Năm Tân Mùi 1931
Thông qua tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh, công tác tổ chức xây dựng đảng trong năm 1931 chú trọng lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng, đồng thời xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng. Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng (từ 12-3 đến 1-4-1931) đã yêu cầu các xứ ủy phải chỉnh đốn đội ngũ, mở các lớp huấn luyện chính trị để tiếp tục đào tạo lớp cán bộ chỉ huy mới cho Đảng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, giữ nghiêm kỷ luật đảng. Mở rộng tổ chức ở những nhà máy, xí nghiệp quan trọng, các mỏ và đồn điền. Chú trọng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên.
Khi mới thành lập, Đảng chỉ có 50 chi bộ với hơn 200 đảng viên, đến tháng 4-1931 đã có 250 chi bộ với hơn 2.400 đảng viên. Các tổ chức quần chúng cách mạng như Công hội, Nông hội, Phụ nữ Liên hiệp hội, Hội Cứu tế Đỏ... do Đảng lãnh đạo lần lượt ra đời. Ngày 26-3-1931 Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương được thành lập. Các phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ ở nhiều vùng trong cả nước, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, kẻ thù đã tiến hành khủng bố trắng, đàn áp, bắn giết, bỏ tù, tra tấn dã man những người cộng sản. Công tác tổ chức của Đảng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn, vừa tập trung bảo tồn lực lượng cách mạng, bảo vệ Đảng, khôi phục hệ thống tổ chức, tiếp tục phát triển đảng viên và các đoàn thể quần chúng, vừa đấu tranh chống khủng bố của địch.
Năm Quý Mùi 1943
Công tác tổ chức chú trọng kiện toàn thống nhất bộ máy của Đảng, gấp rút đào tạo cán bộ, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ quân sự. Tổ chức cho nhiều cán bộ, đảng viên vượt ngục. Phát triển và củng cố Mặt trận Việt Minh, xây dựng, củng cố và mở rộng các khu căn cứ địa. Từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, Ban Thường vụ Trung ương họp tại Võng La (Đông Anh) đã bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ cấp thiết lúc này là củng cố Đảng, ra sức tổ chức chi bộ xí nghiệp, chú trọng kết nạp đảng viên mới, khai trừ những phần tử cơ hội, hủ hóa, lợi dụng, không phát huy vai trò tiên phong ra khỏi Đảng. Nâng cao tinh thần kỷ luật đảng, tăng cường công tác tự phê bình trong Đảng, nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ, giải tán những chi bộ quá yếu. Tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ từ 11 đến 13-11-1943 xác định củng cố Đảng là việc mấu chốt, tích cực mở lớp nghiên cứu cho các ban cán sự tỉnh. Các ban cán sự tỉnh huấn luyện cán bộ cấp dưới. Các địa phương phải đặt kế hoạch, phương pháp củng cố Đảng phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Tổ chức tốt hệ thống giao thông liên lạc.
Năm Ất Mùi 1955
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ nước ta tạm thời chia làm 2 miền: Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam bị thống trị của chế độ thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa II) họp tháng 3-1955 đã nhận định: Qua 9 năm kháng chiến, Đảng ta đã được rèn luyện và trưởng thành. Sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức đều có tiến bộ rõ rệt. Lúc này, công tác tổ chức xây dựng đảng tập trung vào việc tiếp quản Thủ đô và các vùng mới giải phóng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, chống cưỡng ép di cư, tiếp nhận và trao trả tù binh; đón tiếp, tổ chức học tập và bố trí công tác cho số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết. Chú trọng khôi phục kinh tế và ổn định đời sống sau 9 năm kháng chiến ác liệt. Ở miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy khu V tích cực chuẩn bị cuộc đấu tranh mới, tổ chức mạng lưới giao liên, chôn giấu vũ khí, bố trí lực lượng tập kết ra Bắc, sắp xếp lại bộ máy các cấp và điều chỉnh cán bộ, bảo đảm chuyển hướng cuộc đấu tranh sang những hình thức thích hợp để vừa giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, vừa đấu tranh với địch đòi chúng phải tôn trọng và thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Năm Đinh Mùi 1967
Công tác tổ chức của Đảng đã chuyển hướng phục vụ việc hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu và chi viện cho miền Nam. Kiện toàn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, các cấp và của các tỉnh, thành ủy. Điều động cán bộ tăng cường cho các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ban Tổ chức Trung ương và cơ quan tổ chức các ngành, các cấp đã kết hợp chặt chẽ với Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, điều động, tăng cường cán bộ, chiến sỹ vào tham gia chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam, phát triển giao thông vận tải, tổ chức tiếp đón nhiều cán bộ, chiến sỹ miền Nam ra Bắc chữa bệnh, học tập... Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt”, nâng cao vai trò lãnh đạo của các huyện ủy theo Nghị quyết 136-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở các xí nghiệp. Chỉ đạo tổ chức đại hội đại biểu đảng bộ ở các huyện, thị xã, khu phố (thành phố lớn) đạt nhiều kết quả tích cực. Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, cải tiến tác phong công tác, tăng cường công tác vận động quần chúng.
Năm Kỷ Mùi 1979
Trước yêu cầu cấp thiết phải khắc phục khủng hoảng kinh tế kéo dài, cùng với những đổi mới bước đầu về nhận thức, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đã tăng cường đi sát cơ sở, tổng kết thực tiễn. Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (khóa IV) ngày 20-9-1979 đã ra Nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ cấp bách” nhằm “tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ do các Hội nghị Trung ương lần thứ 4 và thứ 5” đã đề ra. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ ban hành một số nghị định, từng bước tạo sự đổi mới về tư duy kinh tế. Về công tác cán bộ, đảng viên, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW (tháng 6-1978), công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng đẩy mạnh. Đến tháng 5-1979 đã có 24 bộ, ban, ngành ở Trung ương xây dựng xong quy hoạch cán bộ cấp cao. Bước đầu quan tâm đưa vào quy hoạch một số cán bộ quản lý trẻ, cán bộ là công nhân, phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Gắn quy hoạch cán bộ với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ đảng viên tiếp tục được chỉnh đốn, tăng cường kiện toàn tổ chức trong hệ thống chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, khắc phục khó khăn về kinh tế, đời sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm Tân Mùi 1991
Năm diễn ra Đại hội VII của Đảng. Công tác tổ chức xây dựng đảng đã tập trung chỉ đạo thực hiện lấy phiếu thăm dò tín nhiệm và giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa tới. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, thực hiện tốt việc góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội VII của Đảng và bầu cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Kiểm điểm, xử lý, kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm, rà soát, đánh giá lại cán bộ, bố trí nhân sự chủ chốt một số ban, ngành, đơn vị.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng tiến hành từ ngày 24 đến ngày 27-6-1991. Về công tác tổ chức xây dựng đảng, Đại hội chỉ rõ: “Để lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta phải tự đổi mới và chỉnh đốn để có kiến thức, năng lực và sức chiến đấu mới, khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và các mặt yếu kém, khôi phục và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân. Đảng phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Đại hội bầu BCH Trung ương mới gồm 146 ủy viên. BCH Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí, bầu đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư. Đồng chí Lê Phước Thọ, ủy viên Bộ Chính trị được cử làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Năm Quý Mùi 2003
Công tác tổ chức xây dựng đảng được triển khai toàn diện, trong đó đã luân chuyển một số cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Trung ương quản lý về địa phương công tác. Nhiều địa phương đã thực hiện luân chuyển cán bộ một cách mạnh mẽ, tiến hành đồng bộ, chú trọng đưa cán bộ về cơ sở để rèn luyện với nguyên tắc cán bộ dự nguồn cấp trên phải kinh qua cán bộ chủ chốt cấp dưới. Cấp ủy các cấp tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, quan tâm đổi mới công tác quy hoạch cán bộ theo phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo từng loại đối tượng. Đã mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; tổ chức các đoàn cán bộ cơ quan đảng, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài.
Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, các ban đảng, đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, đảng bộ khối cấp tỉnh, tổ chức đảng trong đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, trong khối doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt. Kiện toàn tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị trong thời kỳ mới; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các trường đoàn thể ở Trung ương. Tích cực sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ 18 loại hình cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước, xã, phường, thị trấn, đơn vị hành chính sự nghiệp, các loại hình doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, liên doanh với nước ngoài, trong quân đội, công an trình Ban Bí thư. Ban hành và triển khai hướng dẫn mới về phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; về thi bí thư chi bộ giỏi. Cấp ủy các cấp chú trọng làm tốt công tác tham mưu về nhân sự thường xuyên; kiểm tra công tác cán bộ theo Chương trình kiểm tra số 90 của Bộ Chính trị; chuẩn bị nhân sự cho bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009.
Bá Thắng (sưu tầm)