Đăk Hà - điểm sáng Kon Tum
Bí thư Huyện ủy Đắc Hà cùng một số nhà khoa học trong một hội thảo đầu bờ về cây trồng xen trên cạn
Quyết tâm, sáng tạo khai thác tiềm năng

Tách ra từ 6 xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Kon Tum và huyện Đăk Tô, từ tháng 3-1994, với dân số gần 30 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 54%, trên 45% có đạo; Đăk Hà vốn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp, đội ngũ cán bộ đến từ nhiều nguồn, vừa thiếu, vừa chưa am hiểu địa phương, kết cấu hạ tầng cơ sở nghèo nàn, bất cập… Đổi lại, đây là nơi có nhiều lợi thế, tiềm năng về đất đai, khí hậu, giao thông, lao động và ở vị trí trung tâm các vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Hiểu rõ lợi thế, tiềm năng quý giá đó, cán bộ chủ chốt nơi đây đã cùng Đảng bộ, đồng bào vươn lên đưa Đăk Hà trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới sau 15 năm thành lập và đang tiếp tục giữ vững danh hiệu đó.

Tiềm năng lớn nhất của Đăk Hà là đất (diện tích tự nhiên 84.446,74 ha). “Người dân Đăk Hà sống nhờ đất và cũng sống vì đất, họ cần chính quyền giúp họ thoát nghèo từ chính mảnh ruộng, ruộng vườn của họ...” - đó không chỉ là suy nghĩ của đồng chí Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy, mà còn là trăn trở của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trăn trở đó sớm biến thành hành động cụ thể khi Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch lãnh đạo UBND huyện bố trí nhiều tỷ đồng cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, mời gọi các nhà khoa học ở các viện, trung tâm nghiên cứu về đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất trồng cây hằng năm, xây dựng vườn ươm và vườn thực nghiệm, hình thành 18 bộ giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, 21.731 ha diện tích gieo trồng cao su, cà phê, lúa thơm, bời lời, ngô lai, sắn cao sản, măng điền trúc... cùng với trên 34.000 trâu, bò vàng, bò lai Sin, heo siêu nạc, heo sọc dưa, nhiều giống thủy sản đã thực sự đứng vững trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa của đồng bào địa phương.

Đất đỏ bazan - môi trường thổ nhưỡng lợi thế bậc nhất cho phát triển cao su, cà phê. Lúc huyện mới thành lập, hai giống cây hàng hóa này chủ yếu do các công ty, nông trường quốc doanh đóng trên địa bàn trồng, diện tích trên dưới 2.000 ha. Đến nay cao su đạt 5.319 ha, cà phê 6.958 ha, chiếm trên 56% diện tích gieo trồng toàn huyện. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực, kiên trì vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời có sự vận dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư từ các dự án mà Trung ương và tỉnh hỗ trợ. Từ năm 2007, chủ trương “Hỗ trợ và cho vay tiền cây giống, khuyến khích phát triển cao su hộ gia đình giai đoạn 2007-2011” được triển khai trên toàn địa bàn huyện. Với hộ nghèo, ngoài việc các cấp ủy cơ sở tổ chức tuyên truyền, cử cán bộ trực tiếp vận động, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật để giúp xây dựng ít nhất 1 ha cao su/hộ, huyện còn hỗ trợ 50% tiền cây giống, cho vay không trả lãi trong 3 năm đối với 50% còn lại. Ngoài ra, cho vay tiền giống cây không trả lãi trong 3 năm/định mức 2ha đối với các hộ không thuộc diện hộ nghèo. Qua 4 năm, diện tích cao su được hỗ trợ trồng mới lên đến 2.329 ha (chiếm 43% tổng diện tích cao su toàn huyện), tỷ lệ trồng sống đạt trên 95%. Tổng số hộ tham gia dự án là 2.397, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 969, ngoài ra các hộ tự trồng 287ha. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 18 tỷ 393 triệu đồng. Theo tính toán của lãnh đạo huyện, chỉ 3 đến 5 năm nữa, với ít nhất 1ha cao su/hộ, các hộ nghèo sẽ thoát nghèo bền vững bởi sẽ có thu nhập trung bình  trên 100 triệu đồng/năm, các hộ còn lại trở nên khá giả.

Với hệ thống sông, hồ tự nhiên phong phú, như hồ Đăk Uy, Đăk Prông (xã Đăk Uy), Đăk Loh (xã Ngọc Wang), Cà Sâm, Đăk Trít (xã Đăk La), hồ thôn 9 (xã Đăk Hring), chủ trương tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản và xây dựng hệ thống kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn được Đảng bộ lãnh đạo triển khai quyết liệt. Đến nay, 88 ha mặt nước được khai thác, mang lại nguồn lợi thủy sản quan trọng; 80% công trình thủy lợi đã được kiên cố hóa, đảm bảo nước tưới cho trên 60% diện tích đất nông nghiệp, 3.340 ha lúa nước hai vụ, 15.818 ha cây lâu năm và các loại cây trồng khác.

Là huyện nằm trên trục Quốc lộ 14, Đăk Hà có lợi thế giao thông nối về tỉnh lỵ Kon Tum lên ngã ba biên giới (Ngọc Hồi) qua 2 nước bạn Căm-pu-chia, Lào và về xuôi (qua Đăk Gley về Quảng Nam, Đà Nẵng). Kết hợp với kinh phí Trung ương, tỉnh và huy động nguồn lực trong dân theo phương châm “Nhân dân và Nhà nước cùng làm”, đoạn đường qua trung tâm huyện từng bước mở rộng, khang trang, 8/9 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã, 94 thôn, làng, tổ dân phố có đường ô tô đi lại thông suốt trong hai mùa; 92% số hộ dùng nước sạch; 100% thôn, làng có điện với 98% số hộ dùng điện; 100% xã, thị trấn phủ sóng điện thoại và nối mạng In-tơ-nét.

Tận dụng tiềm năng, đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạng lưới điện, giao thông và thông tin liên lạc… những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ huyện đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Đăk Hà liên tục đạt trên 15%/năm, đồng thời đưa tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 14% (năm 1994) lên 26% (2010) và ngành thương mại-dịch vụ tăng tương ứng từ 6% lên 29%; tỷ lệ hộ nghèo từ 53% (năm 1994) xuống còn 12% (năm 2010). Nơi đây đang dần hình thành gương mặt nông thôn mới.

Chú trọng, quyết liệt đầu tư nguồn lực con người


Để có được những thành công vượt bậc ấy, Đảng bộ Đăk Hà đã đúng hướng trong lựa chọn giải pháp có tính quyết định - chú trọng đầu tư nhân tố con người.

Trước hết,
đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức từng bước đạt chuẩn. Đến nay, Đăk Hà được xem là nơi “đất lành chim đậu”, cán bộ từ nhiều nguồn tụ hội về đây được động viên, giúp đỡ, được đào tạo, bố trí, sử dụng đúng với phẩm chất, năng lực và sự rèn luyện của bản thân, đã coi Đăk Hà là quê hương thứ hai của mình. Cán bộ chưa có đất làm nhà, Thường vụ Huyện ủy ra chủ trương để UBND “giao đất có thu tiền sử dụng”. Cán bộ qua quy hoạch chưa đạt chuẩn trình độ, Thường vụ quyết cho đi đào tạo, bồi dưỡng, hoặc phối hợp mở lớp tại địa phương để “vừa học vừa làm”. Cán bộ tăng cường, luân chuyển, điều động về xã, ngoài chính sách chung của tỉnh, huyện còn hỗ trợ vật dụng sinh hoạt ban đầu, phụ cấp 300.000 đến 500.000đ/tháng, trang bị xe máy công vụ đối với cán bộ về xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc luân chuyển, tăng cường cán bộ huyện về, Thường vụ Huyện ủy chú trọng đầu tư đào tạo dài hạn cán bộ cấp xã. Đến nay, trong đội ngũ này đã có 33% đạt chuẩn trình độ về học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, số còn lại đang tiếp tục được bổ khuyết mặt còn yếu. Cán bộ người dân tộc thiểu số càng được quan tâm, từ năm 2005 đã có 62/70 đồng chí được cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và bổ túc văn hóa. “Cán bộ nào, phong trào ấy” - những chuyển biến vượt bậc của Đăk Hà  cho thấy rõ điều đó.

Thứ hai, Đảng bộ chú trọng phát triển nhanh đội ngũ đảng viên, đặc biệt là xóa tình trạng thôn, làng chưa có đảng viên, hoặc tổ chức đảng. Tháng 12-1994, Đảng bộ có 686 đảng viên sinh hoạt tại 21 TCCSĐ, trong đó nữ 116, dân tộc thiểu số 231. Đến tháng 11-2010, số đảng viên lên tới 1.926 đồng chí (tăng 281%), trong đó nữ 655 (tăng 565%), dân tộc thiểu số 381 (tăng 165%) và 74 đảng viên là người có đạo. Số lượng đảng viên tăng, cùng với việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống chính trị và các ngành nghề xã hội đã dẫn đến sự tăng vọt của số lượng TCCSĐ lên 59 (15 đảng bộ, 44 chi bộ), chất lượng cũng được bảo đảm. Đội ngũ “đi trước” để “làng nước theo sau” của Đăk Hà đang đông và mạnh dần lên, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tìm tòi sáng tạo, dám nghĩ dám làm, là đầu tàu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững tại từng thôn, làng, tổ dân phố.

Thứ ba, Đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí và từng bước đào tạo nghề cho người lao động. 100% thôn có lớp mầm non, tiểu học, 100% xã, thị trấn có trường THCS, toàn huyện có 2 trường THPT, một trường dân tộc nội trú, một Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện và 5 trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay, 9/9 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, 8/9 xã, thị trấn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. 13/36 trường đạt chuẩn quốc gia, gần 100% giáo viên đạt chuẩn. Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật nuôi trồng cho đồng bào tại chỗ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đầu tư nhằm thay đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Nhiệm kỳ qua, 151 lớp đào tạo nghề cho 7.478 lao động là người dân tộc thiểu số được tổ chức. Riêng năm 2010, 470 người được đào tạo sơ cấp, trung cấp nghề và đại học tại huyện, trong đó có 90 cán bộ xã, thị trấn đào tạo trung cấp nghề lâm sinh, tin học, quản lý xã hội và đại học luật kinh tế. Nghề chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ cà phê được triển khai đào tạo cho 1.027 lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê và thu nhập cho lao động tại chỗ.

Giờ đây, không phải chỉ cán bộ, công nhân nông lâm trường mới biết trồng, thu hoạch, chế biến cà phê, cao su; không phải chỉ những vùng đồng bào người Kinh, vùng trung tâm thị tứ mới khá giả. Xã Hà Mòn với 4 ngàn dân, từ chỗ có 40% số hộ đói nghèo (theo tiêu chí cũ), nay còn chưa đến 1% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân 27 triệu đồng/người vào cuối năm 2010. Với 3 hecta cao su và vài hecta cà phê, giá  trị tài sản của A Hun - một nông dân Ba Na ở xã Đăk Ma đã lên đến hàng tỷ đồng. Làng Kon Gu 2, xã Ngọc Vang xa xôi cách trở nhất nhì của huyện Đăk Hà, có chừng 50 hộ đồng bào Xê Đăng. Tham gia chương trình “cao su hộ gia đình”, nay hộ ít cũng 1-2 ha, nhiều thì 4-5 ha cao su đang phát triển tốt, mỗi ha đã kiến thiết cơ bản có giá trị vài trăm triệu đồng. Toàn huyện hiện có khoảng 100 trang trại tổng hợp với giá trị 50 tỷ đồng, trên 50% số hộ khá và giàu, 42/85 thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”. Những con số biết nói ấy là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đăk Hà, huyện miền núi Anh hùng Lao động đầu tiên trên dải đất Tây Nguyên, mà ngày 24 tháng 3 năm nay huyện tự hào kỷ niệm 17 năm thành lập và phát triển.

Tiếp tục phát huy

Vì một Đăk Hà không ngừng phát triển, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện đang tiếp tục phát huy những thành quả và kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian qua. Bài học sâu sắc mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà rút ra từ quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội là: “Giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra”. Nhờ đoàn kết, những đổi mới sáng tạo của Đảng bộ ngày càng hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ, làm theo, mang lại những đột phá phát triển cho toàn huyện. Đoàn kết, đồng thuận trong Đảng, trong dân sẽ là nhân tố có ý nghĩa quyết định để Đảng bộ Đăk Hà đề ra và thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ 2010-2015: Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc để xây dựng Đăk Hà phát triển toàn diện, giữ vững danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó cũng là nhân tố để Đăk Hà thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu: Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 15%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/người/năm, 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 100% số thôn, làng có đảng viên và tổ chức đảng, trên 80% số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó 20% đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, trên 80% số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất