Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khép lại hơn hai thập niên đấu tranh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH. Một trong những nhân tố làm nên thắng lợi vĩ đại ấy, chính là đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là sự bất hòa, thậm chí có cả khuynh hướng thỏa hiệp vô nguyên tắc giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, kẻ thù của chúng ta là một đế quốc có tiềm lực vật chất, vũ khí, kỹ thuật đứng hàng đầu thế giới. Chúng âm mưu xâm chiếm miền Nam tiến tới xâm chiếm cả Việt Nam nhằm ngăn “làn sóng đỏ” cộng sản đang lan tràn xuống khu vực Đông Nam Á, đồng thời thực hiện chia rẽ Bắc - Nam, chia rẽ phe XHCN. Cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược trở thành “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa hai hình thái kinh tế xã hội, cuộc đọ sức điển hình và vô cùng quyết liệt giữa một bên là lực lượng cách mạng và bên kia là lực lượng phản cách mạng. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của mình. Đường lối đó phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và ý chí quyết tâm của nhân dân ta, dân tộc ta, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, con người Việt Nam và đi đúng xu thế tiến bộ của nhân loại. Vì vậy, đường lối kháng chiến được nhân dân ta hưởng ứng mạnh mẽ ngay từ đầu, tạo nên sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, phát huy sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc kháng chiến, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp - “vũ khí” bách chiến, bách thắng để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Từ sức mạnh đó, một mặt chúng ta tập trung phát triển tiềm lực của chính mình, mặt khác thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, mà trước hết là sự đồng tình ủng hộ và đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào – Căm-pu-chia anh em trên bản đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quý báu chí tình, chí nghĩa của các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cu-ba...
Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sắc sảo, sáng tạo, trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”. Đến 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo Sự thật của Liên Xô: “Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi Đảng Cộng sản... và những vấn đề được đề ra cho đảng này hoặc đảng khác tuyệt nhiên không phải là việc riêng của mỗi đảng mà có quan hệ thiết thân đến toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế”. Với tầm nhìn chiến lược ấy, Người giải thích với bạn bè quốc tế rằng: “Việc dân tộc Việt Nam phải vạch ra những phương pháp và biện pháp riêng của mình để chống âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai hòng vĩnh viễn chia cắt đất nước cũng như để quá độ dần dần lên CNXH là điều thật rõ ràng, nhưng lúc này thì sự đoàn kết thực sự của phe XHCN và của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với chúng tôi cũng cần thiết không kém gì hồi kháng chiến chống Pháp”.
Đảng ta bên cạnh nhấn mạnh sự tăng cường đoàn kết quốc tế, đặc biệt coi trọng tính độc lập, tự chủ, tự lực trong xác định chủ trương, đường lối kháng chiến của mình. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 tháng 7-1973 đã khẳng định: “Nhờ thực hiện đoàn kết quốc tế đến mức cao nhất và giữ vững độc lập tự chủ trong đường lối, chủ trương, chính sách của mình, khi tình hình thế giới thuận lợi cũng như lúc khó khăn, phức tạp, chúng ta đã được các nước XHCN anh em, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào độc lập dân tộc và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ và giúp đỡ, trong đó sự giúp đỡ của các nước XHCN là cực kỳ quan trọng”. Để tăng cường đoàn kết quốc tế, Đảng ta chủ trương tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, tận dụng mọi nhân tố tích cực có thể tận dụng được, hoan nghênh mọi sáng kiến vì hòa bình, kiên quyết một cách có nguyên tắc, đồng thời khôn khéo, mềm dẻo, kiên trì thuyết phục nhằm hạn chế những nhân tố tiêu cực trong quan hệ quốc tế.
Bên cạnh tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bè bạn năm châu, đường lối độc lập, tự chủ gắn liền với sự sáng tạo trong việc hoạch định đường lối và chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng ta thể hiện đậm nét trong các nghị quyết: Đại hội lần thứ III của Đảng, Nghị quyết trung ương 11, 12, Nghị quyết 21 - nguồn gốc tạo nên sức mạnh của cả dân tộc: sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc là nhân tố quyết định nhất đối với cách mạng cả nước cộng với nhân tố quyết định trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam đã tập hợp sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng, quyết tâm quy tụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc toàn thắng quá trình “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Cả nước tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam giai đoạn mới: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để làm tốt cả hai nhiệm vụ chiến lược này, nhất là trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực và quyết tâm cao. Bên cạnh giữ vững ổn định về chính trị, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và đối ngoại, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân... theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta còn phải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bằng cả nội lực và hợp tác quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, xóa bỏ thành kiến, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện trên tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thanh viên có trách nhiệm trong cộng động quốc tế”.
Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay cộng với bốn nguy đang là mối đe doạ đối với cách mạng Việt Nam, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẫn là cơ sở, bệ đỡ vững chắc để dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, thực hiện đại đoàn kết 54 dân tộc anh em trong một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, khắc phục mọi khó khăn, đưa đất nước bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN sự lãnh đạo của Đảng. Đây vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Gần 40 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế - điều kiện để ta tranh thủ ngoại lực, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu vào thế giới. Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại được Đảng và nhân dân ta tiếp tục kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, kết thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo điều kiện củng cố vững chắc độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại uý
Lê Anh XuânHệ sau đại học
Học viện Chính trị- Bộ Quốc phòng