng ủy Khối là chưa chuẩn. Tổ chức phải khoa học thì đội ngũ cán bộ mới thực hiện được. Nhập vào Đảng ủy Khối là khập khiễng với 3 lý do sau: Đặc thù tổ chức đảng ở ngoài nước rất khác trong nước; tổ chức đảng phải gắn về nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy Khối không thể lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở ngoài nước; Đảng ủy Khối hiện nay đã rất cồng kềnh, làm rất vất vả, nhiều việc chưa thực hiện hết. Đề nghị mô hình tổ chức là một ban của Đảng như trước, phải tổ chức liên ngành (Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra). Tổ chức bộ máy gọn hơn, hiệu quả hơn. Phương án để ở Bộ Ngoại giao, trực thuộc Ban Cán sự đảng Bộ cũng không hợp lý vì Ban Cán sự đảng Bộ nhận sự chỉ đạo của Ban Bí thư nhưng không có ngành dọc xuống dưới.

 
Đồng chí Phạm Ngọc Giao, nguyên Quyền Bí thư Ban Cán sự Đảng Ngoài nước đánh giá cao những thành tựu đạt được của công tác đảng ngoài nước 50 năm qua. Quyết định chuyển Ban Cán sự đảng Ngoài nước thành Đảng ủy Ngoài nước trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương là xem nhẹ công tác đảng với một số lý do: Thứ nhất, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, bọn phản động luôn lợi dụng người Việt Nam ở nước ngoài để chống phá nước ta từ xa, yêu cầu công tác đối ngoại của Đảng ngày càng cao, trong khi công tác đảng ở ngoài nước lại bị thu hẹp. Thứ hai, việc đưa Đảng ủy Ngoài nước về Đảng ủy Khối là vi phạm Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Luật Cơ quan đại diện (cơ quan đại diện trực thuộc Chính phủ, giao cho Bộ Ngoại giao quản lý; các tổ chức đảng ở ngoài nước trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước là không tương thích với hệ thống chính quyền). Đồng chí đề xuất: Phải xác định đảng bộ ngoài nước là đảng bộ trực thuộc Trung ương Đảng. Ban Cán sự đảng Ngoài nước do Bộ Chính trị lập ra và được ủy quyền chỉ đạo, quản lý các đảng bộ ngoài nước với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như một cấp ủy. Do vậy, Ban Cán sự đảng Ngoài nước cần được coi là một ban của Trung ương Đảng, chứ không phải là một cấp ủy. Cơ cầu Ban Cán sự đảng Ngoài nước nên thu gọn lại. Cần bố trí đồng chí thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và một đồng chí phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm các phó bí thư Ban Cán sự đảng Ngoài nước, các thành viên còn lại là thuộc về các ban xây dựng đảng. Trung ương bố trí một ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp làm bí thư Ban Cán sự đảng Ngoài nước. Bộ máy giúp việc Ban Cán sự đảng Ngoài nước cần tổ chức theo mô hình cơ quan giúp việc của ban đảng.

 
Đồng chí Hoàng Lương, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó bí thư, Phó trưởng ban Thường trực Ban Cán sự đảng Ngoài nước: Công tác đối ngoại đã khó, công tác đảng ở ngoài nước còn khó hơn. Công tác đảng ở trong nước đã khó khi ra ngoài nước lại càng khó hơn. Đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư nên có nghị quyết hoặc chỉ thị tăng cường đối với công tác xây dựng đảng ngoài nước để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI. Mô hình tổ chức có thể là Ban Cán sự đảng Ngoài nước hoặc Đảng ủy Ngoài nước nhưng phải trực thuộc Trung ương với lý do: Công tác đảng ngoài nước phải lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Đảng phải lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, do đó cần có sự tham gia của Bộ Ngoại giao và các ngành. Phải có đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm nhất là người đứng đầu. Bí thư phải am hiểu công tác đối ngoại. Nhiệm vụ công tác đảng ngoài nước trong thời gian tới còn rất nặng, vì vậy phải tổng kết về mặt lý luận và nghiệp vụ.

 
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định công tác đảng ngoài nước ở giai đoạn này có những khó khăn: môi trường rộng, chế độ chính trị khác nhau, các thế lực phản động hoạt động chống phá, tác động tiêu cực đến cán bộ, đảng viên ta; Loại hình tổ chức đảng có khác so với trước đây, có cả các tập đoàn phát triển ra ngoài nước. Diện học sinh đi học tự túc nhiều, có cả đảng viên tự túc ra ngoài nước ... Các cơ quan không có sự ổn định về nhân sự, do cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn chỉ làm nhiệm vụ theo nhiệm kỳ. Công tác kiểm tra, công tác tư tưởng ở ngoài nước rất khó khăn. Giải pháp: nên để đồng chí trưởng cơ quan đại diện kiêm nhiệm làm bí thư, đồng chí chuyên trách làm phó bí thư; cần lựa chọn kỹ cán bộ đảng viên khi ra ngoài nước, chú trọng nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên; cần ổn định mô hình tổ chức cơ quan phụ trách công tác đảng ngoài nước. Quyết định 85 chưa hợp lý, phải có 1 cơ quan trực thuộc Trung ương mà trực tiếp là trực thuộc Ban Bí thư, không nên theo mô hình cấp ủy; bởi cấp ủy phải bầu. Nếu đưa về Bộ Ngoại giao cũng rất khó, nếu ở cấp tổng cục thuộc Bộ không đủ tầm thực hiện công tác này. Gắn với Bộ Ngoại giao chỉ gắn về nhiệm vụ chính trị. Cơ quan đảng không thể thuộc cơ quan chính quyền, hơn nữa Bộ Ngoại giao nhiệm vụ đã quá nặng. Về công tác quần chúng theo Quyết định 85 nếu giao cho Đảng ủy Ngoài nước làm cả công tác cộng đồng thì quá rộng và có nhiều phức tạp. Nên xác định đối tượng quần chúng chỉ tập trung ở những đơn vị công tác (cơ quan đại diện, lưu học sinh, lao động), không bao gồm việt kiều vì đã có Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác này.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức quần chúng của người Việt Nam ở nước ngoài cũng được các đại biểu rất quan tâm.

 
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng, hữu cơ, khăng khít không thể tách rời cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là “máu của máu Việt Nam, là dân của dân tộc Việt Nam”. Do vậy, công tác thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức quần chúng của người Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng và cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, sinh viên kiều bào và lưu học sinh đang học tập, sinh sống ở nước ngoài hướng về Tổ quốc nói riêng, luôn có một vị trí quan trọng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Nhiều đồng chí đại sứ - bí thư đảng uỷ đã trao đổi những kinh nghiệm của mình trong lãnh đạo, tổ chức hoạt động, quản lý đảng viên, phát triển đảng viên, trong xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ ranh giới trách nhiệm và quan hệ công tác giữa đảng ủy và đại sứ, tạo điều kiện cho nhau làm tròn chức trách, hướng vào mục tiêu chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Những kinh nghiệm về tập hợp, đoàn kết lực lượng lưu học sinh Việt Nam nói chung và lực lượng lưu học sinh Việt Nam tự túc nói riêng cũng được trao đổi trong Hội thảo.

 
Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Cái khó nhất của công tác đảng ngoài nước là công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Công tác đảng ngoài nước hiện nay có những thuận lợi: Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế chính sách đã rõ; thế và lực của đất nước đã lên cao; kinh nghiệm của đội ngũ đã nhiều hơn. Bên cạnh đó có những khó khăn: Môi trường ngoài nước phức tạp; mô hình tổ chức bộ máy không ổn định; nhiệm vụ chính trị ngày càng nặng nề. Vì vậy cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng; cơ chế cung cấp thông tin phải được làm tốt hơn, phải nhanh nhạy, tổng hợp; phải coi trọng phối hợp đa ngành; coi trọng vai trò của các tổ chức đảng và cơ quan đại diện ở ngoài nước; giáo dục chính trị tư tưởng cần phải chú ý nhiều hơn; đẩy mạnh đấu tranh chống cấc quan điểm sai trái.

Nhìn chung, các ý kiến trao đổi trong Hội thảo đều thống nhất: Trong tiến hành công tác đảng ở ngoài nước cần chú ý thoả đáng những đặc thù về tổ chức, về phương thức hoạt động và về nghiệp vụ công tác ở nước ngoài. Để đảm bảo công tác hiệu quả không thể áp dụng máy móc các quy định chung như ở trong nước. Hội thảo khẳng định đổi mới và tăng cường công tác đảng ngoài nước trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Công tác đảng ngoài nước hoạt động trong điều kiện đặc thù và luôn biến động, nên rất cần có sự chỉ đạo kịp thời, trực tiếp của Trung ương.

Được biết, kỷ yếu Hội thảo sẽ được xuất bản trong thời gian tới.                              

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất