Toàn cầu hóa và vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
Toàn cầu hoá nền kinh tế tri thức và công nghệ thông tin không phải là những khái niệm hoàn toàn riêng biệt, mà chúng có mối quan hệ phụ thuộc, hữu cơ với nhau, rất chặt chẽ - hiện tượng này không thể tồn tại nếu không có hiện tượng kia và ngược lại. Vì vậy, người ta cho rằng toàn cầu hoá là một hiện tượng có tác động đến tất cả các tổ chức, cơ cấu chính phủ và các cá nhân, không tính đến các vị trí địa lý của chúng.
Tuy nhiên, giống với khái niệm miêu tả những chuyển biến cơ bản của cơ cấu kinh tế - xã hội của xã hội hiện đại (xã hội kinh tế tri thức), hiện nay có thể nói còn nhiều định nghĩa về “toàn cầu hoá” và chưa có một định nghĩa nào thực sự là hoàn chỉnh. Nên việc phân biệt rõ toàn cầu hoá với những khái niệm và hiện tượng liên quan là rất cần thiết.
Beerkens (2001) có nêu: Cần hiểu toàn cầu hoá là hiện tượng gây rất nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng đó là một bước phát triển cách mạng, có thể làm đảo lộn thế giới và gây ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Có những người lại cho rằng về thực chất chẳng có gì là mới trong nhận thức của chúng ta. Nhóm khác cho rằng tiến trình toàn cầu hoá là tiến trình phát triển, đây thực sự là một tiến trình cần thiết nhưng không mang tính cách mạng...
Luồng tranh luận thứ hai xuất hiện trong rất nhiều bài viết về toàn cầu hoá là câu hỏi tiến trình này có tác động như thế nào đến các mối tương tác xã hội cũng như các tổ chức trên thế giới ngày nay, hay còn được hiểu là: tiến trình toàn cầu hoá có mức độ như thế nào?
Kết quả là đã xuất hiện nhiều định nghĩa, khái niệm.
Qua những định nghĩa, khái niệm nêu trên, có thể rút ra một số điểm cơ bản của “toàn cầu hoá” như sau:
Theo George Modelski, năm 1972 trong tác phẩm Nguyên tắc cơ bản của chính trị thế giới, khi nói tới vấn đề liên minh châu Âu (EU) lôi kéo các nước khác vào một hệ thống thương mại toàn cầu, cho rằng toàn cầu hoá:
Về kinh tế: là quá trình lực lượng sản xuất và quan hệ kinh tế vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia, khu vực, lan toả ra phạm vi toàn cầu (hàng hoá, tiền tệ, thông tin, lao động...) được vận động thông thoáng; sự phân công lao động mang tính quốc tế; mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đan xen nhau, hình thành mạng lưới quan hệ đa tuyến, vận hành theo các “luật chơi” chung được hình thành qua sự hợp tác và đấu tranh giữa các cộng đồng quốc tế. Trong xu thế ấy, các nền kinh tế quan hệ ngày càng mật thiết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau.
Toàn cầu hoá là một hiện tượng có quan hệ mật thiết với các hiện tượng: xã hội tri thức và công nghệ thông tin. Với toàn cầu hoá, bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá, không gian là ít quan trọng, thậm chí không quan trọng...

Toàn cầu hoá là một tất yếu khách quan được bắt nguồn từ các nhân tố sau:
- Theo đà phát triển của sản xuất hàng hoá, lực lượng lao động có xu hướng phá bỏ các hàng rào ngăn cản sự phát triển của nó, sự giao lưu kinh tế dần dần vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của từng nước, miền và khu vực. Thời đại kinh tế thị trường phát triển thì “Đại công nghiệp tạo ra thị trường thế giới”.
- Một nhân tố khác đó là sự phát triển của khoa học-kỹ thuật và công nghệ thông tin. Vào cuối thế kỷ XV-XVI, sự phát triển của các phương tiện hàng hải đã giúp cho hàng hoá vượt được qua các châu lục, đại dương, đường sắt giúp cho châu Mỹ và châu Âu thông thương vào thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX với sự ra đời của điện tín, điện thoại làm cho nền sản xuất vật chất có điều kiện phát triển, đã vượt qua biên giới, lãnh thổ của mỗi quốc gia và khu vực. Đặc biệt, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, hệ thống internet bao trùm toàn cầu đã làm cho quá trình toàn cầu hoá càng trở nên sâu rộng.
- Nền sản xuất phát triển đòi hỏi sự hợp tác, phân công lao động ngày càng sâu. Trong thế giới ngày nay một sản phẩm thường là kết quả của sự hợp tác, phân công lao động trên phạm vi quốc tế. Sự ra đời của của các công ty xuyên quốc gia càng làm cho nền sản xuất mang tính toàn cầu.
- Nhất là sau khi hệ thống các nước XHCN không còn nữa thì việc toàn cầu hoá càng có điều kiện phát triển hơn bao giờ hết, bên cạnh đó các cường quốc công nghiệp phát triển không còn phân chia thị trường thế giới thành những vùng ảnh hưởng rõ rệt như trước mà cùng lúc thâm nhập và cạnh tranh với nhau trên mọi thị trường.
Từ những nhân tố khách quan nêu trên có thể thấy rằng xu thế toàn cầu hoá là một xu thế khách quan tất yếu.

Những tác động tích cực:
Nhìn chung toàn cầu hoá tạo ra khả năng phát huy có hiệu quả nguồn lực trong mỗi nước và sử dụng các nguồn lực của quốc tế theo nguyên lý lợi thế so sánh cho từng nước và từng khu vực.
- Với quá trình toàn cầu hoá, thị trường được mở rộng, sự giao lưu hàng hoá thông thoáng hơn, đây chính là là nhân tố thúc đẩy sản xuất hàng hoá vật chất phát triển.
- Những thành tựu về khoa học-công nghệ được chuyển giao nhanh chóng, ứng dụng rộng rãi giúp cho các nước đi sau có điều kiện tiếp thu và phát triển.
- Với mạng lưới thông tin và vận chuyển được phát triển khắp toàn cầu làm cho giá thành của sản phẩm được hạ đến mức thấp nhất có thể.
- Bên cạnh đó thì chính trị có tính chất tuỳ thuộc lẫn nhau, có lợi cho đấu tranh cho hoà bình và quyền con người, những thành tựu về văn hoá cũng được chuyển tải nhanh chóng hơn, song vẫn có sự phụ thuộc vào các nước lớn.

Những tác động tiêu cực:
Một trong những tác động tiêu cực của toàn cầu hoá phải kể đến các cuộc khủng hoảng, mà bắt đầu thường từ những nước phát triển. Trong đó:
Những tác động tiêu cực của qúa trình toàn cầu hoá là với ưu thế về kinh tế, như “Báo cáo về sự phát triển nhân loại 1999 của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)” đã cho rằng: toàn cầu hoá chỉ phục vụ thiểu số hoặc như tác giả Puyana, chuyên gia hàng đầu của Mỹ cũng khẳng định: “Bức tranh toàn cầu hoá không có gì sáng sủa và điều mà người ta quen gọi là toàn cầu hoá sẽ là: toàn cầu hoá man rợ. Những gì sắp đạt được sẽ là tiền đề cho một quá trình tích luỹ cao, dựa trên sự bóc lột siêu hạng...”.
     Nền kinh tế toàn cầu rất dễ bị chấn thương, dễ lan toả ra trong phạm vi toàn cầu, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính Đông-Nam Á (ASEAN) năm 1997.
     Ngay trong những tích cực cũng có những tiêu cực, thường các nước phát triển hay có những chính sách bảo hộ về giá cả hàng hoá nội địa.
    Toàn cầu hoá kinh tế, khoa học và công nghệ cũng kéo theo những tội phạm xuyên quốc gia, vặn hoá phẩm không lành mạnh... bên cạnh đó việc bảo vệ bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cũng là một trong những vấn đề phức tạp, khó khăn.
- Đặc biệt là suy thoái của nền kinh tế thế giới năm 2008 và đầu năm 2009 vừa qua, một lần nữa đã thể hiện rõ sự bất lực của các chính phủ và tác hại của “toàn cầu hoá” làm lan truyền đến mọi nước, mọi ngóc ngách trên toàn thế giới, thể hiện rõ những nhược điểm của quá trình “toàn cầu hoá” trên thế giới hiện nay, trong đó phải kể đến khả năng lãnh đạo, quản lý không theo kịp xu hướng vận động của quá trình “toàn cầu hoá”.
Theo Roger C. Altman, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Evercore Partners, thì:
“Cuộc khủng hoảng vừa qua cũng đã phơi bày những điểm yếu trong Liên minh châu Âu (EU). Sự bất đồng về kinh tế đang gia tăng khi ba quốc gia mạnh nhất EU là Pháp, Đức và Anh đã không đạt được thỏa thuận trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng này và đã khước từ những lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp của các nước Đông Âu..., đặc biệt là của Hy Lạp gần đây...
Việc thiếu sức mạnh và đoàn kết như vậy ở phương Tây không hề thích hợp chút nào vào lúc này bởi vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ làm gia tăng sự bất ổn về địa chính trị.
Những quốc gia đã thu lợi lớn nhờ giá dầu tăng mạnh và ngược lại những nền kinh tế vốn đã bất ổn như Pakistan có thể sẽ bị suy sụp. Và tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng mạnh ở nhiều nước châu Phi. Qua các sự kiện trên, đã thể hiện về một thế giới đã suy giảm sự liên kết giữa các quốc gia trong thời gian qua...” (Bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 7 - 8/2009).
Qua những yếu tố tích cực và tiêu cực nêu trên, liên hệ với những cuộc biểu tình của đông đảo người dân lao động trên thế giới để phản kháng mỗi khi có những cuộc hội thảo như diễn đàn kinh tế thế giới ... là điều tất yếu xảy ra. Và nhiều quốc gia (trong đó có cả những nước có nền kinh tế phát triển-Ấn Độ,... là nước được thừa nhận có nền kinh tế phát triển, nhưng vẫn chưa ra nhập WTO) vẫn đứng ngoài sự vận động của quá trình “toàn cầu hoá”.

Tác động của toàn cầu hoá đến quản lý nguồn:

 Khái niệm nguồn hay còn gọi là “nguồn lực”, có thể được hiểu như sau:
“1. Tất cả những quà tặng của thiên nhiên như đất đai, rừng, mỏ... chúng thường được gọi là nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Nguồn nhân lực cả về trí tuệ và thể chất, do có sẵn hay đạt được. Các nhà kinh tế học gọi đó là nguồn lao động.
3. Những nguồn hỗ trợ cho con người tạo ra nhằm phát triển sản xuất như công cụ lao động, máy móc, thiết bị ... được gọi chung là vốn đầu tư”. (Giới thiệu về một nền kinh tế ổn định, Weidenfield và Nicolson, 1963, tr.38).

Có thể nói những tích cực và tiêu cực nêu trên của toàn cầu hoá đã tác động rất lớn đến việc quản lý nguồn của từng nước, từng khu vực..., khi các nước công nghiệp phát triển cũng cần thị trường, nguồn lao động, tài nguyên.. của các nước đang phát triển và chậm phát triển để phục vụ lợi ích cho mình, thì ngược lại các nước chậm phát triển lại cần đến vốn, khoa học công nghệ cũng như trình độ quản lý tiên tiến của các nước phát tiển. Vì vậy, không ít trường hợp họ phải thoả hiệp, tính đến yêu cầu của những nước kém phát triển. Như vậy, để chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các nước nói chung và tổ chức của chúng ta nói riêng đều bị ảnh hưởng ít nhiều và phải chú ý đến quản lý nguồn lực và việc xây dựng các giải pháp về phát triển nguồn lực.

Tác động của toàn cầu hoá đến quản lý nguồn lực của tổ chức chúng ta

Tham khảo mô hình Trung Quốc, ta thấy chỉ có Trung Quốc là thắng thế. (Với mô hình kinh tế-chính trị của riêng minh, Trung Quốc xem như phát triển "bình ổn vô sự" trong tời gian qua, giúp vị thế Trung Quốc tăng lên trên bản đồ thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tuy có chậm lại nhưng vẫn diễn ra với tốc độ cao. Trung Quốc đã thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay). Tăng trưởng của Trung Quốc có giảm nhưng giờ đây có thể đang tăng trở lại. Mô hình phát triển riêng biệt của Trung Quốc dường như đang giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế một cách hiệu quả. Và xét về dự trữ ngoại hối ước tính 2.300 tỷ USD của nước này thì không nước nào giàu hơn. Ngược lại với phương Tây đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thì Trung Quốc lại đang khẳng định vị thế của mình. Trung Quốc là quốc gia nghèo về nguồn lực, Ban lãnh đạo của Trung Quốc nhận thức rõ điều này, nên Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài, vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như mua nguồn cung cấp dầu tương lai từ Nga và Venezuela...
Đối với Việt Nam, nhắc đến cơ quan quản lý nhà nước là người ta nói đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, là nguồn nhân lực sẽ bị toàn cầu hoá tác động, chi phối như thế nào và công tác xây dựng đội ngũ công chức này tới đây sẽ ra sao?
Theo chúng tôi:
- Với thời đại khoa học và công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì nguồn nhân lực của mỗi quốc gia nói chung và của một tổ chức nói riêng sẽ rất dễ bị lạc hậu, thậm chí có thể rơi vào tình trạng khô cứng và đóng băng.
- Việc toàn cầu hoá tạo thuận lợi cho mỗi quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi mỗi đất nước, mỗi tổ chức của ta (nhất là ta là một trong những nước chậm phát triển) phải làm sao tiếp cận được với khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, mạng toàn cầu..., tranh thủ được nguồn vốn của nước ngoài, nhưng không được để phụ thuộc và mất đi bản sắc của mình. Đồng thời phải phát huy lợi thế so sánh của quốc gia, của tổ chức mình. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, với hơn 86 triệu dân hiện nay và cơ cấu tuổi của người Việt Nam là trẻ; hằng năm tốc độ tăng dân số là 2,3%, trong khi độ tuổi lao động tăng 3% đã tạo áp lực cho xã hội về vấn đề việc làm hằng năm... (Theo Tổng cục Thống kê năm 2009).
Từ những đặc điểm trên, có thể đưa ra một số giải pháp xây dựng nguồn nhân lực như sau:
Tổ chức một môi trường xã hội học tập, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ công chức có ý thức và điều kiện học tập (cả ở trong và ngoài nước), nâng cao nhận thức và tiếp cận được những thông tin mới nhất về tiến bộ của khoa học-công nghệ, cũng như sự biến đổi từng ngày, từng giờ của các khu vực trên thế giới.
Khai thác lợi thế về nguồn nhân lực trẻ dồi dào, quyết liệt xây dựng đội ngũ người lao động có tay nghề cao; đào tạo, phát huy nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu đặt ra của nhiều nước đang thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển.
Lựa chọn các dự án đầu tư và chủ động kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cần có khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao (nhất là những nước phát triển), trong đó chú ý việc chuyển giao công nghệ mới. (Hiện nay, việc Ban Tổ chức Trung ương tuyển chọn những cán bộ trẻ, ưu tú, có đạo đức, năng lực để đưa đi đào tạo ở nước ngoài theo từng ngành, từng lĩnh vực là một chủ trương đúng đắn, cần tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả).
Với phương châm tôn trọng chủ quyền và cùng có lợi chúng ta luôn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, tranh thủ mọi nguồn lực của bạn bè năm châu, cũng như phát huy sự đoàn kết trong tổ chức với phương châm học hỏi, cầu thị để đạt những mục tiêu của tổ chức mình đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất