Nhân “Tháng Thanh niên” và gắn với sự kiện Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý lấy năm 2011 là "Năm Thanh niên", các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi đảng viên, cán bộ đoàn cần nghiên cứu kỹ những tư tưởng của Lênin về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên.
Cuối năm 1920, nước Nga Xô-viết đã trải qua ba năm nội chiến và can thiệp nước ngoài khốc liệt. Trong bối cảnh đó, Đảng Bôn-sê-vich Nga cần sự tiếp sức của thế hệ thanh niên, do vậy việc giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ để họ trở thành những lớp người xây dựng xã hội cộng sản đã trở thành mối quan tâm lớn của Đảng.
Nhận thức sâu sắc rằng tương lai thuộc về thanh niên, Đảng phải lãnh đạo Đoàn Thanh niên cộng sản thực sự trở thành đội xung kích tổ chức giáo dục cộng sản cho thanh niên, nên ngay trong phiên họp đầu tiên, Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên cộng sản Nga (họp từ ngày 2 đến ngày 10-10-1920), Lênin đã đến dự và đọc bài diễn văn lịch sử: “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên”. Bài diễn văn này có tính chất cương lĩnh của Đảng trong việc giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho những người trẻ tuổi đang xây dựng cuộc sống mới.
Theo Lênin, xây dựng chủ nghĩa cộng sản là nhiệm vụ phức tạp hơn nhiệm vụ lật đổ giai cấp tư sản, rằng tương lai của chủ nghĩa cộng sản thuộc về thanh niên, thanh niên là người xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Người cho rằng: “Thế hệ những người lao động được đào tạo trong xã hội tư bản chủ nghĩa thì giỏi lắm chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ phá hủy nền móng của chế độ tư bản già cỗi và đặt được nền móng vững chắc, trên đó chỉ có thế hệ khởi công trong những điều kiện mới, mới có thể xây dựng được” (1). Như vậy tương lai của chủ nghĩa cộng sản thuộc về thanh niên. Nếu không lôi cuốn được toàn thể quần chúng thanh niên vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới thì sẽ không thể xây dựng được xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Nhiệm vụ của thanh niên và nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên cộng sản, theo Lênin có thể nói gọn bằng một từ: nhiệm vụ đó là HỌC TẬP. Nhưng học tập cái gì? Lênin đã chỉ cụ thể rằng: “Đoàn Thanh niên và toàn thể thanh niên nói chung muốn đi theo chủ nghĩa cộng sản, thì đều phải học chủ nghĩa cộng sản”(2). Học chủ nghĩa cộng sản, theo Lênin là “hấp thụ toàn bộ kiến thức của nhân loại, kiến thức đó phải được nghiền ngẫm lại trên quan điểm giáo dục hiện đại chứ không phải là những điều thuộc lòng”(3). Mặt khác, theo Lênin, học chủ nghĩa cộng sản còn là phải học tập và rèn luyện đạo đức cộng sản, đó là phải biết phấn đấu, biết hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp chung của cách mạng. Cơ sở của việc rèn luyện, học tập và giáo dục cộng sản theo Lênin là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản; phải gắn mỗi bước đi trong công tác giáo dục và học tập của mình với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, “không có công tác, không có đấu tranh thì kiến thức sách vở về chủ nghĩa cộng sản rút ra từ các sách và các tác phẩm về chủ nghĩa cộng sản sẽ không có một giá trị nào cả, vì rằng kiến thức đó cũng chỉ là tiếp tục tách rời giữa lý luận và thực tiễn…”(4). Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn Thanh niên cộng sản là giáo dục ý thức và trách nhiệm cộng sản cho thanh niên lao động bằng cách gắn chặt lý luận với hoạt động thực tiễn xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ ấy cần chi phối toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đoàn Thanh niên cộng sản.
Để giáo dục và học chủ nghĩa cộng sản, Lênin yêu cầu: Đối với những người cộng sản “phải tổ chức và đoàn kết toàn thể thế hệ thanh niên, phải làm gương mẫu về giáo dục và kỷ luật. Có như vậy mới có thể hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”(5).
Đối với nhà trường không được đóng khung việc rèn luyện, giáo dục và học tập trong nhà trường, tách rời cuộc sống sôi nổi. “Nhà trường của chúng ta phải làm cho thanh niên, trong khi học tập, trở thành những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng những người bị bóc lột. Đoàn thanh niên cộng sản chỉ xứng đáng với danh hiệu của nó là đoàn thể của thế hệ cộng sản trẻ tuổi, nếu gắn liền từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với việc tham gia cuộc đấu tranh chung của tất cả những người lao động…”(6).
Đối với Đoàn Thanh niên phải biết tổ chức công tác của mình để gắn liền việc rèn luyện, học tập và giáo dục của mình với lao động của công nhân và trong nhân dân, “phải đặt nhiệm vụ học tập của mình như thế nào để hàng ngày ở mỗi làng mạc, mỗi thành phố, thanh niên giải quyết được một cách thực tiễn vấn đề này hay vấn đề khác của lao động tập thể, dù là vấn đề bé nhỏ nhất và giản đơn nhất”(7). “Đoàn phải làm cho mọi người thấy rằng mỗi một đoàn viên của mình đều là người có học thức và đồng thời cũng biết lao động”(8). Để thực hiện được yêu cầu đó, “Đoàn Thanh niên cộng sản phải là một đội xung kích, một đội mà ở trong mọi việc đều biết giúp đỡ, đều có tinh thần chủ động và có sáng kiến của mình.”(9), biết tổ chức cho đoàn viên, cho thanh niên tham gia giải quyết những công tác cụ thể…
Đối với bản thân thanh niên phải có thái độ nghiêm túc nhất đối với học tập. Họ không được theo lối học gạo, nhồi nhét kiến thức mà phải học chủ nghĩa cộng sản theo lối nắm kiến thức về những sự việc cơ bản, am hiểu mọi sự việc thực tế; các kiến thức thu nhận phải nghiền ngẫm trong ý thức, phải được hấp thụ có phê phán; gắn liền từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với việc tham gia cuộc đấu tranh chung của tất cả những người lao động. Vì vậy, “đã là đoàn viên của Đoàn Thanh niên thì phải đem toàn bộ công tác và toàn bộ sức lực của mình ra phục vụ sự nghiệp chung. Chính qua quá trình công tác như vậy, mà người thanh niên mới trở thành người cộng sản chân chính được…, những kết quả thực tiễn giúp họ trở thành những người cộng sản"(10).
Theo Lênin, Đoàn Thanh niên cộng sản chính là trường học kế thừa cách mạng của các thế hệ, mà trên mọi phương diện, Đoàn là trường học của sự đoàn kết, bảo vệ lợi ích của thế hệ trẻ, điều hành và quản lý, trường học giáo dục, đấu tranh giai cấp, hoạt động chính trị - xã hội, đào tạo và tôi luyện thế hệ trẻ; giáo dục thanh niên là nhiệm vụ trung tâm, chỉ đạo mọi hoạt động của Đoàn. “Phải làm thế nào để Đoàn Thanh niên giáo dục mọi người từ khi họ còn nhỏ tuổi”(11).
Tư tưởng của Lênin về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên và Đoàn Thanh niên cộng sản đã được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo vào công tác vận động thanh niên trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã coi công tác thanh niên là một nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của Đảng và luôn tin tưởng, kỳ vọng ở thanh niên và tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII) “Về công tác thanh niên trong tình hình mới” đã khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.
Gần đây nhất, Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” tiếp tục khẳng định vai trò của thanh niên và trách nhiệm của Đảng đối với thanh niên. Nghị quyết nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội... Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”. Như vậy, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã được Đảng dành cho sự quan tâm to lớn để Đoàn luôn thực sự là trường học cộng sản của thanh niên.
Trong công cuộc đổi mới đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp nhằm thu hút, tập hợp và giáo dục thanh niên; thông qua tổ chức của mình, thanh niên ngày càng xác định được vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, với cộng đồng xã hội, ra sức phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các phong trào hành động cách mạng do Đoàn phát động, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên vượt qua khó khăn, thách thức, bằng bàn tay, khối óc của mình mang sức trẻ, trí tuệ và nhiệt huyết tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, trẻ em tàn tật, lang thang, cơ nhỡ và đồng bào nghèo; tham gia giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp và bảo vệ an ninh Tổ quốc… Những hoạt động hữu ích đó đã đem đến cho xã hội một hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên ngày nay sống có lý tưởng, giàu lòng nhân ái, khát vọng cao cả, có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Tuy vậy, tổ chức đoàn cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; một bộ phận lớn thanh niên chưa đến được với tổ chức đoàn, hay nói cách khác Đoàn chưa vươn tới một bộ phận lớn thanh niên; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên còn hạn chế, chưa kịp thời và chưa đi vào chiều sâu. Vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, mơ hồ về chính trị, thiếu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, đua đòi theo thị hiếu tầm thường, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, thiếu ý thức chấp hành luật pháp, chưa làm tốt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân.
Nhân “Tháng Thanh niên” và gắn với sự kiện Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý lấy năm 2011 là "Năm Thanh niên", các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi đảng viên, cán bộ đoàn nghiên cứu kỹ những tư tưởng của Lênin về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên và Đoàn Thanh niên cộng sản chắc chắn sẽ có được những chỉ dẫn, gợi ý bổ ích nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên hơn, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn trong công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
_______________
(1) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1977, t. 41, tr. 354.
(2) Sách đã dẫn, tr. 357.
(3) Sđd, tr. 364.
(4) Sđd, tr. 358-359.
(5) Sđd, tr. 373.
(6) Sđd, tr. 372.
(7) Sđd, tr. 378.
(8) Sđd, tr. 376.
(9) Sđd, tr. 375.
(10) Sđd, tr. 375.
(11) Sđd, tr. 377.
Thái Bảo
Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai